Thứ Tư, 02/10/2024 21:30 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 11)
Thứ Ba, 01/07/2008 11:00 SA

(Tiếp theo kỳ 10)

 

Hai-dang-080701.jpg

Ngọn hải đăng tại đảo An Bang - Ảnh: VŨ VĂN THOẠI

Đối với Phú Yên, mặc dù Đoàn đại biểu do Tỉnh ủy cử đi thăm cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa lần này số lượng không lớn, tất cả chỉ 13 đồng chí, nhưng thành phần thì cũng tạm ổn. Đoàn có đại diện của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và nhất là có sự tham gia của cán bộ lãnh đạo và phóng viên của các cơ quan báo chí: Nguyên Lưu - Báo Phú Yên, Trình Kế - Đài phát thanh, chị Tô Hà - Phó giám đốc và các phóng viên Hữu Viên, Thanh Nhã, Văn Giang – Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên. Với chừng đó con người, chừng đó nhân lực. Thế nhưng đoàn đại biểu Phú Yên cũng rất mừng là đã hoàn thành nhiệm vụ, trong đó, các phóng viên báo chí, cả báo nói, báo viết, báo hình cũng đã hết lòng với công việc. Nhiều khi anh em phải liều lĩnh “xé rào” quyết có mặt ở chuyến thứ nhất hoặc ít ra cũng là chuyến thứ hai, khi các thuyền nhỏ đưa các đại biểu từ tàu lớn vào đảo, để anh em chủ động chuẩn bị cho tác nghiệp. Nhờ đó mà kể từ khi quay trở lại đất liền, nhiều thông tin  của các anh nhanh chóng được lan tỏa. Từ ký sự nhiều kỳ của Nguyên Lưu, Trình Kế, đến những hình ảnh đầy sức thuyết phục trong các phóng sự, bản tin của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, kéo dài trên dưới một tháng, đã để lại cho người xem, người nghe khá nhiều ấn tượng. Riêng tôi, khi thấy Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên phát phóng sự nói về tổ hậu cần, tổ anh nuôi trên con tàu HQ 996, thì tôi thực sự  xúc động. Tôi không ngờ là anh em bên truyền hình lại làm một phóng sự có nhiều ý nghĩa đến mức như vậy. Bởi tôi nghĩ, thành công của chuyến đi, ngoài những yếu tố có tính quyết định như công tác lãnh đạo, chỉ huy, sự nỗ lực hết mình của tổ lái, sự tận tình của đội phục vụ đưa đón đại biểu… Thì không thể không nói đến với lòng trân trọng đặc biệt đối với  bộ phận phục vụ. Họ lo cái ăn, cái uống hàng ngày cho hàng trăm con người tham gia chuyến đi, mà sức khỏe mỗi người, yêu cầu ăn uống của mỗi người thì muôn hình, vạn trạng. Với tôi điều đó, lại càng đặc biệt. Vì rằng, với sức khỏe như thế này, với bệnh đau như thế này, mà nếu không có sự giúp đỡ của các anh em trong đoàn mình, như: Hòa An, Đức Thuận, Hoàng Thành, Hồng Thái, Kiều Hưng, Trình Kế… và hơn thế nữa nếu không có sự chăm sóc, tôi gọi là sự chăm sóc, mà là sự chăm sóc hết sức tận tình, hết sức chu đáo của tổ anh nuôi trên tàu mà trực tiếp là đồng chí Tổ trưởng Phạm Ngọc Nam, thì tôi khó lòng vượt qua những ngày tuy ngắn ngủi nhưng cực kỳ “ác liệt” ấy.

 

Riêng tôi, như trên đã nói, lúc đầu khi chuẩn bị cho chuyến đi, tình thật là tôi không dám nghĩ đến việc là ghi lại cái gì, viết cái gì như những ngày qua tôi đã thể hiện, mà chỉ nghĩ đơn giản rằng, làm sao mình có mặt được trên quần đảo Trường Sa, nhìn thấy được anh em lính tráng của mình họ sống ra sao, họ ăn, họ ở, như thế nào?  Và nhất là tò mò một chút, âm thầm, lặng lẽ một chút, liếc qua, liếc lại  một chút để “xem xem” ta chuẩn bị cho quyết tâm “sẵn sàng” chiến đấu ấy đến mức nào. Đấy, chỉ mong được chừng ấy thì cũng đã toại nguyện lắm rồi. Vì thế ngay từ khi chuẩn bị đến ngày lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh, trong ba lô không hề có quyển sổ tay và thậm chí cũng không có cây bút. Thế nhưng khi đến thành phố, gặp gỡ các đoàn, rồi  thấy anh em người mua thêm cái này,  người sắm thêm cái khác… Tự nhiên, cái không khí ấy nó cứ mỗi lúc một khẩn trương lên, mỗi lúc một háo hức lên… Đến khi đó tôi mới nghĩ, kiểu này chắc phải nhờ Huyền mua cho một quyển sổ và cây bút để có  mà ghi, có mà viết và Huyền đã thực hiện. Ý định thì cũng chỉ tới mức như vậy. Thế nhưng, kể từ 9hkém15’ sáng ngày 02/5/2008, khi tháp tùng cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh, Trưởng đoàn các tỉnh và lãnh đạo một số cơ quan báo chí Trung ương như Báo An ninh thế giới, Báo Tài chính Quân đội bước lên con tàu giữa cái không khí vừa trang trọng vừa háo hức ấy làm cho tôi ngay lập tức nảy ra ý định là viết. Và  thế là tôi bắt đầu viết kể từ khi con tàu HQ 996 nhổ neo rời cảng Ba Son lúc 10h5'.

 

Có một điều rất lạ, là không biết vì sao, lúc ở trên tàu, điều kiện sóng gió là thế, tình hình sức khỏe, ăn, ngủ, thất thường là thế, mà mỗi lần cầm cây viết lên, bất cứ lúc nào để viết, thì cứ thế mà viết, cứ thế mà cảm xúc dâng tràn… Những lúc như vậy tôi rất sợ bị say để phải dừng viết. Bây  giờ ngẫm lại, tôi nghĩ có lẽ cái tình cảm đối với người lính nói chung và đặc biệt đối với người lính đang đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến đấu, để bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, từ lâu đã âm thầm ngấm sâu vào máu thịt của tôi,  âm thầm ngấm sâu vào suy nghĩ, vào quan niệm sống của tôi… Chính vì thế nên khi chạm vào niềm xúc cảm ấy, tự nhiên trong lòng bùng lên niềm mến thương và sự thán phục khó tả. Bởi thế mà kể từ khi con tàu xuất phát, đến lúc con tàu tới gần và rồi vào được Trường Sa Lớn… Rồi tiếp sau đó là Đá Tây, Phan Vinh, Tiên Nữ, An Bang và đặc biệt là Quế Đường… Tất cả đối với tôi, lúc nào cũng tràn ngập xúc cảm. Cái cảm xúc bật lên thành từ, thành ngữ. Và rằng  trong những ngày đó kỳ thực, bất kỳ nhìn ở đâu, nhìn cái gì, từ luống rau xanh, đến quả bầu, quả bí, từ kè chắn sóng đến bãi san hô, từ hầm hào, công sự đến thùng nước ngọt dự trữ, từ bữa cơm bộ đội đến những lá thư nhà… Tất cả, tất cả như là những tư liệu biết nói, như được kết tinh, như đều thấm đẫm biết bao mồ hôi công sức của biết bao người… Chính vì thế mà nghẹn ngào, mà trào dâng xúc cảm.  Còn ngay bây giờ đây, trước mắt mình đây, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có biết bao những người mình đã gặp và biết bao những người  mình chưa được gặp, họ đã bằng những hành động cụ thể, dám xa gia đình, xa người thân, xa người yêu, xa bạn bè, chấp nhận hy sinh, chấp nhận  gian khổ. Họ đã tình nguyện đến những nơi xa nhất, khó khăn nhất, nhiều gian nan, thử thách nhất… để góp một phần nhỏ bé của mình cùng giữ quê hương, cùng giữ đất nước…. Mà tôi nghĩ rằng chắc chắn họ không bao giờ đòi hỏi gì nhiều hơn cho mình trong điều kiện ấy. Tôi nghĩ, bao nhiêu đó, và cũng chỉ bao nhiêu điều đó thôi, cũng đủ để cho tất cả chúng ta kính trọng và mến yêu người lính, mà nhất là người lính đảo đến như thế nào!!!.

 

Thật vậy, tôi và tất cả anh em trong đoàn đã gặp những người lính  như thế và cả những người không phải là người lính, nhưng cuộc sống của họ không khác gì so với người lính trên các đảo. Họ là những người  đang công tác tại các Trạm khí tượng - Hải văn, tại các Trạm Hải đăng  mà những cơ sở đó, có cái được xây dựng ngay trên đảo… Còn một số trạm nữa, do điều kiện cụ thể, buộc phải nằm ở rất xa các đảo, do vậy mà rất tiếc chúng tôi không thể gặp được. Chỉ riêng trên đảo An Bang thôi, nơi có ngọn Hải đăng cực đẹp, lại là nơi mà người Trạm phó có cái tên rất dễ nhớ là Bùi Văn Tiếp, với hơn 17 năm trụ vững trên cương vị này, cùng với đảo, sống chết với đảo đã là một sự kiện đáng nhớ.

 

Anh Tiếp vui, rất vui, nhìn anh mà mình cứ thấy vui lây. Anh đặc biệt khỏe, rắn chắc. Anh đang ngồi nhặt rau với anh em để chuẩn bị  cho bữa cơm trưa của trạm.  Trong không khí thân mật anh em trong Đoàn có hỏi anh rằng, chúng tôi được biết là anh đã trụ vững trên cương vị Trạm phó Hải đăng ngay trên đảo An Bang này đã 17 năm rồi, không biết anh có dự định khi nào chia tay với “sóng gió Trường Sa” không ? Thì được anh cười rất tươi và nói: Tôi đã có thâm niên đến những 17 năm trên An Bang, tính về số năm thì thật là ít, nhưng nếu tính ra ngày thì cũng là con số ít người ngờ tới. Bởi cái thâm niên ấy mà thậm chí tôi còn biết rất rõ rằng, gió, sóng đang đổi hướng, đổi chiều, sẽ là cái gì sắp diễn ra của trời biển đấy. Song, như các anh hỏi, với tôi, chừng nào Đảng, Nhà nước và cơ quan còn cần là tôi còn vui vẻ, yên tâm phục vụ…

 

Vẫn còn,  còn nhiều nữa, còn nhiều lực lượng nữa đang có mặt trên khu vực quần đảo, nhưng suốt tháng, suốt năm họ không có mặt trên đảo mà chỉ sống trên các con tàu di động. Ở đó, trên các con tàu đó, họ cũng tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn như bộ đội, họ cũng có cải xanh, cải bẹ, cũng hành, cũng ớt… thậm chí họ còn “chơi” cả bon sai, cây cảnh  nữa đấy… “Chức trách” của họ là “nghiên cứu” hệ sinh thái biển, “nghiên cứu” nhiều đề tài khoa học liên quan đến biển. Rất may là vào một buổi sáng đẹp trời trước đảo Đá Tây, con tàu “đặc biệt” ấy lại cặp sát vào tàu ta để giao lưu, để tâm sự. Các thủy thủ trên chiếc tàu “nghiên cứu” này còn chuyển cho tàu ta cá ơi là cá… Cá đủ loại, tươi roi rói, đủ màu, đủ sắc, đủ kích cỡ, mỗi con trong tầm từ 3 đến 5 ký. Thực tình rất nhiều loại cá ở đây đối với tôi từ nhỏ đến lớn cũng chưa từng được thấy. Còn riêng cái khoản anh em đại biểu trên tàu HQ 996 trong chuyến đi này, không phân biệt ai, hễ tàu neo đậu ở bất kỳ điểm nào, ban ngày hay ban đêm thì ngay lập tức, các anh, kể cả các chị có mặt  ngay trên hành lang tàu ở tầng hai để thả câu, bắt cá. Trời đất, không biết làm sao mà cá nhiều đến thế, chỉ cần thả câu một lát thôi là có thể bắt được khối cá. Nào hồng, nào ngừ, nào mú, nào sảnh… Khi thấy các anh, các chị câu được nhiều quá, tôi cứ nghĩ nếu tàu không thả neo ở đây, có lẽ mấy “chú” mấy “cô” cá chắc còn được sống dài dài.

 

Có một câu chuyện nữa cũng thật thú vị xung quanh chuyến thăm Trường Sa lần này, là cả Phú Yên và Hải Dương cùng trên con tàu, cùng trên hành trình ra thăm quần đảo. Đoàn Hải Dương cũng hơn mười đồng chí do chị Phạm Thị Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn. Ngay từ chiều ngày 01/5, hai đoàn đã chào nhau rối rít. Anh em có hẹn là trong mấy ngày tới, lúc nào thấy thuận lợi thì tổ chức giao lưu ngay trên tàu. Và  thế là, lại một sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa, đó là khi Ban lãnh đạo chuyến đi quyết định tổ chức liên hoan nhân kỷ niệm lần thứ 53 năm ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam ngay trên boong tàu, chiều ngày 7/5/2008, thì cũng là lúc anh em Hải Dương câu được con cá hồng khá to, đâu khoảng gần 10 cân. Lúc đó, chị Hải, Trưởng đoàn Hải Dương thông báo đề nghị hai đoàn ta kết hợp tổ chức giao lưu luôn. Đồng ý ngay. Cuộc giao lưu có nhiều ý nghĩa diễn ra sau đó. Rất tiếc là đang lúc cao trào,  thì  mưa to, gió lớn đột ngột ập đến, vì thế mà tất cả cùng hô lớn, trước mặt ai có cái gì là bưng cái ấy…rời khỏi boong tàu càng nhanh càng tốt. Kể cũng tiếc thật. Cuộc vui sau đó cũng được gầy lại ở phòng sinh hoạt của các chiến sỹ Hải quân trên tàu và đến khoảng hơn 21h30’ một chút, cuộc giao lưu tạm thời kết thúc… Lại những hẹn hò kế tiếp.

 

nhat-rau-080701.jpg
Đồng chí Bùi Văn Tiếp người có thâm niên 17 năm trên trạm Hải Đăng An Bang - Ảnh: TRÌNH KẾ

 

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ câu chuyện khi tham gia cuộc chỉnh huấn lớn tại vùng căn cứ của tỉnh, trước khi mở màn chiến dịch xuân hè 1972. Tại cuộc chỉnh huấn này, đồng chí lãnh đạo hội nghị có đọc một bức thư đầy tình nghĩa của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương gởi đến Đảng bộ và nhân dân Phú Yên kết nghĩa, trong đó có một đoạn mà tôi không thể nào quên được đó là: Cán bộ, đảng viên và bà con ngoài này qua điện đài, qua tin tức, từng giờ, từng phút  theo dõi cuộc chiến đấu của bà con mình trong đó, cùng chia vui khi nghe tin chiến thắng, cùng chia buồn khi trong đó gặp tổn thất, khó khăn.

 

Với khẩu hiệu tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì quê hương Phú Yên kết nghĩa, chúng tôi nguyện làm hết sức mình để góp một phần nhỏ của mình giải phóng quê hương Phú Yên, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Chúng tôi mong rằng bà con mình trong đó đặt hết niềm tin đối với bà con ngoài này.

 

Nhân đây chúng tôi cũng xin được thông báo để các đồng chí và bà con trong đó biết là ngay từ bây giờ ngoài việc phải tiếp tục chi viện cho miền Nam, cho Phú Yên kết nghĩa, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương cũng đang ra sức chuẩn bị về cơ sở vật chất, để ngay khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, quê hương Phú Yên được hoàn toàn giải phóng thì Đảng bộ và bà con ngoài này sẽ đưa những cái đã chuẩn bị vào giúp cho bà con trong đó, để bà con trong đó sớm khắc phục hậu quả chiến tranh, bù đắp những mất mác, thương đau mà bà con trong đó đã từng gánh chịu… Và đúng như vậy, trong suốt những năm chiến tranh, Hải Dương đã hết lòng vì Phú Yên, đã hết lòng vì miền Nam ruột thịt. Hàng ngàn người con Hải Dương có mặt trong các đơn vị chiến đấu trong những năm từ 1965 đến 1975, tất cả đều chung sức, chung lòng, đồng cam cộng khổ, anh dũng chiến đấu và nhiều đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Phú Yên thân thương này.

 

Nhân kỷ niệm 25 năm giải phóng Phú Yên (1975-2000), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đã quyết định xây dựng tấm bia tưởng niệm mang dòng chữ: “Nơi đây yên nghỉ các anh hùng liệt sỹ, những người con của quê hương Hải Dương kết nghĩa và của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã anh dũng chiến đấu hy sinh, vì sự nghiệp cao cả là giải phóng Phú Yên, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên mãi mãi khắc ghi công lao và sự hy sinh oanh liệt của các đồng chí”.

 

Tấm bia tưởng niệm được đặt trang trọng tại khu vực trung tâm nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, thôn Đông Tác, phường Phú Đông, huyện Đông Hoà và nhân dịp đoàn Đại biểu Hải Dương vào dự lễ kỷ niệm 25 năm giải phóng Phú Yên.  Hải Dương cùng với Phú Yên chính thức khánh thành tấm bia tưởng niệm.

Từ đó đến nay, tất cả các đoàn và các tầng lớp nhân dân, mỗi lần đến viếng liệt sỹ ở nghĩa trang của tỉnh, ai cũng đến trước tấm bia để thắp nén hương bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với sự hy sinh vô cùng lớn lao của những người con Hải Dương và của các tỉnh, thành phố của cả nước, vì một Phú Yên hoàn toàn giải phóng, vì  một Phú Yên  ngày càng phát triển.          

 

 (còn nữa)

VŨ VĂN THOẠI 

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy     

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 10)
Thứ Hai, 30/06/2008 11:00 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 9)
Thứ Sáu, 27/06/2008 07:40 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 8)
Thứ Năm, 26/06/2008 14:40 CH
Làng người cao tuổi
Thứ Tư, 25/06/2008 13:27 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 7)
Thứ Tư, 25/06/2008 08:15 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 6)
Thứ Ba, 24/06/2008 14:10 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek