Sau khi làm thủ tục theo nghi thức quân đội đón Chuẩn đô đốc, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân và Đoàn công tác thì các đoàn đại biểu ùa vào sân bay nơi tập trung rất đông các chiến sĩ, các gia đình và đặc biệt là hàng chục em bé tuổi từ 4, 5 đến 10, 11 đang ngồi trên những chiếc xe đạp nhỏ để chào các bác, các cô, các chú trong đất liền ra thăm đảo. Các bác, các cô, các chú trao quà cho các cháu, các cháu cảm ơn rối rít, thật thương, thật tội…
Câu chuyện về các gia đình ở Trường Sa lớn cùng với một số gia đình nữa đang có mặt ở những đảo khác làm cho mình xúc động mạnh ngay từ chiều ngày 1/5/2008, khi các anh Bộ Tư lệnh Hải quân thông báo tình hình chung trên các đảo. Giờ đây, gặp họ ngay trên đảo, bằng xương, bằng thịt, càng thương. Đó là những hộ gia đình trong đất liền ra sinh sống ở đảo. Theo các anh lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân thì các hộ gia đình ra đảo là hoàn toàn tự nguyện. Tất nhiên lúc khởi đầu cũng không phải dễ, nhưng khi đã ra đến nơi rồi, làm quen, rồi hoà nhập thì mọi việc như không có gì xảy ra… Nhiều người khi được hỏi họ còn nói “yêu đảo” nữa là khác. Mọi sinh hoạt của các gia đình hoàn toàn tự do, không ràng buộc, chẳng gò bó… Còn chế độ cho các hộ gia đình thì khó lòng mà chê được. Điều đặc biệt là ở Trường Sa, có tiền cũng chẳng mua gì được, nên để dành là chính, gởi tiết kiệm là chính. Ngoài “tiền lương” làm dân ra, các đoàn đến thăm đảo có cho tiền cho các gia đình thì chính quyền đảo cũng vận động họ gởi vào tiết kiệm. Cơm ăn, nước uống thì khỏi phải lo, làm siêng đến kho bộ đội nhận gạo, thực phẩm về tự nấu, còn hơi mệt thì đến bữa cứ đến bếp bộ đội nhận cơm, thức ăn về cho cả gia đình. Các ảnh còn nói vui là từ đầu tháng 4/2008 đến giờ đã có 7 đoàn từ trong đất liền ra thăm, riêng cái khoản bánh kẹo mà các đoàn cho các gia đình, ăn đến tết cũng chưa chắc đã hết. Nhà ở cho mỗi gia đình thì cực xịn. Mỗi nhà được xây trên một lô đất độc lập, cũng tường rào, cổng ngõ xinh đẹp, tươm tất, đâu ra đấy. Nhà rộng, thoáng mát, có đủ cả phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, khu vực vệ sinh. Nước ở Trường Sa lớn có khá hơn, ở đây có giếng nước lợ, dùng để tắm giặt, sinh hoạt, còn uống thì đã có nước mưa. Nước mưa hứng được, vừa sử dụng hàng ngày, vừa dự trữ. Vì thế nước được coi là vật tư chiến lược, là vũ khí chiến đấu.
Nghe các anh nói, để xây dựng các căn hộ, nhà nước đầu tư tiền tỉ. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì tất cả mọi thứ từ sắt, thép, xi măng, gạch, đá, cát, thậm chí có lúc cả nước ngọt… cũng đều phải đưa từ đất liền ra để xây dựng. Thế mới biết cái hữu hình thì có thể cân, đong, đo, đếm được, còn cái vô hình, cái không thể thấy được thì còn to lớn biết chừng nào! Ăn, ở là vậy, còn học hành thì cũng được quan tâm hết sức chu đáo. Học sinh học ngay tại nhà cô, có cả mẫu giáo và tiểu học, tất nhiên các lớp cũng chỉ 12 cháu, nhưng có hẳn 4 lớp: mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, lớp 3. Phụ trách các lớp là 2 giáo viên do Sở Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa bố trí, còn chương trình giảng dạy cho các cháu thì vẫn theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có điều do học sinh quá ít, cho nên hết chương trình lớp 5 tức hoàn thành xong cấp I, các em phải trở về đất liền để tiếp tục học lên cấp II và lên các bậc học cao hơn nữa. Thế nhưng, khi tiếp xúc cô giáo lại nói là có thể khi đó, bà con lại ra thêm, biết đâu sự học lại được phát triển tại chỗ. Còn với em, nếu nhà nước cần, gia đình em chắc cũng sẽ tình nguyện ở lại lâu dài để phục vụ đất nước. Gần đây, đảo này và một số đảo khác được phủ sóng làm cho liên lạc từ đây vào đất liền và từ đất liền ra đây quá thuận lợi, nên chúng em cũng thấy không còn xa cách nữa, đặc biệt là với bố mẹ trong đất liền. Ôi, lúc mới rời gia đình, làng xóm ra đây, không liên lạc gì được, lo lắm, ai cũng lo. Giờ thì mọi việc cứ ổn dần, dễ chịu dần… Vui nữa là đằng khác.
Vậy thì quá tốt rồi, mình thầm nghĩ…
Đảo trong lành, thật sự trong lành. Phía bắc đảo là hệ thống kè chắn sóng, phía tây nam là bãi cát cực trắng, đẹp vô cùng. Toàn đảo là một màu xanh tuyệt đẹp, đó là kết quả của những năm tháng ươm mầm và vun xới của lớp lớp chiến sĩ ở những thời điểm khác nhau đã từng đặt chân trên đảo, sống chết cùng với đảo. Các ảnh nói, cách đây trên dưới 20 năm, đảo này cũng như một số đảo khác chỉ là những khối san hô trơ trụi, vì phải đối chọi với nắng và gió, nhưng rồi bằng mồ hôi và công sức, kể cả phải vận chuyển từng mét khối đất từ đất liền ra xây dựng đảo, để từ đó ươm mầm cho sự sống, ươm mầm cho màu xanh vĩnh cửu.
Điều thú vị là dưới cái màu xanh rất thanh bình của rừng cây là cả một cuộc sống khẩn trương tràn đầy sinh lực, tràn đầy khí thế sẵn sàng chiến đấu. Tất nhiên không khí sẵn sàng chiến đấu không chỉ có ở đây mà ở tất cả các đảo mà mình đã đi qua, làm gì thì làm nhưng ý thức cảnh giác phải luôn được đặt lên hàng đầu, không một phút giây lơi lỏng. Khẩu hiệu: “Còn người là còn đảo” đã nói lên đầy đủ quyết tâm không gì có thể lay chuyển đó. Với quy mô và điều kiện vật chất như vậy, cho nên lãnh đạo chuyến đi quyết định chọn Trường Sa lớn là điểm duy nhất trong toàn bộ các đảo đoàn sẽ đến để cả đoàn nghỉ cả ngày và nghỉ qua đêm. Tất nhiên cho dù điều kiện đủ, nhưng khi xuất hiện một lực lượng đại biểu tương đối đông như thế buộc các chiến sĩ của các cụm chiến đấu phải nhường chỗ cho đại biểu. Mình cũng hơi ái ngại nên dò hỏi anh em là anh em nhường chỗ, rồi thì anh em đi đâu? Thì ngay lập tức nhận được câu trả lời rất gọn: Các bác, các chú, các anh đừng lo, chúng em đã có phương án dự phòng đâu ra đấy cả rồi. Tôi hỏi đồng chí tiểu đội trưởng, phụ trách căn nhà mà đoàn Phú Yên được phân công vào nghỉ là em ở tỉnh nào, thì được trả lời là ở
Cả trưa và chiều hôm đó các thành viên của đoàn đều ăn cơm dưới những tán phong ba rợp mát. Thật thú vị. Bữa cơm, ngoài cá, thịt, rau xanh còn có cả chút rượu Trường Sa, ấm tình quân dân, ấm tình đồng đội… Sau bữa cơm trưa và chiều xong, nhiều đại biểu không nghỉ, họ tranh thủ ra các bãi san hô, ở phía đông và phía tây nam của đảo để may ra tìm được một cái san hô, một con ốc hay một cái gì đó đích thực là của Trường Sa để về làm quà hoặc làm kỷ niệm… Và không những chỉ ở Trường Sa mà ngay cả An Bang anh em cũng tầm được nhiều thứ, đủ hình, đủ dạng. Anh Nguyễn Cộng Hoà, Chính ủy Bộ tư lệnh khi thấy cái san hô mà tôi có được giống như một cái bào thai, nó lại được đặt trong lòng một san hô khác như chiếc nôi. Nhìn một lát anh Hoà đặt luôn cho có cái tên là “Mầm sống” và anh còn bảo tôi là anh hãy khắc hai chữ “Mầm sống” vào đó. Lại cũng rất hữu duyên là, cái san hô giống như em bé khi còn trong bụng mẹ ấy lại được phát hiện ở An Bang, còn cái san hô giống như chiếc nôi mà em bé đang nằm trong đó thì được nhặt trước ở đó ở Trường Sa lớn khi đi tầm cùng với Trương Đức Thuận. Rồi còn biết bao hình dạng khác dưới con mắt của mỗi người… nào là chiếc giày thiếu nữ, cây cổ thụ, cái gạt tàn, dụng cụ cắm bút… Mình thì tầm cũng dữ, hơn nửa chiếc balô nhưng nhìn nhiều người còn “say” hơn mình nữa là khác. Các anh ấy bỏ đầy một túi nilông lớn, vác hẳn trên vai chứ không thể nào xách nổi. Mình nghĩ rằng, đó chính là những hiện vật có nhiều ý nghĩa, là một trong những “chứng nhân” cho chuyến đi đầy ấn tượng này. Mai đây, ở đâu đó, ai đó bất chợt nhìn thấy những “chứng nhân” ấy chắc nó sẽ giúp làm sống lại trong ký ức những ngày đầy nắng gió năm nào trên quần đảo Trường Sa.
Thật không biết cách nào để lột tả cho hết những gì mình nghe, những điều mình thấy, vì cũng mới chỉ một ngày thôi mà mình được chứng kiến biết bao sự kiện. Nếu như buổi sáng, sau phần nghi thức, đồng chí Đảo trưởng Thượng tá Nguyễn Đại Dương báo cáo tình hình ở bên trong Hội trường lớn của đảo và sau đó là buổi lễ trao quà tình nghĩa từ đất liền đến với các cán bộ, chiến sĩ cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Trường Sa ngay dưới chân cột mốc chủ quyền trên đảo. Thì tối đến, khi sở chỉ huy và các cụm chiến đấu đã lên đèn thì không khí háo hức nhanh chóng lan ra toàn đảo. Từ các hướng, bộ đội ta tiến về tập trung trước cột mốc chủ quyền để chờ đợi. Đèn chiếu sáng “sân khấu mặt đất” bật lên, hệ thống loa công suất lớn bắt đầu hoạt động và thế là “Đêm Trường Sa lớn – Ầm vang tiếng đàn, tiếng hát, ầm vang tiếng vỗ tay hòa cùng ầm vang tiếng sóng”. Lính ta hát, lính ta nhảy múa, lính ta nâng niu từng nhành hoa dại mến tặng các nữ văn công xinh đẹp và đáp lại các cô cũng đã hát hết mình, múa hết mình, hòa nhập, chia xẻ hết mình với các anh, những người lính đảo…
Giữa đêm, giật mình thức giấc, bước ra ngoài, se lạnh. Đảo về đêm, yên ắng lạ thường. Nghe xa xa trong gió, tiếng vỗ rì rào liên hồi của những đợt sóng. Bất giác tôi chợt nghĩ chắc giờ này, biết bao chiến sĩ đang thầm lặng nắm chắc tay súng dõi theo từng động tĩnh, hoá giải từng mưu toan của phía bên kia, để giữ yên giấc ngủ cho biết bao người…
Có một câu chuyện nữa không thể quên, đó là bắt đầu từ sáng ngày 4/5/2008, Trình Kế, Nguyên Lưu - 2 phóng viên kỳ cựu của Đài Phát thanh và Báo Phú Yên cùng đi với đoàn, bắt đầu chuẩn bị phát về đất liền những thông tin sốt dẻo từ đảo Trường Sa lớn. Yếu tố có tính quyết định cho việc phát tin về chính là Trường Sa lớn và Đá Tây nằm trong vùng phủ sóng. Ý định quá hay và mình cùng tham gia với Trình Kế soạn bản tin đầu tiên. Nguyên Lưu thì lặng lẽ làm tin, đọc qua điện thoại, anh em ở nhà ghi từng chữ, từng dấu chấm, phẩy, sau kiểm tra lại, Báo Phú Yên đăng. Đúng 11h trưa ngày 4/5/2008, Đài Phát thanh Phú Yên phát tin từ Trường Sa cho biết, sáng nay 4/5/2008, sau 2 ngày 2 đêm, kể từ khi tàu HQ 996 rời cảng Ba Son, Đoàn công tác của Bộ tư lệnh Hải quân và 8 tỉnh, thành phố của cả nước đã đặt chân lên đảo Trường Sa lớn, thủ phủ của quần đảo Trường Sa trong không khí bồi hồi xúc động… Trình Kế dặn, khi đài phát, anh em ở đài mở di động, đặt vào loa để ngoài đảo cùng nghe và anh em ở nhà đã làm đúng như vậy. Thế là quá toại nguyện. Chiều ngày 5/5/2008, khi con tàu đang thả neo gần đảo Đá Tây, mình lại gọi về cho anh Trần Văn Lộc, anh Lộc, thông báo ngay rằng từ trưa hôm qua đến chiều nay tin của Trình Kế từ Trường Sa gởi về, Đài phát tưng bừng khắp thành phố, khắp tỉnh, mừng lắm. Sáng nay 5/5/2008 điện về gặp Huyền, Huyền cũng nói mới 5h30’ sáng, cháu đã nghe đài phát oang oang tin đoàn Phú Yên thăm Trường Sa do Tỉnh ủy cử và chú Thoại làm Trưởng đoàn. Khí thế lắm. Cũng chiều ngày 5/5/2008, sau khi điện gặp anh Trần Văn Lộc, mình cũng điện về gặp anh Bốn Chi – Chủ tịch UBND tỉnh, Anh Chi cũng nói đài điện mấy bữa nay oang oang Ba Thoại Trưởng đoàn Phú Yên thăm Trường Sa, khí thế thật. Chúc anh Ba mạnh giỏi, cả đoàn mạnh giỏi, thuận buồm xuôi gió. Cũng chiều nay sau khi gặp Lê Phúc Tiến, mình lại gọi cho Huyền và đọc cho Huyền nghe nhật ký Trường Sa giai đoạn 1, lúc đó cô Yến, anh Danh cũng gặp. Cuộc điện thoại cho cô Bốn khi con tàu nhổ neo khoảng vài chục phút rời đảo Đá Tây, đã không thể thực hiện được vì tàu đã ra ngoài vùng phủ sóng và cũng từ giờ phút ấy đến những ngày cuối cùng trên quần đảo Trường Sa không thể nào liên lạc với đất liền được nữa.
(Còn nữa)
VŨ VĂN THOẠI
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy