(Tiếp theo kỳ 6)
Tàu nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình tới đảo Tiên Nữ chắc khi mình đã chìm vào giấc ngủ. Giật mình, nghe tiếng rung và tiếng sóng đập mạnh vào mạn tàu. Vậy là tàu đang chạy. Lúc này, nhìn đồng hồ đúng 2h sáng ngày
Các đại biểu đang trên thuyền vào đảo Tiên Nữ sáng |
Ngày 7/5, từ lâu chỉ được biết là ngày đánh dấu trận chiến thắng cuối cùng của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đối với đội quân viễn chinh Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Thì qua chuyến đi này, ngày 7/5 còn được biết thêm có một sự kiện nữa, đó là ngày truyền thống của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Và chính ngày hôm nay, 7/5/2008, ngày mà Đoàn công tác của 8 tỉnh, thành phố đang trên tàu HQ 996 thực hiện một nhiệm vụ đáng nhớ là đi thăm và động viên các cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên quần đảo Trường Sa - điều đó quả thực là sự trùng hợp có nhiều ý nghĩa.
Trưa hôm đó, sau khi hoàn tất chuyến thăm cán bộ, chiến sỹ trên đảo Tiên Nữ, vì điều kiện phòng ốc có hạn, nên chỉ có Trưởng Đoàn của 8 tỉnh, thành phố và đại diện của đoàn các nhà báo đến tại phòng tiếp khách của Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà ngay trên con tàu để chúc mừng ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân. Dự cuộc gặp mặt còn có cả Thuyền trưởng Lê Hải Sơn, một số cán bộ, sỹ quan Bộ Tư lệnh và Vùng 4 Hải quân nữa. Trong không khí thân mật và hết sức cảm động, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà đã chân thành cảm ơn các đoàn cũng như nhân dân cả nước đã dành cho Binh chủng Hải quân những tình cảm sâu nặng nhất và hứa rằng, Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Vậy là hành trình của con tàu từ Phan Vinh đến Tiên Nữ kéo dài suốt đêm không nghỉ. Cũng như một số đảo khác, mới tờ mờ sáng đã thấy xuất hiện đằng xa một đốm nhỏ, lúc mờ, lúc tỏ, nhấp nhô theo sóng. Loa trên tàu bắt đầu giới thiệu về đảo Tiên Nữ, hòn đảo nằm ở cực đông, nơi đón ánh bình minh sớm nhất của Tổ quốc. Chỉ mới nghe đến đoạn ấy của lời giới thiệu thôi cũng đã đủ làm cho mình thực sư bồi hồi, thực sự xúc động. Mình nghĩ, cái đảo mà mình sắp đặt chân lên đấy, nó giống như đứa con út của một gia đình còn chưa được sung túc, lại ở xa cha mẹ, nhưng tấm lòng thì lúc nào dành trọn cho cha mẹ, cho anh em…
Thật vậy, ở cái nơi trùng khơi biển cả này, có biết bao khó khăn mà họ hải nếm trải, có biết bao thiếu thốn mà họ phải tự khắc phục, chỉ riêng cái chuyện nhiều tháng mới có tin, nhiều tháng mới nhận được thư nhà, trong nỗi ngóng trông, trong nỗi chờ đợi, cũng đủ thấy sự hy sinh quá lớn, sự chịu đựng và ý chí vượt qua thử thách đáng khâm phục của người lính đến như thế nào!!!.
Kỳ thực, mấy ngày trước, khi nhìn tấm bản đồ khu vực quần đảo Trường Sa, thì Tiên Nữ được thể hiện bằng một dấu chấm rất nhỏ. Mình nghĩ trên bản đồ người ta cũng chỉ có thể đánh một dấu chấm như thế, chứ thực tế sẽ không đến nỗi nào. Thế nhưng, khi nhìn thấy hòn đảo đang ở trước mặt thì quả thật nó quá nhỏ, nhỏ đến mức mình không hình dung được, so với cả một biển trời mênh mông. Lúc đó, lòng mình như chựng lại. Cái cảm giác vừa mến thương, vừa thán phục cứ thế ngập tràn. Thì ra, chỉ có con người mới làm nên cái điều có một không hai ấy. Đảo là thế, biển trời là thế, điều kiện khắc nghiệt là thế, mà con người vẫn kiên gan, bền chí, con người vẫn vượt lên để tồn tại, để chiến thắng… thì quả là kỳ diệu. Viết đến đây tôi lại nhớ gần như trọn vẹn ý kiến của Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân khi đánh giá sự cống hiến vô bờ của những người lính đảo, đồng chí nói: Cuộc sống của người lính đảo, ý chí của người lính đảo là không gì có thể so sánh được. Bởi như các đồng chí biết, với điều kiện ấy, với sự khắc nghiệt vô cùng ấy… thì cho dù là sắt, thép, bê tông, thậm chí cả Inốc, cũng phải bị bục vỡ. Song chỉ có người lính, chỉ có tư tưởng, ý chí, nghị lực và phẩm chất của người lính là không gì có thể làm cho nó bị bục vỡ, không gì có thể làm cho nó lay chuyển, không gì có thể làm cho nó han rỉ được. Đúng quá, kỳ vĩ quá!
Đoàn đại biểu Phú Yên tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Tiên Nữ. - Ảnh: N.THÁI
Đương nhiên, đảo nhỏ là một chuyện, còn đẹp lại là một chuyện khác. Bởi vì chỉ mới nghe cái tên không thôi cũng đủ để hình dung ra cả khu vực đảo đẹp như thế nào, nồng thắm như thế nào! Đảo nằm ở độ cao trung bình từ 3 đến 4 mét so với mặt nước biển. Từ phía rất xa ánh lên rõ nét một dải san hô rộng lớn và kéo dài, màu ngọc bích, sóng sánh dưới mặt nước biển, phía trong lòng hồ là màu xanh ngát, còn phía ngoài vành đai san hô là màu xanh thẩm. Lý thú thật. Chuyện kể rằng, ngày xưa, rất xưa, vào những đêm trăng sáng, các tiên nữ từ cõi xa xăm nào đó bay đến khu vực Lòng Hồ này để tắm, để vui đùa với nhau cho thoả thích. Vì quá mải mê với sóng nước, với vẻ đẹp của trần thế, nên khi mặt trời đã lên cao rồi mà các nàng tiên vẫn không hề hay biết. Thế là tất cả đều không thể nào lên bờ để cất cánh được nữa và cũng kể từ đó các nàng đã hoá thành đá, vĩnh viễn ở lại đây, ở lại với biển trời này. Xúc động trước câu chuyện đầy vẻ huyền thoại và đậm chất dân gian ấy, ông cha mình đi đến một quyết định là đặt cho hòn đảo cái tên rất đẹp đó là Tiên Nữ. Qua trao đổi, mình còn được biết thêm, diện tích lòng hồ khu vực Tiên Nữ khá rộng, đủ cho vài trăm tàu thuyền neo đậu cùng một lúc. Còn về độ sâu thì cũng thật lý tưởng, nó ở trong tầm từ 18 đến 30 mét. Đặc biệt, cũng như các lòng hồ khác, cá ở đây nhiều vô kể, nào là mú đen, thu bè, cá bò, bò bọc thép, nhất là có rất nhiều loại cá đẹp, mà trong đất liền, ta gọi là cá cảnh và lại cũng như các lòng hồ khác, cá ở đây cũng thuộc loại tài sản quý của quốc gia cần được bảo vệ trong tổng thể phát triển hài hoà của hệ sinh thái.
Song, điều rất đáng tiếc, như tôi đã nói, là lòng hồ này không có luồng lạch tự nhiên nên tàu thuyền không vào ra được để trú tránh khi có gió bão. Vì thế, tôi nghĩ rằng, trong tương lai khi điều kiện cho phép, chúng ta chắc phải can thiệp bằng giải pháp kỹ thuật nhằm tạo ra một luồng lạch để cho tàu thuyền vào ra dễ dàng. Đó vừa là yêu cầu của phát triển, vừa là đòi hỏi của cuộc sống. Và nếu được như thế, việc tồn tại một lòng hồ trên biển mới càng có thêm ý nghĩa, mới càng tăng thêm giá trị, bởi nó mở ra một khả năng ngàn lần quý hơn trong việc giúp cho ngư dân đang đánh bắt cá khu vực này có thể đưa tàu thuyền vào trú tránh khi phải đối mặt với những biến động khó lường của trời, của biển.
Bây giờ, cũng cần nói lại một chút về sự khắc nghiệt của thời tiết ở khu vực đảo Tiên Nữ. Có thể nói, mỗi đảo trong quần đảo Trường Sa, đảo nào cũng có nét đặc trưng của nó, song cái chung nhất là tất cả đều nằm trong vùng có thời tiết quá khắc nghiệt. Từ Đá Tây, Phan Vinh, An Bang rồi đến Tiên Nữ, đâu cũng thế, đâu cũng một chín, một mười. Thế nhưng khi nghe Đảo trưởng Cao Hồng Hải và đảo phó chính trị Nguyễn Tất Thắng báo cáo từng chi tiết, thì đúng là trong toàn khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, thì Tiên Nữ xứng đáng được xếp vào thứ hạng đặc biệt nhất về sự khắc nghiệt. Chứng minh cho điều đó chính là, xét về mặt trơ trụi thì Tiên Nữ là đảo trơ trụi nhất, không còn chỗ nào để trơ trụi hơn nữa. Toàn đảo là một khối bê tông mà sắt thép cũng khó lòng chen vào sánh được. Đã thế thì rõ ràng là không thể có bất kỳ một thứ cỏ cây nào có thể nhú lên dù chỉ là một phần ngàn milimét. Các anh còn nói, đến mùa gió bão, các con sóng cao hàng chục mét, chụp cả lên tầng 3 của ngôi nhà này. Ngay cả rau xanh trồng trong các khay nhựa đúng vào những tháng gọi là gió yên, biển lặng, thế mà cựa một chút, sơ sẩy một chút, gió tạt vào là cả khay rau “cháy” hết, không thể nào cứu chữa được. Do vậy mà, chỉ riêng cái việc chăm sóc các khay rau, Đảo trưởng cũng phải cử hẳn một tổ chuyên theo dõi thời tiết để kịp thời ứng phó, có khi chỉ trong một buổi, các khay rau phải chuyển đi, chuyển lại nhiều lần ở các vị trí khác nhau xung quanh nhà để tránh gió. Vì thời tiết quá ư khắc nghiệt, mà gần đây, lính ta lại có sáng kiến là đưa đậu xanh từ đất liền ra đảo để đổ giá. Cát dùng để đổ giá được lấy ở quanh đảo, sau khi thau rửa bằng nước ngọt, kiểm tra kỹ, cho đậu vào, và đúng ngày, đúng giờ giá mọc lên thật. Anh em kể, những “mẻ” thử nghiệm đầu tiên có kết quả đã làm cho cả đảo mừng hết lớn. Vì sợ sử dụng cát biển để đổ giá, đậu không thèm “ngóc đầu dậy”. Và kể từ đó lính đảo có thêm một mặt hàng tươi sống nữa để cải thiện. Thật là tuyệt. Cũng khi đang nghe báo cáo tình hình, tôi lại tò mò hỏi, vậy thì giữa Tiên Nữ và Philippin cách nhau bao nhiêu hải lý, các anh có thể cho biết được không? Thì ngay lập tức được Đảo trưởng trả lời: Giữa Tiên Nữ và Philippin cách nhau khoảng 90 hải lý. Rất gần. Vì thế, khi bão xuất hiện ở vùng biển phía đông Philippin và đổ bộ vào đảo Ludông, thì lập tức đảo Tiên Nữ là điểm đầu tiên trong quần đảo Trường Sa phải đối mặt ngay với bão.
Hiện tại trên đảo có một nhà lâu bền và một trạm Hải đăng gần đó. Nhà này được xây dựng từ năm 1996 nên phòng ốc và một số công năng khác của căn nhà có nhiều hạn chế. Thế nhưng cuộc sống và tư thế sẵn sàng chiến đấu thì quá ấn tượng. Theo báo cáo của đồng chí Đảo trưởng và Đảo phó chính trị, thì từ cuối năm 2007 và 5 tháng đầu năm 2008 đã có hai đoàn cấp cao của Bộ tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh đến kiểm tra, trong đó tập trung kiểm tra phương án sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra bắn đạn thật, kiểm tra chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên và điều rất đáng mừng là cả ba nội dung nói trên, đều được lãnh đạo đánh giá cao và xếp loại xuất sắc. Ngay sau khi nghe báo cáo, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, Trưởng Đoàn công tác phát biểu ý kiến, đồng chí nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, phấn đấu, những thành tích của đơn vị đảo Tiên Nữ và rất mong cán bộ, chiến sỹ trên đảo có những nỗ lực to lớn hơn nữa để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong không khí dạt dào tình cảm, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà còn bộc bạch: Tình thật mà nói với các đồng chí là theo kế hoạch của chuyến đi này thì đảo Tiên Nữ cũng là một trong các đảo mà Đoàn sẽ đến. Thế nhưng, khi tính thời gian thì thấy nó khá dài, hơn mười ngày, nên lúc đầu tôi có ý định là lần này thôi không đi Tiên Nữ, để dành cho đợt kế tiếp, như vậy thì thời gian chung cũng sẽ rút lại chỉ còn tám, chín ngày, chấp nhận được. Thế nhưng suy đi nghĩ lại thì thấy rằng, Đoàn lần này có đến tám tỉnh, thành phố cộng với đoàn của các nhà báo nữa là chín, cùng với đại diện của Bộ Tư lệnh Hải quân nữa là mười. Mười đầu mối như thế, mà lại không đến được với đảo xa nhất, đảo nằm ở vị trí cực Đông so với đất liền trong quần đảo Trường Sa thì tội quá, thương anh em quá. Vì thế, tôi quyết định giữ nguyên như kế hoạch ban đầu là sẽ đến đảo Tiên Nữ và như thế rõ ràng là trọn vẹn. Sáng nay được gặp các đồng chí tại đây, trên hòn đảo nghìn trùng xa cách này làm cho cả Đoàn và nhất là tôi hết sức toại nguyện. Đến với các đồng chí, hiểu thêm cuộc sống cũng như tư thế sẵn sàng chiến đấu của các đồng chí, tôi rất mừng. Đồng thời qua đây cũng trực tiếp nghe những đề nghị, kiến nghị của các đồng chí, để một mặt trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, chúng tôi sẽ xử lý, giải quyết. Vấn đề nào vượt quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ trình Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh binh chủng nghiên cứu, từng bước đáp ứng những yêu cầu của các đồng chí. Nhân đây tôi cũng đề nghị là giữa ta và trạm Hải đăng bên đó, nhiệm vụ thì riêng, nhưng cuộc sống phải là một. Các đồng chí phải cùng nhau chia sẻ, cùng nhau cảm thông, ra sức xây dựng khối đoàn kết thống nhất. Đặc biệt, hôm nay, tôi muốn khẳng định lại với các đồng chí một lần nữa rằng, đã gọi là chủ quyền và quyền chủ quyền thì không chỉ có lực lượng vũ trang, mà lực lượng vũ trang theo tôi chỉ là nòng cốt. Còn đại diện cho chủ quyền chính là chính quyền và nhân dân là người làm chủ. Vì sự có mặt của người dân mới thực sự là nhân tố khẳng định chủ quyền một cách mạnh mẽ nhất, bền vững nhất, có dân là có dân tộc mình.
Có một chuyện rất hay là đến đảo Tiên Nữ, nhưng chẳng thấy các “nàng tiên” ở đâu cả, mà chỉ gặp toàn những “chàng” lính đảo. Họ rất trẻ, rắn chắc, khoẻ mạnh, vui tươi và đặc biệt là rất hiếu khách. Căn nhà chỉ huy vốn đã nhỏ thì lúc đó lại càng quá nhỏ so với lượng đại biểu, nhưng niềm vui thì quá lớn, quá ngập tràn. Các anh, chị diễn viên của đoàn Văn công Hải quân mang cả Organ, ghita lên tận tầng hai của nhà chỉ huy để tổ chức giao lưu văn nghệ, anh em quây quần hát, quây quần xem các tiết mục ảo thuật do chính các diễn viên chuyên nghiệp trình diễn.
Thật khó ngờ rằng, ở một nơi cách đất liền của Tổ quốc hơn những hàng ngàn cây số mà lại có một cuộc sống quá đỗi thân thương, quá đỗi nghĩa tình của những người lính đảo. Họ đến đây từ mọi miền của đất nước, họ đến đây từ biết bao hoàn cảnh và cũng như thế ở họ có biết bao tính cách….Thế nhưng, khi đã đến đây rồi, thì tất cả đã kết thành một khối, vui sướng có nhau, ngọt bùi chia sẻ cùng nhau. Hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, cùng hút với nhau một điếu thuốc, cùng chia nhau niềm vui khi ai đó nhận được thư nhà… Nhân văn quá, tuyệt vời quá. Tôi nghĩ rằng, hiện thực đó là một thứ của cải tinh thần vô giá, nó được hiểu như một biểu tượng thần kỳ của sự cố kết được nối tiếp từ những gì mà hàng ngàn năm đã qua ông cha ta đã cố công gây dựng. Hiện thực đó còn là một hình mẫu của sức mạnh đại đoàn kết mà Bác Hồ đã từng chỉ ra và khẳng định: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công.
(còn nữa)
VŨ VĂN THOẠI
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy