Thứ Tư, 02/10/2024 21:28 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 4)
Thứ Sáu, 20/06/2008 13:43 CH

(Tiếp theo kỳ 3)

 

Khi tiếng loa phát lên, tàu chuẩn bị nhổ neo và khi tiếng còi cất lên một hồi dài thì cũng là lúc tàu HQ 996 xa dần, xa dần đảo Đá Tây. Chiều nay, lại một buổi chiều, nhưng lại là buổi chiều khác, chiều trên đại dương mênh mông. Đứng trên mũi tàu thoáng buồn, một cái buồn mênh mang khó tả, khi phải vẫy tay chào đảo Đá Tây bất tử với những con người, những khúc ruột không thể cắt chia với từng gia đình, từng người mẹ, người cha, từng người anh, người chị và cả những đứa em, đứa con thân yêu nhất đang ngày đêm chờ tin, ngày đêm ngóng đợi.

 

Dao-Da-Tay-080620.jpg

Đến đảo Đá Tây - Ảnh: N.THÁI

 

Cuộc gặp gỡ của đoàn với cán bộ chiến sĩ đảo Đá Tây sáng ngày 5/5/2008 tuy ngắn ngủi, bắt đầu từ 8h đến hơn 9h một chút, song nó để lại cho mình những ấn tượng khó lòng quên được, chỉ riêng cái chuyện nước uống, nước sinh hoạt cho sự sống và không những thế nước còn cho cả cuộc chiến đấu đã là một đề tài cực kỳ hấp dẫn. Có đi mới có hiểu, có đến mới có biết. Tất nhiên lâu nay mình vẫn nghĩ rằng, nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa không có nước ngọt, chỉ trừ Trường Sa Lớn là có nước lợ và khi không còn nước thì đất liền phải chở nước ra đảo… Thế nhưng bây giờ qua tiếp xúc, mình mới biết thêm rằng, đối với đảo, nước đâu chỉ có thế. Nước có ý nghĩa gấp  trăm nghìn lần. Nếu như ở đất liền, khi người ta quảng cáo nước đóng chai Lavie thì người ta khẳng định một câu “xanh dờn” là “Lavie - Một phần tất yếu của cuộc sống”. Thì ở đây nước còn hơn thế nữa. Nước ở đây có hai dạng, một là nước dành cho sinh hoạt hàng ngày, nước cho người và nước cho những cái phục vụ lại cho con người như chăn nuôi, trồng trọt cải thiện và một loại nước khác, cực kỳ hơn, đó là nước dành cho chiến đấu. Loại nước này được bố trí hẳn thành một kho dự trữ riêng và chìa khoá của “kho báu” này nằm trong tay Đảo trưởng. Nó chỉ được mở khi tình thế đặc biệt khẩn cấp hoặc khi bị kẻ thù bao vây. Bởi vì, dù các loại vũ khí có đầy đủ đến đâu đi nữa mà nước dự trữ không đủ cho cuộc chiến đấu dài ngày thì điều đó cũng có nghĩa chúng ta đành phải chịu thúc thủ trước quân thù.

 

Đồng chí Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác còn nói: Ở vị trí tiền tiêu này, ai lãng phí dù chỉ một giọt nước thì điều đó có nghĩa là tự mình thít cổ mình. Nghe tới đó, cả người tôi như nổi gai ốc. Đúng vậy người ta đã đi đến một kết luận rằng: anh có thể nhịn đói từ 5 đến 7 ngày hoặc có thể hơn thế,  nhưng nếu không có nước uống thì trong vòng 3 ngày  tính mạng hoàn toàn bị đe dọa. Nghe anh em nói, từ lâu, công cuộc dự trữ món hàng vừa có tính cấp bách vừa có tính chiến lược này đã được thực hiện khá nghiêm túc và gần đây, Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh hỗ trợ loại bồn chứa làm bằng cao su, đang thử nghiệm, nếu không có điều gì ảnh hưởng đến chất lượng nước trữ trong những phương tiện ấy thì thành phố sẽ cho sản xuất hàng loạt. Anh em còn nói nước mưa ở Trường Sa thì không thiếu, vì cứ từ tháng 5 đến tháng 11 là mưa dữ lắm, còn từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là nắng, vì thế cái đang thiếu thì không phải là nước, mà cái đang thiếu chính là dụng cụ chứa nước. Bây giờ mình càng hiểu vì sao khi Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên điện thoại vào cơ quan Thường trực Bộ tư lệnh Hải quân ở phía Nam để thông báo số kinh phí do tỉnh hỗ trợ cho Trường Sa thông qua chuyến đi Trường Sa của đoàn công tác lần này thì các anh ở Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị tỉnh không nên dồn hết tiền cho việc mua quà tặng mà quà tặng chỉ cần mua  chừng một nửa kinh phí,  nửa kinh phí còn lại chuyển vào tài khoản của Bộ Tư lệnh Hải quân để tập trung đầu tư mua sắm những phương tiện cần thiết khác cho các đảo như: máy phát điện, điện mặt trời, khay nhựa trồng rau, phương tiện nghe, nhìn trên đảo, đặc biệt là mua sắm dụng cụ dự trữ nước ngọt cho đảo. Tôi nghĩ rằng không ai có thể cảm nhận sâu hơn cái giá phải trả đối với bất kỳ sự lãng phí nào hơn những người lính đảo và cũng không ai có thể thực hiện tốt hơn một thứ kỷ luật sắt - như Lênin - đó là kỷ luật  tự giác bằng chính bản thân người lính đảo trong việc “chi tiêu” loại “hàng hoá” đặc biệt này.

 

Viết đến đây mình bỗng nhớ đến câu chuyện: Một người đổi cả thụng vàng để lấy 1 cốc nước giữa sa mạc. Tất nhiên để đi đến một quyết định để đời ấy, ông chủ của cái thụng vàng đã hết ngày này sang ngày khác, suy đi, tính lại, nghĩ tới, nghĩ lui trong sự nuối tiếc chết người. Thế nhưng vàng dù là tấn hoặc hơn thế nữa trong hoàn cảnh đó cũng không thể cứu được ông chủ nếu như nó không đổi để lấy dù chỉ một cốc nước… Và thế là một cuộc trao đổi  đầy kịch tính và ngoạn mục diễn ra. Có lẽ người xưa, muốn thông qua câu chuyện có vể “huyền thoại” ấy để phát đi một thông điệp với tất cả chúng ta rằng: Nước có một chỗ đứng tối thượng trong sự sinh tồn của muôn loại.

 

Ở cái đảo Đá Tây trơ trọi và thấm đẫm tình người này còn có một câu chuyện nữa cũng không kém phần hấp dẫn đó là xung quanh  cái lòng hồ trên biển. Nó giống như một cái âu thuyền mà tạo hoá đã ban tặng cho con người để hoá giải trong cơn nguy khốn. Hay thật, lạ lùng thật. Kỳ thực khi nghe đồng chí Đảo trưởng đề cập đến hoạt động của đảo đối với lòng hồ, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã làm hết sức mình hướng dẫn cho hàng trăm tàu thuyền, hàng ngàn ngư dân đang đánh cá trên vùng biển Trường Sa vào đây tránh trú khi bão tố ập đến, nhờ đó mà nhiều năm qua không biết bao nhiêu tàu thuyền của ngư dân mình thoát nạn. Đến đây tôi không thể không đặt câu hỏi vì sao giữa đại dương mênh mông lại có cái gọi là lòng hồ mà tàu thuyền nào vào được ở đó coi như là được vào nơi an toàn nhất trên biển trong cơn gió bão? Cái gì làm nên điều kỳ diệu ấy? Như bắt trúng mạch, đồng chí Đảo trưởng Nguyễn Xuân Triệu trả lời ngay: Trước hết tôi xin khẳng định lại một lần nữa rằng, đối với khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa thì các dạng gọi là lòng hồ như ở khu vực ở đảo Đá Tây không phải là cái duy nhất. Trên quần đảo Trường Sa có rất nhiều lòng hồ, nhưng so với các lòng hồ khác thì lòng hồ mà đảo Đá Tây đang quản lý và khai thác phục vụ cho phát triển sinh thái biển là lòng hồ lớn nhất và trữ lượng cá nhiều nhất. Đặc biệt ở lòng hồ này thiên nhiên còn ban tặng cho một luồng lạch tự nhiên để tàu bè có thể vào ra một cách dễ dàng. Các lòng hồ khác, chỉ là lòng hồ khép kín. Bởi vì thực chất  lòng hồ chính là miệng núi lửa được hình thành  từ cách đây hàng triệu năm, còn các rạn san hô chung quanh lòng hồ, tức chung quanh miệng núi lửa chính là kết quả phát triển của những cấu trúc nham thạch từ thời xa xưa ấy. Tất nhiên, nếu ta giữ gìn tốt, bảo đảm môi trường tốt thì các rạn san hô vô giá ấy sẽ ngày càng phát triển và chính nó sẽ là tấm lá chắn khổng lồ hoá giải mọi cơn sóng dữ do bão tố tạo thành. Đồng chí Đỗ Khắc Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị vùng 4 Hải quân khi gặp tôi ở hành lang tầng 3 nhà chỉ huy đảo Đá Tây đã vừa chỉ tay ra lòng hồ vừa nói: Anh thấy không, chính rạn san hô đang trải rộng cách mặt nước khoảng 3, 4 mét là chiếc đũa thần hoá giải những con sóng lớn từ ngoài đánh vào, càng vào gần lòng hồ, sóng càng nhỏ lại do sức cản của dãi san hô rộng lớn và anh  cứ thử hình dung là nếu như ở phía ngoài rìa san hô sóng to do gió bão giật cấp 11 cấp 12 thì khi vào đến rìa san hô, đặc biệt là khi đến lòng hồ thì các con sóng ấy chỉ còn tầm cấp 8, cấp 9… Nhờ thế mà độ nguy hiểm bởi sóng to gió cả  được hình thành từ  các cơn bão lớn sẽ được hóa giải, tàu thuyền của ngư dân mình do vậy mà được bình yên.

 

Tất nhiên để vào được lòng hồ trú bão, các loại tàu, thuyền đi theo một luồng lạch tự nhiên, duy nhất ấy và nhất là phải có hoa tiêu là những người lính đảo dẫn đường. Qua tiếp xúc chúng tôi được biết tất cả những việc làm như vậy là thực hiện theo quân lệnh. Nó như mệnh lệnh chiến đấu đối với người lính. Mỗi năm, cứ vào mùa mưa bão, chỉ huy đảo lên kế hoạch trực sẵn sàng chiến đấu, bộ phận nào trực lòng hồ để làm hoa tiêu, bộ phận nào theo dõi qua điện đài và qua truyền hình, nghe thấy tin bão, thì ngay lập tức báo cáo chỉ huy và bắn pháo tín hiệu để tàu thuyền của ngư dân đánh cá biết để nhanh chóng đưa tàu thuyền vào hồ tránh trú bão. Đặc biệt, đồng chí Đảo trưởng còn nói: Cá ở cái lòng hồ này thì nhiều vô kể, nhưng đó lại là tài sản của quốc gia cần được bảo vệ. Nhà nước ta cấm đánh bắt cá khu vực lòng hồ vì để bảo tồn và phát triển một hệ sinh thái tổng hợp. Cái này là tác nhân cho cái kia và ngược lại. Tôi nghĩ rằng, ở đây, trên cái đại dương mênh mông này, nếu không có cái “của trời cho” hoặc cho dù có thứ của cải do tạo hoá ban tặng, nhưng chúng ta không biết giữ gìn, không biết trân trọng, mà cứ tha hồ tàn phá, tha hồ khai thác thì làm sao chúng ta có thể làm được cái điều kỳ diệu ấy, nghĩa là trong những năm qua chúng ta đã cứu hàng trăm tàu thuyền, hàng ngàn ngư dân thoát khỏi hiểm nguy, khi phải đối mặt với gió giông, bão tố? Đồng chí Đảo trưởng còn khẳng định chính nhờ có được ý thức bảo tồn như vậy mà ở đây, ở lòng hồ này, cá với người từ lâu đã trở thành tri kỷ. Cá cũng nhớ người, người cũng nhớ cá. Mỗi lần anh em trên đảo tổ chức kiểm tra lòng hồ là mỗi lần người và cá đùa giỡn với nhau không biết mỏi, không biết chán.

 

Đến đây, tôi bỗng nhớ ý kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần trả lời phỏng vấn của Báo Tuổi Trẻ xung quanh việc thực hiện các dự án đầu tư, có quan hệ đến lợi ích trước mắt và lâu dài… nguyên Thủ tướng nói: Chúng ta, những người có trách nhiệm hôm nay phải biết xài cái gì, để dành cái gì cho con cháu, chứ không phải có cái gì chúng ta cũng đem ra xài cho kỳ hết. Ngay như đất đai cũng vậy, đất đai cũng không phải là vô tận, phải biết để dành, phải biết cân nhắc, tính toán, chúng ta nhất định không vì cái lợi trước mắt, cái lợi cục bộ mà đánh đổi tất cả. Chúng ta không thể hoang phí những cái dù là trời cho, những cái  dù là do thiên nhiên ban tặng, mà trái lại chúng ta phải biết chắt chiu, gìn giữ nó, tôn tạo nó, ta lo cho nó, đến lượt nó, nó sẽ lo lại cho ta… Tuyệt vời quá, sâu sắc quá. Trong chiều sâu suy nghĩ, trong chiều sâu cảm nhận,  tôi cho rằng bài học về quản lý và bảo tồn lòng hồ của những người lính đảo, trong đó có những người lính đảo  của đảo Đá Tây có lẽ là một trong những bài học có ý nghĩa sâu xa nhất trong toàn bộ chuyến đi này.

 

Ở đảo Đá Tây lại có một chi tiết nữa rất xúc động, là khi anh Tú - người làm công tác tổ chức cuộc gặp mặt - mời lãnh đạo Đoàn đại biểu Phú Yên lên tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây, tôi, chị Tô Hà, Hoà An cùng lên tặng, tặng xong tôi đứng nép sang một phía, vừa lúc đó, nghe đồng chí Nguyễn Cộng Hoà, Trưởng đoàn công tác ghé vào tai Đảo trưởng đảo Đá Tây nói rất khẽ: Chà! Vậy là đợt này quà từ đất liền mang ra tặng cho anh em nhiều hơn các đợt khác, phải không đồng chí Đảo trưởng - Tôi nghe Đảo trưởng trả lời: Vâng ạ! Thủ trưởng Hòa nói lại tiếp: Đồng chí nhớ gởi cho anh em bên Trạm Hải đăng với nhé! Lại nghe Đảo trưởng đáp lại, vâng ạ! ngoài 3 cụm chiến đấu A, B, C, còn có một đơn vị nữa, không thuộc binh chủng Hải quân, nhưng hết sức gắn bó với Đá Tây, đó là Trạm Hải đăng thuộc Công ty Bảo đảm Hàng hải. Trạm này được xây dựng cùng trên nền của dải san hô, cách Đá Tây khoảng 3 cây số. Anh em chiến sĩ ở đảo Đá Tây nói rằng, cứ 6 tháng, Công ty Bảo đảm Hàng hải đưa lương thực, thực phẩm  và người ra để thay ca một lần…Vậy là với thời gian và điều kiện ấy, những anh em điều hành trạm Hải đăng cũng có một cuộc sống, sinh hoạt không khác mấy so với những người lính đảo. Bởi vì sự có mặt của họ ở đây không chỉ thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ có ý nghĩa đó là báo hiệu cho mọi tàu thuyền qua lại khu vực này biết, vùng biển này có nhiều đá ngầm, rạn san hô cần tránh xa, nếu không sẽ gặp nguy hiểm, mà còn  để chứng minh rằng, biển này, đảo này đã có chủ. Đồng chí chỉ huy chính trị đảo Đá Tây còn nói: Vấn đề ở đây không đơn giản chỉ là những cái chúng ta đang thấy như nhà chỉ huy, lô cốt chiến đấu có khi còn hết sức khiêm tốn trên các đảo, trên các rạn san hô hoặc bãi đá ngầm mà chính là từ những “cột mốc” chủ quyền đó, tức từ mép nước tính ra trong phạm vi 200 hải lý theo công ước quốc tế và theo luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc là hoàn toàn thuộc về chủ quyền của chính quốc gia sở tại.

 

(Còn nữa)

VŨ VĂN THOẠI 

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cảm nhận Trường Sa (Kỳ 3)
Thứ Năm, 19/06/2008 14:03 CH
Nông nhàn, lên núi tìm trầm
Thứ Tư, 18/06/2008 15:23 CH
Cảm nhận Trường Sa (Kỳ 2)
Thứ Tư, 18/06/2008 07:20 SA
Cảm nhận Trường Sa (Kỳ 1)
Thứ Ba, 17/06/2008 07:00 SA
Ở miền cực Bắc tổ quốc
Thứ Sáu, 13/06/2008 14:32 CH
“Lưới” cá trên sông Đà Rằng
Thứ Tư, 11/06/2008 15:06 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek