(Tiếp theo kỳ 11)
Cái độc đáo xung quanh câu chuyện chuẩn bị đi thăm Trường Sa của đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương lần này, càng nghe, càng ngẫm, càng thấy thấm thía.
Đoàn cán bộ Hải Dương chụp ảnh chung với những người con Hải Dương trên quần đảo - Ảnh: T.KẾ |
Nó thấm thía, nó xúc động ở chỗ, ngoài đoàn đại biểu hơn mười người là những đồng chí lãnh đạo của tỉnh, của các ngành, các huyện, thành phố, đấy được coi là thành phần cứng, thì các đồng chí của đoàn Hải Dương còn nỗ lực “đưa” tất cả các gia đình, “đưa” tất cả bà con, từ ông bà, bố mẹ, cô, dì, chú, bác, anh chị em ruột, bạn bè, người yêu, có trường hợp còn “đưa” cả làng xóm ra với đảo… Nói chung, là đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương đã “đưa” những “núm ruột”, đã “đưa” một phần “máu thịt” của chính những cán bộ, chiến sỹ là những người con Hải Dương đang sống và chiến đấu trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, để “tất cả” họ được “gặp nhau”, được “thăm nhau”, ba mẹ “ thăm” con mình, ông bà “thăm” cháu mình, em được “thăm” anh, anh được “thăm” em và cả người yêu thăm người yêu nữa. Tôi không thể biết ở đâu đó còn có cách làm nào khác hay hơn không! Bởi cách làm này theo tôi quả thật là quá tuyệt. Chúng ta hiểu rằng, do yêu cầu của cuộc chiến đấu và kế hoạch của chuyến đi mà nhiều chiến sỹ trên dưới hai năm chưa một lần được về phép. Trong bối cảnh đó mà nay có dịp được tận mắt “gặp” bố mẹ mình, “gặp” anh em mình, nghe họ giãi bày, nghe họ san sẻ, kể cả nghe thông báo tình hình ở nhà, ở làng, ở xóm… Từ việc mùa màng đồng áng, đến con a, con b, thằng c… Vừa rồi đây đã lấy chồng, lấy vợ… Bà con, dòng họ ai còn, ai mất, con anh Thảo, con chị Tân đứa vừa vào đại học, đứa đã tìm được việc làm… Để các con các cháu ở ngoài đó cùng biết, cùng mừng, cùng thương, cùng cảm, thì thật là quá tuyệt. Mỗi lần như thế, thấy anh em nhìn, anh em nghe, như nuốt từng lời, nước mắt ràn rụa. Cái độc đáo của chuyến đi này còn ở chỗ, các anh, các chị Hải Dương còn “mang” cả người yêu đích thực của người lính “vượt trùng khơi” ra với họ, ra với người yêu, ra với người lính đảo, và khi họ “gặp nhau” thì cả hai cùng khóc. Tôi đã chứng kiến cảnh “đoàn tụ” này trong đầm đìa nước mắt của những người lính đảo. Cái khao khát được gặp ông, gặp bà, được gặp bố, gặp mẹ, những người mà tuổi tác và thời gian không thể nói trước được điều gì. Nay còn, mai mất, một tiếng đồng hồ trước đó thấy vẫn còn, thì tiếng đồng hồ sau đã không còn nữa. Chính hiểu được cái sâu xa của những sợi dây vô hình ấy ở trong mỗi con người, mà lãnh đạo Hải Dương, các anh, các chị Hải Dương bằng những việc làm cụ thể của mình, nối được các mối dây vô hình ấy, tạo nên sự cố kết và hơn thế nữa, việc làm ấy đã ghi một dấu ấn khó phai mờ trong trái tim của những người lính đảo.
Thật vậy, kể từ khi tôi “cảm nhận” được, biết được cái “công quả” của các anh, các chị Hải Dương đối với những người lính Hải Dương trên đảo, ngày lại ngày tôi càng ngẫm, càng phục. Tôi cứ nghĩ, không biết ở cái đất Hải Dương ngàn lần yêu quý, ngàn lần thương cảm từ rất lâu trong trái tim tôi, thì ai là người nghĩ ra được và làm được cái điều “gan ruột” ấy, ai là người có được cái sáng kiến vô giá ấy. Cái vô giá ở đây không phải và không thể được tính bằng tiền, bằng một vật chất cụ thể nào đấy, mà nó phải được tính bằng cái sâu xa hơn, vô cùng hơn, đó là cái tình, cái nghĩa, cái nhân văn, cái mà mắt thường của ta khó lòng thấy được, cái mà muôn đời nay, dù vật có dời, sao có đổi, cái nghĩa nhân ấy nó vẫn không bao giờ biến đổi.
Tôi nghĩ ai là người nảy ra cái ý tưởng của câu chuyện nghe thật ly kỳ ấy cũng đã là đáng giá ngàn vàng rồi, thế nhưng, để triển khai thực hiện ý tưởng, biến ý tưởng trở thành hiện thực thì quả là kỳ công hơn nhiều. Xúc động quá tôi tò mò hỏi, thế các anh chị làm thế nào để có cái sản phẩm tuyệt vời ấy, thì các đồng chí đoàn Hải Dương nói: Đầu tiên là thống nhất chủ trương, sau khi có ý tưởng, sau đó là hình thành một kế hoạch chi tiết, phân công nhiều “tổ”, nhiều “mũi”, nhiều “hướng” ai liên lạc ở đâu để nắm cụ thể tình hình cán bộ, chiến sỹ, người ấy ở đâu, họ tên gì, quê quán ở đâu, thật sâu, thật kỹ đến từng chi tiết, để khi tổ chức đến tận gia đình để ghi hình, thu tiếng thì phải tuyệt đối chính xác… Chính xác là yêu cầu số một. Ngoài việc ghi hình, ghi tiếng, sau đó làm thành băng, thành đĩa ra. Rồi gia đình, bố mẹ, anh em, người yêu… có thư từ gì, quà cáp gì gởi cho con, cho cháu, cho người yêu thì đoàn nhận hết mang ra đảo. Vì thế chuyến đi này thật “nặng tình”, “nặng nghĩa”…
Đoàn cán bộ Hải Dương chụp ảnh lưu niệm với anh Bùi Văn Sơn (bìa phải) - cán bộ Trạm Hải đăng đảo An Bang - Ảnh: T.KẾ
Viết đến đây tôi cũng lại nhớ, cũng lại cảm cái câu chuyện quá sâu sắc về cái ý tưởng và về các quyết định của lãnh đạo tỉnh Hải Dương trong thời kỳ chiến tranh, là lấy tên các địa danh, các sự kiện đã có tên, có tuổi của người anh em Phú Yên kết nghĩa để đặt tên cho các con phố, các công trình kinh tế, văn hóa trên đất Hải Dương, mà cho đến ngày nay nó không chỉ được hiểu như một dấu ấn, mà trên thực tế nó còn trở thành một phần máu thịt trong lớp lớp những người con trên quê hương Hải Dương kết nghĩa. Phú Yên trong lòng Hải Dương và Hải Dương trong lòng Phú Yên là vậy. Với tôi, mỗi lần có dịp về Hải Dương, mỗi lần có dịp đi qua những phố, những phường, những công trình mà ở đó tên tuổi Phú Yên, tên tuổi của những địa danh, những sự kiện ở Phú Yên được trang trọng đặt tên như: Phố Tuy Hoà, chợ Đồng Xuân, đường Ngân Sơn, Chí Thạnh… Thì làm sao trong lòng không dậy lên sự mến thương và niềm xúc động. Đi trên đất Hải Dương mà như đang đi trên chính quê hương mình.
Còn nữa, còn quá nhiều dấu ấn nữa, mà Hải Dương trong những tháng năm chưa phải là dài, kể từ khi hai tỉnh trở thành người anh em kết nghĩa, Hải Dương đã dành cho Phú Yên, đã dành cho tình ruột thịt những suy nghĩ, những việc làm đáng nhớ. Mà một trong những nghĩa cử đáng nhớ nhất đó chính là ngay sau ngày Phú Yên hoàn toàn giải phóng, đoàn đại biểu của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã có mặt ngay trên đất Phú Yên, trên đất Tuy Hoà, để chúc mừng Phú Yên giải phóng, để chức mừng Phú Yên đoàn tụ. Để sẻ chia, san sẻ những đau thương mất mát mà Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã từng gánh chịu. Để thắp nén hương tưởng nhớ đến những người con yêu dấu của Hải Dương đã từng đến đây, đã từng cùng với Đảng bộ và nhân dân Phú Yên chiến đấu, mãi mãi không về…Trong hành trang của chuyến đi đầu tiên ấy của đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương kết nghĩa có một thứ tài sản đặc biệt quý hiếm, đó là sách. Hải Dương đã mang đến tặng cho Phú Yên hàng vạn quyển sách, mà Hải Dương qua nhiều năm chắt chiu, gìn giư. Đó là tư tưởng, là tình cảm, là trí tuệ, là kho tàng trí thức của nhân loại. Và cũng từ đó, cùng với những gì Phú Yên có được, Phú Yên đã xây dựng nên một thư viện mang cái tên rất thân thương, rất ý nghĩa, đó là Thư viện Hải Phú. Nó là một trong những biểu tượng sống, là một trong những “chứng nhân” có tính lịch sử, là một trong những nhân tố gắn kết vững bền giữa Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh.
Và từ đó đến nay, cùng với sự lớn lên của hai quê hương kết nghĩa, Thư viện Hải Phú cũng ngày một lớn lên, ngày một nhận được sự tín nhiệm cao trong lòng độc giả.
Điều rất đáng mừng là gần đây, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành, lãnh đạo Thư viện đã có những đầu tư khá tập trung theo hướng xây dựng Hải Phú sớm trở thành một trong những thư viện điện tử, có chất lượng ngày càng cao để cùng với thư viện sách phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.
Những năm gần đây, thông qua những chuyến đi lại thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, lãnh đạo của các huyện, thành phố, kể cả các chuyến thăm của các đơn vi cấp thấp hơn ngày càng nhiều hơn hoặc từng cá nhân, từng người, mà trong mấy chục năm chiến tranh, họ cũng đã từng sống và chiến đấu ở nơi đây và trong số họ, không ít người đã trở thành rể, thành dâu… thành “máu thịt” trên quê hương kết nghĩa. Đó là những biểu hiện sinh động nhất của việc tiếp tục duy trì và nâng lên tầm cao của mối quan hệ. Cũng qua giao lưu thăm hỏi, nhiều dự định lớn đã được hình thành, nhiều sự giúp đỡ thiết thực đã có kết quả, các ngành, các giới của hai tỉnh đã tổ chức nhiều đợt học tập lẫn nhau, cùng chia nhau niềm tin, chia nhau kinh nghiệm, để cùng nói với nhau rằng, quan hệ Phú Yên - Hải Dương, Hải Dương - Phú Yên là quan hệ đặc biệt, quan hệ đó đã được thử thách, đã được kết tinh, không chỉ bằng mồ hôi, công sức mà cả bằng máu của biết bao người.
Giờ đây, giữa trùng khơi sóng gió Trường Sa, trước nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, những người con Phú Yên cùng với những người con trên quê hương Hải Dương kết nghĩa, nối tiếp truyền thống, tiếp tục gắn bó với nhau, nắm chắc tay nhau, nắm chắc tay súng, cùng với hàng ngàn, hàng vạn người con ưu tú trên khắp mọi miền của đất nước, luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, luôn giữ trong lòng mình tình anh em cao cả, tình đồng chí muôn đời Phú Yên - Hải Dương thắm đượm.
(còn nữa)
VŨ VĂN THOẠI
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy