Khu vực gần cửa sông Đà Rằng là nơi hội tụ của nhiều loài cá, cả nước ngọt lẫn nước lợ. Nhờ vậy, nhiều người dân hai bên khúc sông này chọn lưới cá làm nghề mưu sinh. Vào dịp cuối tuần, gia đình về quê, được anh em xung quanh nhà rủ ra sông đánh lưới. Tôi theo họ, mới biết “nghề” lưới cũng rất công phu và thật vất vả mới mong kiếm sống...
Anh Nguyễn Tấn Nên đang cặp lưới |
NHỮNG TẤM LƯỚI “ĐẶC BIỆT”
Tôi được anh Nguyễn Tấn Nên (ở xã Hòa An, Phú Hòa) giới thiệu qua những dụng cụ cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt. Gồm một cái vợt, đèn pin, thùng xốp đựng đá lạnh dùng để ướp cá, chiếc xuồng nhỏ… và lưới. Mỗi chuyến đi, họ thường đem theo từ 3 đến 5 tấm lưới và tùy mùa cá mà họ mang theo loại lưới nhỏ hoặc lưới lớn. Trước đây, người làm nghề này thường mua lưới được làm sẵn bán ở chợ Tuy Hòa, sử dụng đến khi nào rách nát thì bỏ. Bây giờ, theo anh Nên, những tấm lưới chợ không còn phù hợp nữa phần thì giá bán đắt, phần vì chúng được làm rất sơ sài, mắt lưới không chắc chắn nên cá thường bị sổng ra ngoài. “Chúng tôi tự mua lưới, chì, xốp (để làm phao)… về cặp lưới (làm hoàn chỉnh một tấm lưới từ những bộ phận rời của tấm lưới), để giảm bớt giá thành và tấm lưới chắc chắn hơn. Hiện nay những người đánh cá trên sông họ dùng lưới ba màng chứ không ai sử dụng lưới một màng nữa. Do đó mỗi thợ lưới có một bí quyết riêng trong khâu cặp lưới. Thông thường lưới ba màng đánh bắt được nhiều loại cá, cỡ cá lớn nhỏ khác nhau, nhưng họ lại muốn làm ra một tấm lưới ba màng chuyên bắt hiệu quả một loại cá. Chẳng hạn như lưới cá bống, lưới cá đối, lưới cá úc…” – anh Nên cho hay.
Cũng theo anh Nên: Để làm được tấm lưới 2 thì phải mua hai loại lưới: loại 4 phân (nắm hai mắt lưới của một lỗ lưới ta căng ra thì nó có chiều dài là 4 phân) và loại 16 phân. Viền lưới được làm từ những sợi cước lớn, ở trên viền phao 2 sợi, dưới viền chì cũng 2 sợi nhưng nhỏ hơn một chút. Màng giữa là loại lưới 4 phân, còn hai màng hai bên là lưới 16 phân. Cứ cách 3 tấc thì viền trên gắn 1 phao, còn viền dưới cặp 5 viên chì (theo anh Nên thì “bí quyết” là nằm ở công đoạn này). Đồng thời, để bắt được cá và không để cá làm thủng lưới thì màng lưới ở giữa phải dùn hơn, nghĩa là màng lưới giữa dài hơn khoảng 1 tấc so với hai màng bên. Khi hoàn thành, tấm lưới có chiều dài khoảng 300m và giậu (chiều cao) 6 tấc, làm hết khoảng 2kg chì và khoảng 300 phao cộng với lưới. Tổng cộng giá thành khoảng 450.000 đồng (chưa tính công).
BẮT CÁ TRONG ĐÊM
MẺ LƯỚI ĐẦU NĂM Hầu hết những người đánh cá trên sông Đà Rằng đều coi trọng mẻ lưới đầu năm. Mẻ lưới này nếu trúng thì coi như trong năm người đánh cá ở đoạn sông này gặp may cả năm. Người ta thường mang cá đánh bắt được trong mẻ lưới này tặng bà con xóm giềng, cùng chia sẻ cái lộc này…
Sau khi chuẩn bị những dụng cụ cần thiết cho chuyến đánh bắt, chúng tôi “tay xách nách mang” ra sông bắt đầu cho chuyến “hành nghề”. Thường thường những người đánh lưới chỉ đánh bắt ban đêm, còn ban ngày thì dành cho công việc đồng áng và các nghề khác như thợ mộc, thợ hồ… Đồng thời, đánh bắt ban đêm hiệu quả hơn ban ngày vì ban đêm cá chạy (cá đi kiếm ăn) nhiều hơn.
Chúng tôi ra đến bờ sông thì mặt trời cũng vừa lặn, màn đêm bắt đầu buông xuống, gió thổi nhè nhẹ. Cánh thợ lưới bắt đầu tụ tập lại, nhóm lửa đun nước pha trà, cà phê uống để vượt qua cơn buồn ngủ. Anh Nguyễn Tấn Toàn lôi trong giỏ đựng cơm ra một bịch ni lông đựng khoảng nửa lít rượu trắng, anh em ngồi nhâm nhi bàn chuyện lưới, chuyện cá… Đã hết bịch ni lông rượu rồi mà chẳng thấy ai động đậy đến việc thả lưới. Sốt ruột, tôi hỏi thì các anh trấn an: “Làm nghề lưới thì không phải vội, mà phải kiên nhẫn, lúc rảnh thì chơi suốt, đến khi làm thì không kịp trở tay. Anh có mệt thì nằm ngửa ra bãi cát ngủ một giấc, chờ con nước lên rồi đi…”. Thì ra, đánh cá đâu chỉ phụ thuộc vào lưới mà còn phụ thuộc vào con nước nữa. Khi nước ròng (nước thủy triều hạ xuống), con cá hầu như nằm một chỗ đợi, đến lúc nước thủy triều lên cá mới đi kiếm ăn và rất háo nước, lúc này giăng lưới là thích hợp nhất.
Thả lưới - Ảnh: N.CHUNG |
Chuyến đi này chúng tôi mang theo ba tấm lưới 2, một tấm lưới 3 và một tấm lưới 8. Vì mùa này là mùa cá đối nên chủ yếu đem theo lưới 2, còn lưới 3 và lưới 8 để phòng ngừa khi có cá lớn. Anh Nên giải thích: “Lưới 2 đánh bắt được rất nhiều loài cá như cá đối, cá úc, cá rô phi… miễn sao cá cùng một cỡ lưới thì lưới 2 bắt được hết, nhưng những tấm lưới 2 này chủ yếu bắt cá đối”. Thấy tôi đang phân vân và có nhiều thắc mắc, anh Nên giải thích thêm: “Đây chỉ là một kinh nghiệm trong nghề. Cách đây mấy năm, cũng mùa cá này, trong lúc anh em trúng đậm cá đối, thì tôi chỉ bắt được vài con. Nghiên cứu kỹ thì mới biết, con cá đối là loài cá ăn nổi gần mặt nước. Về nhà tháo bớt chì, gắn thêm phao, hôm sau đem lưới ra thả, cá đóng lưới rất dày… Và cũng từ đó tôi có thêm một kinh nghiệm để làm ra những tấm lưới bắt cá đối”…
Cá đối đánh bắt được mùa này khoảng từ 3 – 6 lạng/ con, con lớn có khi đến 2kg. Anh Nên kể: “Cách đây hơn một tháng, cũng đi bắt cá đối, trong lúc thả chưa hết tay lưới thì đầu lưới bên kia rùng rùng kéo lưới đi. Nghi là có cá lớn đóng, nên tôi tóm phần lưới thả chưa xong xuống nước và mở tấm lưới 8 ra, bơi xuồng thả xung quanh. Bơi xuồng vào giữa thì cá mang lưới chạy, đóng tiếp vào tấm lưới 8. Hai tấm lưới nhập lại thành một và đợi cho nó đuối thì dùng vợt. Nhưng khi xúc, vợt chỉ xúc được hai phần ba con cá. Sợ bị chìm nên một tay bơi xuồng một tay cằm vợt kéo cá vào bờ. Đấy là con cá trắm cỏ, về nhà cân đến hơn 12kg”. Ngày xưa ra sông gặp cá lớn là chuyện bình thường, còn bây giờ bị châm điện nên cá lớn rất hiếm.
Cá đối sông Đà Rằng - Ảnh: A.NGỌC |
Cá đối cũng giống như cá tràu, có sức búng rất mạnh, nên khi mắc lưới nếu lưới căng cá có thể làm thủng lưới sổng ra ngoài. Do đó, khi thả lưới, người thợ lưới thả lưới theo dạng hình sin để tạo độ dùn cho cả tấm lưới. Hơn nữa, lưới cá đối được thả ở lưng chừng nước nên lưới tương đối nhẹ. Khi cá đụng lưới thì sẽ mang lưới chạy một đoạn, cá lọt qua màng lưới đầu tiên và bị màng lưới ở giữa chặn lại. Tiếp tục, cá kéo màng lưới giữa đâm qua màng lưới còn lại thì màng lưới giữa tạo thành kiểu cái vợt còn màng lưới thứ ba sẽ tạo thành mối gút, nên con cá bị gói lại…
Thả lưới xong, dùng sào đập mạnh xuống mặt nước ở xung quanh tấm lưới để cho cá chạy. Chúng tôi bơi xuồng vào bờ, ngồi nghỉ hút thuốc. Anh Nên cho biết: “Đánh lưới thì phải biết đặc tính của mỗi loài cá, chứ không thì đánh bắt không hiệu quả. Chẳng hạn, muốn bắt cá đối thì khi thả lưới xong phải dùng sào hoặc dầm đập mạnh xuống mặt nước để cá chạy, còn đối với cá rô phi mà dùng sào đập nước kiểu này thì không bắt được con nào. Vì cá rô phi khi nghe tiếng động thì không chạy mà nó lập tức lặn xuống đáy bùn chỉ ló cái đầu lên thôi…”.
Đến nửa khuya, chúng tôi đi thăm lưới. Vì nước chảy nên làm lưới căng ra, do đó phải kéo cho tấm lưới dùn lại và con nào đóng lưới thì gỡ. Khi nào thấy cá hết đóng lưới thì thâu lưới đến đoạn sông khác thả. Cứ như thế đến khi nước thủy triều rút xuống và cũng gần sáng, chuyến đánh bắt của chúng tôi mới kết thúc. Chuyến đi lưới cá sông Đà Rằng này của nhóm anh Nên đã thành công vì bắt được hàng chục ký cá đối...
ANH NGỌC