Thứ Ba, 26/11/2024 13:28 CH
Thư giãn với... rùa
Thứ Tư, 04/06/2008 15:01 CH

Không đắt tiền như cá dĩa, cá rồng hoặc La Hán, cũng không đỏng đảnh như lia thia, những cô cậu rùa dễ tính cứ khoan thai bơi trong hồ nước hoặc chậm rãi đi lại trong nhà. Chỉ thế thôi, chúng cũng đã làm dịu đi căng thẳng cho chủ nhân sau những giờ “chiến đấu” với bài vở, công việc.

 

rua-080604.jpg

Chơi với rùa – Ảnh: T.HẢO

 

CHƠI RÙA CẢNH

 

Hồi tôi còn nhỏ, ở quê, mỗi khi nước dâng trắng đồng và bò vào vườn là thấy rùa xuất hiện. Lũ rùa - có con to bằng cái mũ bảo hộ lao động - chẳng biết từ đâu, hễ lụt là có mặt. Trong khi chúng tôi vô cùng thích thú thì bà nội hoàn toàn không có thiện cảm với những vị khách không mời. Bà căn dặn chúng tôi không được đem những con vật chậm chạp đó vô nhà, vì như vậy sẽ không may mắn!

 

Thời gian trôi qua, mùa lụt đi rồi lại trở về, song những con vật chậm chạp có mai ấy ngày càng ít thấy. Những mùa lụt sau này, dù nước dâng trắng đồng và tràn vô vườn, thì cũng chẳng còn con rùa nào thập thò trong những đám cỏ mật. Nghe nói chúng đã bị bắt, và trở thành hàng hóa!

 

Năm ngoái, khi tôi đang ở Hà Nội, đứa em trai gọi điện dặn: Nhớ ghé chợ Đồng Xuân mua vài con rùa xanh Singapore. Đến chợ Đồng Xuân, không khó để tìm ra chỗ bán rùa. Chị chủ hàng cá - rùa cảnh chỉ vào bể nước, nơi có gần chục con vật bò sát mai màu xanh sậm to bằng nắm tay đang ung dung bơi lội, bảo: Ở đây người ta nuôi loại này. Ba nhăm nghìn một con. Không nói thách. 

 

Tôi mua năm con, cho mình, cho đứa em và cho một chị đi trong đoàn. Năm con rùa chen chúc nhau trong túi nilon, không có nước, mệt lử sau hành trình dài trên chuyến tàu Bắc - Nam. Về đến Tuy Hòa, hai con trong số đó xụi lơ, mấy hôm sau thì chết. Khi ấy, tôi nào biết rằng dân nuôi rùa rất kỵ chuyện mang rùa đi xa, và cũng rất kỵ việc rùa chết.

 

Những ai muốn nuôi rùa cảnh không cứ gì phải đi hơn nghìn cây số ra tận chợ Đồng Xuân. Ngay tại TP Tuy Hòa vẫn có thể tìm thấy những chú rùa xanh gốc gác từ  quốc đảo sư  tử  ở một vài điểm bán cá cảnh.

 

Anh Nguyễn Hữu Chủ, chủ tiệm cá cảnh Ông Già trên đường Nguyễn Công Trứ, cho biết: “Tôi mua từ  Sài Gòn về hai, ba chục con rùa, bán hết thì mua tiếp. Rùa xanh giá từ 25.000 - 35.000 đồng một con; màu sắc, hoa văn trên mai của nó đẹp hơn rùa tại địa phương mình. Tôi cũng có rùa to, giá 300.000 - 400.000 đồng một con nhưng bán không chạy bằng rùa nhỏ”. Còn chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ tiệm cá cảnh ở 35 Nguyễn Trãi, kể: “Tôi bắt đầu bán rùa từ trước Tết. Thấy có nhiều người đến hỏi mua nên tôi gọi vô Sài Gòn đặt hàng; họ bỏ rùa vào bì bóng, cho nước và bơm oxy vào, cột lại thật chặt rồi gửi ra. Mỗi lần gửi chừng hai chục con, bán nhanh thì ba bốn ngày, chậm thì một tuần là hết. Người ta mua để thả vô hồ cá cho đẹp”.

 

Không chỉ có rùa, tiệm của chị Nguyệt còn bán “người bà con” của chúng: ba ba. Con vật này chỉ to bằng ngón chân cái, tuy không xinh xẻo như rùa nhưng trông cũng ngộ nghĩnh, giá mỗi con khoảng 10.000 đồng.

 

NGƯỜI BẠN DỄ TÍNH

 

rua-2-080604.jpg

Một chú rùa xanh đang nằm sưởi nắng – Ảnh: T.HẢO

Những ai đã và đang nuôi rùa đều khẳng định rằng loài bò sát có mai này rất dễ tính. Chúng chỉ cần ăn mỗi ngày một lần, thức ăn tổng hợp (có bán ở các tiệm cá cảnh), rau quả, tôm, tép, thịt heo, thịt bò, cá chép… Cho ăn đầy đủ chất thì con rùa sẽ đẹp đẽ, khỏe mạnh. Rùa cạn (sống trên cạn) ưa chuộng các loại rau quả, trong khi rùa nước (sống dưới nước, hai chân sau có màng) thì khoái các loại thịt, cá. Phải chăng vì thế mà lũ rùa nước mau tăng cân hơn rùa cạn?

 

Rùa không chỉ nổi tiếng về tuổi thọ mà còn lập kỷ lục về việc nhịn ăn. Một con rùa bình thường có thể nhịn đói từ một tới hai tháng mà không hề bị… đột quỵ. Chị Nguyệt kể, có một cậu bé đến tiệm mời mua một con rùa nước. Có lẽ sau một thời gian nuôi, không còn mặn mà với con vật này nên cậu ta đem nó đến các tiệm cá cảnh chào bán. Cậu bé còn bảo: “Cháu không cho nó ăn đã hai tháng nay, vậy mà nó không chết”.

 

Dân nuôi rùa vẫn thường kể những câu chuyện về khả năng nhịn đói đáng nể của loài bò sát này. Có một con rùa cạn, loay hoay thế nào mà lạc vào bồ lúa. Lúc nó đang ngẫm nghĩ, hoặc là đang mơ màng thì chủ nhà trút lúa đầy bồ. Còn rùa đành nằm mãi ở đấy, cho đến lúc bồ lúa vơi đi rồi cạn. Khi được người ta phát hiện, nó vẫn còn sống, tất nhiên là có sụt cân! 

 

Một số người thích nuôi rùa không chỉ vì “chi phí đầu tư” thấp, ít tốn công chăm sóc mà còn bởi con vật chậm rãi dễ thương này có khả năng đề kháng rất tốt, ít khi đau bệnh. Tất nhiên, nếu thừa thức ăn thì nước trong hồ nhanh chóng bị ô nhiễm, và con vật cưng của bạn có nguy cơ bị nấm. Khi đó, theo kinh nghiệm của những người nuôi rùa, hãy cho vào hồ một ít muối hoặc nhỏ một ít thuốc trị nấm (có bán ở các tiệm cá cảnh) vào. Để phòng ngừa bệnh này thì đừng lười thay nước, nhất là khi thấy có dấu hiệu nhiễm bẩn. Khi thay, tốt nhất là xả nước sạch vào một cái xô, để một lúc lâu rồi mới cho vào hồ. Nếu cho vào ngay, nước có nhiều clo, có khi con vật cưng đó sẽ bị “sốc”. Thêm nữa, con rùa nước cũng rất cần có một chỗ khô ráo trong hồ để ngày ngày nó trèo lên phơi nắng, hấp thụ canxi và ngăn ngừa chứng nấm trên mai.   

 

Nếu con rùa mắc một chứng bệnh nào đó mà bạn mù tịt, thì hãy lên mạng tìm kiếm thông tin, hoặc là đưa nó đến bác sĩ thú y.

 

CHỊ RÙA, ANH RÙA...

 

Không ồn ã và bốc đồng như những chú chó, không điệu đà ủy mị như các cô mèo, cũng không khó tính như con cá dĩa quý tộc, rùa là một người bạn giản dị dễ thương. Song không phải ai cũng có thể mua một con rùa về, thả nó vào hồ nước - nếu là rùa nước, hoặc để nó đi ì ạch trong nhà - nếu là rùa cạn - bắt muỗi chơi. Một số người quan niệm rùa là một trong tứ linh (long, lân, quy, phụng), không thể nuôi con vật linh thiêng đó trong nhà. Lại có người cho rằng nếu nuôi con vật chậm chạp này thì mọi chuyện trong nhà cũng… chậm chạp theo (?!). Tuy nhiên, loài bò sát có mai này ngày càng được quan tâm, yêu mến. Anh Nguyễn Hữu Chủ cho biết: “Nhiều người thích nuôi rùa, từ  trẻ em cho tới người già. Ngay cả trong mấy ngày tết có người vẫn mua rùa, với quan niệm rước thần quy về nhà”.

 

Tôi có hai con rùa nước. Bên cạnh con rùa mua ở chợ Đồng Xuân giờ đã to bằng cái chén, mai màu xanh sậm, từng bị thiếu canxi và phải đi gặp bác sĩ thú y, là con rùa tên Mùa Thu, mai có những hoa văn màu vàng nhạt rất đẹp, do người bạn thân tặng. Hai con rùa sống khá hòa thuận, ngoại trừ  những lúc tranh ăn, lúc hục hặc nhau vì một lý do nào đó mà tôi không biết. Trong nước, chúng không chậm chạp tí nào, đặc biệt là khi rượt đuổi những con cá chép nhỏ - “bữa trưa” của chúng. Nhiều lúc, đi làm về, tôi ngồi ngắm hai con rùa và mong rồi đây mình sẽ có bầy rùa con xinh xắn dễ thương. Rắc rối ở chỗ, tôi không biết đâu là chị, đâu là anh rùa. Đi hỏi anh Chủ, tôi nhận được cái lắc đầu: Chịu chết. Thì cứ  nhìn con cá, chim, gà… mà suy ra, con rùa nào đẹp là rùa đực, ngược lại là rùa cái (!).

 

Thôi, tôi chả quan tâm đến giới tính của chúng. Chỉ cần ngắm chúng là thấy dễ chịu sau một ngày làm việc.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
KỲ II: Để tang, hương khói cho “Ông”
Thứ Ba, 03/06/2008 12:00 CH
Đến vùng đất thiêng Lũng Cú
Thứ Năm, 29/05/2008 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek