Viết đến đây mình nhớ lại cái cảm giác ban đầu, cái suy nghĩ ban đầu khi nhận được thư mời của Bộ Tư lệnh Hải quân gởi đến mời Đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên đi thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.
Thực tình lúc đó khi quyết định tham gia đoàn đại biểu của Phú Yên, mình không suy nghĩ gì nhiều và cũng không vướng bận điều gì cả, kể cả những khó khăn mà mình nghĩ rằng sẽ gặp phải như chế độ ăn uống, điều kiện sinh hoạt đối với một người mà trong mình mang đủ thứ bệnh, nhưng mình nghĩ là mình sẽ khắc phục được. Song cái điều mà mình không ngờ tới đó chính là say sóng trên đại dương. Mình nghĩ mình đã từng đi xe, đi máy bay, dằng lên, dập xuống, kể sá gì. Vì thế mà chuyện đi tàu, kể cả sóng to, gió cả mình cũng sẽ chịu được. Thế nhưng cái kiểu say sóng trên đại dương, trên tàu thuỷ thì hoàn toàn khác. Say đáng sợ, say mà không thể trốn vào đâu được. Và ai say cứ say, tàu chạy cứ chạy, lắc lư liên hồi không ngừng, không nghỉ, làm cho trong người cứ rộn lên, tim gan, phèo phổi, thần kinh cũng theo đó mà lảo đảo, nghiêng ngả, không thể nào tự chủ được nữa. Nó nghiêng, nó ngả tuỳ nó, cưỡng lại là “chết” ngay, và thế là phát hoảng. Ghê thật. Khoảng 2h00’ sáng ngày 2/5/2008 là mình gặp cái điều ghê sợ đó và cái điều đó tưởng như thế sẽ qua, vì mình đã tự vượt qua và cũng có chút ít kinh nghiệm, thế nhưng điều ghê sợ còn hơn thế nữa khi nó được lặp lại ở “trình độ” cao hơn vào lúc 20h ngày 3/5/2008. Không thể nào diễn tả hết nỗi sợ hãi này. Lúc đó, cùng với mấy anh em trong đoàn, đang trêu chọc Kiều Hưng vì Kiều Hưng đang lơ mơ say thì mình thấy hơi choáng. Lạ lắm, mình lặng lẽ trở về phòng, trong cơn lảo đảo. Tất cả đều cấp tập, cấp tập nhanh đến mức không kịp làm gì cả, nằm xuống giường, cứ thế mà ôm cạnh giường. Cửa thì đóng, mình hoàn toàn bất lực, vì hễ chỉ cần cựa một chút là nó sẵn sàng tuôn ra và như thế là đồng nghĩa với kiệt sức và hôn mê. Vì cả trưa và chiều hôm đó mình chỉ ăn hai chén cháo, mà lại còn uống tiếp một liều thuốc tiểu đường nữa, thành ra trong người không còn gì để chống đỡ. Lúc đó mình cứ hình dung như mình đang trong tình cảnh bị bao vây tứ phía, cực kỳ nguy hiểm, muốn tiến không tiến được, muốn lùi, lùi không xong.
Cá heo xuất hiện trên biển vào chiều ngày 3/5 - Ảnh: N.LƯU |
Suy nghĩ duy nhất lúc bấy giờ là làm sao nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh đó. Mình nghĩ ngay đến mấy trái thanh long mà mẹ Đô Em bỏ trong túi ni lông mang theo. Phải ăn vào, vì người lúc đó bủn rủn hết, mình nghĩ có thể tụt đường huyết. Thế là dù bất cứ giá nào cũng phải ăn cho bằng được. Thế nhưng thanh long thì để dưới sàn, gần góc phòng, không với được. Còn cái dao thì để trên thành cửa sổ. Gió mỗi lúc một mạnh, thổi ù ù vào các khe của các cánh cửa, tàu càng lúc càng chao không dứt, lại kèm cả mưa nữa. Thế này thì nguy quá, mình nghĩ vậy. Phải bật dậy thật nhanh, lấy thanh long trước, rồi nhanh như cắt rút con dao trên thành cửa sổ, bỏ xuống bàn rồi nằm ngay, giữ thăng bằng trở lại rồi tính tiếp. Trong đầu mình lập ra một kế hoạch như thế. Thế nhưng khi vụt ngồi dậy, bước nhanh về phía góc phòng, mò mãi trái thanh long nhưng không lấy được, vì nó lại nằm dưới đáy của túi ni lông, còn bên trên là mấy quả bưởi. Nghĩ bụng kiểu này chắc chết. Thế nhưng cuối cùng rồi cũng lấy được trái thanh long và con dao quẳng ngay trên bàn, nằm xuống, định thần lại. Thấy ổn, một tay bịn thành giường, một tay cầm dao đè trái thanh long ra cắt thành 3 khúc rồi cầm từng khúc lên, dùng miệng lột vỏ, ăn ngay, ăn ngon lành, ăn hết khúc này đến khúc khác, ăn hết 3 khúc, rồi thì không nước non gì cả, thiếp đi lúc nào không biết. Đến gần 2h sáng ngày 4/5/2008, giật mình, thức giấc, may quá, tàu ít chao hơn và cơn hoảng loạn cũng không còn nữa. Thế là quá mừng! Thế là lại vượt qua một cơn thử thách cực kỳ khắc nghiệt nữa. Ngồi dậy thử, người cứ rã rời như vừa trải qua một cơn sốt rét. Bước vào phòng đánh răng, rửa mặt, giặt khăn, lau thật kỹ để cho người tỉnh táo lại và đúng như thế, người cứ thế tỉnh dần. Lúc đó, mình quyết định lấy máy thử đường huyết ra thử. Máy thử mình chỉ mang theo trong chuyến đi đặc biệt này, vì từ lâu, kể cả những chuyến đi dài ngày như đi dự Đại hội, đi Hàn Quốc… mình cũng không mang theo, vì trên đất liền, có gì thì đến bệnh viện hoặc phòng khám tư nhân. Còn trên biển, mình phải tự lo là chính. Kể cũng là một quyết định đúng. Vì trong tình thế lảo đảo như vậy mà cứ tăm tăm mù mù thì rõ ràng chỉ có chết. Chỉ mỗi cái chuyện luẩn quẩn không biết đường cao hay đường thấp, do tụt đường huyết hay do nguyên nhân khác… cũng đủ ốm người. Và vậy là sau khi lấy máu đưa vào máy, máy cho kết quả 166 tức trên 8 phẩy, có nghĩa là tạm ổn.
Xung quanh câu chuyện say sóng này cũng còn khá nhiều giai thoại. Ai cầm cự chống đỡ giỏi cũng chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5 mà thôi, còn sau đó thì túi bụi. Từ chị Tô Hà, Kiều Hưng, Nguyên Lưu, Trình Kế… rồi đến Ngọc Thái, Hoà An, Hoàng Thành… trước cũng được xếp vào tốp ngoại hạng những ngày đầu, sau dần cũng rớt hạng… chỉ độc một mình anh Huỳnh Ngọc Sanh, lão tướng của đoàn, là thực sự kiên cường. Không biết rèn luyện kiểu gì, thần kinh cỡ nào mà người cứ tỉnh như sáo, mười một ngày, chứ hơn thế nữa, gió cấp 5, cấp 6 chứ hơn thế nữa chắc ảnh cũng trụ được. Anh em nói vui là anh Sanh được chính thức xếp là đội mạnh duy nhất, dẫn đầu của giải ngoại hạng. Thế nhưng, anh cũng có cái thiệt thòi vì anh không say nên không có cái cảm giác thế nào là say sóng đại dương để mà kể, để mà viết. Còn anh em, khổ một chút, nhưng lại có được một thứ “nguyên liệu” rất thật để nói, để viết… Kể cũng thú vị.
Trên biển, trên tàu của chuyến đi này còn biết bao nhiêu điều để nói, để ghi lại. Hay lắm, lạ lùng lắm. Thế nhưng, cái ấn tượng nhất là lần đầu tiên mình trực tiếp chứng kiến đàn cá heo nhào lộn như xiếc trên đại dương vào khoảng hơn 17h10’ ngày 3/5/2008. Lúc đó, rất may, vừa ăn xong, mình cầm chiếc điện thoại ra phía sau đuôi tàu để canh chụp cảnh hoàng hôn trên biển. Mặt trời từ từ lặn xuống ở phía xa cuối đường chân trời, trong lớp bọt sóng trắng xoá tung lên làm thành một vệt dài, lan rộng ra hai phía, rồi nhỏ dần, xa dần… thật ngoạn mục. Đang tận hưởng phút giây lãng mạn đó của cảnh chiều tà trên đại dương thì nghe phía mũi tàu những tiếng ồ ồ, la lớn. Mình chạy vội đến để xem chuyện gì, thì ngay lập tức cảnh tượng bất ngờ xuất hiện. Một đàn cá heo thi nhau phóng lên khỏi mặt nước, nhào lộn, từng 5, 6 chú một bay lên rồi nhủi xuống, theo hướng tiến về con tàu. Hình như đàn cá cũng mừng, cũng vui khi thấy có tàu, có bạn. Một, hai con lao rất nhanh men theo mạn tàu, chốc chốc lại phóng lên khỏi mặt nước rồi nhủi xuống! Đẹp lạ lùng!!! Mình la hết cỡ, vừa la, vừa giương máy điện thoại lên chụp. Thế nhưng khi mọi việc đâu vào đấy xem lại trên máy thì chỉ thấy một màu xanh nước biển, nhìn kỹ mới thấy gợn đôi chút, hình như cái mõm, cái lưng gì đó của cá heo. Thế cũng được, rồi tự an ủi, mình chụp không được là phải, vì một mặt vừa nhìn cho đã, vừa la cho sướng, mà lại bấm máy thì làm sao ghi lại cái hình ảnh quá chớp nhoáng của đàn cá heo như thế. Trong khi đó, đồng chí ở Đài Truyền hình Hải Dương hay Tiền Giang gì đó, quay rõ đẹp, đẹp cực kỳ. Anh em nói vui là hình ảnh đó nếu bán cũng được vài triệu chứ chẳng đùa…
Lính đảo Trường Sa Lớn chờ đón tàu HQ-996 - Ảnh: N.LƯU |
Con tàu tiếp tục lao về phía trước, mọi người lần lượt trở về phòng, riêng mình, mình vẫn cứ đứng trước mũi tàu, cố chờ, may ra thấy được điều kỳ lạ nào khác nữa không, nhưng không kịp vì trời đã nhá nhem tối… Mình lại nghĩ nhiều điều, sự sống bao giờ cũng đang hiện hữu chung quanh ta mà có lúc con người cũng không hình dung nổi. Nó vẫn sống, vẫn sinh sôi nảy nở, cái này là niềm hy vọng cho cái kia và ngược lại. Thì ra tạo hoá thật vô cùng, trời đất thật vô cùng…
Theo lịch trình của chuyến đi, tàu HQ996 sẽ cập cảng đảo Trường Sa Lớn vào lúc 6h30’ sáng ngày 4/5/2008. Vừa tờ mờ sáng, đã thấy đằng xa một dãy núi, cạnh đó là con tàu đánh cá. Tàu càng lao nhanh về phía trước và trời mỗi lúc một sáng hơn, nên dãy núi cũng rõ dần. Đúng thời điểm ấy loa trên tàu bắt đầu giới thiệu về Trường Sa Lớn, đảo được mệnh danh là thủ phủ của quần đảo Trường Sa và phát bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sỹ Hình Phước Long, một bài hát mà đã từ rất lâu không ít người đã từng “say” vì nó. Trong cái không khí rạo rực đó, tôi lấy điện thoại ra mở chế độ video quay chiếc loa trong phòng đang phát và thu luôn bài hát. Lúc này, tàu đã gần sát cầu cảng, thả neo. Tốc độ thả dây neo kinh khủng, bụi bay mù mịt… Lúc đó mọi người cũng đã ào lên boong tàu, đồng thanh hô to vẫy tay chào đi, vẫy tay chào đi… Những tiếng hô kéo dài quyện vào sóng và gió… Thế nhưng do sóng lớn, tàu không vào được mà mỗi lúc một xa cảng trở lại. Phải đến đúng 8h00, tàu mới thực sự cập cảng. Thật không có lời nào đủ để diễn tả cái giờ phút lịch sử ấy. Trường Sa đây rồi, cái nơi mà mình chờ để được đến thăm đã ở trước mặt đây rồi… Mừng vui, xúc động đến nghẹn ngào…
(Còn nữa)