Thứ Ba, 26/11/2024 15:28 CH
Huyền thoại “Nam Hải đại tướng quân”
KỲ II: Để tang, hương khói cho “Ông”
Thứ Ba, 03/06/2008 12:00 CH

Chuyện về “Nam Hải đại tướng quân”, nhất là việc cứu người trong cơn nguy nan giữa trùng khơi, dù ngẫu nhiên, dù khoa học đã hoặc chưa thể giải thích, ngư dân vẫn truyền miệng nhau những điều kỳ bí. Đi đến bất cứ vùng biển nào, chúng tôi cũng được nghe ngư dân sùng kính “ông Nam Hải” của họ. “Ông” chính là niềm tin của họ mỗi khi dong thuyền ra khơi.

 

KỲ I: Cứu người về từ cõi chết

 

XÔN XAO KHI “ÔNG” LỤY

 

co6-ba-huynh-thi-khanh.jpg

Bà Huỳnh Thị Khanh (Đông Tác, Phú Đông, Tuy Hòa) phải thọ tang “Ông” 3 năm - Ảnh: N.THẠNH

Nhiều ngư dân từng chứng kiến cảnh “Ông” lụy (cá voi chết) cũng kể lại cho chúng tôi rất nhiều điều kỳ bí. Ông Nguyễn Văn Út, 70 tuổi, ở TP Tuy Hòa, nhớ lại những lần chứng kiến cảnh “Ông” lụy trong đời mình: “Lúc sắp lụy, “Ông” sẽ tìm cách vào bờ. Lúc này biển dậy sóng dữ dội, xung quanh “Ông” có vô số “binh tôm tướng cá” phò vào”.

 

Hầu hết các ngư dân đều tin rằng không phải vùng đất nào cũng được “Nam Hải đại tướng quân” chọn để vào bờ “lụy”. Vùng “Ông” chọn để gửi xác những năm sau đó trù phú khác thường. “Đặc biệt trong năm “Ông” lụy, ngư dân vùng biển đó sẽ được mùa màng bội thu” - Ông Võ Mưa (73 tuổi, ngụ thôn Kim Giao, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), bảo. Ông cho biết: “Năm 1957, lúc tôi 11 tuổi, làng cũng phát hiện một “Ông” sắp lụy đâm vào bờ. Cả làng đưa về miếu chuẩn bị các thủ tục chôn cất nhưng đợi hoài “Ông” vẫn không “đi”, mắt vẫn mở và đuôi vẫn ngo ngoe. Phải đến ngày thứ ba, khi các bô lão khấn khứa sẽ nhang khói thờ phụng đàng hoàng, “Ông” mới vẫy đuôi rồi nhắm mắt lụy. Đó là điều cả đời tôi chưa từng thấy, vì không sinh vật biển nào sống lâu trên cạn như vậy”.

 

Ông Hồ Ngợi, 58 tuổi, phó lạch làng Phú Câu, phường 6 (TP Tuy Hòa), đoan chắc với chúng tôi đã chứng kiến một chuyện khó tin khi “Ông” lụy: “Cách đây 15 năm, làng Phú Câu phát hiện “Ông” tấp vào bờ sắp lụy, liền huy động hàng trăm người dân, trong đó có tôi, khiêng về để lo hậu sự. Thế nhưng, hàng trăm ngư dân to khỏe không thể nào nhấc nổi “Ông”. Khi vị trưởng lạch trong làng đứng ra cúng vái hồi lâu, chúng tôi mới khiêng “Ông” đi một cách nhẹ nhàng”.

 

SÁNG TẠO ĐẤNG CỨU TINH

 

Nhiều ngư dân đã thêu dệt chuyện “Ông Nam Hải” trước khi cứu người, cứu tàu sẽ phun nước bọt trấn áp sóng to gió lớn khiến biển lặng trời yên. Song, điều này đã được giải thích: Khi gặp thời tiết xấu, nhất là khi có gió bão khiến đại dương dậy sóng dữ, cá voi tự vệ bằng cách phun nhiều đờm ra. Chất đờm này có tác dụng như vệt dầu loang trên mặt nước biển, sẽ khiến sóng chỉ lềnh dưới mặt nước chứ không vùng lên được. Vùng an toàn mặt biển do cá voi phun đờm có diện tích đủ rộng để những chiếc tàu tải trọng hàng chục tấn trở lên có cảm giác biển yên gió lặng… Việc cá voi xuất hiện bên mạn tàu để nâng dìu mỗi khi gặp bão to, sóng lớn cũng được giải thích chính là cách để chúng tự cứu, tìm nơi né tránh cơn giận dữ của thiên nhiên.

 

Song, vẫn còn rất nhiều chuyện đầy bí ẩn về “Nam Hải đại tướng quân” được ngư dân tin tưởng, truyền tụng. Nhiều ngư dân cho rằng những phụ nữ lớn tuổi song chưa lấy được chồng, chỉ cần chui qua bộ hài cốt của “Ông” thì sẽ toại nguyện, tìm được tấm chồng như ý. Ở Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận… ngư dân còn cho rằng bột xương “Ông Nam Hải” trị được nhiều chứng bệnh ở người, như hen suyễn, lao phổi…

 

Niềm tin vào sự trợ giúp của “Nam Hải đại tướng quân” xuất phát từ rất nhiều sự tích tương truyền về khả năng màu nhiệm của cá voi đối với ngư dân làm nghề khai thác đánh bắt trên biển, dù sao cũng là một giá trị tâm linh đáng trân trọng. Có điều, không nên vì quá tôn sùng, tin tưởng vào “Ông Nam Hải” mà ngư dân lơ là việc trang bị kiến thức cũng như phương tiện kỹ thuật phòng chống thiên tai khi ra khơi.

 

Vào thời đại văn minh hôm nay, con người vẫn còn tiếp tục bị vùi dập bởi những cơn bão dữ giữa biển khơi. Chuyện về “Nam Hải đại tướng quân”, nhất là việc cứu người trong cơn nguy nan giữa trùng khơi, dù ngẫu nhiên, dù khoa học đã hoặc chưa thể giải thích, ngư dân vẫn truyền miệng nhau những điều kỳ bí. Tuy nhiên, sáng tạo ra vị cứu tinh trên biển như “Ông Nam Hải” là biểu hiện của trí khôn dân gian nhằm củng cố lòng quả cảm, tự vệ trước hiểm nguy khó lường giữa đại dương.

 

co4-nhatho.jpg

Lăng Ông Nam Hải ở làng Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa.  -  Ảnh: N.THẠNH

 

ĐỂ TANG, HƯƠNG KHÓI CHO “ÔNG”

 

Theo tục lệ, dù muốn hay không, ngư dân nào phát hiện “Ông” lụy cũng buộc phải chịu tang 3 năm, ăn chay nằm đất và phải kiêng cữ nhiều điều. Tuy vậy, mọi ngư dân đều mong trong đời mình có cơ duyên được một lần gặp “Ông” lụy, bởi họ quan niệm rằng như vậy sẽ được “Ông” phù hộ, độ trì cho sức khỏe, công việc làm ăn...

 

Lão ngư Út Hoạch vẫn nhớ như in ngày 23/5/1995, ngày mà ngư dân đảo Hòn Đá Bạc - Cà Mau phát hiện “Ông Nam Hải” đâm vào đây và sắp lụy. Biết là có điềm lành đưa đến xóm đảo nghèo khó này, ngư dân ở đây vô cùng mừng rỡ, bởi ai cũng tin tưởng từ nay đời sống sẽ bớt cơ cực. “Hôm đó, cả xóm đảo rộn ràng như ngày hội, vì mấy chục năm mới được một lần hân hạnh đón ông vào lụy” - lão ngư Út Hoạch nhớ lại. Sau khi tổ chức an táng tươm tất, 6 tháng sau, người dân Hòn Đá Bạc mang hài cốt “Ông” về và lập miếu thờ suy tôn trên đảo cho đến nay. Hiện nay, chuyện chăm lo thờ cúng “Ông” được xóm đảo giao phó cho ông Út Hoạch. Dù đã bước sang tuổi 81 nhưng trông ông chỉ trạc 50, với vóc dáng khỏe mạnh, rắn chắc. Ông Út Hoạch cho rằng được vậy là nhờ ăn chay trường và kiêng cữ nhiều chuyện, như bất kỳ ai được gặp “Ông” lụy hoặc giữ trọng trách hương khói cho “Ông”.

 

Tại mọi vùng biển ở Việt Nam, cá voi chết được ngư dân lo phần hậu sự như con người, thậm chí còn trang trọng hơn người thân trong gia đình. Ngày “Ông” lụy như ngày đại tang của cả làng biển, mọi người phải bỏ hết công việc để tập trung lo việc chôn cất. Người phát hiện “Ông” lụy phải choàng áo tang, phải làm sao bày tỏ lòng tiếc thương, sau đó phải thờ phụng, nhang khói cho “Ông”. 

 

Ngư dân tin rằng gặp “Ông” lụy là một cơ duyên tốt đẹp, nên ai cũng mong mỏi chờ dịp may. Năm 2002, vợ chồng bà Huỳnh Thị Khanh (56 tuổi, ngụ làng Đông Tác, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) trong một lần đi bộ tập thể dục buổi sáng đã phát hiện “Ông” đâm vào bờ. Thấy “Ông” còn sống, vợ chồng bà Khanh hì hụi cố đẩy ra biển. Bà Khanh nhớ lại: “Song, đi chừng vài trăm mét, vợ chồng tôi lại thấy “Ông” đâm vào bờ trước mặt, như chặn chúng tôi lại. Nghĩ là “Ông” sắp lụy, chồng tôi ở lại canh giữ, còn tôi về làng thông báo. Khi cả làng chạy ra đông đủ, ông lụy ngay”. Ba năm sau đó, vợ chồng bà phải lo chuyện hậu sự, cúng giỗ “Ông”.

 

Ở các vùng biển được nhiều “Ông Nam Hải” ghé vào lụy, ngư dân còn xây dựng cả nghĩa địa chuyên dành để chôn cất “Ông”. Tại đây cũng đầy đủ nhang đèn, hương khói trang trọng chẳng khác gì nghĩa trang của người. Cá voi chết được ngư dân chôn cất rất chu đáo gần bờ biển nơi tấp vào. Sau 3 năm, ngư dân đem hài cốt “Ông” về lăng, miếu, thực hiện nghi thức xả tang, chuẩn bị lo việc thờ phụng. Nhiệm vụ bảo quản hài cốt, thờ phụng “Nam Hải đại tướng quân” thường được giao một người đứng tuổi trong vùng. Lăng, miếu thờ “Ông Nam Hải” được canh giữ, hương khói quanh năm.

 

dang-ruou-trong-le-cau-ngu.jpg
Nghi thức dâng rượu trong lễ cầu ngư - Ảnh: D.T.X

 

Tại Phú Yên, lăng, miếu thờ cá voi nổi tiếng nhất là miếu Ông Nam Hải ở làng Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa, được xây dựng từ năm 1879. Người canh giữ hài cốt “Ông”, lo việc hương khói là lão ngư Lê Bồng, 75 tuổi. Ngư dân địa phương cho biết tuy ông Bồng đã lớn tuổi nhưng cả vùng tìm người thay thế vẫn chưa ra, bởi đảm trách công việc này phải là người có đạo đức tốt, am tường nhiều thứ và đứng tuổi.

 

Gặp chúng tôi, ông Bồng khoe: “Tôi đã làm công việc này 20 năm nay. Miếu này có hàng trăm bộ hài cốt của “Ông”. Trong đó, bộ hài cốt mà ngư dân gọi là “Ông lớn”, được xem là lớn nhất miền Trung, đã có từ hàng chục năm nay”. Chúng tôi vào căn phòng rộng chừng 2m2 - nơi bảo quản hài cốt “Ông lớn”. Bộ xương “Ông” gom thành đống, nằm gần choán hết cả căn phòng, được xem là chốn linh thiêng và là niềm hãnh diện của cả vùng Phú Câu. Ông Bồng nhớ lại, khi “Ông lớn” đâm vào bờ, cả làng tuy rất mừng rỡ nhưng thật vất vả lo chuyện hậu sự. “Ông lớn” dài đến 30 mét, ngang 8 mét, ước chừng nặng 30 tấn. “Cả làng phải huy động hết mọi người nhưng không cách nào di chuyển được “Ông lớn” đến nơi chôn cất. Chúng tôi phải dùng tre đan thành một chiếc giỏ khổng lồ đường kính hàng trăm mét, bao bọc “Ông lớn” nơi bờ biển. Chừng vài mươi ngày sau, khi da thịt “Ông lớn” rữa ra, chúng tôi mới lấy được hài cốt đem về thờ phụng” - ông Bồng kể.

 

Mùa tôn vinh “Ông”

 

Dọc miền biển Việt Nam, nơi nào cũng có lễ hội Nghinh Ông, cầu ngư. Tại vùng biển miền Trung, vào trung tuần tháng 4 âm lịch hằng năm, ngư dân lại tất bật lo tổ chức lễ hội Nghinh Ông. Còn tại khu vực các tỉnh phía Nam, lễ hội Nghinh Ông thường được tổ chức sớm hơn, vào giữa tháng 2 âm lịch. Ngoài mục đích suy tôn, nhớ ơn “Nam Hải đại tướng quân”, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lễ hội còn là dịp để người dân vui chơi sau mùa biển đầy vất vả, hiểm nguy. Trong lễ hội Nghinh Ông, có rất nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú, như lễ tế, rước hài cốt “Ông” về lăng, hát bá trạo, hát bội, biểu diễn võ thuật…

 

NGUYỄN THẠNH – XUÂN THU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đến vùng đất thiêng Lũng Cú
Thứ Năm, 29/05/2008 16:00 CH
Kỳ IV: Chuyện ở hai đảo chìm
Thứ Ba, 27/05/2008 15:28 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek