Thứ Tư, 02/10/2024 21:29 CH
Huyền thoại “Nam Hải đại tướng quân”
Thứ Hai, 02/06/2008 15:00 CH

Những ngày trung tuần tháng tư âm lịch, ngư dân ở nhiều vùng biển bắt đầu vào mùa lễ hội Nghinh Ông. Đây cũng là dịp để người ta nhắc lại những chuyện huyền hoặc của “Nam Hải đại tướng quân”, với đầy vẻ thành kính tôn sùng, hàm ơn loài cá voi này.

 

KỲ I: Cứu người về từ cõi chết

 

Biển cả có lúc hiền hòa, đem lại cho ngư dân những mùa màng bội thu, tạo nên cuộc sống trù phú ở nhiều làng biển. Song, cũng nhiều lúc đại dương nổi giận. Không biết từ bao giờ, ngư dân đi biển mỗi khi gặp cảnh nguy nan ngấp nghé bên bờ cõi chết, ai cũng khấn niệm trong lòng và trông chờ “ông Nam Hải” đến cứu giúp.

 

co2--ba-tra-080602.jpg

Bà Lương Thị Trả cho biết từng được cá “Ông” cứu cách đây 20 năm trước - Ảnh: N.THẠNH

 

GẶP NHÂN CHỨNG SỐNG

 

Mùa Nghinh Ông này ở Phú Yên, chúng tôi gặp ông Nguyễn Phê, 73 tuổi, ngụ làng Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa, được cả vùng biết đến nhờ từng được “Ông”- cách gọi thành kính của ngư dân đối với cá voi - cứu vớt. Nhiều ngư dân Tuy Hòa bảo ông Phê là nhân chứng sống cho huyền thoại “ông Nam Hải”.

 

Dù tuổi cao sức yếu, nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Phê vẫn nhớ như in ngày được cá voi cứu cách đây đã hơn 20 năm. Ông kể: “Tháng 3/1984, trong một chuyến đi câu ngoài khơi, khi vừa bủa câu xong, một cơn lốc đi qua nhấn chìm tàu chúng tôi. Toàn bộ thợ thuyền đều là thanh niên trai tráng nhưng không ai thoát chết. Năm đó tôi đã xấp xỉ 50 tuổi, tuy là dân đi biển nhưng bơi rất yếu, tưởng đâu cũng xong đời rồi. Khi vật lộn với sóng biển một lát, tôi đuối sức và không ngớt khấn vái Ông đến giúp. Đến lúc gần như bất tỉnh, chỉ chực chìm lỉm xuống đáy biển, tôi chợt thấy mình được nâng lên mặt nước, người nhẹ tênh. Dù mơ mơ màng màng nhưng tôi vẫn có cảm giác rất rõ như mình đang được nằm trên một tấm ván trơn nhớt, rất êm ái, từ từ trôi đi. Cứ như vậy vài ngày đêm, đói quá tôi ngất lịm lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình được một tàu đánh cá vớt lên. Những ngư dân tàu này khẳng định tôi được “Ông” cứu, bởi họ thấy dáng “Ông” ở xa xa đưa tôi đến gần tàu”. Dừng lại một lát như tưởng nhớ đến ơn cứu mạng của “ông Nam Hải”, ông Phê tâm sự: “Nhiều người bảo rằng nhờ tôi luôn luôn tôn kính và có duyên với “Ông” nên khi lâm nguy mới được “Ông” cứu”.

 

Ở làng Phú Câu có hơn 20 người từng được cá voi cứu về từ cõi chết, như các ông Lê Mau, Lê Dậu, bà Chài… Còn ở làng Đông Tác, phường Phú Đông - TP Tuy Hòa cách đó không xa, cũng có hơn 50 người được cá voi “hộ”. Chúng tôi tìm gặp bà Lương Thị Trả, 70 tuổi, ở làng Đông Tác. Bà Trả bồi hồi nhớ lại: “Cách đây chừng gần 20 năm, trong một lần đi vớt củi lụt trên sông Đà Rằng, xuồng bị lật và mẹ con tôi bị cuốn trôi tuốt ra biển. Con trai tôi, 18 tuổi, khỏe mạnh, bơi giỏi nhưng lại không thoát chết. Trong khi đó tôi không biết bơi, yếu đuối nhưng thoát nạn nhờ “Ông hộ”. Lúc người đang lơ mơ chỉ muốn ngất lịm, tôi thấy “Ông” đến đưa cái lưng trơn lạnh nâng dìu tôi giữa mưa gió, sóng nước mù mịt, lạnh buốt. Chừng 10 giờ sau, tôi được “Ông” đưa đến tận bờ”.

 

Ngược ra ngoài vùng biển Bình Định, chúng tôi được ngư dân chỉ đến gặp bà Nguyễn Thị Sơn ở thôn Kim Giao, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, trường hợp điển hình gặp cá voi cứu thoát nạn. Nhớ lại chuyện xưa, bà Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng: “Năm 1966, tôi đi trên một chuyến tàu chở 63 người từ Sa Huỳnh tới cửa An Vũ. Gặp sóng lớn đánh tàu chìm, 62 người kia đều bị chết đuối. Riêng tôi, tuy không biết bơi, nhưng khi uống nước biển kiệt sức tưởng đâu bỏ xác ngoài khơi thì được “Ông” đến “hộ” đưa vào bờ”.

 

co1-o-nguyen-phe-080602.jpg
Ông Nguyễn Phê, một ngư dân ở TP Tuy Hòa được cá “Ông” cứu nạn - Ảnh: N.THẠNH

 

CÕNG TÀU VƯỢT NẠN

 

Những ngày vào mùa Nghinh Ông này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe rất nhiều chuyện cứu người của “ông Nam Hải”. Nhiều chiếc tàu hàng chục tấn, chở vài chục người bị nạn ngoài khơi đã được cá voi đưa vào bờ an toàn.

 

Về vùng biển Rạch Giá - Kiên Giang, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Hùng (37 tuổi, ngụ 370 An Hòa - Rạch Giá, chủ tàu KG 9116 TS). Nghe chúng tôi nhắc chuyện được cá voi cứu, ông Hùng khẳng định ngay: “Hôm đó đúng là ngày đáng nhớ nhất trong đời ngư phủ của tôi”. Ông kể, vào tháng 4/1996, khi đang đánh bắt cá tại vùng biển Hòn Chuối - Kiên Giang, tàu ông gặp bão, bị phá nước, các thủy thủ cùng nhau bơm, tát liên tục cũng không kịp. Ông Hùng lập tức quay mũi về hướng sóng, thả neo cầm cự và tiếp tục bơm, tát nước ra. Song, sóng to gió lớn khiến neo bị đứt, tàu quay ngang, nước vô lênh láng.

 

Ông Hùng hồi tưởng: “Lúc tàu sắp chìm,  tôi chỉ biết khấn vái nhờ “Ông” phù hộ, nếu còn sống được về đất liền thì sẽ cạo đầu, ăn chay. Lời khấn cầu của tôi linh nghiệm. Chẳng bao lâu sau, tàu từ từ nổi lên như không có tải trọng, nhẹ tênh. Các thủy thủ không hiểu chuyện gì nhưng vẫn hì hục tát nước và tôi cho quay mũi tàu vào bờ chạy hết tốc độ. Cảm giác lúc đó rất lạ, tàu như đang cỡi trên một tấm đệm. Sau 4 giờ, khi vô tới gần hòn Đá Bạc, tàu bị chuyển mạnh một cái từ dưới mạn. Tôi đưa mắt quan sát thì thấy một khối hình cầu đen bóng khổng lồ có bề ngang chừng 3 mét nổi lên và đi ra xa. Lúc này tôi mới biết tàu mình được “Ông” áp tải vô bờ. Khi tất cả thủy thủ lên được trên hòn Đá Bạc, tàu va vào đá rồi vỡ tan, chìm dần”.

 

Ở vùng biển Nha Trang, chúng tôi gặp ông Nguyễn Sơn và được nghe ông kể về chuyện được cá voi cứu cách đây hơn 20 năm. “Năm 1982, khoảng 40 người chúng tôi đang đi trên một chiếc tàu thì bị phá nước, đắm dần, tưởng phải bỏ xác giữa biển khơi. Giữa lúc hỗn lộn, ai đó chợt hét bảo người lớn tuổi nhất trên tàu đứng ra khấn vái “Ông”. Lúc tàu sắp chìm hẳn, bỗng chúng tôi thấy xuất hiện hai khối hình cầu đen bóng kè hai bên mạn, nâng dìu tàu đi. Được một đoạn, chúng tôi gặp một tàu đánh cá và được họ cứu thoát”, ông Sơn nhớ lại.

 

co3-o-le-bong-080602.jpg

Bộ xương cá Ông đang được thờ tại làng Phú Câu (phường 6 TP Tuy Hòa)  – Ảnh: N.THẠNH

 

CẦU GÌ ĐƯỢC NẤY

 

Ở làng biển Đông Tác, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), chúng tôi được nghe câu chuyện “Ông” cứu người đầy vẻ bí ẩn. Con cháu ông Nguyễn Quảng Nam (đã mất), ngụ tại làng này, cho biết ông Nam không hề biết bơi. Cách đây trên 10 năm, ông đi theo một tàu đánh cá gồm 6 người thì gặp sóng đánh chìm. Năm người kia thiệt mạng, chỉ có ông Nam sống sót nhờ được “Ông” cứu.

Người nhà ông Nam kể với chúng tôi câu chuyện thoát nạn mà ông thường nhắc đi nhắc lại trong gia đình: Khi rơi xuống biển, ông Nam liên tục khấn vái cầu cứu “Ông” đến “hộ”. Khi gần lịm người vì đuối sức, một sinh vật khổng lồ hình cầu, da trơn nhớt đen bóng đến nâng dìu ông Nam đến tận bãi Đá Đăng, cách bờ hàng chục cây số. Đến bãi Đá Đăng, ông Nam không thể leo lên được do đuối sức, phần vì do vách đá thẳng đứng không chỗ vịn. Ông tiếp tục khấn nguyện: “Có thương thì thương cho trót, xin “Ông” đưa con đến chân cầu Ba Chân”. Tuy cầu Ba Chân cách bãi Đá Đăng cả trăm cây số, song trong lúc mơ màng ông Nam vẫn nhớ rõ mình được “Ông” tiếp tục nâng dìu đến tận đây.

 

Người nhà ông Nam còn cho biết, ông rất khoái ăn thịt chó nhưng từ khi được “Ông” cứu liền từ bỏ ngay sở thích này. Bởi ngư dân nào cũng tin rằng, đã thờ cúng, tin tưởng “ông Nam Hải” thì nhất thiết không bao giờ được ăn thịt chó, nếu không sẽ có tai nạn bất đắc kỳ tử xảy ra. Thế nhưng, nhiều năm sau khi được “Ông” cứu, ông Nam chợt muốn thử lại cảm giác khoái khẩu khi dùng thịt chó, và ngay sau bữa ăn đã lăn đùng ra chết(!) Tuy nhiên, không ít người dân trong làng khẳng định với chúng tôi, ông Nam chỉ ngẫu nhiên trúng gió không cứu chữa kịp nên thiệt mạng mà thôi.

 

Được phong tước “Nam Hải đại tướng quân”

 

Theo các lão ngư, cá voi - được ngư dân sùng kính gọi là “Ông Nam Hải”- từng được vua Gia Long sắc phong tước “Nam Hải đại tướng quân”. Cũng có thuyết cho rằng vua Gia Long phong tước Càn khôn Quốc gia Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân Trung đảng thần cho cá voi.

 

Tương truyền vào khoảng năm 1799, Nguyễn Ánh trong lúc trốn chạy quân Tây Sơn định vượt biển sang Xiêm La thì gặp bão lớn. Sau lưng quân Tây Sơn đuổi theo, trước mặt thì giông gió bão bùng, Nguyễn Ánh nhìn trời khấn nguyện: “Nếu trời còn tựa Nguyễn Ánh này thì xin phò hộ thoát qua cơn thập tử nhất sinh”. Ngay sau đó, từ dưới nước bỗng nổi lên cặp cá voi kẹp hai bên mạn thuyền, đưa lưng dìu thuyền Nguyễn Ánh vào đất liền bình an. Đến năm 1802, sau khi lên ngôi, Gia Long có chỉ sắc phong cho cá voi là “Nam Hải đại tướng quân”.

 

KỲ II: Để tang, hương khói cho “Ông”

  

 

NGUYỄN THẠNH – XUÂN THU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đến vùng đất thiêng Lũng Cú
Thứ Năm, 29/05/2008 16:00 CH
Kỳ IV: Chuyện ở hai đảo chìm
Thứ Ba, 27/05/2008 15:28 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek