(Tiếp theo kỳ 9)
Theo lệnh tàu nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình ngược về đất liền. Lúc đó, đồng hồ chỉ 14h40’. Như vậy, kế hoạch của toàn bộ lịch trình chuyến đi cho đến giờ phút này về cơ bản đã được hoàn tất.
Đồng chí Vũ Văn Thoại tặng quà cho các cán bộ, quan sát viên là người Phú Yên ở Trạm khí tượng – Hải văn trên Đảo Trường Sa Lớn Ảnh: N.THÁI |
Từ đây đến 17h00 hôm sau, 10/5/2008 theo dự định, tàu sẽ thả neo tại khu vực biển giữa mỏ Bạch Hổ và mỏ Đại Hùng. Ở đó, Đoàn công tác sẽ tổ chức tổng kết chuyến đi ngay trên boong tàu mà Thủ trưởng Hoà nói vui là tổng kết ngay giữa “thành phố nổi” trên biển… Kể cũng là một cách để hướng mọi người chờ đợi.
Mình đã từng nghe, từng biết về công tác thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía
Đúng 19h30’ tất cả các thành viên của các đoàn đã tề tựu đông đủ trên boong tàu. Sau khi đồng chí Phạm Huy Tú, đại tá, Trưởng phòng Dân vận - Bộ Tư lệnh Hải quân làm công tác tổ chức và mời Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà, Trưởng đoàn công tác, thay mặt Ban lãnh đạo chuyến đi lên tổng kết thì ngay lập tức cả boong tàu hoàn toàn yên lặng. Trong niềm xúc động thật sự, đồng chí nói: Thưa các đồng chí! Cho đến giờ phút này, chúng ta có thể vui mừng khẳng định rằng, chuyến thăm và kiểm tra hoạt động các đơn vị trên quần đảo Trường Sa của Bộ Tư lệnh Hải quân và 8 tỉnh, thành phố trong cả nước diễn ra từ ngày 2/5 đến ngày 10/5/2008 về cơ bản đã thành công tốt đẹp. Chúng ta đã hoàn tất toàn bộ kế hoạch chuyến đi với yêu cầu rất cao là bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tất cả các thành viên của đoàn đã thực hiện rất nghiêm mọi quy chế, quy định trên tàu, thực hiện rất nghiêm yếu tố giờ giấc và điều đó đã thực sự góp phần hết sức quan trọng cho thành công của chuyến đi. Đồng thời với kết quả đó, chúng ta còn rút ra được một điều là, càng đi chúng ta càng hiểu nhau hơn, càng đoàn kết nhau hơn. Đoàn kết giữa đoàn với đoàn, giữa cá nhân với cá nhân, giữa đoàn với cán bộ, chiến sỹ trên tàu và giữa cá nhân tôi với các đồng chí. Tôi cho rằng đó là thành công lớn nhất, đồng thời đó cũng là những bài học quý của chuyến đi này. Thành công đó còn là dấu ấn, là kỷ niệm mà mỗi chúng ta chắc sẽ lưu lại, sẽ giữ lại rất lâu cho riêng mình.
Thay mặt lãnh đạo chuyến đi và nhân danh cá nhân, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng thành công của chúng ta và chân thành cảm ơn tất cả các đồng chí…
Tất nhiên, để tổ chức một chuyến đi dài ngày, với một lượng đại biểu không nhỏ, cộng với điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ còn quá nhiều thiếu thốn, hạn chế… vì thế không thể nào bảo đảm yêu cầu cần thiết cho chuyến đi, yêu cầu cần thiết cho từng đại biểu… Do đó, với trách nhiệm của mình tôi rất mong các đồng chí hết sức thông cảm.
Chúng tôi mong rằng, những ngày tới đây, những năm tháng tới đây, nếu có dịp, chúng tôi cũng sẽ được đón tiếp và phục vụ các đồng chí. Còn những gì mà trong gần mười ngày qua, các đồng chí đã trực tiếp chứng kiến, trực tiếp cảm nhận, bằng nhiều con đường, bằng nhiều cách khác nhau, nhất là lực lượng phóng viên báo chí, các đồng chí sẽ truyền đến cho cán bộ, chiến sỹ, cho đồng bào khắp mọi miền của Tổ quốc biết thêm, hiểu thêm về cuộc sống và ý chí sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng giữ vững mặt trận phía Đông của Tổ quốc của những người lính đảo… Một lần nữa tôi xin trân trọng kính chúc sức khỏe và cảm ơn các đồng chí.
Sau lời chúc của Chuẩn đô đốc là những tràng vỗ tay liên hồi không dứt. Tôi nghĩ rằng, những tràng vỗ tay đầy nhiệt tình của các đại biểu đã thay cho lời nói. Nó biểu thị sự nhất trí rất cao, sự chia sẻ và lòng biết ơn sâu nặng của tất cả mọi người đối với không chỉ với Chuẩn đô đốc, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác, mà còn đối với tất cả. Từ các đồng chí ở Bộ Tư lệnh và Vùng 4 Hải quân đến đồng chí chỉ huy tàu, tổ lái, lực lượng quân nhân chuyên nghiệp phục vụ cho Đoàn. Đặc biệt là đối với tổ anh nuôi, hậu cần… Những người mà lòng tận tụy, sự chu đáo, sự chí tình luôn là nhân tố thường trực trong ứng xử với người, với việc… Tôi nghĩ rằng, ngoài những điều cần nhớ, đáng nhớ đối với những gì đã thu nhận được trên các đảo, đã sẻ chia được với biết bao cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa, tôi chắc tất cả mọi người, mọi đại biểu tham gia chuyến đi có tính lịch sử này sẽ khắc ghi vào nơi sâu nhất của trái tim mình lòng mến phục đối với tất cả cán bộ, chiến sỹ trên con tàu mang ký hiệu HQ 996 của quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng...
Bây giờ, tôi muốn dành một phần trang trọng của ghi chép để nói về lực lượng phóng viên báo chí tham gia chuyến thăm Trường Sa lần này. Có thể nói, những năm tháng đã qua, trên cương vị công tác của mình tôi cũng đã một vài lần tháp tùng đoàn này, đoàn kia, dự đại hội này, đại hội khác. Thế nhưng, chưa lần nào tôi thấy lực lượng phóng viên báo chí hùng hậu như lần này. Đúng như đồng chí Đại tá Phạm Huy Tú, Trưởng Phòng Dân vận - Bộ Tư lệnh Hải quân đã nói: Chúng tôi đã tổ chức không ít đoàn ra thăm đảo từ nhiều năm nay, theo chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, nhưng chưa có lần nào lực lượng phóng viên báo chí các đồng chí đông đến như thế cả. Cả đoàn đâu gần 150 người, thì đã có hơn 50 đồng chí là phóng viên các báo, đài của Trung ương và của các địa phương.
Đó thực sự là một trong những dấu ấn đáng nhớ. Bởi vì, chỉ cái việc xung quanh người của các anh lúc nào cũng “lục cục” “lãng cãng” đủ thứ máy móc, đủ thứ phương tiện, nào camêra, máy ảnh cơ, máy ảnh kỹ thuật số, ống kính têlê, đủ loại, dài, ngắn khác nhau, to, nhỏ đủ cỡ, mà không phải ít, mỗi người, người nào cũng vài ba cái, lúc nào cũng tua tủa, lúc nào cũng rầm rập lúc nào cũng làm cho không khí thật sự khẩn trương, thật sự háo hức… Và điều đó, làm cho tôi thực sự mến phục. Thực tình không phải cho đến bây giờ mà từ rất lâu tôi đã rất thích làm một phóng viên thực thụ, bởi bao giờ ở họ cũng hừng hực, bao giờ ở họ cũng đang suy nghĩ về một cái gì đó, một vấn đề nào đó mà họ đang theo đuổi. Tôi ví như câu chuyện tôi đang “theo” là cố gắng ghi lại cho được những gì mà mình thấy, những gì mình cảm nhận được của chuyến đi Trường Sa lần này để có thể truyền cái cảm, cái thấy của mình đến cho những ai chưa có điều kiện đến với Trường Sa và thực tình cũng chỉ chừng ấy dự định, chừng ấy ý tưởng, thế mà mấy ngày nay hễ ngủ thì thôi, tạm quên nhưng khi trực giấc thì tức thì “Cảm nhận Trường Sa” lại xuất hiện ngay trong suy nghĩ… Lập tức những câu hỏi đại loại như: Mình đã viết gì rồi, viết như thế nào rồi, cái gì còn lại chưa nhớ, chưa viết… vậy là cứ thế mà liên tưởng, mà suy nghĩ, quấn quít không dứt ra được. Có khi mình tự nhủ với mình, thôi đừng nghĩ nữa, ngủ đi, mai sẽ tính tiếp. Thế nhưng đâu có được… nhiều khi mệt quá, nó lại thiếp đi, đến khi giật mình thức dậy lần nữa, biết mình ngủ lại được, quá mừng. Đấy, tôi nghĩ làm cái anh “phóng viên” nó có cái hay của nó là vậy.
Còn đối với chuyến đi này như tôi đã nói, các lực lượng phóng viên tham gia vừa hùng hậu, vừa chí tình, vừa năng động. Tôi nghĩ với lực lượng đó, chắc chắn những ngày tới, khi các anh trở về từ Trường Sa chắc sẽ tưng bừng, chắc sẽ “dậy sóng”…. Thế nhưng điều sâu sắc mà tôi cảm nhận được qua cách nói rất ví von của các anh Bộ Tư lệnh là: Những tư liệu mà các đồng chí phóng viên có được lần này như là “lương khô” để dành. Cần nói khi nào, cần viết lúc nào, là tuỳ các đồng chí. Miễn sao qua kênh thông tin của các đồng chí, nhân dân ta từ Nam chí Bắc biết được thêm một phần cuộc sống và chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa, một trong những vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, lúc nào cũng vững vàng trong tư thế sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách… giữ vững biên cương…
Tôi nghĩ rằng, với tôi cũng như nhiều đồng chí nữa, dù cố gắng đến đâu, dù nỗ lực đến như thế nào, thì cũng chỉ có thể cảm nhận được, phản ánh được một phần rất nhỏ của công cuộc dựng xây và ý chí sẵn sàng chiến đấu vô cùng lớn lao của biết bao cán bộ, chiến sỹ và không những thế của biết bao tấm lòng lúc nào cũng hướng về nơi trùng khơi của Tổ quốc.
Đến đây, trước khi kết thúc phần ghi chép này, kết thúc những suy nghĩ từ đáy lòng mình về một chuyến đi lịch sử. Tôi muốn dành hết nỗi lòng của mình, sự trân trọng đến vô cùng của mình để nói về những người con Phú Yên, tuy không nhiều, nhưng là một phần máu thịt của Phú Yên, nơi đó. Nơi mà họ đã cùng với hàng ngàn, hàng vạn những chàng trai ưu tú, đầy sức vóc, đầy hoài bão, kiên trung vượt qua khó khăn, thử thách, sẵn sàng quên mình để thực hiện một nghĩa vụ quá thiêng liêng là giữ yên bờ cõi, ở ngay cái vị trí được coi là tiền tiêu, là phên giậu của Tổ quốc.
Họ là những người con, người chồng, người cha, người anh, người em của một tổ ấm cụ thể nào đó, nhưng trước hết, họ đã vì sự bình yên và sự phát triển bền vững của đất nước, mà họ đã vượt lên tất cả, chịu đựng tất cả… và tôi nghĩ rằng, chỉ chừng ấy thôi, hình ảnh của họ sẽ luôn là niềm cổ vũ không bao giờ cạn cho biết bao khát vọng của biết bao người.
Tôi muốn nêu ra đây tên ba người đầu tiên mà tôi rất lấy làm cảm kích ngay từ buổi chiều 04/5/2008 trên đảo Trường Sa Lớn, khi gặp các anh tại cơ quan của Trạm khí tượng - Hải văn trên đảo và đó cũng là “căn hộ” tập thể của chính mình. Đó là Trạm trưởng Trần Văn Long và hai quan sát viên là Nông Văn Đình, Nguyễn Tuấn Thương. Sau giây phút bàng hoàng bởi sự bất ngờ, khi Đoàn Phú Yên tìm đến, các anh đã dành những lời lẽ từ trong sâu thẳm của trái tim mình để bày tỏ. Các anh nói: Được gặp các anh, các chị của quê hương mình ngay trên đảo là nỗi mừng vui không tả xiếc, càng thấy các anh, các chị, chúng em càng nhớ, càng thương cha mẹ, vợ con, càng nhớ càng thương mảnh đất quê nhà. Mong muốn của chúng em là chụp chung một tấm ảnh với các anh trước Trạm khí tượng - Hải văn nơi chúng em đang phục vụ, để sau đó nhờ các anh, các chị khi về, mang đến đúng địa chỉ, để ba mẹ, vợ, anh em, bà con cô bác và nhất là các con của chúng em được nhìn thấy bố nó. Thế là chúng em mãn nguyện lắm rồi. Lại nghĩa nhân quá, tình người quá. Lập tức “đề nghị” rất giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa ấy của các anh em đã được thực hiện ngay sau khi Đoàn Phú Yên tặng quà cho anh em và cho Trạm. Lúc đó khoảng 18h10’ trời đã bắt đầu nhá nhem tối, các anh em ở trạm khí tượng - hải văn cùng cả đoàn Phú Yên ra khu vực trạm để chụp hình. Nhìn anh em ai cũng vui mừng, rạng rỡ, lòng mình càng phấn khởi. Mình thầm nghĩ. Vậy là Phú Yên quá mãn nguyện rồi.
Những ngày tiếp sau đó, trên đảo Phan Vinh, điều bất ngờ cũng lại được lặp lại. Không biết hỏi han thế nào, anh em Phú Yên lại phát hiện có một chiến sỹ người Phú Yên đang là hạ sỹ quan chuyên nghiệp phục vụ trên đảo. Em có tên là Biện Văn Quân, quê gốc ở Nghệ An, nhưng gia đình đã vào định cư từ hơn 20 năm trước ở huyện Sông Hinh và từ lâu đã là công dân của huyện miền núi. Em Quân nói, nhà em ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng. Ba mẹ tuy tuổi đã lớn nhưng vẫn còn khoẻ, có hai em đều đã trưởng thành. Khi được hỏi em thấy cuộc sống của người lính trên đảo như thế nào? Thì lập tức em khẳng định rằng cuộc sống của người lính đảo là khó có ở đâu so sánh được, nó giống như anh em một nhà. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì ngoài anh em đồng đội ra thì còn có gì hơn nữa. Vì vậy chúng em sống với nhau thực sự gắn bó, thực sự chân tình, thật sự đoàn kết. Vui cùng vui, buồn cùng buồn, khó khăn, thử thách cùng san sẻ. Em nghĩ rằng có được cuộc sống như thế, tuy còn vất vả thiếu thốn, nhưng em rất hài lòng và em xin khẳng định dù có như thế nào, em cũng sẽ rất yên tâm phục vụ lâu dài trong quân ngũ, phục vụ lâu dài trên quần đảo Trường Sa.
Đoàn đại biểu Phú Yên với cán bộ, quan sát viên là con, rể Phú Yên trên trạm khí tượng – Hải văn Đảo Trường Sa Lớn –Ảnh: Đ.THUẬN |
Ngoài các đồng chí mà tôi đã nêu, trên đảo còn có một đồng chí nữa, rất tiếc, không biết vì lý do gì mà tôi không gặp được. Nghe Hoà An nói: Đồng chí ấy quê ở Phú Hoà, gần đây được về phép mười ngày và cách đây mấy ngày đồng chí ấy đã lại ra đảo...
Từ nỗi lòng đó, từ cảm nhận đó, mà ngay sau khi về đến Phú Yên hầu hết các yêu cầu, các đề nghị của các đồng chí, là con, là rể Phú Yên đã được các thành viên của đoàn Phú Yên nhanh chóng triển khai thực hiện. Các đồng chí Hòa An, Đức Thuận đã mang hình, mang thư đến tận nhà, trao tận tay cho người thân của họ. Và điều rất xúc động là khi các gia đình nhận được tin tức của các anh, tất cả đều mừng vui không tả xiếc. Họ rối rít cảm ơn đoàn, cảm ơn sự quan tâm hết sức chu đáo đến sự chờ đợi ngóng trông từ hai phía.
Còn bây giờ, trong không khí thân tình như thế này tôi lại mạn phép nêu ra đây một câu chuyện xem ra cũng khá lý thú, mà từ rất lâu rồi, tôi không thấy ở nơi nào có được, đó là câu chuyện về hai gia đình, hai hoàn cảnh trong cùng một đơn vị. Chuyện rằng: Ở ngoài đảo anh Trần Văn Long, trạm trưởng là thủ trưởng trực tiếp của quan sát viên Nông Văn Đình. Còn ở trong đất liền tại thành phố Tuy Hoà, cũng ở trạm khí tượng thủy văn thì vợ của quan sát viên Nông Văn Đình chính là trạm trưởng, thủ trưởng trực tiếp của chị Nguyễn Thu Ngân vợ của trạm trưởng Trần Văn Long ở ngoài đảo.
Nghe câu chuyện quá độc đáo như thế anh em nói vui chắc giữa họ đã ngầm hiểu với nhau là: Ở ngoài đó, anh liệu mà đối đãi với chồng tôi, vì chồng tôi là nhân viên của anh. Bởi nếu có gì không ổn, anh phải nghĩ rằng vợ anh đang là nhân viên dưới quyền của tôi trong đất liền đấy… Luyến láy thật. Mượt mà thật.
(còn nữa)
VŨ VĂN THOẠI
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy