Thứ Tư, 02/10/2024 21:30 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ cuối)
Thứ Năm, 03/07/2008 14:04 CH

(Tiếp theo kỳ 12 và hết)

 

Hành trình của con tàu trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa tháng 5 đã khép lại vào lúc 16h30’ ngày 11/5/2008, nhưng với tôi, cuộc hành trình trong  suy nghĩ, trong cảm nhận thì vẫn còn, nó vẫn tiếp tục, có khi mãnh liệt, có khi thâm trầm len vào trong suy tư, trăn trở, lẫn vào trong từng công việc, vào trong cuộc sống.

 

Có thể nói, mấy ngày qua bất kỳ ở đâu hay khi đụng tới việc gì, thì ngay lập tức trong đầu nảy ra suy nghĩ, nảy ra so sánh, giữa việc này với việc kia, giữa những gì mình đã thấy, đã nghe đã cảm về người lính, về cuộc sống, về ý chí, niềm tin, cách sống, cách ứng xử của họ, với cái đã và đang diễn ra trước mắt mình, trước cuộc sống của mình. Đôi khi từ cái cảm nhận ấy mình lại tự mang hình ảnh của người lính đảo ra để cảm nhận, để so sánh, để  xem, kể cả so sánh với chính mình, với chính công việc của mình. Họ như thế, trẻ như thế, mà họ vượt lên một cách tự tin như thế thì mình cần phải làm  gì để tốt hơn nữa chứ. Rồi thì đôi lúc thấy lòng mình lắng lại, nhớ Trường Sa Lớn, nhớ các cháu nhỏ mà hôm  các đoàn đại biểu đến, các cháu đang ngồi trên những chiếc xe đạp, đón các bác, các cô, các chú, rồi khi các bác, các cô, các chú cho kẹo, cho bánh các cháu, các cháu cảm ơn rối rít… Bây giờ chúng nó đang làm gì? Có đứa nào đau bệnh không? Hè này có học thêm không?  Còn cô giáo mà mình đã gặp, có lúc nào nhớ anh em mình không? Rồi lại nhớ đảo Đá Tây,  nhớ cái buổi chiều chia tay sao mà buồn đến thế! Buồn thật. Một cái buồn mênh mang, khó tả.  Rồi thì nhớ mấy chú chó. Thực tình ở  phần ghi chép đã qua tôi không một lần dám nhớ, dám nghĩ, dám đề cập  tới nó, vì thấy nó quá tội.

 

Tôi vẫn biết qua các anh nói, nó chính là nguồn thực phẩm quý của lính đảo trong những tháng quần đảo phải đối mặt với bão giông. Biết vậy, số phận của nó là vậy, mình có thương nó cũng phải như thế thôi. Thế mà thương thì cứ thương, tội thì cứ tội. Lúc đó tôi lại nghĩ tới con “Nhúc nhích” con “Mi lu” nhà mình, nó sống với  gia đình mình như vậy là quá hạnh phúc rồi. Ai cũng thương, ai cũng mến nó, đặc biệt là Đô Em, Đô Út, Phúc Nhân, Xin, mẹ Đô Em, dượng Bốn, cô Bốn và nhất là bà nội Đô Em lúc còn sống.… Tôi nghĩ mình thương nó như thế nào thì nó cũng thương mình lại như thế. Bởi thế mà lúc bà nội bị bệnh phải nằm bệnh viện dài ngày, khi đỡ, lại đưa bà Nội về nhà, những lúc như thế con “Nhúc nhích” nó mừng hết  biết. Còn cái đêm, khi đưa bà nội  trở về từ Chợ Rẫy, con “Nhúc nhích” nó tưởng bà nội còn sống, đang đặt bà nằm trên chiếc giường của bà ở giữa nhà, thế là nó nhanh chóng nhảy lên, mà không ai  kịp giữ  lại được, nó mừng, nó liếm hết tay đến mặt, như những lúc trước kia, bà từ bệnh viện trở về.  Có thể nói, cũng như các con chó trước, bây giờ cả hai con này cũng được cưng chiều hết mực.  Ở nhà ăn cái gì thì nó ăn cái đó, không cho nó  tự nhiên cảm thấy như mình có lỗi. Đặc biệt, mỗi khi đi làm về, bất kỳ ai, nhất là những đợt đi công tác dài ngày trở về, dù nửa đêm hay gà gáy, hai con “cún” bật dậy trước nhất, nhanh nhất, quấn qua, quấn quít, lăng xăng, lít xít, cái đuôi thì quắt qua, quắt lại liên tù tì như chong chóng,  nó cố tỏ lòng mình với chủ, mà nó mừng thật. Còn ở các đảo, khi đoàn mình đến, hàng chục chú chó  chạy ra, nhào luôn xuống mép nước để mừng, rối ra, rối rít, chạy ra,  chạy vào, cũng xăng xí xò, mà đâu đã quen, đã biết, đâu đã gặp lần nào. Thế mà nó mừng, mừng lắm, mừng mà  không cần phân biệt người đó là ai, cứ thế mà mừng cái đã. Rồi khi chia tay Đá Tây, rất tiếc là tôi rời đảo trong chuyến đầu tiên, nên không nhìn thấy được cái cảnh tượng vô cùng xúc động mà Đức Thuận, Hoàng Thành, Hồng Thái kể lại,  đó là khi chuyến thứ hai đưa các đại biểu  rời đảo, thì có đến 3, 4 chú chó bơi theo, bơi theo, cho đến khi bơi không được nữa, nó đành quay trở lại. Nghe như thế, nước mắt tôi nó cứ  trào ra. Tôi nghĩ trên đời này, trong cuộc sống này, có  rất nhiều con  vật để mà thương, mà quý, nhưng theo tôi con chó là loại đáng  thương, đáng quý nhất. Bởi nó là con vật trung thành nhất. Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, tôi có đọc một bài văn ngắn đăng trên báo, mà  hình như Hữu Bình - Sở Văn hoá thông tin hồi đó thấy hay quá nên phôtô gởi cho tôi. Theo lời dẫn của báo, thì đây là bài văn  hay nhất trong vòng một nghìn năm trở lại đây của nhân loại. Đó là toàn văn lời bào chữa của luật sư trước số phận của một con chó, hình như  con chó bị buộc tội gì đó, trước một phiên toà ở Mỹ. Ông nói rằng, có thể nó có vi phạm, nhưng cái vi phạm của nó là theo bản năng, là vô thức. Song với nó, nó đối với chủ nó thì không còn gì phải bàn cãi nữa.  Nó trung thành với chủ nó, cả khi chủ nó đang ngất ngưởng trên tột đỉnh vinh quang và cả khi chủ nó đã hoàn toàn rơi xuống đáy xã hội. Đối với nó lòng trung thành là vô điều kiện. 

 

Rồi thì nhớ Phan Vinh, An Bang, Tiên Nữ  và đặc biệt quá nhớ nhà giàn Quế Đường DK1, quá nhớ những người anh em ở trên nhà giàn ngàn lần mến thương đó. Lại nghĩ không biết từ hôm đó đến giờ, theo lời hứa của Chuẩn đô đốc là sẽ gởi  quà ra ngay sau đó cho anh em theo con tàu C71 đã được thực hiện chưa? Vì cứ lo là ý kiến của Thủ trưởng là thế, nhưng  khi vào  đến đất liền, nhiều việc quá, bộ phận thừa hành đôi lúc cũng dễ quên. Rồi không biết Biện Văn Quân mấy ngày nay như thế nào? Quân có biết lá thư của Quân, anh em mang về đã được đưa đến tận gia đình bố mẹ Quân chưa. Còn anh Trần Văn Long, Nông Văn Đình,  Nguyễn Tuấn Thương ở trạm khí tượng - hải văn  Trường Sa Lớn, các anh có biết mấy hôm nay mình chưa lúc nào rời  khỏi ti vi khi đài thông báo tình hình thời tiết khu vực hai quần đảo. Bởi  qua chuyến đi mình biết thêm rằng, trong các bản tin đó, có sự góp phần rất đáng kể của anh em Phú Yên của mình trên trạm khí tưởng - hải văn Trường Sa Lớn.

 

 Còn nữa, mấy tấm ảnh chụp chung với các anh chị đoàn Phú Yên và của từng đồng chí thì đã được Đức Thuận đưa tận tay cho chị Ngân vợ anh Long, để nhờ chị Ngân chuyển đến gia đình anh Đình, anh Thương theo ước nguyện của anh em ngoài đó. Không biết mấy bữa nay chị Ngân có gọi điện cho anh Long ngoài đó biết chưa. Nghe Hoà An kể lại là Hoà An chưa có điều kiện gặp trực tiếp nhưng có gặp chi Ngân qua điện thoại. Chị Ngân có nói là mỗi lần gọi  ra cho anh Long tốn tiền lắm, một cuộc gần  hết cái card năm mươi ngàn đồng, nhưng nhớ quá vẫn phải gọi. Nghe mà thật là thương, thật là tội. Còn trong cái “dịch vụ” đưa thư này, ngoài Đức Thuận, Hoàng Thành ra, Kiều Hưng cũng là một trong những nhân tố rất tích cực trong vai trò “ngoại giao con thoi”, nối sợi dây tinh thần giữa đảo với đất liền, giữa đất liền với đảo. Các anh em Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham gia chuyến đi còn chuyển được hàng chục lá thư của anh em các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định… Mấy ngày ở trên đảo, gặp người lính nào nhờ chuyển thư, chuyển “tình”,  thì anh em mình đều vui vẻ và chân tình tiếp nhận…Và mấy ngày qua, anh em mình cũng đã một, hai lần liên lạc với Trường Sa Lớn và ở phía trùng khơi biển cả ấy, anh em cũng đã có mấy lần liên lạc với đất liền….

 

Mấy hôm nay, khi tu chỉnh lại phần ghi chép này, hễ đụng tới vấn đề nào có vẻ cụ thể như là con số, sự kiện, ngày giờ chẳng hạn, thì tôi đều nhờ Huyền điện vào Thành phố Hồ Chí Minh gặp anh Tú, để nhờ anh ấy  cung cấp giúp, sợ bị sai, bị lệch và anh đã hết lòng giúp đỡ. Anh là Phạm Huy Tú- Đại tá - Trưởng phòng dân vận Bộ Tư lệnh Hải quân, người mà suốt một tháng trước chuyến đi là đầu mối chính để các tỉnh liên lạc, hỏi han điều này, điều khác, từ việc tiền nong đến quà cáp, từ chuyện ăn, nghỉ đến ngày giờ…Tất cả đều phải qua anh Tú. Anh Tú hiền từ và rất thật. Tôi cứ nghĩ, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chọn đúng người để làm Trưởng phòng dân vận Binh chủng. Quả đúng thế thật. Anh là đầu mối và bởi thế, anh cũng là người được phân công đón đoàn Phú Yên vào thành phố Hồ Chí Minh đúng ngày 30/4/2008, để chiều 01/5 họp các đoàn và ngày 02/5 lên tàu thực hiện nhiệm vụ.

 

Chính cái chi tiết vô cùng thú vị mà cho đến bây giờ không nói không được và cũng chính cái chi tiết đó cộng với suốt mười ngày cùng với anh trên con tàu HQ 996 tôi mới rút ra một kết luận rằng, nhận định của mình là đúng, rằng anh đúng là con người  của dân vận.

 

Anh trực trước cổng 01 Tôn Đức Thắng- thành phố Hồ Chí Minh ngay từ 5 giờ chiều 30/4/2008 để đón đoàn Phú Yên vào. Nếu như đúng hẹn thì lúc đó cũng vừa tầm ăn cơm chiều. Hậu cần của Bộ Tư lệnh cũng đã chuẩn bị cơm nước đâu đó đàng hoàng rồi. Vì theo Huyền thông báo là đoàn  Phú Yên xuất phát lúc 7h sáng, thì chậm nhất là 17h  thế nào đoàn sẽ có mặt ở 01 Tôn Đức Thắng theo triệu tập. Thế nhưng cái “sự cố” bất ngờ xuất hiện ngay trên đường đi, một phần là vì trời mưa quá to, mưa mù trời, mù đất, bác tài Tuyên cũng không thể nào chạy nhanh hơn được nữa và vì câu chuyện này, câu chuyện khá thú vị là không biết tin tức thế nào, anh Thảo bạn chị Tô Hà đâu hồi còn học cấp 3 ở Hải Dương, nghe  tin chị Hà trên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh  để đi thăm cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa, thế là anh Thảo điện thoại ríu rít, nằng nặc mời chị Hà và cả đoàn Phú Yên vào nhà anh chơi. Điện mời rồi nhưng cũng chưa tin, vì sợ trời mưa anh em bàn lui. Thế là anh Thảo đội áo mưa, đi xe máy ra tận Quộc lộ 1A, trước mặt UBND  huyện Trảng Bom để đón. Anh em thấy anh Thảo nhiệt tình quá nên quyết định vào. Thực tình mình nghĩ chắc là vào  thăm chơi qua quít, uống miếng nước rồi đi,  nào ngờ vừa vào đã thấy gia đình chuẩn bị đầy đủ một tiệc “liên hoan” đúng nghĩa. Nào gà luộc, cary, thịt heo, bún, miếng. Cạnh đó còn có cả mấy chai đế nữa. Mình nghĩ thế  này thì  gay rồi, thế này thì anh Tú ở trong kia đợi mỏi cổ rồi.  Mà đúng thật, chốc chốc anh Tú lại gọi cho Huyền. Đến đâu rồi em? Đã đến cầu Sài Gòn chưa? Lúc đó Huyền lại phải thay đoàn để nói dối: Trời mưa quá anh ạ, xe nhiều nữa chứ,  xe em cũng cố đấy, nhưng phải nhích từng chút một… Trong khi đó, phía ngoài này đã vào tiệc. Chốc chốc anh Tú lại gọi,  gọi nữa và phải đến hơn 9 giờ đêm xe của đoàn  Phú Yên mới dẫm chân lên đất Sài Gòn, anh em nói vui là đi chiếm lĩnh kiểu này chắc người ta chiếm hết và cũng phải 9h45’ xe mới đến được trước cổng nhà 01 Tôn Đức Thắng. Thấy anh em vào khuya vất vả quá, anh Tú giục anh em tranh thủ rửa mặt mũi, tay chân rồi còn ăn chứ sợ đói. Nhưng kỳ thực là có đói đâu, cả đoàn được một bữa tiệc liên hoan mùi mẫn rồi còn gì. Lại thấy anh em ăn uống không được nhiệt tình cho lắm, anh Tú lại động viện, nghe thế bác tài Tuyên nói: Cảm ơn anh, nhiều khi đói quá anh em ăn cũng không được ngon miệng… Nghe anh Tuyên nói, thấy như anh Tú càng buồn… Quá thương anh Tú, quá tội anh Tú.

 

Bây giờ, ngồi viết lại “sự cố “này, nếu anh Tú đọc được chắc là anh  cười cho một trận thoả thích….

 

Và rồi dù cho có chạnh lòng đến đâu đi nữa thì cũng đã đến lúc phải nói lời chia tay, nói lời tạm biệt…Đó là đoạn văn của ghi chép khi phải chia tay với nhà giàn Quế Đường DK1…Còn giờ đây, tôi muốn mượn lời văn ấy để tạm kết ghi chép này - Ghi chép “CẢM NHẬN TRƯỜNG SA”- Và cũng chỉ là ghi chép, cũng chỉ là những cảm nhận ban đầu, chợt nhìn, chợt nghe, chợt ghi, có cái rất vội, chưa kịp kiểm tra, chưa kịp chỉnh sửa…Vì thế chắc không thể nào tránh được sơ xuất.  Cho nên, từ đáy lòng mình, từ trong suy nghĩ chân thành của mình, rất mong bạn đọc, bạn nghe đài gần xa  rộng lòng thông cảm.

 

Song, có một điều rất mừng mà tôi cũng muốn chia xẻ đó chính là ngay sau ngày 8/6/2008, chương trình Văn nghệ chủ nhật của Đài Phát thanh Phú Yên bắt đầu phát phần ghi chép “Cảm nhận Trường Sa” của tôi và qua giọng đọc của chính tác giả, tôi đã nhận được một lá thư chí tình, chí nghĩa của một người chưa bao giờ quen biết đang công tác tại UBND xã Hoà Thịnh, anh có tên là Vũ Hoàng Giang. Thật sự lá thư là nguồn cổ vũ vô cùng đối với một người đang “bập bẹ” viết lách như tôi và tiếp theo những ngày sau đó, khi Báo Phú Yên quyết định đăng ghi chép “Cảm nhận Trường Sa” nhiều kỳ của tôi, đều đặn mỗi ngày một số trong tuần, nhiều đồng chí, đồng đội, nhiều anh em chiến hữu, nhiều bè bạn gần,  xa…Hoặc là trực triếp hoặc là gọi điện thoại,  hoặc nhắn tin chúc mừng tôi. Tất cả, tất cả là những lời động viên chân thành, hết mực. Tôi mừng, vợ tôi, cô Bích em tôi nghe được cũng mừng, mấy thằng cu  nhà tôi, nghe lõm câu chuyện của người lớn cũng tủm tỉm cười, bảo rằng ông Ba nay còn là “Nhà văn” nữa chứ!!!

 

Tạm biệt, xin chào tạm biệt, xin chào với nỗi lòng thương nhớ Trường Sa, thương nhớ những linh hồn không bao giờ mất, thương nhớ những người anh em ruột thịt. Xin chào, xin cảm ơn tự đáy lòng mình đối với Thanh Huyền, Đức Thuận, Kiều Hưng, Hồng Thái, Đắc Hoa, Trình Kế, Quốc Khương, Tấn Lộc, Phương Trà… và rất nhiều, rất nhiều anh em nữa những người hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp giúp tôi đưa “Cảm nhận Trường Sa” đến được với biết bao người…

 

Xin ôm hôn tất cả những người anh em thân thiết, những khúc ruột không bao giờ chia cắt nơi xa thẳm vô bờ trên quần đảo Trường Sa!.

 

Tuy Hoà, chiều ngày 02/7/2008.

 

VŨ VĂN THOẠI 

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy   
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 12)
Thứ Tư, 02/07/2008 08:05 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 11)
Thứ Ba, 01/07/2008 11:00 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 10)
Thứ Hai, 30/06/2008 11:00 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 9)
Thứ Sáu, 27/06/2008 07:40 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 8)
Thứ Năm, 26/06/2008 14:40 CH
Làng người cao tuổi
Thứ Tư, 25/06/2008 13:27 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek