Thứ Tư, 02/10/2024 21:17 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 6)
Thứ Ba, 24/06/2008 14:10 CH

(Tiếp theo kỳ 5)

 

Sau phút tưởng niệm, sau phút lặng yên là cả một sự xáo động lớn trong tâm hồn, trong suy nghĩ. Bất giác tôi bỗng nhớ đến ý kiến của đồng chí lãnh đạo cấp cao phát biểu tại Hội nghị  toàn quốc thông báo tình hình biển Đông liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào những ngày cuối tháng 12 năm 2007 ở Hà Nội, đồng chí nói: Đối với chúng ta, quốc gia lãnh thổ là thiêng liêng, là bất khả phân, bất khả nhượng.

 

Phan-Vinh-080624.jpg

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh

Dân tộc ta là dân tộc vốn có truyền thống hoà hiếu, cực chẳng đã, không lùi được nữa, buộc chúng ta phải lên tiếng, song chúng ta hiểu rằng mấu chốt của vấn đề vẫn là hòa hiếu. Hoà hiếu chứ không phải là nhu nhược. Chúng ta nói với nhau là nói trên lẽ phải, chúng ta thừa nhận với nhau là thừa nhận trên lẽ phải, cái lẽ phải mà không một sức mạnh nào, không một thứ vũ lực nào, dù mạnh nhất có thể đè bẹp được nó. Chúng ta đã nhiều lần tuyên bố và nay lại vẫn tiếp tục khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  là của Việt Nam. Việt Nam đã chiếm hữu, quản lý hai quần đảo này một cách liên tục và hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bởi chúng ta có được Hoàng Sa và Trường Sa không phải từ kết quả của những cuộc tranh giành, chiếm đoạt, mà từ việc tổ tiên ta trong quá trình mở mang, khai phá đã phát hiện, chiếm hữu và quản lý  hai quần đảo ấy từ đầu thế kỷ 17. Ở đó, vào thời điểm đó, hai quần đảo này hoàn toàn vô chủ.  Vì thế,  bằng chứng mà chúng ta  có được cả về lịch sử lẫn pháp lý cho tới thời điểm hiện nay đều khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa nhất quyết và mãi mãi là của Việt Nam.

 

Đồng chí Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà, Phó chính ủy quân chủng Hải quân còn nói: Xưa nay chưa có bất kỳ sự bền vững nào dựa trên sức mạnh của vũ lực, dựa trên cách hành xử “lấy mạnh hiếp yếu”, bất chấp lẽ phải, bất chấp đạo lý, bất chấp dư luận, bất chấp luật pháp quốc tế. Nhất là những việc làm như vậy lại diễn ra vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, thế kỷ của nền văn minh hậu công nghiệp, thế kỷ không chấp nhận cách thôn tính đã lỗi thời theo kiểu của chủ nghĩa thực dân là xâm chiếm thuộc địa, tranh giành tài nguyên, tranh giành ảnh hưởng…

 

ts1-080624.jpg
Đảo Phan Vinh

 

Đúng 7h30’, theo kế hoạch, cả Đoàn đặt chân lên đảo Phan Vinh, đảo mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng con tàu mang ký hiệu C235, đoàn 125 quân chủng Hải quân,  hy sinh trong chuyến đưa vũ khí từ Miền Bắc vào chi viện  cho chiến trường các tỉnh Nam Trung bộ. Lúc đó vào khoảng 18h ngày 29/02/1968, khi tàu còn cách Hòn Hèo thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà khoảng 6 km thì bị địch phát hiện. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ngay sau đó hết sức ác liệt. Sau gần một giờ chiến đấu, phía ta có 14 đồng chí hy sinh, số đồng chí còn lại được chỉ huy tàu quyết định cho tất cả vào bờ để tìm cách trở về căn cứ. Theo các đồng chí còn sống kể lại, lúc này, trên tàu chỉ còn lại hai đồng chí là Nguyễn Phan Vinh: Thuyền trưởng và Nguyễn Thứ, cán bộ của tàu. Tình hình mỗi lúc một căng thẳng hơn, địch tiếp tục chi viện  nhằm chiếm tàu, cướp vũ khí. Trước tình thế đó, các anh quyết định, một là, kiên quyết không cho địch  thực hiện ý định của chúng và hai là, các anh  nhất quyết không để bị lọt vào tay giặc. Vì thế, ngay lập tức khối thuốc nổ được chuẩn bị sẵn của chuyến đi đã được đưa vào phương án sử dụng. Một tiếng nổ lớn phát ra, con tàu đang chứa trong lòng nó rất nhiều loại vũ khí đã được phá huỷ hoàn toàn. Hai đồng chí Nguyễn Phan Vinh: Thuyền trưởng và Nguyễn Thứ, cán bộ trên tàu  vẫn còn sống, tiếp tục chiến đấu cho đến khi các khẩu súng của cả hai người không còn viên đạn nào nữa, các đồng chí đã cho  nổ quả lựu đạn cuối cùng dành cho mình, quyết không để bị lọt vào tay giặc. Thật là anh hùng. Thật là cao cả.

 

Chiến công oanh liệt của con tàu C235 và sự hy sinh anh dũng của các đồng chí Nguyễn Phan Vinh,  Nguyễn Thứ  cùng với 14 chiến sỹ khác trên biển Hòn Hèo tối ngày 29/02/1968 mãi mãi được ghi vào truyền thống, ghi vào lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

 

Ngày 25/8/1970, Đảng và Nhà nước ta quyết định truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh và trong dịp kỷ  niệm lần thứ 15, ngày Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa (1975-1990) tên Anh đã được đặt cho hòn đảo này, và  kể từ đó đảo có tên Hòn Sập trước đây trở thành đảo mang tên người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh.

 

Đảo Phan Vinh, nằm cách bãi Tốc Tiên 12 hải lý về phía Tây, cách bãi Châu Viên do Trung Quốc chiếm giữ khoảng 47 hải lý về phía Đông. Đảo nằm trên một nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý theo hướng Đông - Bắc. Ở hướng Bắc và đông Bắc cách đảo khoảng 7 km lại có một bãi san hô, khi thuỷ triều xuống thấp có thể đi lại rất dễ dàng. Hiện nay ở khu vực này ta đã xây thêm một nhà lâu bền nữa gọi là Phan Vinh B.

 

Đảo Phan Vinh, cũng là một trong những đảo nằm ở khu vực có thời tiết khắc nghiệt và diễn biến phức tạp khó lường. Thế nhưng, sáng nay biển trời lại khá đẹp, khá lý tưởng. Hình như sóng gió đại dương cũng xúc động trước nghĩa cử của những người còn sống đối với vong linh của những người đã mất. Vì thế  mà cuộc vận chuyển gần 150 đại biểu từ tàu lớn lên đảo bằng ca nô diễn ra vừa nhanh, gọn, vừa hết sức an toàn. Được như vậy là quá mừng. Bởi theo các anh kể lại, trong quá khứ đã từng có không ít trường hợp, cũng trong những chuyến thăm như thế này, một vài đại biểu chưa có kinh nghiệm lên xuống tàu khi gió to, sóng lớn nên đã không may gặp phải tai nạn đáng tiếc. Khi nghe các anh nói, thực tình tôi cũng không hình dung nó như thế nào, và vì sao lại như thế? Thế nhưng khi chứng kiến các đại biểu và bản thân trực tiếp tham gia lên xuống tàu qua chiếc thang sắt treo ở thành tàu lớn  để từ đó bước xuống chiếc ca nô đang cặp song song với tàu lớn để vận chuyển từng đợt các đại biểu trước sự va đập khủng khiếp giữa hai mạn tàu theo từng đợt sóng, làm cho tôi không còn dám mở mắt để nhìn nữa. Nhiều lúc thấy quá nguy hiểm, tôi và nhiều đồng chí la đến khản giọng, các anh, các chị từ từ đã, chậm một chút đã, rút chân lên, thuyền đang đập mạnh vào đấy… Bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, nhớ lại những giây phút ấy,  trong người vẫn  cứ còn thấy ớn lạnh. Rất may là mọi việc đều diễn ra suông sẽ, toàn bộ chuyến đi bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đó là điều phấn khởi nhất, vui sướng nhất.

 

Tất nhiên mọi người đều hiểu rằng thành công đó bắt nguồn từ công tác tổ chức chuyến đi hết sức chu đáo, mọi quy chế, quy định trên tàu được các thành viên chấp hành rất nghiêm và đặc biệt là sự hướng dẫn, giúp đỡ chí tình, đầy trách nhiệm của lực lượng cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ phục vụ Đoàn.

 

Phan Vinh xanh, rất xanh nữa là đằng khác, nếu như đảo Đá Tây trơ trụi, khắc nghiệt như thế nào, thì Phan Vinh lại quá xanh, quá ấn tượng. Ở đây ngoài Phong ba, Tra nước, Bàng lá vuông, Bàng lá tròn, thì còn có cả Nhàu. Nhàu được trồng rất nhiều, lá mượt, nhiều cây có cả hoa và  trái. Thấy cây nhàu, trái nhàu lại nhớ rễ nhàu. Cả trái và rễ  nhàu đều là những vị  thuốc nam rất quý trong việc điều trị chứng xây xẩm và đặc biệt  là điều  trị chứng cao huyết áp. Công dụng của trái nhàu thì nhiều người đã rõ, còn rễ nhàu thì đối với một số người đã thử sử dụng và rất thành công. Thao tác thì rất đơn giản, chỉ cần đào lên một ít,  loại rễ phụ, rửa, dạt, phơi khô, sao khử thổ, bỏ vào ấm mỗi lần một nắm nhỏ, nấu sôi, để nguội uống vào, uống thay cho nước hàng ngày, mỗi đợt khoảng một tuần lễ là sẽ  xua đi cái căn bệnh khá nguy hiểm là chứng cao huyết áp.

 

Ngoài cái màu xanh lý tưởng ấy, toàn đảo còn được phủ bởi một màu xanh khác, màu xanh của bí,  bầu, cải xanh, cải bẹ, hành, ớt… Nghĩa là ở đất liền, tại những vùng chuyên trồng trọt, sản xuất rau xanh có loại rau, loại quả gì thì ở đây có thể được ví như người em kề  của vùng chuyên canh đấy. Các giàn bầu, giàn bí trĩu quả, các vườn rau xanh, thật xanh, thật tươi tốt, thực sự là một trong những loại thực phẩm chủ lực đối với yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Có rau, có cá, có bí, có bầu cộng với bàn tay chế biến điêu luyện của những người lính đảo mà mình đã hơn một lần thưởng thức, thì thật là quá tuyệt.

 

Cũng như các đảo khác, cán bộ chiến sỹ trên đảo Phan Vinh hết lòng vì nhiệm vụ xây dựng và phát triển đảo. Điều đó thể hiện rất rõ  khi quan sát  quy mô toàn đảo, từ đường đi, lối lại quá khang trang, qui củ, sạch đẹp, gọn gàng đến việc sắp xếp bố trí các khu vực hết sức hợp lý. Chỉ cần dạo một vòng quanh đảo và với những gì đã  được trực tiếp chứng kiến, tôi nghĩ rằng với tiềm lực ấy chúng ta có đầy đủ khả năng để có thể chiến thắng trước bất kỳ mưu toan nào của phía đối địch. 

 

ts-080624.jpg

Trên đảo, ngoài các khu vực như nhà chỉ huy, nhà ở, bếp, nhà ăn… chỉ huy đảo còn dành hẳn một căn nhà với diện tích tương đối rộng để làm phòng truyền thống, đây đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của toàn đảo. Phía trên sân khấu hội trường là câu khẩu hiệu: Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm, kề đó là cờ Đảng, cờ Tổ quốc, tượng Bác Hồ, phía bên phải của phông là câu khẩu hiệu được cắt cẩn thận và được đặt ở vị trí trang trọng với nội dung: “Phấn đấu vì chủ nghĩa Cộng sản”, phía bên trái là tên của người anh hùng được đặt cho đảo: Đảo Nguyễn Phan Vinh. Còn phía dưới hai bên phòng truyền thống là những hình ảnh đầy tự hào về truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ở vị trí rất trang trọng bên trên các hình ảnh đó, là tấm ảnh Bác Hồ trong trang phục Hải quân nhân dân Việt Nam với lời dạy của Người khi đến thăm Bộ tư lệnh Hải quân ở tại hang Đầu Gỗ, vịnh Hạ Long, Quảng Ninh ngày 15 tháng  03 năm 1961,  mà ngày nay lực lượng Hải quân coi lời dạy đó như là mệnh lệnh của Tổ quốc: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta  phải ra sức giữ gìn  lấy nó”.

 

Điều xúc động đặc biệt mà tôi cảm nhận được không chỉ ở đảo Phan Vinh mà ở tất cả các đảo khác khi nghe báo cáo, là ngoài những nhiệm vụ thường xuyên như huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo, hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt cá trong khu vực, cung cấp nước, thuốc chữa bệnh thông thường cho ngư dân khi có yêu cầu, cấp cứu ngư dân khi gặp nạn hoặc thực hiện các ca mổ ruột thừa rất thành công, cứu được không ít người… Thì cán bộ, chiến sỹ trên các đảo còn có một nghĩa cử cao đẹp nữa đó là xây dựng phong trào hướng về đất liền,  giúp đỡ đồng bào nghèo ở đất liền, đóng góp một phần để giúp một số gia đình nghèo xoá nhà tạm, xây dựng nhà tình nghĩa, giúp đỡ trẻ em tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị dị tật do ảnh hưởng chất độc màu da cam… hoặc quyên góp đột xuất để cứu trợ các gia đình bị thiên tai, lụt bão. Số tiền quyên góp được, nhẩm tính ở các đảo trong mấy năm qua không dưới 30 triệu đồng. Tôi nghĩ ở cái nơi đầu sóng ngọn gió này, ở cái nơi hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với hiểm nguy, đối mặt với thử thách mà các anh vẫn dành cho đồng bào mình, dành cho những gia đình, những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn  trong đất liền sự cảm thông, chia xẻ, đùm bọc, thì quả thật không còn lời lẽ nào hơn để nói lên lòng cảm phục của chúng ta trước nghĩa cử cao đẹp của các đồng chí. Tôi tin  rằng việc làm đó, nghĩa cử đó sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian, mãi mãi sống trong trái tim của nhiều thế hệ.

 

Qua tiếp xúc còn được biết, anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh có một người con trai đang nối nghiệp bố, hiện anh là cán bộ sỹ quan Hải quân nhân dân Việt Nam, đang công tác ở cơ quan Bộ tư lệnh. Thì ra, đúng như  lời thơ của Tố Hữu :  

 

“Bước cha trước, bước con sau,

Cùng là đồng chí, chung câu quân hành”.

 

(Còn nữa)

 

VŨ VĂN THOẠI 

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 5)
Thứ Hai, 23/06/2008 07:40 SA
Tác nghiệp ở Trường Sa
Chủ Nhật, 22/06/2008 14:00 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 4)
Thứ Sáu, 20/06/2008 13:43 CH
Cảm nhận Trường Sa (Kỳ 3)
Thứ Năm, 19/06/2008 14:03 CH
Nông nhàn, lên núi tìm trầm
Thứ Tư, 18/06/2008 15:23 CH
Cảm nhận Trường Sa (Kỳ 2)
Thứ Tư, 18/06/2008 07:20 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek