(Tiếp theo kỳ 7)
Tàu nhổ neo, tạm biệt đảo Tiên Nữ. Hướng cuộc hành trình đến đảo An Bang. Lúc đó đúng 2 giờ kém 15 phút ngày 7/5/2008. Nghe An Bang bỗng nhớ đến anh Đồng. Buổi chiều 01/5 trước khi bắt đầu chuyến đi dài ngày thăm cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa. Tôi, anh Huỳnh Ngọc Sanh, chị Tô Hà, Thanh Huyền và anh Tuyên lái xe Văn phòng Tỉnh ủy đến thăm anh Đồng đang nằm điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Trong không khí vui vẻ, anh Đồng kể, tôi cũng đi Trường Sa, nhưng đi hồi gần chia tỉnh (1988) tức là đi trước tháng 7/1989, lúc đó trên cương vị là Bí thư Tỉnh đoàn Phú Khánh. Điểm xuất phát không phải tại cảng Ba Son như ngày mai anh Thoại và các anh, chị cùng đi mà điểm xuất phát là cảng Cam Ranh, điểm đến đầu tiên được xác định theo kế hoạch cũng là Trường Sa lớn. Thời gian thông thường với loại tàu ấy, với tốc độ ấy là 2 ngày 2 đêm.
Toàn cảnh đảo An Bang - Ảnh: VŨ VĂN THOẠI
Cũng như các đoàn khác trên các chuyến khác và nhất là đoàn của Đoàn Thanh niên nữa nên khí thế lắm. Hát ca tập thể vang trời, không ngớt, hòa cùng với sóng gió đại dương. Thế nhưng đã quá 2 ngày 2 đêm rồi mà điểm đến vẫn mịt mù sương khói, chẳng thấy Trường Sa lớn, Trường Sa nhỏ ở đâu cả, bốn bề là đại dương mênh mông. Anh em trên tàu bắt đầu lo, tâm trạng phập phồng, không khéo mất phương hướng, mất định vị, lọt vào vùng đảo của nước ngoài đang chiếm đóng thì nguy. Lúc đó, anh em còn được biết là tàu đã mất tín hiệu liên lạc với đất liền, càng hoảng. Thế là may nhờ, rủi chịu. Tình thế đó thử hỏi ai còn hát hò cái gì được nữa…Có điều, không biết ai sao, nhưng tôi vẫn hy vọng vào một cơ may nào đó. Tàu vẫn tiếp tục chạy, nhưng chạy đi đâu, chạy hướng nào thì hoàn toàn không xác định. Lại thêm một ngày và cả đêm tiếp theo, mệt mỏi, rã rời. Ai mệt quá, ngủ thiếp, ai còn tỉnh thì cứ nhìn vào đại dương không xác định. Rất may, may lắm là khi trời vẫn còn nhá nhem tối, anh em đã thấy một đốm đen phía trước mặt. Tất cả ùa ra boong tàu cố nhìn thì đúng là có trái núi phía trước, xác định là đảo rồi, nhưng đảo gì, đảo của ai thì không thể biết được. Tàu càng vào gần, anh em càng trong tâm trạng thấp thỏm, vừa mừng, vừa lo. Các đồng chí chỉ huy tàu và chỉ huy chuyến đi đã nhanh chóng có sáng kiến là quay đèn pha chiếu lên lá cờ Tổ quốc, đang bay trên cột cờ. Lúc này trời đã sáng dần và trên đảo anh em cũng đã phát hiện và xác định là tàu của ta. Mừng vui không thể nào diễn tả được. Thế là tàu thả neo để cả đoàn vào đảo, tay bắt, mặt mừng. Lúc đó, mình mới được biết là khi đảo phát hiện có tàu lạ, toàn đảo báo động sẵn sàng chiến đấu, tất cả các vị trí sẵn sàng chờ lệnh. Bởi lâu nay chưa có trường hợp nào như thế cả. Đã là tàu ra đảo là phải đi theo kế hoạch và liên lạc chặt chẽ, đằng này, tự nhiên tàu lạ lù lù đến. May mà, anh em trên tàu sáng kiến bật đèn pha lên lá cờ Tổ quốc. Lúc đó toàn đảo, toàn tàu thở phào nhẹ nhõm. Thật là một chuyến thăm hết sức bất ngờ và thú vị. May quá, thật là may mà cũng thật là ấn tượng. Vì nếu xảy ra nổ súng hoá ra “quân ta chiến thắng quân mình”.
Trong khi đó, ở nhà, anh Thoại biết không, cả Nhi và An cùng nói, chị Nhi nghe tin báo là chuyến tàu anh Đồng ra thăm đảo đã hoàn toàn mất liên lạc với đất liền khi bước sang ngày thứ 3, kể từ khi tàu rời cảng Cam Ranh. Trời ơi khi đó em khóc quá chừng, khóc hết biết. Tụi em nghĩ thế là xong rồi, thế là mọi sự kết thúc rồi. Rồi cả nhà đều khóc, hỏi ở đâu cũng không ai biết thêm được điều gì. Đang chờ và như anh biết đó, theo anh Đồng kể, liên lạc đầu tiên ngay lập tức sau khi nối thông tin được với đất liền là báo tin về nhà và anh Đồng đã thực hiện điều đó. Cả nhà như vừa trải qua một cơn bão tố.
Còn bây giờ, sau đúng hai mươi năm, Phú Yên lại cùng với các tỉnh trong cả nước trở lại An Bang, trở lại cái nơi mà anh Đồng cùng với cả đoàn đại biểu của Đoàn thanh niên hồi đó “bị lạc vào”.
An Bang đẹp, đẹp thật. Cái duyên dáng của An Bang khó có đảo nào mà mình đã đi qua sánh được. Có lẽ cái anh chàng kiến trúc sư nào đó khi quyết định chọn đặt trạm Hải đăng thuộc công ty bảo đảm Hàng hải ở cái vị trí tuyệt chiêu như vậy, hẳn là đã tính toán khá kỹ. Với chiều cao vừa phải so với tổng thể công trình, trạm Hải đăng như cái nốt ruồi duyên trên khuôn mặt trái xoan của một thiếu nữ xinh đẹp. Thì ra ở cái nơi bốn bể biển cả, bốn mùa khắc nghiệt, hết nắng đến mưa, hết mưa đến bão tố mà cái đẹp vẫn cứ hiện hữu, trân trọng và ngày càng được tô điểm bởi những bàn tay, những tấm lòng của những con người đầy năng khiếu thẩm mỹ, thì thật khó ai hình dung được. Thế mới biết lính ta hay biết chừng nào, giỏi biết chừng nào!. Thế mới biết lính ta, lính của Cụ Hồ đâu chỉ có dũng cảm, đâu chỉ có dám đối diện với mọi thử thách mọi khắc nghiệt của gió giông, bão tố, mà mỗi ngày họ còn làm tươi xanh thêm cho cuộc sống. Cũng như một số các đảo khác, khắc nghiệt nhất của An Bang vẫn là không có nước ngọt. Nước phải được chắt chiu, gìn giữ. Nếu như ở đất liền, trong những năm chiến tranh, bộ đội ta luôn phải thuộc lòng câu khẩu hiệu “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, thì giờ đây, bộ đội ta ở các đảo chìm, các đảo san hô, các bãi cạn… coi nước như máu, nước đồng nghĩa với sống còn.
Nghe các đồng chí kể lại, sau trận chiến đấu ngày 14/3/1988, bộ đội ta đã có mặt trên đảo An Bang trong điều kiện hoàn toàn khắc nghiệt, lợi dụng tình hình đó, phía họ đã cho nhiều tàu chiến đến bao vây đảo nhiều ngày, nhằm gây áp lực buộc ta phải rút quân ra khỏi đảo. Thế nhưng với ý chí kiên cường và với công tác dự báo, chuẩn bị tốt, Bộ đội ta trên đảo An Bang đã chiến thắng. Sau 11 ngày bao vây, phía họ không thấy bất cứ tín hiệu nào từ phía đảo nên đành lủi thủi rút lui. Tệ thật. Từ bấy đến giờ An Bang mỗi ngày một lớn lên cả về lượng và tất nhiên là cả về chất và phía bên kia cũng không một lần nào bén mảng tới nữa.
Cái may mắn của Đoàn công tác đi thăm quần đảo Trường Sa lần này là thực hiện theo đúng kế hoạch, kế hoạch đến đảo nào là vào ngay được đảo ấy, từ Trường Sa lớn rồi đến Đá Tây, Phan Vinh, Tiên Nữ và sáng nay, 8/5/2008 lại đến An Bang. Điều đó có nghĩa là quá trọn vẹn. Đặc biệt là đảo An Bang, vì như Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó chính ủy binh chủng Hải quân, Trưởng Đoàn công tác đã mở đầu cuộc gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ trên đảo nói: “Tôi đã từng nhiều lần đi An Bang, nhưng đến được, vào được An Bang là khá hy hữu, có khi tàu công tác đến nơi rồi mà gió quá to, sóng quá lớn, tàu thả neo đứng nhìn, không tài nào vào được, đành chịu. Anh em trên tàu mở loa to ra để các cán bộ, chiến sỹ trên đảo nghe những lời chúc, nghe những câu chào, rồi tàu lại đi, anh em cả trên đảo, trên tàu đều khóc. Khắc nghiệt là vậy. Tính nhẩm lại từ khi nhận nhiệm vụ, tôi đã chín, mười lần có kế hoạch đến An Bang, nhưng cũng chỉ một, hai lần vào được với đảo. Nói như thế để các đồng chí, nhất là các đại biểu của chúng ta ở đây biết được thêm tính chất khắc nghiệt, phức tạp khó lường của thời tiết nơi đây như thế nào”.
Các chiến sĩ đón đại biểu ngay dưới nước vào đảo An Bang - Ảnh: TRÌNH KẾ
Ngay như sáng nay, tôi nghĩ, vào được An Bang là cả một nỗ lực lớn của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Có thể nói toàn đảo đón Đoàn ngay ở dưới nước, anh em trần mình chống chọi với sóng to, gió cả để đưa thuyền vào bãi trước sức đập dữ dội, liên miên của các đợt sóng. Thủ trưởng Đoàn công tác còn nói vui mà rất thật là, vào đảo được là mừng, nhưng lại phải tính chuyện trở ra, có khi muốn vào, vào không được, lại có khi vào được rồi nhưng lại không cách nào ra được nữa. Vì vậy mà Đoàn chúng ta hôm nay cũng chỉ được lưu lại trên đảo hơn một giờ đồng hồ, thực hiện các công việc như kế hoạch, tiếp cận anh em trên đảo rồi thì hơn 9 giờ một chút, chuyến thứ nhất bắt đầu rời đảo, chần chừ một chút, e không ra được. Mà đúng thật, cả 4 chuyến trở ra là 4 chuyến đầy khắc nghiệt, gió càng lúc càng to, sóng càng lúc càng dữ. Anh em đã lên xuồng rồi, mỗi xuồng trên dưới 30 người, áo phao cẩn thận, xuồng được vài chục chiến sỹ hè nhau, cùng lúc, hồ hụi đẩy ra thì các đợt sóng hùng hục hất thuyền bay thẳng vào bờ trở lại. Nhiều anh em tưởng bị kẹt dưới đáy thuyền vì không lường hết các hướng đập của sóng. Đợt sóng trước xô thuyền sang phía bên này, thì đợt sóng sau đẩy thuyền sang hướng bên kia. Nguy hiểm thật, căng thẳng thật…Khi cả Đoàn lên được con tàu lớn nhìn lại thì cả một động cát lớn, nằm ngay cạnh bãi nơi vừa đón thuyền vào và đưa thuyền ra, đã biến đi đâu mất.
Thật tình, không phải chỉ lúc ấy mà cho đến bây giờ, khi ngồi ghi lại những dòng này, tôi vẫn chưa nguôi niềm xúc động trước sự đón tiếp đặc biệt chân tình, trước nghĩa cử của người lính. Tôi nghĩ, những gì đã diễn ra mà tôi cũng như nhiều đại biểu đã thấy, đã chứng kiến cái buổi sáng đầy ấn tượng ấy trước đảo An Bang thì khó có chữ nghĩa nào có thể nói hết được. Bởi hành động của người lính hoàn toàn không phải chỉ là thực hiện nhiệm vụ mà hơn thế nữa nó xuất phát từ trái tim, từ tình cảm, từ ý thức đón, đưa những đại biểu, những người mang hơi ấm, mang niềm động viên từ đất liền ra với đảo. Tôi nghĩ rằng, sau này, dù đi đâu, về đâu, tôi cũng như không ít đồng chí nữa sẽ không thể nào quên được cái buổi sáng đặc biệt ấn tượng ấy, cái buổi sáng mà cả nỗi chờ mong và lòng cảm phục đã hoà quyện với nhau, hoà quyện vững bền.
Tôi hiểu rằng, để có được những điều gần như gan ruột ấy của những người lính đảo, trước hết và nhất quyết không thể nào lại không phải bắt nguồn từ tư chất của người chỉ huy, từ sự giáo dục và rèn luyện. Vì thế, ấn tượng đối với tôi cho đến lúc này vẫn là đồng chí Đảo trưởng Nguyễn Cát Khôi. Trẻ, rắn rỏi, dứt khoát trong bản báo cáo của mình trước đại biểu. Đồng chí nói: “An Bang nằm ở vị trí có ý nghĩa chiến lược quan trọng của quần đảo Trường Sa, án ngữ phần biển phía Nam, nối quần đảo Trường Sa với phần còn lại của khu vực DK1, khu vực có nhiều tiềm năng lớn về dầu khí và khoáng sản. Vì thế An Bang luôn là tâm điểm của sự chú ý đầy thèm khát của các thế lực bên ngoài. Chính từ xác định đó, cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn mài sắc ý chí cách mạng, ý thức cảnh giác, khắc phục khó khăn. Dù ngày hay đêm, biển lành hay biển dữ đều không một phút giây lơi lỏng. Chúng tôi xin hứa với Trung ương Đảng, Chính phủ, với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân là trong bất kỳ tình huống nào chúng tôi cũng quyết bảo vệ Đảo với khẩu hiệu của chúng tôi “còn người là còn đảo”. Khúc chiết quá, bản lĩnh quá, vững tin quá!. Để biết, để hiểu thêm một điều sâu sắc rằng, trong cái yên bình của cuộc sống hàng ngày mà mỗi chúng ta có được, có phần đóng góp hết sức lớn lao nhưng vô cùng thầm lặng của biết bao cán bộ, chiến sỹ, những người ngày đêm luôn vững vàng trên những vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.
Chia tay các anh, chia tay những người lính đảo trong sâu thẳm vô bờ như những đợt sóng ngàn năm không dứt.
(còn nữa)
VŨ VĂN THOẠI
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy