Thứ Tư, 02/10/2024 05:34 SA
Chuyện AIDS ở quê
Thứ Hai, 01/11/2010 18:30 CH

Người mẹ già tuổi ngoài 70, nước mắt lưng tròng, xót đứa con đã bỏ bà ra đi quá nhanh. Lại thêm đứa cháu nội cũng phải xa bà, về ở bên mẹ. Bà K đau lòng lắm. Bà nói: “Thằng H nhà tui có tới 3 đời vợ, nhưng khi mất, chẳng thấy đứa nào về nhìn mặt nó lần cuối. Chính bệnh “si-đa” gì đó đã cướp mất con tui, làm gia đình nó ly tán. Nghe người ta nói, hậu quả này là do thiếu hiểu biết mà nên!”.

 

ANH-HIV-101101.jpg

Cán bộ y tế xã Hòa Trị trao đổi với tác giả về vấn đề tuyên truyền HIV/AIDS ở địa phương - Ảnh: X.HUY

 

Hai xã Hòa An, Hòa Trị (huyện Phú Hòa) có vài trường hợp chết do bị nhiễm HIV/AIDS. Nhưng, trường hợp của anh H “ra đi” vì “căn bệnh thế kỷ” gần đây, đã gây xôn xao dư luận.

 

BI KỊCH CỦA MỘT GIA ĐÌNH

 

Sau cái chết của anh H, nhiều người dân Hòa An, Hòa Trị và các xã lân cận đồn râm ran chuyện một cặp vợ chồng bị nhiễm HIV/AIDS đã làm nhiều người lo lắng, hoang mang.

 

Anh H, 40 tuổi, vốn làm nghề buôn gà đá. Anh biết mình mắc bệnh AIDS chưa đầy tháng thì chết. Trước đây, anh H nhiều lần đưa gà sang Trung Quốc bán và đã từng tiêm chích ma túy khi đi đãi vàng ở xa. Sau khi phát hiện mắc bệnh, H bị “sốc”, không chịu uống thuốc theo chỉ định và không chịu ăn nên đã suy sụp và “ra đi” nhanh chóng. Ông Lê Lưu, một người dân xã Hòa An cho biết: “Thằng H vốn hiền lành, chịu khó và tốt bụng, nên khi nghe nói nó bị bệnh “si-đa” mà chết, tôi và nhiều người khác hết sức bất ngờ”.

 

Chị X, vợ H là một giáo viên, đã phát hiện mình mắc bệnh trước chồng nửa năm. Từ đó, X đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị một thời gian rồi về ở hẳn bên phía ngoại với chị gái (xã Hòa Trị), để con lại cho chồng và bà nội chăm sóc. Hiện X vẫn đang được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Phú Yên theo dõi và điều trị bệnh bằng thuốc ARV. Cuộc sống của hai mẹ con đang gặp nhiều khó khăn. Cháu bé 2 tuổi con của X trông gầy còm, suy dinh dưỡng.

 

TÂM LÝ LƠ LÀ, THIẾU HIỂU BIẾT

 

Mùa nông nhàn, nhiều lao động bỏ quê đến các thành phố lớn tìm việc làm. Xa nhà, cô đơn, một số người đã đi tìm “của lạ” và mắc phải “căn bệnh thế kỷ”. Khi trở về, họ vô tình làm lây bệnh cho người thân.

 

Khi biết chị X mắc bệnh, mọi người bảo anh H đi xét nghiệm nhưng anh không chịu, còn đòi chém những ai bảo rằng vợ chồng anh bị nhiễm HIV. Cán bộ y tế cũng không tiếp cận được anh H.

 

Sau khi chăm sóc con trai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà K đã hiểu thêm về HIV/AIDS: “Các bác sĩ nói, người bệnh cố gắng vượt qua mặt tâm lý, uống thuốc đều đặn thì sẽ kéo dài cuộc sống”. Bà K đau lòng vì con trai bà suy sụp nhanh, không chịu hợp tác trong điều trị mà mau tìm đến cái chết. Và càng buồn tủi hơn khi hiện nay quán nước của bà đã vắng khách, nhà bà cũng ít thấy ai đến chơi vì có người ngại sẽ lây bệnh từ đó. Trên thực tế HIV/AIDS lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con. Trong khi đó, với nhận thức còn hạn chế, nhiều người dân đã xem nhẹ và không biết cách phòng tránh. Để rồi khi tại cộng đồng có người bị lây nhiễm HIV, người ta lại xa lánh, kỳ thị.

 

Trưởng Trạm Y tế xã Hòa An Trần Văn Liêm cho biết: “Những người bị nhiễm HIV/AIDS thường rất ngại đến khám tại các cơ sở y tế bởi lo sợ mọi người xung quanh biết rồi xa lánh. Do vậy, họ thường dối bệnh, không chịu điều trị, cộng thêm suy sụp tâm lý nên khó có thể kéo dài được cuộc sống”.

 

Còn bà Nguyễn Thị Hương Thủy, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Trị cho rằng, khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, cán bộ y tế xã sẽ đến nhà khám bệnh, cấp thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội (nếu có), động viên và giải thích rõ về cách phòng tránh, mức độ lan truyền của bệnh này để trấn an dư luận. Ngoài ra, họ còn phát cho người bệnh những dụng cụ phòng tránh hữu hiệu trong sinh hoạt cá nhân.

 

Hiện nay, sự tham gia và phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại các khu dân cư vẫn chưa tạo hiệu quả cao như mong đợi. Do vậy, việc nâng cao nhận thức của cán bộ xã, phường là điều cần thiết bởi họ gần dân, hiểu dân và tiếp cận được nhiều người dân nhất nên dễ dàng tác động lên nhận thức của người dân về HIV/AIDS. Phương thức hiệu quả nhất là xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS và đưa phong trào này phát triển mạnh trong cộng đồng dân cư.

 

X.HUY - T.THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek