Thứ Sáu, 20/09/2024 13:44 CH
Đập tan kế hoạch “rút lui chiến lược” của Nguyễn Văn Thiệu
Thứ Sáu, 20/03/2015 14:00 CH

Quân địch tập kết xe tại Thạnh Hội và bắc cầu phao để vượt sông Ba sang Đường 5 (Ảnh tư liệu do Quân đoàn 3 cung cấp)

Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ ngày 10/3/1975, sáng hôm sau Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Cố vấn an ninh của Tổng thống Đặng Văn Quang tức tốc bay ra quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và triệu ngay thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II, Quân khu II để nghe báo cáo tình hình. 

 

“RÚT LUI CHIẾN LƯỢC” 

 

Theo tài liệu của địch để lại, tại cuộc họp đặc biệt này, thiếu tướng Phú cho biết, 4 sư đoàn của quân giải phóng đang phong tỏa khắp Tây Nguyên và cắt đứt mọi đường về đồng bằng, ra biển. Phú đề nghị yểm trợ, bổ sung quân tối đa và tiếp tế đầy đủ để tái đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giữ Tây Nguyên. Tuy nhiên, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không đồng ý với lý do: Quân đội đang bị phân tán khắp đất nước, nên phải rút khỏi Tây Nguyên để bảo tồn lực lượng. Thiệu cho rằng đây là “rút lui chiến lược”; đưa quân về đồng bằng ven biển, việc tiếp tế sẽ thuận lợi hơn, sau đó lựa thời cơ phản công lấy lại những gì đã mất.

 

Còn về đường rút lui, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm cho rằng, rút theo Đường 7 từ Gia Lai xuống Phú Bổn đến Phú Yên sẽ tạo được yếu tố bất ngờ và không bị quân chủ lực ngăn chặn. Tuyến đường này lâu nay gần như không sử dụng, tuy không tốt nhưng công binh có thể khắc phục nhanh. Đến cuối Đường 7, bắc cầu phao vượt sông Ba, sang Đường 5 để tránh gặp quân chủ lực của cộng sản rồi đưa quân và phương tiện về tập kết tại sân bay Đông Tác. 

 

Theo quyết định của tổng thống và thủ tướng, chấp hành mệnh lệnh của thượng cấp, tướng Phú giao cho chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Tư lệnh phó lên kế hoạch hành quân; chuẩn tướng Phạm Duy Tất, Tư lệnh Biệt động quân chỉ huy hành quân; đại tá Lê Khắc Lý bảo đảm hành quân, điều động chỉ huy lực lượng và phương tiện bắc cầu phao vượt sông Ba. Còn Phú bay về Nha Trang, điều phương tiện bắc cầu phao ra tập kết ở sân bay Đông Tác; điều Tiểu đoàn Biệt động quân từ Khánh Hòa ra chốt giữ đèo Cả đến Hòa Vinh; đồng thời lệnh Tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia điều động Liên đoàn Bảo an 924 sang hướng Tuy Hòa 1 rải quân chốt giữ trục Đường 5 đến tận Sơn Thành. 

 

Ngày 16/3, quân địch bắt đầu rút khỏi Kon Tum và ngày 17/3 rút quân chủ lực ở Pleiku. Chiều 17/3, bộ phận đi đầu của quân ngụy đến Củng Sơn tập kết ở ngã ba Thạnh Hội (Sơn Hòa) và chuẩn bị bắc cầu phao vượt sông Ba. 

 

8 giờ ngày 17/3, Ban chỉ huy tiền phương của tỉnh nhận được lệnh của Tư lệnh Quân khu, quân địch ở Tây Nguyên đang rút chạy theo Đường 7 về TX Tuy Hòa, lệnh Tỉnh đội Phú Yên điều động lực lượng của địa phương, hiệp đồng cùng Sư đoàn 320 chủ lực chặn đánh, không cho chúng có thời gian nghỉ ngơi, đặt chân ở đồng bằng. Cùng thời gian, trinh sát tiền phương phát hiện địch tăng cường chốt giữ trên trục Đường 5, máy bay vận chuyển phương tiện tập kết ở Thạnh Hội. Qua phân tích tình hình, Ban chỉ huy tiền phương phán đoán, địch sẽ vượt sông Ba sang Đường 5, không theo Đường 7 về TX Tuy Hòa và nhanh chóng triển khai phương án đánh địch. Trước tiên là tấn công các chốt do lực lượng Bảo an trấn giữ trên trục Đường 5, tạo địa bàn, có hậu phương. Đồng thời bố trí lại lực lượng, sử dụng đại đội của huyện và Đại đội Đặc công 7, chủ động đánh địch từ phía đông phản kích lên, tiêu diệt từng bộ phận, ngăn chặn tạo điều kiện cho các đơn vị của tỉnh và bộ đội chủ lực tập trung tiêu diệt địch từ Tây Nguyên xuống. 

 

TRẬN BẠCH ĐẰNG GIANG TRÊN CẠN 

 

Bị ta chốt chặn, tấn công bất ngờ gây tổn thất đáng kể, địch phản kích quyết liệt từ hai hướng nhưng đều bị ta đánh tơi tả. Hai cánh quân của chúng bị chia cắt không bắt liên lạc được với nhau nên hoảng loạn như ong vỡ tổ. Cánh quân từ Tây Nguyên xuống thiếu thức ăn, nước uống nhưng vẫn cố phản kích tìm đường tháo chạy. Bộ đội ta ngoan cường bám đánh, không cho tên nào thoát khỏi vòng vây. 

 

Ngày 24/3, Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 truy kích theo trục Đường 7 đến Củng Sơn, phối hợp với du kích, bộ đội địa phương tổ chức tấn công quận lỵ Củng Sơn, giải phóng huyện Sơn Hòa. Địch thả bom phá cầu phao bắc qua sông Ba, phá hủy một số xe. Bị Tiểu đoàn Bộ binh 96 truy kích đánh từ phía sau, địch vội vã điều động máy bay, pháo binh, bắn phá quyết liệt trên trục Đường 5 để yểm trợ cho bộ binh tháo chạy. Các tiểu đoàn bộ binh của ta vận động tấn công, chia cắt địch, bắt sống hàng ngàn tên, thu hàng trăm xe các loại, số còn lại ra đầu hàng, đập tan kế hoạch “rút lui chiến lược” của Nguyễn Văn Thiệu, kết thúc số phận của cánh quân từ Tây Nguyên xuống vào trưa 25/3/1975. 

 

Chiến thắng Đường 5 của quân và dân Phú Yên được các nhà quân sự ví như trận Bạch Đằng trên cạn; thể hiện sự quyết đoán, táo bạo, linh hoạt, trách nhiệm của ban chỉ huy và người chỉ huy; đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mạnh của quần chúng, tạo ra cơ sở vật chất; về tổ chức nắm địch; về lấy ít đánh nhiều, lấy thô sơ chống lại hiện đại; chuyển từ bị động sang chủ động, chuyển phương thức tác chiến phù hợp đánh thắng địch. Chiến thắng này thể hiện vai trò của bộ đội địa phương trong phối hợp với bộ đội chủ lực, bảo đảm tác chiến giành thắng lợi. 

 

Chiến thắng Đường 5 là một mốc son hào hùng của quân và dân Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, tạo đà cho trận đánh cuối cùng giải phóng TX Tuy Hòa, giải phóng Phú Yên vào ngày 1/4/1975, góp phần to lớn vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Đại tá ÔNG VĂN BƯU

Nguyên Tỉnh đội trưởng Phú Yên 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek