Thứ Sáu, 20/09/2024 14:09 CH
Bà mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng
Thứ Ba, 24/03/2015 13:00 CH

Cuối tháng 2/1964, địch mở một số đợt phản kích nhằm giành lại những vùng đã mất ở Hòa Đồng và một số xã khác của huyện Tuy Hòa 1, hình thành nên trạng thái giằng co; địch chiếm nơi này, ta mở nơi kia. Tuy lúc này vũ khí của địch đã được trang bị hiện đại hơn, có xe tăng M.113 yểm hộ, nhưng địch vẫn bị động đối phó trong sự mâu thuẫn giữa việc càn quét mở rộng vùng kiểm soát với việc giữ những vùng vừa mở ra.

 

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Kính - Bà mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng địch - Ảnh: T.K.QUANG

 

Khi xe tăng M.113 xuất hiện trong các trận càn quét ở Hòa Đồng đã làm cho nhiều cán bộ, đảng viên cơ sở của ta lo lắng, một số quần chúng tỏ ra lo sợ, hoang mang. Chi bộ đảng họp đánh giá tình hình sau những trận càn của địch và quyết tâm chống càn của ta. Nhìn chung tinh thần của đại đa số quần chúng nhân dân, các cơ sở cách mạng ổn định, không hoang mang lo sợ khi địch lập “ấp chiến lược”. Vấn đề đặt ra cho chi bộ và nhân dân Hòa Đồng lúc này là làm sao và làm như thế nào để đối phó xe tăng M.113 của giặc. Nhiều câu hỏi được đặt ra như có nên đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ lực lượng để đánh xe tăng không? Du kích, các đội vũ trang công tác của ta làm thế nào để đánh xe tăng M.113, và dùng vũ khí gì để đánh xe tăng? Tóm lại là làm sao để cản được xe tăng M.113 của địch càn quét, trong khi ta chưa có vũ khí chống tăng? Tuy chưa đề ra được biện pháp hữu hiệu để chống xe tăng M.113 của địch, nhưng hội nghị của Chi bộ xã Hòa Đồng đã đặt ra một vấn đề hết sức bức xúc của địa phương, của huyện và của cả miền Nam lúc bấy giờ. Cũng chính từ cách đặt vấn đề sớm như vậy mà ngay từ thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân ở xã đã xuất hiện cách cản xe tăng M.113, một giải pháp hiệu quả, sớm nhất của cả miền Nam với hình ảnh “Bà mẹ Hòa Đồng cản xe tăng địch”.

 

Cũng tại hội nghị chi bộ nói trên, đồng chí Võ Bá Thành - Bí thư chi bộ xã - đã quán triệt cho đảng viên và cán bộ chủ chốt của Hòa Đồng chủ trương “ly sơn” (rời núi) xuống đồng bằng đánh địch của Huyện ủy Tuy Hòa 1. Hội nghị cũng đã phân công các đồng chí đảng viên ra tuyến trước, bám địa bàn lãnh đạo nhân dân chống càn, tổ chức đánh địch hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng với tinh thần nêu cao khẩu hiệu “Đảng bám dân, dân bám đất, bộ đội và du kích bám địch”.

 

Trước những thất bại nặng nề, đặc biệt là sự phá sản âm mưu lập ấp chiến lược, cuối tháng 7/1964, địch điên cuồng phản ứng, mở những đợt càn quét quy mô lớn. Chúng sử dụng 2 tiểu đoàn biệt động quân, phối hợp quân địa phương (bảo an, dân vệ), có cả pháo binh và máy bay yểm hộ, đánh vào các xã phía tây huyện Tuy Hòa 1, hòng đánh chiếm vùng giải phóng của ta. Chúng chia thành 2 cánh quân, mỗi cánh sử dụng 1 tiểu đoàn. Cánh thứ nhất, đánh vào Hòa Tân, núi Chai, dọc theo Hóc Nhum, Hóc Ngổ, Hóc Răm (vùng căn cứ 2 xã Hòa Đồng, Hòa Tân). Cánh thứ hai, từ Phú Thứ - Hòa Bình đánh vào Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh. Hai cánh quân tạo nên thế gọng kìm, hợp điểm tại xã Hòa Thịnh.

 

Để đối phó cuộc càn quét của địch và thực hiện Nghị quyết “ly sơn” (tháng 5/1964) của Huyện ủy, chương trình hành động của chi bộ xã, lực lượng vũ trang xã phối hợp với Đại đội 377 của huyện do đồng chí Lê Quang Ngọc chỉ huy chặn đánh địch tại thôn Phú Phong (Hòa Đồng). Ngày 26/7/1964 tại Phú Phong, trung đội đi đầu của địch bị tiêu diệt - trong đó có tên thiếu úy đại đội trưởng. Địch phải dùng máy bay trực thăng hạ cánh xuống Gò Bướm để chở thương binh và xác chết. Cánh quân thứ hai của địch cũng bị quân ta liên tiếp chặn đánh trên địa bàn các xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ, làm cho địch không thể nào hợp quân ở Hòa Thịnh như kế hoạch.

 

Trận chống càn ở Phú Phong - Hòa Đồng có tiếng vang lớn đối với nhân dân trong huyện. Đây cũng là trận càn, mà lần đầu tiên địch dùng pháo binh, máy bay thả bom bắn phá làng mạc của nhân dân Hòa Đồng. Sau trận càn, cây cối, nhà cửa ở Phú Phong bị phá hủy tan hoang; sự phá hủy này còn hơn những trận bão lớn đi qua.

 

Những thắng lợi của trận chống càn, phá kèm diệt ác lúc này đã châm ngòi lửa cho phong trào nổi dậy và đấu tranh chính trị của xã Hòa Đồng, chống các đợt càn quét.

 

Ngày 27/7/1964, khi được tin bộ đội về làng, địch tức tốc phản ứng, đưa Trung đoàn 47 chủ lực, 2 đại đội bảo an, có xe tăng M.113 và máy bay trực thăng yểm hộ, tổ chức trận càn quét lớn lên Hòa Đồng và một số xã phía tây huyện Tuy Hòa 1. Trong lúc lực lượng bộ binh của địch càn vào vùng núi xã Hòa Đồng và một số xã khác và rải hàng ngàn quả mìn ríp trên những vùng đất chúng đi qua, thì 6 chiếc xe tăng M.113 từ sáng sớm băng qua cánh đồng lúa xã Hòa Đồng, tiến về Hòa Mỹ. Bà con nông dân từ các làng đứng nhìn xe tăng M.113 của giặc đang giày xéo những đám ruộng lúa xanh tốt dưới bánh xích sắt mà lòng chất ngất căm thù.

 

Khi phát hiện địch càn quét lớn, để bảo toàn lực lượng, tránh sự đối đầu bất lợi cho ta, vì tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch quá lớn, bộ đội và các đội vũ trang công tác của ta ở Hòa Đồng và Hòa Tân nhanh chóng tạm rút vào căn cứ. Một số đồng chí cán bộ cốt cán của xã Hòa Đồng được phân công ở lại bám cơ sở, bám địa bàn tổ chức quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù. Khi địch cho xe tăng M.113 băng qua đồng lúa, nhận thấy lòng uất hận, căm thù của quần chúng nhân dân trong xã lên cao, các đồng chí cán bộ nằm vùng của ta nhanh chóng hội ý với một số cơ sở cốt cán, thống nhất khẩn trương phát động quần chúng nhân dân trong toàn xã, và vận động một số bà con ở các xã lân cận hỗ trợ, đấu tranh cản xe tăng M.113 của địch.

 

Sáng hôm sau, 7 giờ 30 ngày 28/7/1964, địch vẫn hành quân như ngày hôm trước. Khi đoàn xe tăng M.113 của địch gồm 6 chiếc đến Ấp Rượu, lập tức quần chúng nhân dân, được vận động chuẩn bị từ trước, ùa ra cản xe tăng địch. Mẹ Ngô Thị Kính, 75 tuổi là người đầu tiên băng đồng, lội ruộng đứng chặn ngay trước đầu xe tăng của địch. Tiếp sau hành động dũng cảm của mẹ Kính, đông đảo bà con trong ấp ùa ra cùng đấu tranh. Chiếc xe đầu của địch bị chặn, các xe sau buộc phải dừng lại. Nhân dân đã khéo léo kết hợp lý lẽ với tình cảm đấu tranh với địch. Trong lúc bà con đấu tranh với địch, thì một chiếc xe tăng đột ngột quay ngang đầu xe tách hàng tiến lên phía trước, lập tức chị Quê nhào đến nằm sóng soài ngay trước bánh xích xe tăng địch. Chiếc xe này gầm rú lên một cách man rợ, bọn lính nổ súng đại liên bắn vào đoàn biểu tình và chung quanh chỗ chị Quê đang nằm, bùn đất bắn lên tung tóe mù trời. Khung cảnh thật ác liệt, nhưng bà con vẫn không nao núng, đội quân tóc dài của xã Hòa Đồng và một số bà con ở các xã lân cận, mỗi lúc tập trung đến một đông hơn, bao vây 6 chiếc xe tăng của giặc giữa đồng lúa Ấp Rượu, Hòa Đồng.

 

Sau khi cho mở đường để thoát khỏi sự bao vây của đội quân tóc dài, nhưng không thành công, tên chỉ huy chắp tay lạy mẹ Kính và nói: “Con lạy ngoại, ngoại về đi. Các con không đi đâu nữa”. Một tên lính khác nói xen vào: “Bây giờ đã lỡ rồi, không khiêng vứt đi đâu được. Thôi bà con cho chúng tôi trở về theo đường cũ”.

 

 

Thắng lợi của cuộc đấu tranh cản xe tăng M.113 của đội quân tóc dài ở Hòa Đồng đã mở ra một hướng đấu tranh mới của phong trào đấu tranh chính trị ở Tuy Hòa nói riêng, cả miền Nam nói chung. Khi địch đưa xe tăng M.113 vào chiến trường Phú Yên, quân và dân ta đã gặp nhiều khó khăn, lúng túng, chưa có phương hướng đấu tranh và cũng chưa được trang bị vũ khí chống tăng. Qua thực tế cuộc chiến, từ bức xúc, căm thù quân thù giày xéo lên đồng ruộng như cướp không bát cơm của đồng bào mà bà con đã hiên ngang lăn xả vào xích sắt xe tăng địch, buộc chúng không thể nào di chuyển, hành quân bắn giết các chiến sĩ cách mạng. Vấn đề xe tăng M.113, qua cuộc đấu tranh của phụ nữ xã Hòa Đồng đã có câu trả lời thỏa đáng, là bài học kinh nghiệm cho phong trào đấu tranh chính trị của huyện Tuy Hòa 1, của tỉnh Phú Yên và của miền Nam.

 

Thắng lợi của đội quân tóc dài xã Hòa Đồng tay không chặn xe tăng địch là bài học hết sức quý báu và kịp thời cổ vũ nhân dân Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Bình… cùng đứng lên đấu tranh cản xe tăng địch, hạn chế rất lớn hỏa lực của địch trong các trận càn quét. Thắng lợi này còn giải tỏa sự gờm sợ xe tăng của địch trong tư tưởng cán bộ, chiến sĩ; đồng thời cho thấy chúng ta không còn lo không trụ lại được ở đồng bằng vì thiếu vũ khí chống tăng.

 

VIỆT THÀNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek