Chủ Nhật, 10/11/2024 16:19 CH
Những dấu son lịch sử Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Bài 1: Chống tố cộng - diệt ác, giữ phong trào
Thứ Năm, 19/03/2015 10:07 SA

LTS: Kỷ niệm 40 năm giải phóng Phú Yên, giải phóng miền Nam, Báo Phú Yên phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Phú Yên và các chứng nhân lịch sử giới thiệu đôi nét về những dấu son lịch sử Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để cùng tự hào về một thời hào hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, tôn vinh và tri ân thế hệ cha anh đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

 

Đầu tháng 5/1956, đồng chí Nguyễn Hồng Châu được Khu ủy quyết định làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thay cho đồng chí Lê Đài đã bị địch bắt. Tỉnh ủy đã triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy ở Mò O thuộc vùng núi Đồng Xe, xã Xuân Quang. Hội nghị đánh giá lại tình hình, kiểm điểm rút kinh nghiệm việc thực hiện phương châm, phương pháp công tác thời gian qua, bổ sung một số đồng chí vào Tỉnh ủy để thay thế các đồng chí đã hy sinh hay bị địch bắt, giải quyết những vấn đề về tổ chức và tư tưởng đầu hàng khai báo làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Tổ chức lại các đơn vị để tiện công tác lãnh đạo và sinh hoạt. Hội nghị đã bàn các biện pháp để giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, đề ra phương hướng nhiệm vụ. Chỉ đạo xây dựng căn cứ địa miền núi cho các huyện và tỉnh. Phương châm công tác là “khéo che giấu, khéo công tác tổ chức, ngăn cách bí mật”. Chia huyện Đồng Xuân thành 2 huyện Đồng Xuân và Sông Cầu. Đồng thời tổ chức thành 2 huyện ủy Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2.

 

Mấy năm qua, Mỹ - ngụy dựa vào những tên cường hào gian ác, bọn đội lốt Thiên chúa giáo, Phật giáo, Cao đài, Đại Việt phản động đánh phá cách mạng. Nhưng chúng vẫn còn e dè chưa dám trắng trợn ra mặt, sợ sau hai năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước sẽ bị cách mạng trừng trị. Nên qua ngày 20/7/1956, không tổng tuyển cử được, bọn Việt gian đã ra mặt đánh phá cách mạng rất trắng trợn và ác liệt. Một mặt chúng ưu tiên cho bọn tay chân phát triển kinh tế tạo ra tầng lớp tư sản địa chủ để làm chỗ dựa, mặt khác chúng phát triển các tổ chức chính trị như: Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt, Liên minh dân tộc cách mạng xã hội, Mặt trận cứu nguy dân tộc, Việt Nam phục quốc hội, Lực lượng đại đoàn kết, Nhân xã đảng, Thanh niên đạo đức đoàn, Phong trào quốc gia cấp tiến. Mặt trận quốc gia kháng chiến, Lực lượng tự do dân chủ, Thanh niên hướng đạo đoàn, Mặt trận quốc gia liên hiệp, Lực lượng dân tộc Việt, Phong trào Tân dân chủ… đó là những hình thức chính trị mị dân. Tổ chức Thiên chúa giáo có 15.335 tín đồ, Phật giáo có 54.843 phật tử, Cao đài có 3.118 tín đồ, Tin lành có 3.018 tín đồ. Việt Nam Quốc dân đảng có 1.414 đảng viên, Đại Việt có 1.580 đảng viên. Các tổ chức khác trên dưới 200 người. Mặt trận Quốc gia Liên hiệp chỉ có 40 hội viên.

 

Từ sau ngày 20/7/1956, các nhà thờ, thánh thất, đền chùa mọc lên khắp nơi trong tỉnh. Bọn phản động trong Thiên chúa giáo tổ chức xây dựng “pháo đài chống cộng”, bằng cách thành lập các đơn vị võ trang do linh mục trực tiếp chỉ huy, như ở nhà thờ Đồng Tre (Xuân Phước). Chúng gây chia rẽ giữa Thiên chúa giáo và Phật giáo, giữa giáo và lương, nhất là giữa Thiên chúa giáo với Cộng sản. Ngô Đình Diệm chủ trương “Tố cộng, diệt cộng” chia làm hai đợt. Đợt 1 bắt đầu từ tháng 4/1955. Đợt 2 bắt đầu từ năm 1956, đến giữa năm 1957. Chúng chọn những xã có phong trào kháng chiến chống Pháp mạnh làm nơi “Tố cộng, điển hình”. Ở Tuy Hòa chúng chọn 3 xã: Hòa Trị, Hòa Kiến, Hòa Hiệp. Ở Tuy An chúng chọn 2 xã An Thạch, An Ninh. Ở Đồng Xuân chúng chọn 2 xã Xuân Phương, Xuân Lộc. Khi tố chúng triệu tập bọn tề các xã trong huyện đến dự lễ để học tập rút kinh nghiệm. Trước khi tố, chúng bắt đồng bào viết khẩu hiệu treo trước cửa: “Tố cộng là an dân, dụng cộng là phản quốc”, đồng thời bắt bớ đánh đập cán bộ để gây tâm lý sợ hãi trong nhân dân, buộc dân phải đi “tố cộng”. Ở mỗi xã chúng tập trung dân tại trường học hoặc trụ sở, cũng có khi là đình làng để tham gia “tố cộng”. Nơi đây gọi là “đấu trường”. Hai bên “đấu trường” bố trí lưu manh chờ đảng viên lên tố chúng đánh đập. Có nơi chúng chất hàng đống đá cho bọn côn đồ ném vào mặt vào lưng đảng viên, có người bị lỗ đầu chảy máu. Chúng còn phát cho mỗi người tố một cái mõ, để vừa hô khẩu hiệu vừa đánh mõ, ai không hô, không đánh mõ chúng đánh. Có nhiều người không hô, không đánh mõ đã bị bọn lưu manh đánh chết ngất tại chỗ.

 

Nội dung tố cộng của địch chính là nội dung xuyên tạc chính sách giảm tô, thuế nông nghiệp, huy động dân công… của chính quyền cách mạng đã thực hiện trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Tố xong chúng bắt xé cờ Đảng, hô khẩu hiệu chống Đảng, nhằm hạ uy tín của Đảng và gây chia rẽ giữa Đảng với quần chúng, giữa cán bộ với nhân dân, giữa vợ với chồng, giữa cha với con, giữa anh với em. Sau khi tố chúng xếp đảng viên vào từng loại A bông, A thường, thủ tiêu hoặc đưa đi tù. Loại B quản thúc tại xã, loại C chúng mua chuộc. Vì vậy một số người dao động sợ chết đã làm tay sai cho chúng. Chúng gọi đó là kế hoạch “lấy độc trị độc”. Một âm mưu thâm độc hơn là “kế hoạch ly tán, vô hiệu hóa” chúng khuyến khích bọn đầu trâu mặt ngựa trong giới cầm quyền đến dụ dỗ, hãm hiếp những người có chồng đi tập kết hoặc thoát ly theo cách mạng để làm nhục và ly tán…

 

Để chống âm mưu “tố cộng diệt cộng” của địch. Tỉnh ủy đề ra chủ trương đối phó bằng nhiều cách: Viện lý do đau yếu không đi tố và bắt đi thì không tới, không hô khẩu hiệu, không xé cờ Đảng, làm ồn ào mất trật tự, hoặc tố những tên đầu hàng phản bội làm tay sai cho giặc… Sáng tác những bài vè, những bài thơ, ca dao để động viên cán bộ đảng viên giữ vững khí tiết cách mạng. Xã Xuân Phước nhân dân tố tên Phùng Thi là cán bộ phản bội làm phó đại diện làng Phú Xuân cờ bạc, bắt bò trộm, lường gạt chiếm đoạt trinh tiết, tài sản phụ nữ. Ở Hòa Trị, để khủng bố tinh thần nhân dân trong khi “tố cộng” chúng bắt các anh Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Công Cánh đưa đi tù Côn Đảo, sau chúng thủ tiêu, nhưng quần chúng vẫn kiên cường bền bỉ đấu tranh từng bước làm thất bại âm mưu “tố cộng, diệt cộng” của địch. Trong một buổi “tố cộng” ở xã Hòa Hiệp, cụ Bách đứng dậy nói: “Giả sử nhân dân miền Nam có theo ông Ngô Đình Diệm thì một mình tôi, tôi cũng không theo”. Địch đánh và bắt cụ hô “Ngô tổng thống muôn năm”. Cụ hô “Ngô tổng thống 2 năm”. Địch hỏi: “Sao chỉ hô 2 năm”. Cụ trả lời: “Tôi đã 60 tuổi mà nay bị đánh, mai bị đánh may sống được 2 năm nữa là cùng, thì chúc tổng thống 2 năm chứ sao”. Địch bắt cụ đi tù rồi giết chết. Cụ Nguyễn Biên ở xã Xuân Phước vì không đi dự tố cộng nên địch bắt bỏ tù. Khi địch thả về cụ nói với đồng bào: “Quốc gia là quốc giả. Việt Minh là việc mình”.

 

Qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh gian khổ lẽ ra sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, đồng bào Phú Yên được hưởng những cái tết hòa bình đầy pháo và hoa thì trái lại qua bốn cái tết chỉ thấy đầy máu và nước mắt.

 

Có áp bức, phải có đấu tranh đó là điều tất yếu cho ta thấy rõ vì sao, một dân tộc vốn yêu chuộng hòa bình lại phải cầm vũ khí đứng lên, chiến đấu không sợ hy sinh gian khổ. Chính vì bắt nguồn từ ý chí căm thù giặc sâu sắc, khi có Đảng lãnh đạo khơi dậy truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử: “Thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ”, nhân dân Phú Yên đã không ngừng đấu tranh chống lại những âm mưu thâm độc của bè lũ Mỹ - Diệm.

 

Những năm 1956-1957, Tỉnh ủy Phú Yên đứng chân ở Dốc Sặc, cán bộ thiếu thốn mọi bề, đói cơm, lạt muối, áo quần không có mặc, đau ốm thiếu thuốc men, phải đào củ mài, ăn trái sung, bắt cua, bắt cá, gài bẫy nhen, sóc để ăn. Một số đồng chí xuống cơ sở bị địch phục kích bắn chết nên việc tiếp tế vô cùng khó khăn. Cơ sở cách mạng bị thu hẹp, số cán bộ thoát ly của tỉnh lúc này còn khoảng 40 đồng chí. Ở mỗi huyện còn độ 3-4 đồng chí sống trong điều kiện rất thiếu thốn và căng thẳng.

 

Nhân dân trong vùng địch kiểm soát bị hãm hiếp, đánh đập, tù đày, tài sản bị cướp đoạt. Xuân năm 1958, qua báo Đoàn kết, Tỉnh ủy gửi lời chúc tết đến cơ sở và đồng bào. Một cụ thân sĩ có con là cơ sở cách mạng bị địch bắt giam ở nhà lao Ngọc Lãng, gửi lên chiến khu bài tứ tuyệt:

 

Vui sướng gì đâu tết với xuân

Kẻ nơi ngục thất kẻ núi rừng

Để ai nước mắt hòa chung rượu

Biết được ngày nào hạnh phúc chung.

 

Ý thơ phản ảnh tâm trạng của nhân dân trước hiện thực xã hội lúc bấy giờ ở Phú Yên. Để uốn nắn tư tưởng bi quan ấy, báo Đoàn Kết đã họa lại bốn câu:

 

Vì để đời xuân hiến tuổi xuân

Sá chi ngục thất ngại chi rừng

Miễn tròn nghĩa vụ cùng non nước

Để đặng ngày mai hạnh phúc chung.

 

Vào tháng 6/1957, tại núi Cà Te, Tỉnh ủy họp nghiên cứu chỉ thị của Khu ủy chuyển một bộ phận cán bộ ra sống hợp pháp. Hội nghị phân tích: Phú Yên là tỉnh tự do trong chín năm kháng chiến, cán bộ đều hoạt động công khai, mấy năm nay, Mỹ - Diệm đánh phá ác liệt, số cán bộ này hy sinh nhiều. Ở Tuy Hòa 4 đồng chí Bí thư Huyện ủy bị giết, bị bắt. Ở Tuy An cả Huyện ủy rơi vào tay giặc… Số cán bộ còn lại rất ít, nếu chuyển ra sống hợp pháp khó tránh khỏi bị tổn thất lớn. Hội nghị nhất trí đề nghị lên Khu ủy xét cho Phú Yên không chuyển cán bộ ra sống hợp pháp. Thực tế chứng minh chủ trương đó là đúng đắn, bảo vệ được cán bộ trong tình hình cực kỳ khó khăn.

 

Để chống tư tưởng cầu an tiêu cực, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức học tập nêu gương các đơn vị cá nhân giữ tròn khí tiết cách mạng sống anh dũng, chết vẻ vang, đồng thời nghiêm khắc phê phán những đơn vị cá nhân dao động đầu hàng địch. Tiêu biểu cho tinh thần anh dũng trước sự tra tấn của kẻ thù có các đồng chí: Nguyễn Nghị - Tỉnh ủy viên quê ở Quảng Ngãi, Nguyễn Thanh Hương quê ở xã Hòa Trị, Lê Chơi quê ở xã An Mỹ, Lê Văn Thành quê ở TX Tuy Hòa, Trần Bá Tư quê ở xã Xuân Quang và nhiều đồng chí khác đã hy sinh rất anh dũng. Đồng chí Võ Xuân Vinh quê ở xã Hòa Đồng bị địch bao vây, súng bắn bốn mặt nhưng đồng chí vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Đồng chí Phạm Ngọc Kỳ ở xã Xuân Sơn vào nhà, bị địch bao vây đồng chí bình tĩnh xông ra đương đầu với địch để cứu cán bộ ta chạy thoát. Đồng chí Võ Xuân Trinh ở xã Xuân Long bị địch bắt đi tù, chúng dùng thủ đoạn cho đồng chí về nhà bố trí bắt được cán bộ chúng sẽ tha. Đồng chí trả lời: “Thà chết chứ tôi không thể bán rẻ lương tâm”. Vì vậy chúng bắn chết đồng chí rồi tri hô là vượt ngục.

 

Trong buổi hội nghị học tập nêu gương các cá nhân đơn vị giữ trọn khí tiết cách mạng và chống tư tưởng cầu an, Tỉnh ủy tổ chức lễ tưởng nhớ đến biết bao cán bộ đảng viên đã được thử thách gay go ác liệt, địch dùng mọi cực hình tra tấn, dụ dỗ mua chuộc vẫn không chịu khuất phục đã hy sinh anh dũng. Tỉnh ủy biểu dương nhiều cơ sở bị địch bắt, tra tấn tù đày, nhiều lần thả về vẫn tiếp tục hoạt động, nhiều cơ sở đặt lợi ích cách mạng trên lợi ích cá nhân - cả tính mạng - để bảo vệ Đảng. Đồng thời hội nghị cũng rút bài học kinh nghiệm chống tư tưởng chủ quan, coi thường địch như vụ Ngân Sơn - Chí Thạnh. Qua học tập, tư tưởng có nhiều chuyển biến củng cố được lòng tin đối với Đảng và Bác Hồ.

 

Ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc từ năm 1957 đến 1958, địch tung gián điệp đóng vai thương lái dò la nắm tình hình. Chi bộ Thồ Lồ đã diệt 2 gián điệp người Kinh từ Vân Canh (Bình Định) lên hồi tháng 1/1957. Năm 1958, thành lập chính quyền tự quản ở Phú Mỡ.

 

Cuối năm 1958, Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương diệt ác phá kèm ở đồng bằng để bảo vệ và phát triển lực lượng đưa phong trào cách mạng ở đồng bằng tiến lên. Đây là một chủ trương mạnh dạn, sáng tạo vì Trung ương chưa cho diệt ác, nhưng Tỉnh ủy thấy tình hình không thể để cho kẻ địch tự do hoành hành mà không bị trừng trị. Càng để kéo dài, lực lượng cách mạng càng bị tổn thất nặng nề, khó lòng cứu vãn được. Vì vậy, Tỉnh ủy chọn đối tượng phải diệt là tên Nguyễn Cường, tên này đã gây nhiều nợ máu đối với đồng bào xã Xuân Phước.

 

Đồng chí Trần Suyền - Phó bí thư Tỉnh ủy - trực tiếp chỉ đạo, cử 3 đồng chí: Nguyễn Tấn Hà quê ở xã Sơn Định, Nguyễn Nghiêm và Trần Văn Chất quê ở xã Xuân Phước thành lập tổ vũ trang diệt ác. Theo kế hoạch được đề ra là phải diệt tên Cường ngay tại nhà để tránh địch khủng bố nhân dân. Đêm 15/11/1958, 3 đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ diệt tên thống Cường tại nhà của y.

 

Tên ác ôn Nguyễn Cường bị diệt đã làm cho cả hệ thống tề ngụy ở Phú Yên hoang mang dao động, một số bỏ việc không làm, xin đi nơi khác, một số nằm im không dám hoạt động, một số ác ôn khét tiếng cũng chùn tay vì lo sợ. Mãi sau một tuần địch mới hoàn hồn. Sau đó chúng ra sức khủng bố đồng bào Xuân Phước, bắt trên 50 cán bộ và nhân dân mà chúng nghi ngờ đem về nhà lao tra tấn dã man. Cán bộ ta có một số cho là ta “manh động” gây tổn thất, cơ sở bể vỡ… Đứng trước tình hình ấy, Tỉnh ủy đã nhận định và thông báo cho các cấp trong công văn mật lấy ký hiệu: “CT8 gửi các chú” với nội dung: “Tháng 11/1958, vừa qua lần đầu tiên tỉnh ta tiến hành trừ gian, đánh dấu bước ngoặt của cuộc đấu tranh chính trị chuyển sang diệt ác, là hình thức đấu tranh võ trang. Nó mới đối với ta, mới đối với nhân dân và cả đối với địch. Sự kiện này đã gây nên một luồng phấn khởi cho cán bộ đảng viên và cơ sở cách mạng, ta phải biết nhân đà này đưa khí thế cách mạng của quần chúng tăng lên. Mặc dù còn một số tên ác ôn vẫn tiếp tục gây nợ máu, nhưng ta phải tranh thủ bọn lưng chừng, cô lập bọn đầu sỏ”.

 

Bước vào năm 1959, cách mạng miền Nam nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng đang đứng trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, Ngô Đình Diệm ban hành “Luật 10/59” “đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật” lê máy chém đi khắp nơi. Ở Phú Yên chúng chọn mỗi huyện một xã có phong trào cách mạng mạnh, bắt tất cả những người chúng tình nghi là cộng sản hoặc cơ sở cách mạng đến nghe phổ biến “Luật 10/59”.

 

Ở quận Sơn Hòa tên Tỉnh trưởng ngụy quyền Hồng Dụ Châu trực tiếp đưa máy chém lên thôn Tân Bình, xã Sơn Phước, bắt tất cả đồng bào Thượng trong quận hơn 1.000 người đến nghe chúng phổ biến “Luật 10/59”. Trước khi phổ biến, chúng vừa dùng thủ đoạn mua chuộc phát bánh mì cho người lớn, phát áo cho trẻ em, vừa lợi dụng tập quán người Thượng giết trâu uống máu ăn thề với các chủ làng. Nếu ai không giữ lời thề theo cộng sản sẽ bị máy chém chém đứt đầu; đồng thời cho bọn tay sai mở máy chém, chém cây chuối đứt đôi để đồng bào xem. Ở huyện Đồng Xuân tên quận trưởng ngụy quyền Trần Chí Thiện bắt tất cả các người chúng tình nghi là cơ sở cách mạng trong quận tập trung đến thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang nghe chúng phổ biến “Luật 10/59”. Khi phổ biến tên Thiện vừa đe dọa vừa khoác lác chỉ tay vào núi nói: “Cuộc họp này lẽ ra tổ chức tại quận nhưng tôi đưa đến đây là để chú cộng sản ở trong núi cùng nghe, nếu muốn khỏi đứt đầu, hãy sớm về đầu thú quốc gia, bằng không gắng gượng sống vài tháng nữa cũng chết”.

 

Quá trình xây dựng ổn định bộ máy thống trị của Mỹ-Diệm ở Phú Yên là một quá trình đàn áp khủng bố đẫm máu, tập hợp bọn lưu manh phản động xấu xa nhất, thanh toán lẫn nhau loại trừ bọn không ăn cánh, tập trung quyền hành trong tay một số tên gian ác. Dù đã ban hành luật phát xít 10/59, bộ máy thống trị độc tài tay sai đế quốc Mỹ vẫn bị cô lập, bị quần chúng căm thù.

 

Khi hòa bình mới lập lại, một số người ở tầng lớp trên, quan lại cũ, số sĩ quan công chức của Pháp hy vọng phần nào vào chiêu bài “Quốc gia độc lập” của Ngô Đình Diệm. Số thân Pháp, Quốc dân Đảng, Đại Việt, Cao Đài trước kia mong kiếm một địa vị nào đó trong chính quyền của Diệm thì nay thấy rõ không thể bắt tay dung hòa với Diệm được. Quần chúng thấm thía sâu sắc bao nhiêu tai họa do Mỹ-Diệm gieo rắc, thấy rõ chỉ có một con đường để tự cứu mình là đánh đổ Mỹ-Diệm. Chế độ Mỹ-Diệm tạm ổn định đã bước nhanh sang giai đoạn khủng hoảng suy sụp nghiêm trọng.

 

Về phía ta từ ngày hòa bình lập lại đến cuối năm 1959, phong trào có lúc lên lúc xuống và những năm 1957-1958 phong trào các huyện đồng bằng xuống thấp nhất. Riêng ở miền núi, phong trào được giữ vững và tiếp tục phát triển nhờ biết xây dựng căn cứ địa cách mạng. Nói chung trong tỉnh hoạt động ở thời kỳ này hết sức khó khăn, chịu đựng những hy sinh rất lớn, cán bộ tổn thất nhiều nhất. Nhưng Đảng bộ vẫn kiên trì phấn đấu đến cùng, nhiều cán bộ kiên cường bám lấy phong trào đi sát quần chúng do đó bảo tồn và phát triển được phong trào ở miền Tây của tỉnh và một phần vùng giáp ranh các huyện đồng bằng, giữ được hệ thống chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến một số xã. Đó là vốn rất quý, tạo tiền đề căn bản đưa phong trào tiến lên những bước mới sau này, nhất là từ khi Trung ương Đảng đề ra phương hướng đấu tranh mới cho cách mạng miền Nam.

 

(Theo Phú Yên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phá ấp chiến lược ở Hòa Đồng
Thứ Sáu, 06/03/2015 10:11 SA
Tết ở Vũng Rô 50 năm trước
Thứ Sáu, 20/02/2015 09:00 SA
Mong được góp sức xây dựng quê hương
Thứ Sáu, 20/02/2015 07:00 SA
La Hai - "miền gái đẹp"
Thứ Năm, 19/02/2015 13:00 CH
Tỉ phú giống cá chẽm
Thứ Tư, 18/02/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek