Thứ Tư, 27/11/2024 15:27 CH
Mở bến Vũng Rô (Tiếp theo kỳ trước và hết)
Thứ Năm, 26/03/2015 00:00 SA

Ảnh: N.MINH

Công tác bảo vệ và xây dựng tuyến hành lang an toàn vượt qua xã Hòa Xuân để vận chuyển vũ khí ra tuyến sau được gấp rút triển khai. Bót Pê-tí của địch nằm trên đỉnh đèo Cả như đôi mắt cú vọ ngày đêm rình mò vùng biển Vũng Rô. Một đội du kích xã Hòa Xuân nhận lệnh bao vây dài ngày bót Pê-tí, theo dõi chặt chẽ mọi hành động của địch, kiên quyết chặn đánh địch khi chúng lùng sục ra ngoài bót. Du kích Hòa Xuân phối hợp cùng trung đội bộ đội huyện Tuy Hòa bám địch ở Đại Lãnh, chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh tiêu diệt trung đội dân vệ đóng ở đây để thu hút địch, không cho chúng rảnh tay nhòm ngó Vũng Rô.

 

ĐÓN CHUYẾN TÀU ĐẦU TIÊN

 

Ngày 16/11/1964, tàu 41 anh hùng do đồng chí Hồ Đắc Thạnh - một người con ưu tú của quê hương Tuy Hòa làm thuyền trưởng đã xuất phát từ cảng Hải Phòng chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc chữa bệnh theo con đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ.

 

Tàu đón 3 đồng chí quân giải phóng Phú Yên bổ sung xuống làm thủy thủ, đó là các đồng chí Lê Kim Tự, Nguyễn Văn Xuân và Trần Mỹ Thành.

 

18 giờ ngày 28/11/1964, tàu ta ở vào cự ly bán kính chiếu sáng của đèn Mũi Nạy. Lưới ngụy trang trên các ụ súng được tháo ra sẵn sàng chiến đấu. Phía mạn trái tàu, một hòn đảo nhỏ hiện rõ dần. Chính là hòn Nưa. Cửa Vũng Rô đã ở trước mắt.

 

Chiếc xuồng ba lá được thả xuống. Đồng chí thuyền phó cùng 2 thủy thủ mang theo vũ khí chèo vào bờ phải bãi Lau tìm bắt liên lạc. Toàn tàu lúc này mới thật sự yên lòng là mình đã vào đúng bến Vũng Rô.

 

Một chiếc ghe máy kéo theo 1 chiếc thuyền cập mạn tàu. Các đồng chí ở bến lên tàu. Phút đầu gặp gỡ mọi người vui mừng xúc động, ôm chầm lấy nhau, nước mắt chảy ròng, nghẹn ngào không nói nên lời.

 

Đồng chí Trần Suyền và các đồng chí ở bến bắt tay cán bộ, thuyền viên trên tàu. Thuyền trưởng trình bày với đồng chí Trần Suyền: Theo lệnh của cấp trên, tàu chỉ được ở lại bến bốc dỡ hàng đến 3 giờ là phải rời bến. Chiếc tàu Không số đầu tiên cập bến Vũng Rô an toàn ngày 28/11/1964. Ban chỉ huy bến và hơn 1.000 cán bộ đảng viên, bộ đội, du kích và nam nữ thanh niên xung phong chờ sẵn trên bờ vui mừng khôn xiết, ôm nhau tay bắt mặt mừng. Công việc bốc hàng được tiến hành hết sức khẩn trương.

 

Đồng chí Trần Suyền có ý kiến: Tàu chở 60 tấn vũ khí và trang bị thuốc men khó huy động người bốc dỡ hàng trong đêm cho tàu ra.

 

Sau khi bàn bạc, trao đổi, thuyền trưởng báo cáo với đồng chí Trần Suyền cho tàu ở lại và đề nghị cho tìm chỗ giấu và ngụy trang tàu.

 

Một ngày tàu nằm lại bến Vũng Rô thật dài. 18 giờ ngày 29/11, tàu cơ động về bãi Chính để bốc dỡ hàng. Trên bờ hàng đưa xuống các ghe chuyền tải. Không khí tấp nập khẩn trương. 2 giờ sáng, hàng bốc dỡ xong. Bến cho chuyển cát xuống dằn tàu tạo sự ổn định khi tàu ra khơi gặp sóng gió.

 

3 giờ sáng 30/11/1964 tàu rời bến Vũng Rô.

 

Những thùng hàng đầu tiên từ bãi chính Vũng Rô, Hòa Xuân đã đến được cầu Cây Khế vượt Bãi Môn len lách qua những dốc đá cheo leo tập kết ở hang Vàng, bãi Bàng.

 

ĐÓN CHUYẾN TÀU THỨ HAI

 

Chuyến tàu Không số thứ 2 tiếp tục cập bến Vũng Rô vào ngày 25/12/1964, ngoài vũ khí tàu còn vận chuyển ba tấn gạo chi viện cho lực lượng bảo vệ bến. Xã Hòa Hiệp tiếp tục động viên, chọn và tuyển thêm 200 dân công cùng 10 chiếc thuyền, ghe để chuyển hàng theo đường bộ và đường biển về Bãi Xép, kho Hang Vàng, kho Hang Sải… kịp thời cho dân công các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Tân… chuyển tiếp về căn cứ Hòa Thịnh, Suối Phẩn, bến Đá tạo thuận lợi cho các tỉnh bạn Khánh Hòa, Đắk Lắk đến nhận hàng.

 

Để bảo vệ bến an toàn vững chắc, cấp trên giao cho xã Hòa Hiệp động viên tuyển chọn thanh niên và một số du kích các thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba với số lượng 120 thanh niên để thành lập Đại hội K60, khung cán bộ điều từ trung đội tập trung miền Đông làm nòng cốt. Với khí thế chiến trường và kết quả nhận hàng ở bến Vũng Rô, cuối tháng 12/1964 xã Hòa Hiệp cung cấp đủ quân cho Đại đội K60 tổ chức 3 trung đội bộ binh, 2 tiểu đội hỏa lực (cối, đại liên), Ban chỉ huy và lực lượng phục vụ, trang bị đủ mạnh do đồng chí Hồ Thanh Bình làm Đại đội trưởng, đồng chí Phạm Ân làm chính trị viên, đồng chí Lê Văn Lĩnh làm Đại đội phó. Đại đội K60 với khí thế hừng hực vừa huấn luyện vừa bốc dỡ hàng từ tàu lên bến, vừa bảo vệ bến, bảo vệ hành lang từ bến đến khu kho Bãi Xép và bảo đảm chuyến lương thực cho bến.

 

ĐÓN CHUYẾN TÀU THỨ BA

 

Vào lúc 23 giờ 50 ngày 31/1/1965 (đêm 30 tết), tàu 41 anh hùng của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh vào Vũng Rô đúng vào thời khắc giao thừa đón xuân Ất Tỵ (1965).

 

Hàng hóa hai chuyến tàu trước còn ngổn ngang ở kho chính ở Hang Vàng, đang được Bến trưởng Trần Suyền (Ủy viên thường trực Liên tỉnh ủy 3) huy động tối đa lực lượng của bến và dân công hỏa tuyến hối hả vận chuyển về tuyến sau, vừa phấn khởi đón chuyến tàu thứ ba ngay trong ngày tết.

 

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh - vị thuyền trưởng anh hùng của tàu 41 anh hùng bồi hồi nhớ lại những ngày giáp tết 50 năm trước. Được về lại quê hương đúng vào đêm giao thừa là ký ức thiêng liêng nhất của “người lính già đầu bạc” một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

 

Những ngày chuẩn bị lên đường ở cảng Hải Phòng, tập thể tàu 41 anh hùng hạ quyết tâm tạo yếu tố bất ngờ, bảo đảm chuyến tàu thứ ba cập bến Vũng Rô an toàn đúng vào thời khắc giao thừa.

 

Nghĩa tình giữa bến và tàu, tình cảm sâu thẳm hướng về quê hương đã bật dậy từ đáy lòng của người lính già Trần Văn Nhợ: “Tàu ta đi nhiều chuyến, đưa hàng vào nhiều bến nhưng được đi vào dịp tết thì thật là hiếm có. Ta nên chuẩn bị chút quà để khi vào bến cùng liên hoan với anh em đón tết”. Tập thể tàu vỗ tay đồng tình. Tập thể tàu khẩn trương nhận vũ khí, theo dõi thời tiết, nắm tình hình địch, chuẩn bị hậu cần… một bộ phận đi mua gạo nếp gói bánh chưng, bánh tét và lo quà tết.

 

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh bồi hồi nhớ lại: “Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi hoàn thành sớm hơn dự định 1 ngày. Tôi trực tiếp tổng kiểm tra công tác chuẩn bị lần cuối cùng. Khi đến khoang hàng thứ hai, ngoài số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật vận chuyển cho bến tôi gặp một hòm gỗ đậy kín, bên ngoài có hàng chữ đậm nét tươi vui: “Quà đón xuân vui tết” và một cành đào tươi thắm sắc xuân. Tôi hỏi đồng chí Hồng Lỳ: “Cái hòm gỗ này có danh mục ghi trong phiếu chuyển hàng cho bến không?”. Đồng chí Nhạn (máy trưởng) - người được phân công chuẩn bị quà tết tươi cười: Báo cáo thuyền trưởng, thùng hàng này do tàu ta xuất phiếu thôi ạ. Tất cả cười vang và đọc to thùng quà tết gồm 30 chiếc bánh chưng, bánh tét; 10 gói kẹo, bánh quy; 5 gói chè, 20 gói thuốc lá, 40 chai bia và một cành đào. Tất cả đều không có nhãn hiệu như con tàu Không số. Thùng quà tết chiếm một diện tích rất nhỏ trong khoang tàu nhưng chứa đựng tình cảm sâu thẳm của tập thể tàu, đa phần quà ở Phú Yên. Bằng số tiền dành dụm, tập thể tàu gửi gắm tình cảm với đồng đội ở bến Vũng Rô đang mong ngóng tàu vào đúng thời khắc giao thừa.

 

Chuyến tàu thứ ba xuất phát tại cảng Hải Phòng chiều 27 tết. Sau 3 ngày vượt sóng to, gió lớn, lách tránh các tàu địch tuần tiễu, cán bộ chiến sĩ tàu 41 ăn bữa cơm tất niên trước 12 giờ để chuẩn bị chuyển hướng vào bờ.

 

23 giờ 50 đêm 30 tết, tàu 41 thả trôi giữa Vũng Rô, bắt liên lạc với bến. Chiếc đài bán dẫn vang lên lời chúc tết của Bác Hồ. Từ pót Pê-tí trên đỉnh đèo Cả, địch cũng bắn pháo và cả pháo sáng đón xuân. Đúng thời khắc giao thừa, bến và thuyền bắt liên lạc với nhau, một cuộc liên hoan đơn sơ mừng Tết Ất Tỵ được tổ chức trên nắp khoang hàng, dưới vòm lá ngụy trang.

 

Được đón giao thừa xuân Ất Tỵ 1965 ở quê nhà là hạnh phúc thiêng liêng của người lính biển. Cán bộ, chiến sĩ của tàu và bến hân hoan chúc sức khỏe nhau, hạ quyết tâm cùng hoàn thành nhiệm vụ. “Mâm cỗ” ngày tết cũng có đủ thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, kẹo, bia, thuốc lá, một cành đào Nhật Tân khoe sắc cùng một nhành mai vàng của núi Đá Bia… nồng nàn hương vị mùa xuân trong tình đồng chí thiêng liêng.

 

Trong niềm vui chứa chan tình cảm, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chúc tết đồng chí Bến trưởng Trần Suyền và cán bộ, chiến sĩ, dân công của bến. Bến trưởng phân công một nữ chiến sĩ thay mặt quê nhà chúc tết anh em thủy thủ tàu: “Đảng, Bác Hồ, đồng bào miền Bắc lo cho miền Nam từng khẩu súng, viên đạn, bát cơm, viên thuốc. Các anh thủy thủ vượt qua sóng to, gió lớn, đối mặt với quân thù, vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam. Quê hương Phú Yên quyết xứng đáng với nghĩa tình cao cả đó”. Tiếng pháo tay thay pháo tết âm vang một góc biển trời Vũng Rô.

 

Tàu neo lại Bãi Chính ngày mùng 1 tết. Tối mùng 1, tàu cùng bến bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng không đáp ứng được yêu cầu, hầu hết anh chị em dân công phải dầm mình trong lòng biển lạnh hối hả chuyển hàng. Một lượng cát Vũng Rô được chuyển ngược xuống tàu để tàu đằm ổn định khi trở ra khơi đối mặt với sóng to gió lớn. Trong đêm tối, một cô gái cầm trong tay một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng chiếc khăn tay trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh: “Bà con Phú Yên xin gửi theo tàu nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên trung bất khuất một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Nay có vũ khí của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ lập nhiều chiến công”. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh lặng người xúc động tiếp nhận nắm đất Vũng Rô như ôm cả Phú Yên quê hương ruột thịt. Kỷ vật ấy hiện được Bảo tàng Hải quân lưu giữ. Và nhà truyền thống Lữ đoàn 125 Hải quân có bức tượng người gửi - nhận nắm đất Vũng Rô bằng chất liệu đồng đen. Mãi đến sau này, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh dày công tìm hiểu mới biết cô gái ấy là đồng chí Nguyễn Thị Tản, du kích xã Hòa Hiệp.

 

3 giờ sáng mùng 2 Tết Ất Tỵ, tàu 41 rời bến Vũng Rô. Bến trưởng Trần Suyền ôm chặt thuyền trưởng bịn rịn chia tay, nước mắt tuôn trào. Bến và tàu vẫy tay lưu luyến mong ngày gặp lại.

 

ĐÓN CHUYẾN TÀU THỨ TƯ

 

Tình hình chiến trường phát triển khẩn trương và biến động nhanh, lệnh của cấp trên (Bộ Quốc phòng - bí danh Cậu Vũ): bến Vũng Rô (HB16) chuẩn bị gấp nhận chuyến hàng thứ tư ngoài kế hoạch (chuyến tàu 143 - dự định ban đầu không phải vào bến Vũng Rô).

 

Đêm 15/2/1965, chuyến tàu thứ tư cập bến, bến khẩn trương đưa lực lượng bốc dỡ hàng, lực lượng này gồm Đại đội K60, Đại đội K64/83 Quân khu 5 cùng du kích và hàng trăm dân công hai xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân. Địch phát hiện tàu 143, chúng tập trung lực lượng đánh tàu và bến.

 

Ngay trong đêm đó, Ban chỉ huy bến Vũng Rô và đoàn thủy thủ tàu dùng thuốc nổ để phá tàu. Sáng 17/2/1965, trung đoàn 46 ngụy mở cuộc càn quét lớn ở bến Vũng Rô. Quân ta chặn đánh quyết liệt, diệt hàng trăm tên địch. Do địch quá đông nên các chiến sĩ phải dùng thuốc nổ phá hủy phần lớn số vũ khí của chuyến tàu thứ tư chi viện nhưng chưa kịp chuyển lên căn cứ. Buổi chiều ngày 17/2/1965, địch ném bom, tăng viện đổ bộ Bãi Bàng, Bãi Chính. Lực lượng của ta kiên cường chống trả, không để chúng chiếm Bãi Bàng. Sáng ngày 18/2/1965, Ban chỉ huy bến nhận định: Sau khi đổ bộ lên bãi Chính, địch càn quét ra Bãi Xép, nơi ở của K60 và 1 trung đội K64 vừa mới được tăng cường. Ban chỉ huy bến đưa lực lượng chặn đánh địch ở Bãi Xép, Bùng Binh.

 

Cuộc chiến đấu tại Bãi Xép, Bùng Binh, Hang Vàng rất ác liệt. Bộ đội và du kích dựa vào thế núi hiểm trở chặn đánh quyết liệt, không cho địch tiến vào chiếm Hang Vàng. Ta dùng thuốc nổ hủy kho, tiêu diệt nhiều tên địch. Kẻ thù vội vã tháo chạy, chấm dứt cuộc càn. Số vũ khí còn lại, dân công Hòa Xuân, Hòa Hiệp tiếp tục vận chuyển về căn cứ phía tây. Cuối tháng 2/1965, địch dùng máy bay B-52 rải bom vào núi dọc các tuyến hành lang suốt 10 ngày đêm. Ngày 28/2/1965, địch tổ chức 30 xe bọc thép M113 chở quân từ Thạch Tuân càn quét xuống Hòa Xuân, đồng thời cho máy bay khu trục ném bom phá trong núi, ngoài làng, tiêu hủy toàn bộ thôn Lạc Long. Du kích Hòa Xuân phối hợp với bộ đội chống càn bắn cháy 2 xe M113. Cùng thời gian, 1 trung đoàn ngụy có máy bay, đại bác, tàu chiến phối hợp càn quét xã Hòa Hiệp, quân và dân xã Hòa Hiệp và bộ đội ta chống trả quyết liệt diệt và làm bị thương trên 100 tên, bẻ gãy các trận càn của địch…

 

Hai ngày 18 và 19/2, địch đổ bộ lên bờ, du kích xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân cùng bộ đội K69 và Trung đội huyện Tuy Hòa, Trung đội K64 phân chia từng tổ tiểu đội chặn mọi lối ra vào bến đánh diệt nhiều tên địch, không cho chúng vào gần…

 

Những ngày sau đó địch mở rộng bàn đạp, chiến sự xảy ra ác liệt nhiều ngày, quân và dân Hòa Hiệp, Hòa Xuân không hề nao núng, chi bộ xã lãnh đạo động viên kịp thời, quân và dân toàn xã anh dũng chiến đấu đến cùng để bảo vệ tài sản của Đảng và Nhà nước. Sau đó, xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân tiếp tục tổ chức lực lượng di chuyển 30 tấn hàng đến Hóc Ráy và kho Ông Chấm, tránh địch đánh phá.

 

Trong “sự kiện Vũng Rô”, xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân, Hòa Vinh động viên tuyển dụng 1.200 dân công và lực lượng vũ trang du kích, cán bộ, đảng viên phục vụ, chiến đấu và cung ứng 10 tấn gạo, 1,5 tấn thực phẩm và nhiều vật chất nhu yếu phẩm khác.

 

THÀNH VIỆT

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mở bến Vũng Rô
Thứ Tư, 25/03/2015 09:07 SA
Bà mẹ Hòa Đồng chặn xe tăng
Thứ Ba, 24/03/2015 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek