Thứ Sáu, 20/09/2024 13:31 CH
Hòa Mỹ - Vùng giải phóng sớm nhất đồng bằng Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ
Thứ Sáu, 20/03/2015 08:06 SA

Ban chỉ huy tiền phương Phú Yên họp tại núi Hương (Hòa Mỹ) tháng 3/1975 - Ảnh tư liệu

Từ tháng 7/1964 đến cuối năm 1965, Hòa Mỹ là xã giải phóng ở đồng bằng, vừa có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu càn quét, lấn chiếm của địch, vừa tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, y tế và giáo dục. 

 

VÙNG GIẢI PHÓNG HÒA MỸ TRONG CHIẾN DỊCH ĐẶC BIỆT 

 

Về kinh tế, đẩy mạnh khai hoang phục hóa làm thủy lợi, thâm canh, tăng vụ, kể cả vùng căn cứ Suối Phẩn. Dân quân du kích vừa bảo vệ vùng giải phóng, vừa tham gia sản xuất tự túc lương thực từ 6 đến 8 tháng trong một năm. Có trên 300 nông dân được cách mạng tạm cấp 100ha ruộng làm ăn sinh sống, gồm số ruộng không bị bao chiếm, ruộng đất của các tên ác ôn nợ máu với nhân dân bỏ làng chạy vào vùng địch kiểm soát. Chính quyền tự quản xã tổ chức thu hồi quản lý ruộng vắng chủ và ruộng công điền hương thổ, cấp cho 800 suất với tổng diện tích 150ha cho bà con nông dân Quảng Phú. 

 

Chợ Phú Nhiêu và cửa khẩu Bến Đá, Đồng Lớn ngày đêm nhộn nhịp người mua kẻ bán bằng đường bộ, đường sông, giao lưu hàng hóa thông suốt giữa vùng giải phóng và vùng địch tạm kiểm soát. Cơ quan mậu dịch của kinh tài ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk tổ chức trạm thu mua hàng hóa tại các chợ Phú Nhiêu, Xuân Mỹ, Phú Thuận để cung cấp cho chiến trường. 

 

Về giáo dục, chính quyền cách mạng xã tổ chức một trường cấp 1 ở vùng giải phóng, thu hút hầu hết con em trong độ tuổi đến trường. Trường cấp 2 vùng giải phóng huyện Tuy Hòa 1 đặt ở Hòa Thịnh bị địch thả bom giết chết 8 học sinh và làm bị thương 9 học sinh. Huyện Tuy Hòa 1 dời trường cấp 2 của huyện về xã Hòa Mỹ. Thành tựu giáo dục của vùng giải phóng Hòa Mỹ trong giai đoạn 1964-1965 có tiếng vang lớn trong toàn tỉnh Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ. 

 

Thầy và trò của ngôi trường kháng chiến Hòa Mỹ vẫn còn nhớ mãi tội ác trời không dung đất không tha của kẻ thù khi chúng cho máy bay ném bom cả trường học làm cho thầy giáo hy sinh trên bục giảng và nhiều học sinh ngã xuống tại mái trường giải phóng thân yêu của mình ở vùng Chân Bầu (xã Hòa Thịnh).

 

Về lĩnh vực văn hóa, chính quyền tự quản xã Hòa Mỹ rất chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, ở những nơi quan trọng trong xã đều có cổng chào, pano, áp phích tuyên truyền các khẩu hiệu cách mạng.

 

Lần đầu tiên trong chiến tranh chống Mỹ, vùng giải phóng Hòa Mỹ xây dựng đài liệt sĩ đẹp nhất tỉnh ở vị trí trung tâm xã để tưởng niệm và ghi công những liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đài liệt sĩ Hòa Mỹ do đồng chí Đìa (Tư Út) - Phó ban Văn hóa thông tin huyện Tuy Hòa 1 thiết kế và chỉ đạo thi công. 

 

Đội văn nghệ xã Hòa Mỹ được thành lập và hoạt động khá sôi nổi, phối hợp cùng đoàn văn công quân đội của Phân khu Nam biểu diễn thường xuyên, tạo không khí vui tươi cho vùng giải phóng. 

 

Đội bóng chuyền xã thường xuyên tổ chức thi đấu giao hữu với các đơn vị quân đội và cơ quan dân chính đảng của Phân khu Nam, tỉnh và huyện đứng chân trên địa bàn nhân dịp Tết cổ truyền Ất Tỵ; còn cho phép cả đội bảo an ngụy về vùng giải phóng thi đấu giao hữu để tranh thủ tuyên truyền. Được sự cho phép của cấp trên, xã Hòa Mỹ tổ chức đón đoàn nhà báo quốc tế 25 người đủ các quốc tịch: Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Canada… tham quan vùng giải phóng. Cùng đi với đoàn nhà báo quốc tế, Khu ủy V cử 6 cán bộ hướng dẫn, phiên dịch, tổ chức quay phim, chụp ảnh theo quy định. 

 

Vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển rộng khắp. Nhằm cứu vãn tình thế đang nguy khốn, địch tập trung lực lượng hùng hậu gồm 3 tiểu đoàn chủ lực (Tiểu đoàn 1 và 3 trung đoàn 47 Sư đoàn 22 bộ binh, Tiểu đoàn 23 biệt động quân) mở trận càn lớn phía nam sông Đà Rằng, càn quét các xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ cướp vụ lúa tháng 8/1965. Trước tình hình đó, quân dân Hòa Mỹ cùng các xã bạn phối hợp với Tiểu đoàn 12, Trung đoàn Ngô Quyền tích cực chống trả, phản công quét địch ra khỏi Hòa Mỹ. Ngày 23/10/1965, quân dân ta bao vây tiêu diệt 100 tên địch ở Phú Diễn (Hòa Mỹ), Phú Thứ (Hòa Bình). Thừa thắng, ta truy kích địch đến ga Gò Mầm tiêu diệt thêm 300 tên. Xác địch trôi đầy kênh mương dẫn thủy. Đây là một trong những trận đánh lớn nhất ở đồng bằng Tuy Hòa. Chiến thắng vang dội này góp phần quan trọng đánh sập hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch ở Tuy Hòa. Vùng giải phóng Hòa Mỹ càng được củng cố vững chắc. 

 

Trong vùng giải phóng Hòa Mỹ, Mặt trận dân tộc giải phóng xã và các đoàn thể giải phóng vận động toàn dân xây dựng nếp sống mới. Các tệ nạn trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan bị quét sạch. Đêm đêm các gia đình có thể ngủ mà không cần phải đóng cửa. Trạm y tế xã đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của người dân. Thực lực xã Hòa Mỹ ngày một củng cố với sự hội tụ của lòng dân và sức dân luôn hướng về cách mạng. 

 

Cuối năm 1965, các đoàn thể giải phóng phát triển mạnh, bao gồm 1.500 hội viên nông dân giải phóng. 2.000 hội viên phụ nữ giải phóng, 100 đoàn viên. Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng giải phóng miền Nam. Lực lượng du kích tăng lên 400 đồng chí, đủ sức bảo vệ vững chắc các thành quả của vùng giải phóng trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh đặc biệt. 

 

Áp giải tù hàng binh mùa xuân năm 1975 tại khu vực Cầu Cháy - Phú Nhiêu - Phú Thuận - Ảnh tư liệu

 

GIẢI PHÓNG HÒA MỸ NGÀY 19/3/1975 

 

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy V, bước vào mùa xuân 1975, Tỉnh ủy Phú Yên thành lập hai sở chỉ huy (sở chỉ huy cơ bản và sở chỉ huy tiền phương) để chỉ đạo chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy. Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội chọn huyện Tuy Hòa 1 là hướng trọng điểm của chiến dịch. 

 

Ngày 10/3/1975, đại quân ta tiến công Buôn Ma Thuột. Toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên tháo chạy theo Đường 7 đến Thạnh Hội, băng qua sông Ba theo Đường 5 xuống đồng bằng Tuy Hòa - Phú Yên. 

 

Sáng 18/3/1975, Sở chỉ huy tiền phương tổ chức một cuộc họp ở núi Hương, Hòa Mỹ để triển khai nhiệm vụ đánh địch rút chạy từ Tây Nguyên xuống. các đồng chí Nguyễn Duy Luân - Bí thư Tỉnh ủy, Ông Văn Bưu - Tỉnh đội trưởng, Kim Anh - phái viên Khu ủy V, Bùi Tân - Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu, hậu cần cùng dự họp. Hội nghị thống nhất triển khai phương án tác chiến, tiến công tiêu diệt các mục tiêu địch đã chuẩn bị ở huyện Tuy Hòa; phối hợp tác chiến giữa các đơn vị chuẩn bị lương thực thực phẩm; huy động lực lượng dân công vận chuyển thương binh; chiến lợi phẩm; phục vụ cho chỉ huy chiến dịch quét sạch bọn ngụy quân, ngụy quyền tại chỗ; giải phóng từ 4 đến 5 xã, sau đó tập trung toàn bộ lực lượng đánh địch tháo chạy từ Tây Nguyên xuống; gấp rút thành lập trại quản lý tù binh. 

 

Ngay sau cuộc họp, đêm 18 rạng 19/3/1975, quân dân Hòa Mỹ được phân công phối hợp với Tiểu đoàn 13 nổ súng tấn công cứ điểm Cầu Cháy nằm trên trục giao thông liên xã từ Đường 5 đi Bến Củi. Lực lượng địch đóng ở đây gồm 4 đại đội thuộc Tiểu đoàn 236, 1 trung đội hỏa lực, 1 trung đội thông tin, 1 trung đội thám kích và Ban chỉ huy Tiểu đoàn bảo an 236. Địch cậy quân số đông dựa vào công sự vững chắc, điên cuồng chống trả. 

 

Thực hiện quyết tâm của Sở chỉ huy chiến dịch, lúc 4 giờ 15 sáng 19/3/1975, quân dân Hòa Mỹ được lệnh phối hợp với Tiểu đoàn 13 nổ súng tấn công cứ điểm Cầu Cháy. Đây là trận then chốt nhất có ý nghĩa mở đầu chiến dịch. 

 

Cứ điểm Cầu Cháy nằm trên một gò đất cao, tiếp giáp giữa hai xã Hòa Mỹ và Hòa Đồng. Đây là cứ điểm của bọn Nam Triều Tiên để lại, được xây dựng khá kiên cố. Ngoài 3 lô cốt ở tuyến ngoài, khu trung tâm có 3 pháo đài và hầm ngầm cố thủ. Cứ điểm Cầu Cháy khống chế Đường 5, kìm kẹp nhân dân Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Bình. 

 

Quân ta tiến công dũng mãnh, sau một giờ chiến đấu mới đánh chiếm được một nửa cứ điểm. Do sương mù dày đặc, các vị trí DKZ của ta không nhìn thấy rõ lô cốt địch. Địch dùng súng cối 81ly, ĐKZ, đại liên bắn chặn các mũi tiến công của ta. Chiến trận rất ác liệt, phía ta đồng chí Sức - Chính trị viên Tiểu đoàn 13 hy sinh, đồng chí Diên - Tiểu đoàn trưởng bị thương nặng. Với tinh thần quyết chiến dựa theo các mũi hiệp đồng giữa bộ đội và quân dân địa phương, lực lượng ta phát triển tiến công theo phương án đã định. Địch bị tiêu diệt nặng chỉ còn 20 tên dồn vào khu trung tâm, lợi dụng các pháo đài, hầm ngầm chống trả quyết liệt. Bộ đội ta hình thành một mũi gồm 13 đồng chí do đồng chí Như - Đại đội phó Đại đội 2 - chỉ huy dũng cảm thọc sâu chia cắt địch, dùng B41 bắn trúng pháo đài, diệt toàn bộ quân địch, bắt sống 3 tên. 

 

Sau 3 giờ chiến đấu, 7 giờ sáng 19/3/1975 cứ điểm Cầu Cháy hoàn toàn bị tiêu diệt, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt 103 tên địch, bắt sống 3 tên, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng. Trận tiêu diệt cứ điểm Cầu Cháy là mục tiêu then chốt trên hướng chủ yếu của chiến dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chiến dịch và đánh địch di tản tháo chạy về Đường 5. 

 

Ngày 19/3/1975, địch tập trung các trận địa pháo Nhạn Tháp, Hòn Kén, Bàn Thạch bắn dồn dập xuống cứ điểm Cầu Cháy và hai máy bay A.37 ném bom nhằm dọn đường cho bọn tàn quân Tiểu đoàn 236 mở những đợt phản kích hòng chiếm lại cứ điểm này. Quân dân Hòa Mỹ phối hợp với một bộ phận Tiểu đoàn 13 chốt giữ Cầu Cháy đã chiến đấu kiên cường đẩy lùi 6 đợt tiến công của địch, ta diệt thêm 40 tên.

 

Phối hợp với trận đánh Cầu Cháy, du kích và nhân dân Hòa Mỹ bao vây, gọi loa hù dọa làm cho địch hoang mang, hốt hoảng, phải tháo chạy khỏi chốt điểm Núi Lá. 10 giờ ngày 19/3/1975, xã Hòa Mỹ hoàn toàn giải phóng. 

 

Trong trận tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, quân dân Hòa Mỹ đã góp phần xứng đáng vào trận Bạch Đằng Giang trên cạn hào hùng vào bậc nhất của quân dân Phú Yên, quân dân Tuy Hòa trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. 

 

Qua 21 năm đấu tranh kiên cường anh dũng, quân dân Hòa Mỹ đã viết nên trang anh hùng ca bất hủ trong cuộc đọ sức một mất một còn với tên đế quốc đầu sỏ và bè lũ tay sai. Tầm cao và chiều sâu các chiến công anh hùng của quân dân Hòa Mỹ mãi mãi ngời sáng trong trang sử vàng cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hòa Mỹ xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

 

THÀNH NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phá ấp chiến lược ở Hòa Đồng
Thứ Sáu, 06/03/2015 10:11 SA
Tết ở Vũng Rô 50 năm trước
Thứ Sáu, 20/02/2015 09:00 SA
Mong được góp sức xây dựng quê hương
Thứ Sáu, 20/02/2015 07:00 SA
La Hai - "miền gái đẹp"
Thứ Năm, 19/02/2015 13:00 CH
Tỉ phú giống cá chẽm
Thứ Tư, 18/02/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek