Thứ Tư, 27/11/2024 15:47 CH
Đối đầu trực diện quân Mỹ trong mùa khô 1966-1967
Thứ Bảy, 28/03/2015 08:44 SA

Một đơn vị quân giải phóng kiên cường chống càn - Ảnh tư liệu

Sau cuộc phản công mùa khô 1965-1966 trên toàn miền Nam, đế quốc Mỹ thất bại nặng nề. Nhưng với bản chất ngoan cố, chúng tăng thêm quân viễn chinh để thắng được ta về quân sự, nếu không thì cũng làm cho ta suy yếu, tạo thế mạnh buộc ta thương lượng và chấp nhận những điều kiện có lợi cho chúng.

 

Do tính toán như vậy, chúng quyết định ồ ạt đưa quân thêm vào, nâng số quân viễn chinh và chư hầu từ 20 vạn lên 40 vạn tên, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc trong mùa khô 1966-1967. Chúng chuyển sang những cuộc hành quân lớn “tìm diệt” và “bình định” thực hiện theo kế hoạch 3 bước:

 

- Càn quét, pháo kích, phát quang, xúc dân khỏi vùng giải phóng.

- Gom dân vào các khu dồn và ấp chiến lược.

- Bình định phân loại quần chúng, lập bộ máy kìm kẹp ở cơ sở.

 

Quân Mỹ tuy bị thất bại đau đớn trong trận Gò Thì Thùng và đồng Bằng Chinh (huyện Tuy An) tháng 6/1966 nhưng chúng vẫn tiếp tục mở các cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967 sớm hơn mùa khô trước trong lúc ta chưa kịp bổ sung quân số, chưa kịp chuẩn bị các mặt, trên chiến trường toàn tỉnh chỉ có bộ đội địa phương và dân quân du kích, bộ đội chủ lực đang củng cố.

 

Sẵn có quân đông, phương tiện cơ động, địch đạt được một số kết quả trong các trận càn ở Tuy Hòa 1, cuối tháng 1/1966 địch chuyển ra càn quét đánh phá các huyện phía bắc tỉnh. Ngày 26/10/1966, lữ đoàn dù 101, Lữ đoàn 1 Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ mở cuộc càn mang tên “A-Đam” vào căn cứ Sơn Hòa, Tuy An, Tây Đồng Xuân. Ngày 15/12/1966 địch chuyển xuống càn Tuy An, Sơn Long, Tuy Hòa 2. Tháng 3/1967 Sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên) cùng với Trung đoàn 47 ngụy mở cuộc càn “Đống Đa” đánh phá ác liệt dài ngày, thực hiện chính sách “tam quang”, xúc dân vùng giải phóng cũ. Trong các trận càn nói trên, địch đã bắn chết 214 đồng bào xã An Xuân, 217 đồng bào xã An Lĩnh, độc ác nhất là lính Nam Triều Tiên tập trung 30 em nhỏ vùng xóm Cổng, xóm Chùa, Cây Cầy thuộc xã An Lĩnh xả súng bắn chết một lúc, bắt các cụ già 70 tuổi nhổ hết râu, hiếp dâm phụ nữ rồi mổ bụng moi gan ở xã An Xuân, dùng lê đâm chết 2 đồng bào xã An Hòa, sát hại 52 người khác ở An Ninh. Từ 70.000 dân vùng căn cứ đang làm ăn yên ổn, sau các trận càn nay chỉ còn 10.000 người. Các vùng giải phóng mới mở ra hầu hết đều bị địch chiếm lại. Những nơi địch đánh phá ác liệt và xúc dân đi nhiều lần nhưng họ vẫn cứ bám trụ chống địch quyết liệt. Địch dồn dân không được thì tập trung máy bay dội bom và bắn pháo, rải chất độc hóa học làm trụi lá cây triệt phá hoa màu, cắt đứt nguồn sống hòng làm mất chỗ dựa của cách mạng ở các vùng: Xuân Quang 1, An Lĩnh, An Nghiệp, An Xuân, Xuân Thịnh, Lệ Uyên, Trung Trinh, Cao Phong, Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Phong, Hòa Đồng, Sơn Định, Sơn Long, Sơn Xuân.

 

Đến tháng 4/1967, phần lớn nhân dân vùng giải phóng bị địch dồn vào ấp chiến lược. Chúng mở rộng thêm các khu dồn, xây dựng thêm nhiều cụm cứ điểm dọc đường giao thông, án ngự các vị trí quan trọng, chia cắt vùng ta đối với vùng địch bằng các tuyến trắng. Hàng ngày bọn lính Nam Triều Tiên, lính Bảo an tuần tra phục kích và xả pháo liên tục vào vùng giải phóng, gây khó khăn cho ta rất nhiều. Lữ đoàn 173 Mỹ - đồng bào thường gọi là “Mỹ lết” - và bọn lính Nam Triều Tiên liên tiếp thay nhau đổ quân vào vùng giải phóng bất cứ nơi nào chúng nghi có lực lượng ta.

 

Ngoài việc đánh ta bằng quân sự, kinh tế chúng còn dùng “chính sách chiêu hồi”, phát triển gián điệp, bao vây phong tỏa các cửa khẩu, gây nhiều khó khăn cho lực lượng của ta và nhân dân vùng giải phóng. Một bộ phận quần chúng và cán bộ đảng viên nảy sinh tư tưởng bi quan, dao động, hoài nghi, ngán ngại gian khổ.

 

Địa bàn Phú Yên lúc này không có bộ đội chủ lực, chỉ có bộ đội tỉnh, du kích xã trực tiếp chống càn quét, đánh địch lẻ tẻ, kết hợp với địa phương bám sát quần chúng phát động phong trào nhân dân phá ấp chiến lược, phá âm mưu bình định của chúng.

 

Chiến thuật “trực thăng vận của quân Mỹ trong hai mùa khô 1966-1967 - Ảnh tư liệu

 

Để thực hiện chỉ thị của Khu 5 và Quân khu ủy 5, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng tại Phước Tân ngày 3-4/5/1967 có đại diện Bộ Tư lệnh Phân khu Nam quyết định thành lập Đảng ủy A.9, gồm: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn 10 để thực hiện sự chỉ đạo thống nhất 3 thứ quân trong tỉnh. Nghị quyết thành lập Đảng ủy A.9, có đoạn viết: “Xây dựng một quyết tâm cao, xây dựng một tinh thần đánh thắng đế quốc Mỹ, trước mắt hạ uy thế Nam Triều Tiên, bắt chúng phải trả nợ máu gây ra ngày càng nhiều cho đồng bào ta. Chi bộ thực sự là hạt nhân trong mọi hoàn cảnh, mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải là những đồng chí đầu tàu gương mẫu, xung phong trong khó khăn và ác liệt”.

 

Sau cuộc họp thành lập Đảng ủy A.9, Trung đoàn 10 củng cố xong, hành quân xuống Sơn Hòa, đồng chí Nguyễn Quang Cự, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 ra bắc chữa bệnh, đồng chí Lâm được cử làm trung đoàn trưởng.

 

Để tạo thế đứng chân ở đồng bằng của lực lượng vũ trang, mở thêm các luồng hàng thu mua lương thực, tiếp tục phá ấp chiến lược đưa dân về làng cũ, Tỉnh ủy chủ trương mở chiến dịch hè thu, mục tiêu: “phá ấp chiến lược, đánh một số cứ điểm Nam Triều Tiên và quân ngụy, đuổi các đội công binh Úc, Phi Luật Tân đang làm đường số 1 và sân bay Đông Tác, cảng Vũng Rô… đấu tranh chính trị, đốt xe địch và ngồi chặn không cho địch làm đường số 1… Quyết tâm lập thành tích mừng thọ Hồ Chủ tịch 77 tuổi, thực hiện khẩu hiệu “nợ máu phải trả bằng máu, đánh tan Bạch Mã, phanh thây Mạnh Hổ, chôn vùi giặc Mỹ để trả thù cho đồng bào Tuy Hòa, Tuy An…”.

 

Với tinh thần và quyết tâm ấy, đêm 15/5/1967, Tiểu đoàn 85, Đại đội Đặc công 220 tập kích đánh 2 đại đội Nam Triều Tiên ở xã An Định diệt và làm bị thương 150 tên. Cũng trong đêm đó Trung đoàn chủ lực số 10 pháo kích vào 2 trận địa pháo ở Chí Thạnh (huyện Tuy An) để kìm địch, phá hỏng pháo địch, diệt và làm bị thương 50 tên, bộ đội địa phương huyện Tuy An đột nhập thôn Phong Hậu (xã An Định) diệt 25 tên, phá 1 xe GMC, một xe chiếu phim, du kích diệt ác ôn các xã An Hòa, An Chấn, An Dân, An Hiệp. Ở Tuy Hòa 1 quân ta đánh vào Tân Mỹ (Hòa Phong) diệt 28 tên tề điệp ác ôn bọn ngụy quyền sợ chạy trốn. Sau đợt tấn công vũ trang của ta, tế điệp ở Tuy An viết thư cho gia đình, dòng họ thăm dò thái độ khoan hồng của ta…

 

Để chi viện cho bọn lính Nam Triều Tiên bị quân ta đánh tại thôn Định Trung (An Định), 7 giờ sáng 16/5/1967 một đại đội tăng cường quân Nam Triều Tiên dùng máy bay trực thăng đổ quân xuống vùng 11, xã An Nghiệp, địch lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 14 (Trung đoàn 10) bị quân ta bao vây tiêu diệt 114 tên. Từ ngày 16 -28/5/1967, lực lượng công binh tỉnh đánh địch trên đường số 1, số 6 phá hủy 10 xe GMC, một xe Jeep, 6 xe M113,2 xe M118, diệt 140 tên lính Nam Triều Tiên. Trong đợt chiến đấu này ta diệt 676 tên địch, trong đó có gần 400 tên lính Nam Triều Tiên.

 

Ở Đồng Xuân trong 2 năm 1966-1967, du kích đánh trên 20 trận diệt trên 40 tên Mỹ, bắn rơi một máy bay lên thẳng làm bị thương 4 chiếc khác, mở đầu phong trào dùng súng bộ binh hạ máy bay địch. Hàng nghìn đồng bào tham gia đấu tranh trực diện với địch, buộc bọn quân ngụy ở La Hai phải thực hiện yêu sách của quần chúng như: không được đốt nhà, hiếp dâm, rải chất độc hóa học, bồi thường hoa màu bị chúng tàn phá. Đấu tranh vạch tội ác bọn lính Nam Triều Tiên gây vụ thảm sát 32 đồng bào ở “đồng Bà Tạ”, Kỳ Lộ, 800 đồng bào khác đấu tranh được trở về vùng giải phóng.

 

Nhờ đấu tranh chính trị mạnh đã khơi dậy phong trào sôi nổi khắp các huyện. Các xã Xuân Quang, Xuân Sơn (huyện Đồng Xuân), xã An Ninh (huyện Tuy An), xã Hòa Hiệp (huyện Tuy Hòa 1) là những xã có phong trào đấu tranh chính trị và xây dựng thực lực khá nhất toàn tỉnh.

 

Qua đợt hoạt động trong tháng 5/1967, bước đầu quân dân ta hạ uy thế bọn Nam Triều Tiên, rút ra được nhiều kinh nghiệm chỉ đạo sáng tạo, nhiều cách đánh phong phú linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa 3 thứ quân trên địa bàn để tấn công tiêu diệt địch, chiến sĩ chiến đấu ngoan cường dũng cảm. Nhiều đơn vị phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vừa chiến đấu vừa giải quyết công tác hậu cần tại chỗ, vừa cải tiến vũ khí để đánh địch. Các ngành Tài mậu, Y tế, Giao bưu… là những đơn vị trực tiếp phục vụ các chiến dịch, sẵn sàng hy sinh chịu đựng gian khổ, bất chấp bom đạn, luôn luôn có mặt tại vùng địch chiếm để động viên nhân tài vật lực phục vụ cho chiến đấu.

 

TRÂM THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek