Thứ Sáu, 20/09/2024 13:29 CH
Ba lần tổ chức giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Thứ Hai, 23/03/2015 08:03 SA

Các ông Từ Bá Đước, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Dưởng, Trần Văn Lang bị Mỹ - Diệm quản thúc tại Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, ngày 4/11/1956 - Ảnh do ông Nguyễn Hữu Châu, con trai Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cung cấp

Khi phong trào đồng khởi đang lan rộng trong toàn miền Nam, Đảng ta chuẩn bị thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam để tập hợp lực lượng yêu nước rộng rãi. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người được Đảng ta chọn làm Chủ tịch Mặt trận. Lúc này Luật sư đang bị Ngô Đình Diệm quản thúc ở Tuy Hòa, Trung ương Đảng và Khu ủy khu 5 giao cho Đảng bộ Phú Yên nhiệm vụ giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Công việc thật khó khăn phải kiên trì đến lần thứ 3 ta mới đưa được Luật sư ra căn cứ.

 

Lần thứ nhất vào tháng 9/1960, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho đồng chí Công Minh, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 (bao gồm TX Tuy Hòa) và đồng chí Tâm, cán bộ trinh sát Ban Quân sự tỉnh đưa cơ sở vào thị xã tìm bắt liên lạc với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Bà Thừa Hoàng - cơ sở của ta ở thị xã đã trực tiếp chuyển thư của giáo sư Phạm Huy Thông cho Luật sư để làm tin. Theo kế hoạch đã định, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sẽ đi xe đạp vượt cầu Ông Chừ lên đường số 7 (nay là quốc lộ 25). Một tiểu đội trinh sát đón Luật sư tại chùa Núi Cam đưa đến Mả Bang Liềm ở bìa rừng. Tại đó đã có một trung đội quân giải phóng chờ sẵn để hộ tống Luật sư về cơ quan Tỉnh ủy. Sáng 11/9/1960, đồng chí Nguyễn Sự và Võ Thị Hồng Giác là cơ sở đảm nhận đưa đường Luật sư bị địch bắt. Địch tra tấn đồng chí Sự dã man, song đồng chí vẫn không hề khai báo. Do đó, chủ trương giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ của ta vẫn giữ được bí mật. Sau đó địch bí mật đưa Luật sư lên giam giữ ở Củng Sơn (huyện Sơn Hòa).

 

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời nhưng chưa có Chủ tịch. Việc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là nhiệm vụ cấp thiết. Khu cử đồng chí Tư Khiêm - Khu ủy viên về tỉnh bàn phương án giải thoát đưa Luật sư ra căn cứ. Tỉnh ủy giao đồng chí Nguyễn Lầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Quân sự tỉnh nghiên cứu tìm mọi cách giải thoát Luật sư. Thời gian này Mỹ - Diệm đang giam giữ Luật sư trong sân bay bên cạnh quận lỵ Củng Sơn. Để giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Tỉnh ủy Phú Yên lập phương án tiến công chi khu, quận lỵ Củng Sơn được Khu ủy Khu 5 phê chuẩn.

 

Để bảo đảm cho trận đánh chắc thắng, Khu ủy tăng cường cho tỉnh một đại đội (thiếu 1 trung đội) của tỉnh Đắk Lắk, 1 đại đội (thiếu một trung đội) của tỉnh Gia Lai, 1 tiểu đội đặc công của khu có 6 đồng chí do Ý phụ trách, 1 tổ đặc công Buôn Ma Thuột do đồng chí Hảo phụ trách. Lực lượng tỉnh tham gia trận đánh Củng Sơn có Đại đội 375 tăng cường 1 trung đội của huyện Tuy Hòa 1, một tiểu đội trinh sát do đồng chí Hoan phụ trách, 1 tổ đặc công tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh phụ trách, 20 học viên của trường Tỉnh đội. Tỉnh thành lập thêm một trung đội bổ sung vào trung đội thiếu của Gia Lai.

 

Theo kế hoạch, trận đánh Củng Sơn sẽ được thực hiện trong tháng 5/1961, nhưng trong lúc Đại đội 375 đang huấn luyện quân sự ở suối Ché thì địch càn quét cùng Buôn Ma Phu. Đại đội 375 bị tổn thất trong trận Ma Phu nên kế hoạch đánh Củng Sơn phải dừng lại. Đầu tháng 6/1961, Đại đội 375 đã được củng cố, bổ sung quân số, công tác chuẩn bị mọi mặt đảm bảo cho trận đánh Củng Sơn đã hoàn thành. Phương án đánh Củng Sơn do đồng chí Nguyễn Ánh Hồng chuẩn bị được đồng chí Tư Khiêm và Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Chỉ huy trận đánh là các đồng chí Nguyễn Lầu và đồng chí Tư Khiêm. Chỉ huy sở đóng tại Hòn Ngang, Củng Sơn.

 

Đêm 18 rạng sáng 19/6/1961, trận tập kích quận lỵ Củng Sơn bắt đầu. Đúng 1 giờ kém 5 phút ngày 19/6/1961, tiểu đội đặc công khu và tiểu đội trinh sát tỉnh đồng loạt nổ súng, tung lựu đạn, thủ pháo, lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu trong đồn bảo an. Chỉ sau 10 phút chiến đấu, đơn vị đặc công và trinh sát đã bắn pháo hiệu báo tin ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Tại đây ta đã giết và làm bị thương hơn 20 tên địch, thu 17 súng các loại, có 1 súng trung liên, 1 súng ngắn và nhiều đạn, quân trang, quân dụng.

 

Cùng lúc đó, Đại đội 375 nổ súng tiến công vào khu quận lỵ hành chính, đồn dân vệ và bọn địch ở khu nhà thương. Đại đội Gia Lai và 1 tổ đặc công tập kích chỉ huy sở hai đại đội bảo an vừa đi càn về đóng dã ngoại ở ngã ba Tân An đi Suối Thá. Đại đội Đắk Lắk làm nhiệm vụ chặn viện ở suối Bùn cũng dồn dập nổ súng truy lùng quân địch xung quanh quận lỵ. Tổ đặc công Đắk Lắk do đồng chí Hảo chỉ huy và tổ đặc công tỉnh do đồng chí Thanh chỉ huy có cơ sở dẫn đường luồn sâu vào khu vực sân vận động, đến nơi giam giữ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhưng Luật sư đã đi Tuy Hòa thăm người thân từ hôm trước. Việc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không thành. Trong trận Củng Sơn ta đã diệt hơn 50 tên địch, thu 47 súng các loại và làm chủ quận lỵ, thị trấn Củng Sơn hơn một giờ.

 

Tuy không thực hiện được mục tiêu giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhưng chiến thắng Củng Sơn đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng Phú Yên. Từ những trận phục kích, tập kích lẻ tẻ cùng lúc ta tiến công nhiều mục tiêu trong quận lỵ, thực hiện lối đánh nhanh tiêu diệt gọn, làm chủ chiến trường thu vũ khí.

 

Sau chiến thắng của ta ở Củng Sơn, địch đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về giam giữ ở TX Tuy Hòa. Sau hai lần giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không thành, chấp hành nghiêm chỉ thị của Khu ủy và Quân khu 5, bằng mọi cách phải giải thoát được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và đưa Luật sư ra căn cứ an toàn, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Lầu - Trưởng ban Quân sự tỉnh khẩn trương, tổ chức giải thoát Luật sư đang bị địch giam giữ trong TX Tuy Hòa. Nhiệm vụ vào TX Tuy Hòa bắt liên lạc và truyền đạt kế hoạch, ám tín hiệu đón Luật sư ra khỏi nơi địch giam giữ lên căn cứ được hai cơ sở Lưu Trọng Điều và Nguyễn Đùng (Ba Suối) dũng cảm, khéo léo hoàn thành. Tháng 6/1961, Tỉnh đội Phú Yên giao nhiệm vụ cho một tổ đặc công trinh sát gồm 4 đồng chí Trần Nựu (Quyền), Phan Văn Trường (An) - hai người con của quê hương Bình Kiến - cùng hai đồng chí về phối hợp với đội công tác thị xã do đồng chí Nguyễn Đảnh phụ trách, bố trí trụ lại vùng Phước Hậu, Liên Trì, Ninh Tịnh để nắm tình hình địch, chuẩn bị địa bàn đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị địch quản chế tại TX Tuy Hòa ra căn cứ cách mạng.

 

Suốt bốn tháng trời, lực lượng ta được sự che chở, giúp đỡ của các cơ sở cách mạng trung kiên như bà Trần Thị Mực (Liên Trì), Nguyễn Thị Từng (Phước Hậu), Đàm Thị Lý (Ninh Tịnh)… thiết lập đường dây liên lạc vào thị xã để liên lạc với luật sư. Một số thanh niên cốt cán là cơ sở cách mạng ở vùng ven núi Chóp Chài (gần nghĩa trang Hoa Kiều và mả bà Dũ Ký) như Trần Đặng, Phan Văn Diệt, Nguyễn Đình Nghệ được cách mạng bố trí bảo vệ hành lang và chỉ đường đưa Luật sư vào đúng điểm hẹn, nơi có lực lượng ta chờ sẵn.

 

Thực hiện sự chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy, ngày 29/10/1961, lực lượng ta bố trí các cơ sở cách mạng hợp pháp là những thanh niên trung kiên (Trần Đặng, Phan Văn Diệt, Nguyễn Đình Nghệ) canh gác hành lang từ cây số 2 đến cây số 5 trên quốc lộ 1. 17 giờ ngày 29/10/1961, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đi xe đạp đến nơi hẹn gần mả bà Dũ Ký ở chân núi Chóp Chài. Đúng ám tín hiệu đã thống nhất, các đồng chí đặc công, trinh sát đón Luật sư đưa nhanh vào bìa núi. Bộ đội ta giúp Luật sư thay quần áo rồi đưa Luật sư đi theo hành lang đã canh gác an toàn dọc chân núi Chóp Chài. Tại đây, các đồng chí Phan Công Thanh, Đỗ Tiến Vạn đưa Luật sư đi theo hành lang đã canh gác an toàn dọc chân núi Chóp Chài, xuyên qua đầu xóm Bầu Cả (Phú Vang), lội dọc đồng Màng Màng lên Phú Điền - nơi có lực lượng của ta do đồng chí Nguyễn Lầu (Mười Dũng) trực tiếp chỉ huy, sẵn sàng đánh địch và bảo vệ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về căn cứ Tỉnh ủy an toàn.

 

Bộ đội ta giao nhiệm vụ cho cơ sở cách mạng hợp pháp (Phan Văn Diệt, Nguyễn Đình Nghệ) chôn giấu chiếc xe đạp của Luật sư để xóa dấu vết, đánh lạc hướng truy tìm của địch.

 

Để phòng địch tung lực lượng ra truy tìm Luật sư, tỉnh đã điều trung đội trinh sát, Đại đội 220 và 1 trung đội vũ trang Tuy Hòa 2 bố trí sẵn sàng đánh địch ở khu vực Phú Điềm, Phú Cốc, Dinh Ông để bảo vệ Luật sư.

 

Một tháng sau, Đài phát thanh Giải phóng thông báo Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đảm nhận trọng trách Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tin này làm cho nhân dân, các tầng lớp trí thức, nhân sĩ rất phấn khởi, thêm tin tưởng vào đường lối, cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng.

 

Ba lần giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trong những điểm son trong bản hùng ca chống Mỹ của quân dân Phú Yên. Tỉnh ủy Phú Yên đặt mật danh kế hoạch giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là kế hoạch “chị nghĩa:’ nghĩa là vì nghĩa cả phải giải thoát bằng được Luật sư theo yêu cầu của Đảng và Bác Hồ. Và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chọn bí danh là Nghĩa để ghi nhớ một kỷ niệm sắt son trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Việc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - anh Ba Nghĩa đã trở thành chiến công huyền thoại của quân dân Phú Yên.

 

THÀNH NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek