Hơn 50 năm trước (28/11/1964), Đảng bộ và quân dân Phú Yên dày công mở bến Vũng Rô đón những con tàu Không số chi viện cho chiến trường Phú Yên, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chuyến tàu Không số đầu tiên (tàu 41) do Anh hùng Hồ Đắc Thạnh, một người con ưu tú của quê hương Phú Yên, làm thuyền trưởng.
Trong bản hùng ca chống Mỹ, chiến công mở bến Vũng Rô đón những con tàu Không số mang tính huyền thoại, là biểu tượng tài trí và lòng quả cảm của quân và dân Phú Yên.
MỞ BẾN
Đầu tháng 7/1963, Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền nôn nao một niềm vui khó tả khi nhận được bức điện hỏa tốc của Khu ủy 5 yêu cầu Tỉnh ủy Phú Yên chọn người thạo vùng biển đưa ra miền Bắc để hướng dẫn tàu vào.
Đầu tháng 8/1963, Tỉnh ủy Phú Yên chọn lựa và cử 3 đồng chí Lê Kim Tự, Trần Kim Hiền, Lê Xuân (quê xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa) lên đường ra Bắc. Đây là những đảng viên trung kiên am hiểu vùng biển quê hương như trong lòng bàn tay. Tháng 10/1963, Tỉnh ủy Phú Yên tiếp tục cử 3 đồng chí Trần Mỹ Thành, Phạm Văn Dợn (An), Ngô Dầu (quê Sông Cầu) vượt Trường Sơn ra Bắc.
Giữa năm 1964, ở Phú Yên, ta làm chủ được nhiều đoạn bờ biển dài hàng chục cây số… Trung ương và Khu ủy 5 chỉ thị Phân khu Nam, Tỉnh ủy Phú Yên chuẩn bị chọn bến bãi để tiếp nhận vũ khí Trung ương chi viện cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk bằng đường biển tại Phú Yên.
Tháng 7/1964, Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy và Phân khu Nam tổ chức Hội nghị liên tịch tại Suối Phẩn thuộc xã Hòa Mỹ (huyện Tuy Hòa 1) bàn việc chọn bến để đón con tàu từ miền Bắc theo đường biển chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường Phú Yên và Liên tỉnh 3. Dự họp có đồng chí Nguyễn Hồng Châu (Năm Phổ), Ủy viên Thường vụ Khu ủy 5; Bí thư Liên tỉnh ủy 3, Trần Suyền - Khu ủy viên, Phó bí thư Liên tỉnh ủy 3, Lê Đình Yên, Phó chính ủy Phân khu Nam; Y B’Lốc, Phó tư lệnh Phân khu Nam. Cuộc họp đưa ra các phương án chọn bến chuẩn bị đón tàu đưa vũ khí vào đất liền và vận chuyển an toàn về hậu cứ.
Đồng chí Trần Suyền, Ủy viên Thường trực Liên Tỉnh ủy 3, nguyên Bí thư Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ tìm phương án để giải bài toán hóc búa mở bến ở đâu. Phân khu Nam phân công đồng chí Trần Suyền chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ trinh sát Phân khu Nam do đồng chí tham mưu phó trực tiếp phụ trách.
Điểm đầu tiên được khảo sát là thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu. Tại đây địa thế biển tốt, cả thôn được giải phóng, cơ sở cách mạng được xây dựng từ sau năm 1954; nhân dân thuần, trong sạch; tổ chức đảng, đoàn tốt; địa hình như một đảo nhỏ, 3 bên đều biển, sau lưng là dãy núi cát cao che chắn, tàu nhỏ vào đậu ở bãi được. Nhưng nếu tiếp nhận ở đây thì việc vận chuyển vũ khí xa, phải qua quốc lộ 1, đến vùng căn cứ Thồ Lồ trong đêm không kịp, nơi chôn giấu cất tạm hàng tiếp nhận không bảo đảm vì toàn cát trắng, nhân lực vận chuyển không nhiều, nhân lực nơi khác đến không chỗ dung trú.
Theo lời kể của đồng chí Trần Suyền, giữa năm 1964, Trung ương đã cho cập vào bờ biển Từ Nham một tàu cvgỗ đánh cá. Tàu này chỉ đưa được vào bến 1 tổ điện đài, còn vũ khí không nhận được. 1 giờ sáng thuyền đã phải trở ra.
Đoàn khảo sát tiếp tục vào khu vực Vũng Rô. Vũng Rô có nhiều ưu điểm:
Có vùng giải phóng nối liền từ Hòn Nhọn (huyện Sông Hinh) đến Đá Bia. Vũng Rô ở ngay dưới chân núi Đá Bia. Đây là vùng biển tương đối sâu, tàu trọng tải lớn có thể cập sát bến, quanh Vũng Rô có dãy núi dài bao bọc. Bởi vậy, Vũng Rô bốn mùa lặng sóng. Dọc chân núi Đá Bia, viền theo mép Vũng Rô có nhiều bãi cát trắng mịn; có nhiều bãi khuất sau núi như bãi Chùa, bãi Chính, bãi Mù U… Từ đèo Cả hoặc bót Pê-tí nhìn xuống không trông thấy.
Vũng Rô nối liền với căn cứ miền Đông huyện Tuy Hòa. Phía tây Vũng Rô có dãy núi Đá Bia, nhiều cây cối che khuất kéo dài đến thôn Lạc Long, xã Hòa Xuân. Khu vực này có nhiều gành và gộp đá lớn có thể giấu được hàng tấn vũ khí. Có thể phân tán lực lượng dân công khuân vác, tạm trú ăn, ở dài ngày tại chỗ.
Nhưng ở Vũng Rô có nhược điểm:
Là chỉ cách Tỉnh đường của ngụy 10km đường chim bay. Ban chỉ huy Tỉnh đội cử đồng chí Lê Thanh Hải - cán bộ trinh sát Tỉnh đội bám tại thôn Phú Lạc (xã Hòa Hiệp) để tổ chức nắm địch trên bờ, dưới biển, trên không, thường xuyên báo cho Tỉnh đội, Tỉnh ủy.
Ban An ninh cử đồng chí Nguyễn Anh Hào và 2 cán bộ an ninh huyện là Nguyễn Yển và Trần Ngọc Xuân đến miền Đông phối hợp với Ban An ninh 3 xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân, Hòa Vinh, phối hợp với lực lượng vũ trang miền Đông thường xuyên hoạt động ở vùng này để bốc gỡ, đẩy đuổi bọn nghi tình báo, gián điệp do địch cài cắm trong dân, làm trong sạch địa bàn, bảo đảm bí mật hành lang.
Dự thảo và giáo dục nội quy giữ bí mật đi lại ban ngày lẫn đêm. Nắm và xét duyệt danh sách dự kiến huy động dân công và bố trí lực lượng Đảng, đoàn thể; quản lý chặt chẽ, giáo dục khi đến và khi hoàn thành về gia đình.
Trạm liên lạc huyện do đồng chí Nguyễn Bá Diệp phụ trách được tăng cường đủ 4 đồng chí cán bộ cho miền Đông - phân làm 2 tổ, tổ dưới đường quốc lộ 1 do đồng chí Trúc làm tổ trưởng, đồng chí Nhứt làm tổ viên, tổ trên đường quốc lộ 1 do đồng chí Mười Hẽ làm tổ trưởng, đồng chí Vỵ làm tổ viên. Hai tổ này có nhiệm vụ bám, nắm địch thường xuyên trên quốc lộ 1, tiết lộ để đưa hàng và khách qua đường, xóa dấu vết trên đường khi khách đã đi qua.
Tàu Không số (tàu 41) chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam vào bến Vũng Rô |
CHUẨN BỊ SẴN SÀNG
Để đảm bảo đường sá thường xuyên thông suốt, trạm phải chuẩn bị nhiều đường bí mật:
Đường thứ nhất: Từ bãi Chùa lên nam Đá Bia qua quốc lộ 1, lên hướng trại Thơm ra trại Gộp đến suối Cùng, Cỏ Ông (xã Hòa Thịnh).
Đường thứ hai: Từ bãi Tiên xuyên lên bắc Đá Bia qua hóc Mít của đường sắt qua đồng ruộng, qua quốc lộ 1, lên đồng Nẩy, đồng Khôn xuyên đường rừng lên suối Cùng, Cỏ Ông (xã Hòa Thịnh).
Đường thứ ba: Đường đi ngoài đồng, cạnh xóm làng, từ xóm Mới - Lạc Long sang đầu thôn Phước Giang lên đường sắt (cầu đường sắt sông Tra) và ga Thạch Tuân, qua cạnh xóm Mỹ Khê lên núi Hiềm đến hóc Môn - Nam Bình (xã Hòa Xuân) qua eo núi đồng Lão đến đồng Mọi (xã Hòa Tân). Nếu không thuận đi vào đồng Khôn về suối Cùng, Cỏ Ông.
Đường thứ ba này hoàn toàn đi vào ban đêm, ngoài đồng, rìa làng, không đèo, không dốc nên được sử dụng suốt đợt vận chuyển vũ khí Vũng Rô, các đường khác làm đường dự bị.
Tất cả các đường đầu mối đều quy về Hòa Thịnh. Vì Huyện ủy Tuy Hòa lúc bấy giờ đóng tại Hòa Thịnh, Phân khu Nam đóng tại Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ) giáp với 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Núi liền núi, về đây không cách nào địch ngăn cản được. Đã chuẩn bị 2 hệ thống kho: Kho tạm dọc ven núi tại chỗ, phân tán cất giấu tạm và kho chính ở hậu cứ.
Kho tạm ven núi tại chỗ:
Khu vực suối Lim - làng Thượng có nhiều gộp đá dọc theo suối, tại đây vẫn còn vũ khí rơi rớt; Khu vực suối Môn (hang Vàng) có nhiều gộp đá, người ta xuống gộp có thể đi lạc, nhiều chỗ cất giấu.
Kho chính ở hậu cứ:
Kho ở Hậu cứ Hòa Thịnh: Cỏ Ông, suối Lạnh, suối Cùng có nhiều gộp đá;
Kho ở Hậu cứ Hòa Mỹ: Bến Đá, Suối Phẩn do quân khu quản lý;
Phục vụ cho lãnh đạo bến có đài 15 oát, có tổ cơ yếu gồm 2 đồng chí (đồng chí Trần Sâm - tổ trưởng, đồng chí Trần Nộ - tổ viên).
Tổ điện đài có các đồng chí Lê Quang Ứng, Nguyễn Y làm báo vụ, đồng chí Tân và Xuân quay ga-gu-nô. Đài có nhiệm vụ chuyển và nhận 5 nơi: Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Hải quân), Liên khu 5, Phân khu Nam, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Phú Yên.
Lực lượng vận chuyển từ tàu xuống bến chủ yếu là lực lượng bộ đội tập trung, cán bộ, du kích xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp, đảng viên, đoàn viên, một số cơ sở các thôn Lạc Long, Phú Lạc, Lò Ba; sau mở rộng thêm, huy động cả dân công và thuyền đánh cá của ngư dân trong vùng. Hàng từ bãi đưa vào kho tạm, kho chính.
Về lực lượng dân công, đồng chí Trần Suyền phân công đồng chí Nguyễn Chi (Năm Thọ) huyện ủy viên phụ trách miền đông huyện Tuy Hòa 1 phụ trách chung.
Lực lượng dân công xã Hòa Hiệp do đồng chí Nguyễn Hiệp (Năm Hiệp)- Bí thư Chi bộ xã Hòa Hiệp và đồng chí Phạm Khắc Minh (Phạm Tam - Ba Tam), Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Hòa Hiệp phụ trách.
Lực lượng dân công xã Hòa Xuân do đồng chí Trần Khe (Năm Giang) phụ trách. Rừng xã Hòa Vinh, để đảm bảo bí mật, Ban chỉ huy bến chủ trương không huy đông dân công, mà chỉ huy động toàn bộ cán bộ Hòa Vinh thoát ly ra vùng căn cứ tham gia vận chuyển vũ khí. Lực lượng xã Hòa Vinh do đồng chí Nguyễn Yển - Bí thư chi bộ xã và đồng chí Phạm Ngọc Châu - Chi ủy viên, Trưởng Công an xã phụ trách.
Đồng chí Trần Suyền thành lập Ban chỉ huy dân công phục vụ tại Bến đưa hàng về kho tạm ở chiến khu miền đông gồm 3 đồng chí Phạm Khắc Minh làm trưởng ban, đồng chí Trần Khe (Năm Giang - Bí thư Chi bộ xã Hòa Xuân) và Phạm Ngọc Châu (Chi ủy viên - Trưởng Công an xã Hòa Vinh) làm ủy viên.
Sau khi vận chuyển hàng chuyến thứ nhất, đồng chí Phạm Ngọc Châu bị địch bắt kêu án tử hình và đày đi Côn Đảo.
Chuyến tàu thứ nhất vào Vũng Rô, xã Hòa Hiệp điều động 150 cán bộ đảng viên, quần chúng cốt cán chủ yếu ở hai thôn Phú Lạc, Đa Ngư và một phần thôn Thọ Lâm chia thành nhiều bộ phận để phục vụ công tác bến bãi, chuyển hàng, sử dụng ghe tàu vận chuyển. Xã Hòa Xuân cũng huy động lực lượng tương tự đảm nhiệm đường vận chuyển trên bộ. Toàn bộ lực lượng cán bộ xã Hòa Vinh tham gia các công tác đặc biệt, bảo đảm vũ khí chuyển về tuyến sau.
Từ kho chính đưa về hậu cứ Hòa Thịnh, Hòa Mỹ chủ yếu là lực lượng 337, dân quân du kích, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, quần chúng cách mạng các xã trong huyện Tuy Hòa mà Hòa Xuân, Hòa Hiệp, Hòa Vinh là 3 xã nòng cốt.
Từ giữa năm 1964, đồng chí Trần Suyền, Ủy viên thường trực Liên Tỉnh ủy 3 nắm một trung đội vũ trang về Hòa Xuân và Hòa Hiệp cùng với Tỉnh ủy Phú Yên, Huyện ủy Tuy Hòa và Chi bộ Hòa Xuân, Hòa Hiệp mở bến Vũng Rô, xây dựng kho tàng và căn cứ miền đông nằm trên địa bàn xã Hòa Xuân và chuẩn bị hành lang an toàn vượt qua quốc lộ 1 đường xe lửa và các đồn bót địch ở xã Hòa Xuân để vận chuyển vũ khí về tuyến sau chi viện cho chiến trường liên tỉnh.
Đầu tháng 11/1964, một đơn vị tập trung được thành lập gồm một trung đội của Phân khu Nam, trung đội tập trung miền Đông huyện Tuy Hòa và du kích xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp lấy phiên hiệu là K.60 do đồng chí Trúc Khuê làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phạm Ân làm chính trị viên.
K.60 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tàu, bảo vệ bến và hướng dẫn vận chuyển hàng chi viện ra tuyến sau. Ngoài dân công, một lực lượng thuyền máy từ Lò Ba đến Vũng Rô được huy động, trong đó có sự đóng góp tích cực về ghe thuyền của bà con thôn Phước Giang và Lạc Long.
(Còn nữa)
THÀNH VIỆT