Thứ Sáu, 20/09/2024 13:36 CH
Đồng khởi Hòa Thịnh
Thứ Bảy, 21/03/2015 09:33 SA

Tranh Sa bàn cuộc mít tinh Đồng khởi Hòa Thịnh (đêm 22/12/1960)

Sau khi giải phóng miền Tây, Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương tiến về đồng bằng để mở phong trào. Qua phong trào đồng khởi vang dội ở Bến Tre, Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo tiến hành đồng khởi đồng bằng Tuy Hòa và xã Hòa Thịnh được chọn để làm thí điểm. Tỉnh ủy cử đồng chí Huỳnh Lưu - Tỉnh ủy viên làm phái viên cùng Huyện ủy Tuy Hòa 1 chỉ đạo cuộc đồng khởi Hòa Thịnh - điểm mở đầu cho phong trào đồng khởi giải phóng các xã đồng bằng của tỉnh Phú Yên và cả Khu V.

 

Ngày 17/12/1960, được Tỉnh ủy chỉ đạo, Huyện ủy Tuy Hòa mở hội nghị bất thường ở núi Hòn Ông thuộc xã Hòa Thịnh quyết định phát động cuộc đồng khởi trên quy mô toàn huyện và chọn Hòa Thịnh làm điểm khởi đầu để rút kinh nghiệm.

 

Trong thời điểm này, lực lượng vũ trang của huyện Tuy Hòa có ba đội vũ trang mới thành lập ở miền Đông, miền Trung, miền Tây (21 người) có tinh thần chiến đấu cao. Cán bộ cơ quan có 15 người đã qua rèn luyện thử thách chiến đấu, công tác rất hăng hái, một số được trang bị súng ngắn. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ cho huyện một tổ vũ trang chiến đấu (4 đồng chí), được huấn luyện và trang bị vũ khí để tham gia diệt ác, phá kèm.

 

Sau khi rà soát và cân nhắc các mặt, Huyện ủy Tuy Hòa hạ quyết tâm định ngày và gấp rút chuẩn bị nội dung yêu cầu của đồng khởi là phát động quần chúng nổi dậy đánh đổ ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân; chuẩn bị lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, có lực lượng vũ trang, có động viên tài vật lực để phục vụ cho việc phát triển lực lượng mới.

 

Để đảm bảo cho cuộc đồng khởi đầu tiên ở Phú Yên chắc chắn thắng lợi, Thường vụ Huyện ủy phân công đồng chí Nguyễn Duy Luân - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy cũng là người trực tiếp phụ trách địa bàn xuống kiểm tra toàn bộ tình hình và trực tiếp gặp cơ sở nội tuyến, bố trí kế hoạch chặt chẽ, chu đáo, bí mật, đánh giá khả năng quần chúng nổi dậy, lực lượng thanh niên thoát ly, lương thực thực phẩm huy động được… trong thời gian ngắn nhất để có quyết định cuối cùng.

 

Các bộ phận cơ quan Huyện ủy tổ chức phối hợp với các xã lân cận hoạt động, cùng tham gia với trọng điểm để căng kéo địch. Tại xã Hòa Mỹ, nhân dân làm một bè chuối có hình nộm Diệm và cờ ba que đổ nhào; có cờ của ta; có truyền đơn biểu ngữ; có danh sách bọn ác ôn từng xã và tội ác từng tên nêu trong bản cáo trạng để cảnh cáo chúng. Bè được thả trên sông Bến Trâu (Hòa Mỹ), vừa đến sáng phải tới Bến Củi (Hòa Thịnh - Hòa Mỹ) để nhân dân xem. Tại các xã Hòa Tân, Hòa Đồng nhân dân cũng làm một bè chuối tương tự như Hòa Mỹ. Bè được thả từ sông Bến Sách (Hòa Tân) trôi xuống cầu Bàn Thạch đúng sáng cho pháo nổ để nhân dân xem. Tại các xã Hòa Hiệp thì rải truyền đơn, dán áp phích, phát loa tuyên truyền, kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào cách mạng của huyện.

 

Chuẩn bị phục vụ tại chỗ, quân dân Hòa Thịnh đã mua hai đèn măng sông để thắp sáng, có cờ đỏ sao vàng, có truyền đơn, khẩu hiệu, biểu ngữ, có danh sách bọn ác ôn, có cáo trạng từng tên ác ôn để cảnh cáo chúng. Lúc này, ta chỉ có vài khẩu súng ngắn và vài khẩu súng 86, 93 vừa diệt ác tước của dân vệ Hòa Mỹ cho nên phải mua thật nhiều pháo dây, pháo tống. Pháo dây nổ giống tiếng súng tiểu liên. Pháo tống nổ thay cho tiếng lựu đạn. Đèn pin bao giấy bóng màu đỏ để phân biệt đèn pin ta và đèn địch; đồng thời cũng là tín hiệu để liên lạc với nhau. Làm loa cuốn giấy để tuyên truyền. Chuối cây bao nilon để giả súng cối 60-81. Xưng hô với nhau, lấy tên đơn vị 377 và 375 của đơn vị bộ đội địa phương cũ trong chống Pháp để nghi binh.

 

Ngày 22/12/1960, Văn phòng cơ quan Huyện ủy Tuy Hòa dời xuống gộp đá trên hóc Cây Quăng để vừa tổ chức quan sát vừa theo dõi tình hình trong ngày; tổ chức cuộc họp cuối cùng để hợp đồng chiến đấu, dự kiến tình huống chiến đấu, tín hiệu liên lạc với nhau.

 

Để đảm bảo đồng khởi thắng lợi, ta tổ chức ba cánh và nhiệm vụ của mỗi cánh như sau: Cánh thứ nhất đột nhập vào trụ sở xã, đánh trung đội dân vệ, thu toàn bộ vũ khí, tổ chức mít tinh tại sân trụ sở. Cánh thứ hai đột nhập vào nhà tên Nguyễn Khái - đại diện xã ở thôn Mỹ Trung, bắt tên Nguyễn Khái. Cánh thứ ba đột nhập vào nhà tên Nguyễn Tín - Phó đại diện xã ở thôn Phú Hữu, bắt tên Tín và thu toàn bộ giấy tờ, tiền bạc ngân quỹ của địch đưa về trụ sở xã. Mỗi cánh có trang bị búa tạ để phá cửa vào bắt ác ôn tề ngụy. Khi đi, gặp địch thì nổ súng, đốt pháo nổ giả súng; không gặp địch thì khi đột nhập vào nhà chỉ bắn chỉ thiên và đốt pháo giả súng, không được bắn đạn thật để tiết kiệm đạn. Các cánh khi làm xong nhiệm vụ, tất cả đèn pin màu đỏ đều bật và quay vòng lên trời để báo hiệu chiến thắng, phát loa tuyên truyền, rải truyền đơn, đốt pháo và đi dọc đường lớn, dọn đường để nhân dân kéo về trụ sở xã dự mít tinh.

 

Đúng như kế hoạch đã định, ngày 22/12/1960, ba cánh quân đều xuất phát từ hóc Cây Quăng, đến gò mả vôi Mỹ Phú để liên lạc với hộp thư cơ sở địch tỉnh, báo cáo tình hình trong ngày lần cuối và xuất phát từng cánh.

 

Cánh thứ nhất do đồng chí Lê Xuân Mai - Bí thư Huyện ủy phụ trách, có đồng chí Huỳnh Lưu - Tỉnh ủy viên - Phái viên của tỉnh cùng đi, phát triển đến trụ sở xã, nổ súng đánh vào trung đội dân về như kế hoạch. Tên Ngọc - Trung đội phó ngoan cố chống cự, bị bắn chết tại chỗ. Ta truy lùng, bắt số đầu hàng và thu vũ khí, tổ chức canh gác và chuẩn bị sân khấu, trang trí cho cuộc mít tinh.

 

Cánh thứ hai do đồng chí Nguyễn Duy Luân - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy phụ trách, phát triển đến Mỹ Trung, đột nhập vào nhà tên Nguyễn Khái - đại diện xã. Tên Khái đang bị ốm nặng nên tha tội chết và không bắt đến trụ sở. Gia đình Khái làm cam đoan nhất quyết không làm tay sai cho Mỹ - Diệm nữa.

 

Cánh thứ ba do đồng chí Bùi Tân - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy phụ trách, phát triển đến thôn Phú Hữu, đột nhập vào nhà tên Nguyễn Tín - phó đại diện, bắt hắn và thu toàn bộ con dấu, tài liệu, ngân quỹ của xã, mang về trụ sở để mít tinh.

 

Tất cả ba cánh đều hướng về trụ sở xã. Phía sau là hàng ngàn đồng bào các thôn: Mỹ Điền, Mỹ Hòa, Mỹ Xuân, Mỹ Phú, Phú Hữu, Mỹ Cảnh, Cảnh Tịnh và một số nhân dân ở xã Hòa Mỹ. Họ lần lượt xuống đường, tay cầm đèn gió, cây gậy, kéo về trụ sở để dự mít tinh.

 

1 giờ sáng 23/12/1960, cuộc mít tinh bắt đầu. Đồng chí Lê Xuân Mai - Bí thư Huyện ủy đứng lên vạch tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tàn sát khủng bố đồng bào ta, giết hại cán bộ đảng viên, trả thù những người kháng chiến cũ, cướp giật quyền lợi, ruộng đất của nhân dân ta giành được trong kháng chiến… Đồng chí Bí thư Huyện ủy tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền tay sai ở Hòa Thịnh, chính quyền thuộc về tay nhân dân, đồng thời kêu gọi đồng bào ta hãy đóng góp nhân tài vật lực để phục vụ cách mạng ngày càng lớn mạnh. Nhân dân hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn bù nhìn tay sai! Cách mạng miền Nam Việt Nam nhất định thắng lợi! Nhân dân xã Hòa Thịnh hãy đứng lên tự giải phóng cho mình”. Hàng chục cánh tay xung phong đưa lên. Hàng chục thanh niên ùa lên khán đài xin thoát ly, gia nhập quân giải phóng. Ngay trong đêm mít tinh đã có 64 thanh niên xung phong thoát ly ra vùng căn cứ để tham gia vào các lực lượng vũ trang huyện, tỉnh.

 

2 giờ sáng 23/12/1960 cuộc mít tinh kết thúc, lực lượng cách mạng bắt đầu hành quân, nhân dân chia thành nhiều hướng trở về thôn xóm.

 

Khi tiếng pháo ở các bè chuối ở Bến Củi, Hòa Tân bắt đầu nổ, bọn tề ngụy ở các xã này tưởng bộ đội cách mạng tấn công về đây nên hốt hoảng, tán loạn.

 

Ngày hôm sau, tin đồng khởi được nhân dân loan rộng với lời khen ngợi “Cách mạng thật tài tình”. Người đi dự mít tinh, người đi xem bè chuối râm ran kể chuyện khởi nghĩa.

 

Địch từ TX Tuy Hòa lệnh cho một đại đội Bảo an, lần mò từng bước kéo lên Phú Thứ rồi Phú Nhiêu để dò la nắm tin tức. Đến 9 giờ 30, chúng mới tới Hòa Thịnh. Lần này, không có đủ tề ngụy địa phương ra đón tiếp và cũng không còn trung đội dân vệ để phối hợp dẫn đường lùng sục. Địch cay cú rêu rao sẽ trả thù, sẽ khủng bố nhân dân Hòa Thịnh.

 

Về phía cách mạng, sau khi kết thúc cuộc mít tinh, trở về căn cứ Hòa Thịnh, vừa chuẩn bị đối phó, vừa lo sắp xếp ổn định công tác cho số thanh niên mới thoát ly, tổ chức học tập chính trị, huấn luyện và trang bị cho thanh niên mới thoát ly để bổ sung cho các đội công tác đủ quân số, cho phân tán về vị trí cũ tiếp tục hoạt động theo kế hoạch để hỗ trợ cho trọng điểm Hòa Thịnh. Số còn lại, chuyển về căn cứ tỉnh để bổ sung cho các đơn vị vũ trang của tỉnh.

 

Tối 24/12/1960, một đội vũ trang tuyên truyền đột nhập vào trụ sở xã Hòa Đồng, bắt tên đại diện xã Hòa Đồng, mở mít tinh để hắn thú tội trước nhân dân, rải truyền đơn, hô khẩu hiệu đốt toàn bộ tài sản của địch…

 

Liên tục các tối 25, 26, 27/12/1960, lực lượng cách mạng đồng bằng Tuy Hòa tiếp tục diệt ác, phá kèm ở Hòa Tân, Hòa Mỹ, Hòa Hiệp; tuyên truyền, kêu gọi thanh niên gia nhập bộ đội giải phóng. Hàng ngàn thanh niên các xã thoát ly ra căn cứ để gia nhập cách mạng. Lương thực thực phẩm được bổ sung liên tục, chẳng những phục vụ cho huyện Tuy Hòa mà còn chuyển giao cho tỉnh.

 

Đồng Khởi ở Hòa Thịnh thực chất là cao trào nổi dậy của quần chúng có vũ trang tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ địa phương. Nói đến nổi dậy, lực lượng tham gia chủ yếu là đội quân chính trị của quần chúng. Vì thế, Đảng bộ Phú Yên chú trọng động viên và tập hợp lực lượng đông đảo của quần chúng tham gia, hình thành đạo quân chính trị hùng hậu là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của đồng khởi.

 

Trong đồng khởi Hòa Thịnh, lực lượng tham gia chủ yếu là đội quân chính trị của quần chúng, có lực lượng vũ trang (tuy còn nhỏ bé) thực hiện đòn quân sự hỗ trợ để giành thắng lợi nhanh chóng. Ngoài lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, trong điều kiện địch mạnh hơn ta về quân sự, để giành thắng lợi, chúng ta cần phải khéo kết hợp đánh bằng cả chính trị, quân sự và binh vận. Chính vì thế, Tỉnh ủy và Huyện ủy Tuy Hòa rất coi trọng công tác binh vận. Một số cán bộ huyện được tăng cường về xã đã cùng với cán bộ, đảng viên phát động quần chúng vận động binh lính địch theo cách mạng. Một số binh lính được ta giác ngộ sẵn sàng làm nội ứng. Đáng lưu ý là ta đã vận động được Đào Công Văn, trung đội trưởng trung đội dân vệ đóng ở xã Hòa Thịnh trở thành cơ sở nội tuyến của ta. Thực tiễn đồng khởi Hòa Thịnh càng chứng minh thêm một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi là dựa chắc vào quần chúng để xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để hình thành sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi từng bước, tiên tới thắng lợi triệt để.

 

Hưởng ứng phong trào đồng khởi, nhân dân xã Hòa Hiệp đã vũ trang nổi dậy diệt ác ôn, thu vũ khí, rút thanh niên xây dựng lực lượng. Phong trào diễn ra sôi nổi ở các thôn Phú Lạc, Thọ Lâm, Đa Ngư, Phú Hòa… Chỉ riêng trong đợt nổi dậy này đã có 300 thanh niên trong xã thoát ly vào căn cứ. Tính chung trong toàn huyện Tuy Hòa 1 có hơn 1.200 thanh niên cả gái lẫn trai và hàng chục cán bộ thoát ly vào căn cứ, sau đó được phân công đi khắp các chiến trường Khánh Hòa, Đắk Lắk… làm nhiệm vụ cứu nước.

 

THÀNH VIỆT

(Ghi theo lời kể đồng chí Nguyễn Duy Luân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek