Từ xa xưa, La Hai được biết đến như một “miền gái đẹp”. Tuy không nổi tiếng khắp cả nước song vùng đất bán sơn địa này đã đi vào tục ngữ, ca dao bởi nhan sắc giai nhân.
1. Mỗi khi ai đó nói về vẻ đẹp của người con gái La Hai (huyện Đồng Xuân), kỳ lạ thay, trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh nhà giáo Nguyễn Thị Hồng, dù bà đã đi qua rất xa thời xuân sắc. Người phụ nữ này có vóc người nhỏ nhắn, chân cũng chẳng dài miên man. Bà đẹp một cách dịu dàng, đằm thắm. Vẻ đẹp không chỉ toát ra từ gương mặt, vóc dáng hài hòa mà còn từ lời nói dịu dàng, phong thái tao nhã…
Tôi biết nhà giáo Nguyễn Thị Hồng đã khá lâu, bởi ngoài khoảng cách về tuổi tác và sự khác nhau về nghề nghiệp, tôi với bà có chung sở thích cầm bút và đều gắn bó với “ngôi nhà chung” là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Năm 2001, hội mở trại sáng tác tại Vũng Tàu. Trong số các hội viên tham gia, chỉ có tôi và nhà giáo Nguyễn Thị Hồng là nữ. Hai cô cháu ở chung một phòng. Mười mấy ngày ở trại sáng tác, điện thoại để bàn trong phòng hai cô cháu thường xuyên “bận rộn”. Các chú bên chuyên ngành Văn học gọi đến, chia sẻ với bà những sáng tác mới toanh của họ. Có hôm đã rất khuya nhưng điện thoại vẫn reo. Chú nào đó vừa làm xong bài thơ, “nhất định phải đọc cho cô Hồng nghe”. Không nói ra thì ai cũng biết, nguồn cảm hứng để họ sáng tác bài thơ đó, chính là “người đẹp La Hai” Nguyễn Thị Hồng.
Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng (thứ ba, từ trái sang) thời trẻ - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau hơn 30 năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, nhà giáo Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường tiểu học La Hai 1 nghỉ hưu. Nói là “nghỉ” nhưng kỳ thực bà vẫn hăng say làm việc, tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là duy trì “Nồi cháo từ thiện” do bà khởi xướng cách đây gần 5 năm. Để những người bệnh nghèo đến từ các xã Xuân Quang, Đa Lộc, Phú Mỡ… ấm lòng với bữa sáng được chuẩn bị bằng tình yêu thương, người phụ nữ 65 tuổi này cùng một số nhà giáo và tiểu thương ở phố núi vẫn âm thầm quyên góp tiền, gạo… Một tuần hai lần, họ thức dậy từ 3 giờ sáng, nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo.
2. Không khó nếu muốn đi tìm “giai nhân La Hai”, từ các thiếu nữ mười sáu trăng tròn cho đến những người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Mẹ chị bạn cùng cơ quan tôi cũng là người đẹp La Hai một thuở. Bà tên Dương Thị Gương, nhà ở ngay chợ La Hai.
Người xưa thường nói “Hồng nhan đa truân”. Câu đó đúng, chí ít là với bà Gương. Mới 10 tuổi đã mồ côi mẹ, từ năm 13 tuổi, cô bé Gương đã theo dân buôn đến chợ gần chợ xa mua lúa về phơi, giã cho ra gạo, bán lại kiếm lời. Rồi bà học lỏm và đến với nghề may vào năm 16 tuổi. Sáng dạ, lại khéo tay, bà may được áo dài cho phụ nữ lẫn đàn ông và có khá nhiều học trò.
Sống cách đồn địch chưa đầy 100m, cô thợ may sắc nước hương trời không sao tránh khỏi sự chú ý của đám lính. Nhưng chẳng ai ngờ rằng, người con gái xinh đẹp đó lại “cả gan” may cờ cho quân giải phóng ngay trước mũi kẻ địch. Đêm đêm, sau khi đóng kín cửa và bít tất cả các lỗ trống, bà Gương cùng em gái chong đèn dầu, lấy vải được giấu kỹ trong bao cát đặt trên hầm trú bom ra cắt. Mờ sáng hôm sau, được em cảnh giới, bà Gương âm thầm may cờ. Cứ thế, giữa hiểm nguy rình rập, hai chị em hoàn tất 80 lá cờ.
Bao năm tảo tần vất vả nuôi con khôn lớn, “người đẹp La Hai” ngày ấy giờ là một bà lão 76 tuổi, tóc bạc lưng còng. Nhưng vẻ đẹp một thời vẫn còn phảng phất trên gương mặt phúc hậu của bà Gương…
Thiếu nữ La Hai xưa. Bà Dương Thị Gương là người đứng giữa - Ảnh do nhân vật cung cấp |
3. Mấy năm trước, tôi cùng các đồng nghiệp ở VTV Phú Yên làm ký sự Sông Cái - từ nguồn ra biển. Tập 2 của ký sự này có tên La Hai quyến rũ, nói về vẻ đẹp của đất và người La Hai - nơi sông Cái đi qua. Sẽ vô cùng thiếu sót nếu như không đề cập đến vẻ đẹp “gái La Hai”, và tôi nhờ nhà giáo Nguyễn Thị Hồng “kết nối”. Hôm ghi hình, cả ê kíp không khỏi ngạc nhiên khi một nhóm thiếu nữ ríu rít bước vào nhà bà Hồng. Mỗi người như một đóa hoa, rạng ngời và đầy sức sống. Lúc đó tôi chợt nghĩ: Gái La Hai đã đi vào tục ngữ ca dao, nhưng dường như chưa bước đến các cuộc thi nhan sắc.
Năm 2014, tin vui đến với người dân phố núi: Vượt qua hơn 400 người đẹp, Võ Thị Quỳnh Đăng - con gái La Hai “chính hiệu” - trở thành hoa khôi cuộc thi Người đẹp TP Hồ Chí Minh qua ảnh 2014. Khi đăng quang, Quỳnh Đăng là sinh viên năm cuối Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh. Khác với các thế hệ giai nhân La Hai trước đây, người đẹp sinh năm 1993 này có chiều cao đáng mơ ước: 1m72. Không chỉ xinh đẹp rạng rỡ, Quỳnh Đăng còn tích cực tham gia công tác xã hội. Người dân ở đây kể rằng tết nào về La Hai, Quỳnh Đăng cũng tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở quê nhà và đóng góp ủng hộ “Nồi cháo từ thiện”. Bà Nguyễn Thị Hải, mẹ của Quỳnh Đăng, khiêm tốn thổ lộ rằng cũng như bao người mẹ khác, bà dạy con hãy làm những điều tốt đẹp, giúp được ai thì giúp trong khả năng của mình.
Sau tin vui về Quỳnh Đăng, dân La Hai một lần nữa hân hoan khi Võ Hồng Ngọc Huệ - sinh viên năm thứ hai Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - là 1 trong 20 người đẹp ở khu vực phía Nam vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014. Không nổi trội về chiều cao song Ngọc Huệ có vẻ đẹp trong sáng, càng nhìn càng cuốn hút, học hành giỏi giang và biết võ thuật. Cô gái 20 tuổi này cho thấy: Không phải người đẹp nào cũng chân yếu tay mềm.
Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng nói rằng con gái La Hai không đẹp lộng lẫy, kiêu kỳ mà dịu dàng đằm thắm. Bà rất vui khi các cô gái La Hai bây giờ không chỉ đẹp mà còn học giỏi, biết giúp đỡ những người nghèo khó. Đó là vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp xuất phát từ lòng nhân ái. Mà, vẻ đẹp này thì không tàn phai theo thời gian.
Hoa khôi Võ Thị Quỳnh Đăng - Ảnh: CTV |
Người đẹp Võ Hồng Ngọc Huệ - Ảnh: CTV |
PHƯƠNG TRÀ