Thứ Sáu, 20/09/2024 14:07 CH
Đấu tranh phá “ấp chiến lược”, đánh bại chiến dịch “Hải Yến” và “Dân thắng” của địch
Chủ Nhật, 22/03/2015 08:38 SA

Nhân dân TX Tuy Hòa nổi dậy phá hàng rào ấp chiến lược của Mỹ - ngụy - Ảnh: T.LIỆU

Thắng lợi của phong trào đồng khởi trên toàn tỉnh, phá vỡ từng mảng lớn bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của ngụy quyền ở cơ sở. Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tập hợp các lực lượng cách mạng. Cuộc chiến tranh một phía do Mỹ ngụy tiến hành nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, thiết lập chế độ thực dân kiểu mới không còn đứng vững, tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi. Chúng đưa ra kế hoạch Staley - Taylor, kế hoạch đầu tiên của chiến tranh đặc biệt nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Chúng chia ra 3 giai đoạn để đánh phá, động viên thanh niên kéo dài thời gian quân dịch. Mỹ tăng cường viện trợ, thêm lực lượng quân đội thành lập bộ chỉ huy quân sự đặc biệt… Để thực hiện âm mưu ấy ở tỉnh ta, chúng mở đầu cuộc chiến tranh đặc biệt bằng chiến dịch “Hải Yến”, tiếp theo là chiến dịch “Dân thắng”. Chúng coi việc lập ấp chiến lược là quốc sách, là nội dung cơ bản của kế hoạch Staley - Taylor, là xương sống cuộc chiến tranh đặc biệt. Chúng dùng mọi thủ đoạn dồn ép dân vào các ấp tập trung, thực hiện chính sách khủng bố vơ vét, chuyển nền kinh tế miền Nam thành kinh tế thời chiến. Bọn địch ở Phú Yên thừa nhận: Từ giữa năm 1962 về trước, chúng đang ngập chìm một tình thế (3 vùng). Chúng gọi là vùng đỏ, vùng xanh, vùng vàng. “Vùng đỏ” ta làm chủ, “vùng vàng” là vùng tranh chấp, “vùng xanh” là vùng chúng kiểm soát.

 

Sau chuyến đi kiểm tra của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đầu năm 1962 đến tận xã Hòa Trị kiểm tra ấp chiến lược Phước Khánh, đế quốc Mỹ tiếp tục viện trợ cho ngụy quyền tỉnh, đẩy mạnh xây dựng ấp chiến lược, tiếp tục dồn dân xóa sạch vùng giải phóng, bổ sung thêm quân số, binh khí kỹ thuật. Được Mỹ giúp sức, lực lượng địch trên toàn tỉnh có Trung đoàn chủ lực 47, khi càn có các Sư đoàn 27, Sư đoàn 9 ngụy đến hỗ trợ. Một tiểu đoàn biệt động, một tiểu đoàn công binh, 4 đại đội biệt kích, 17 đại đội bảo an, 81 tổng đoàn dân vệ, 40 trung đội thanh niên chiến đấu, 1 chi đoàn xe M113 (20 chiếc), một đại đội pháo có 4 khẩu 105 ly; 2 khẩu 155 ly, một chiến đoàn Bình Phú 100 xe, hai đội hải thuyền, 45 máy bay các loại.

 

Chúng bắt đầu mở đầu chiến dịch “Hải Yến” vào đầu tháng 5/1962 cho đến tháng 5/1963 thì kết thúc. Tiếp theo chiến dịch “Hải Yến”, chúng tổ chức các cuộc càn quét lớn dài ngày gọi tên là “Dân thắng”, “Quyết thắng” có cố vấn Mỹ chỉ huy.

 

Sau khi đánh phá và xây dựng một số ấp chiến lược ở huyện Tuy Hòa 1 chúng chuyển sang đánh phá ra phía Tây - Bắc của tỉnh mà trọng điểm là: miền Tây, Sơn Hòa, Tây Tuy An và Tây Đồng Xuân. Chúng dồn dân, đánh phá ác liệt, thực hiện chính sách tam hoang “đốt sạch, giết sạch, cướp sạch”. Chúng thành lập tỉnh Phú Bổn, mở rộng tỉnh lộ 7, mở thêm đường nội tỉnh từ Hòa Đa lên Sơn Hòa, Củng Sơn ra Sơn Định, Sơn Long. Đốt hàng ngàn ngôi nhà, 90% trâu bò ngựa và tài sản khác của quần chúng bị chúng cướp, phá sạch; 30.000 dân vùng giải phóng bị đồn vào ấp chiến lược. Các khu dồn dân tập trung được mọc lên: Hòn Lúp (xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa), Xuân Lãnh, Mùa Cua, Mỹ Lương (xã Xuân Thọ), Núi Miếu (Hòa Quang), Phú Hội (Xuân Phước)… Ấp chiến lược xây dựng theo kiểu “hai sông, ba núi” xung quanh có công sự ngầm, có bảo an dân vệ canh gác tuần tra. Ngoài ấp chiến lược, chúng lập các cứ điểm: Núi Chùa, Gò Cốc (Xuân Quang), Hòn Đình (Xuân Sơn), Hòn Dù (Xuân Phương), Thạch Khê (Xuân Lộc), Mỹ Lương (Xuân Thọ), Núi Lá (Hòa Mỹ), Mỹ Xuân (Hòa Thịnh), Hòn Kén (Sơn Thành). Đến hết năm 1963, địch đã lập được 250 ấp chiến lược. Ấp chiến lược thực chất là trại giam trá hình. Chúng dùng nhiều biện pháp cưỡng bức, quân sự hóa nam nữ thanh niên, phát triển tề điệp, lập trại chiêu hồi, chiêu hàng, phát hiện cơ sở cách mạng để đánh phá. Giữa năm 1963, tình hình chung trong tỉnh gặp vô vàn khó khăn, vùng căn cứ bị đói, ở đồng bằng cán bộ, bộ đội mỗi ngày chỉ được cung cấp 0,3kg gạo cộng với sắn, bắp, hạt mít, thiếu thuốc men, quần áo, thiếu đạn, thương bệnh binh ở các trại nhiều nhưng vừa bị đói, vừa bị thiếu thuốc men… Một bộ phận quần chúng vùng giải phóng, cán bộ đảng viên bi quan dao động, thậm chí có kẻ mắc mưu, đầu hàng địch.

 

Tỉnh nhà đang lúc gặp khó khăn, đồng thời cũng là lúc đồng chí Nguyễn Lầu - Tỉnh đội trưởng hy sinh, đồng chí Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy trên điều động về liên tỉnh 3 công tác, đồng chí Lương Công Huề lên thay.

 

Nhờ rút kinh nghiệm ở Nam Bộ và kinh nghiệm trong phong trào đấu tranh của địa phương, Tỉnh ủy phát động phong trào toàn dân đào công sự bí mật, xây dựng cơ sở của ta trong các ấp chiến lược, trực tiếp lãnh đạo quần chúng tại chỗ nổi dậy theo phương châm “hoa nở trong lòng”, kết hợp với lực lượng vũ trang hỗ trợ đánh phá từ bên ngoài.

 

Ngày 6/1/1963, ta diệt cứ điểm Hòn Ngang (xã An Nghiệp) pháo kích khu dồn Hòn Lúp (Sơn Hòa), cắt đường giao thông trên Đường 7 địch phải tiếp tế bằng máy bay trực thăng.

 

Chiến dịch “Hải Yến” kết thúc, tiếp đến chiến dịch “Dân thắng”, cường độ chiến tranh ác liệt và kéo dài. Ngày 14/3/1963, thành lập Tiểu đoàn 85 chủ lực của ta, Đại đội 377 của huyện Tuy Hòa 1, các huyện đội du kích và các mũi công tác. Phong trào đấu tranh chính trị binh vận sôi nổi kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự. Số lượng hội viên, các đoàn thể quần chúng, đảng viên được phát triển.

 

Tình hình trở nên sáng sủa kể từ khi chế độ Diệm - Nhu bị lật đổ, kế hoạch Staley-Taylor bị phá sản, các chiến thuật quân sự mới “trực thăng vận”, “thiết xa vận” không đạt hiệu quả.

 

Tình hình chung diễn biến có lợi, Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp bất thường tháng 10/1963, cuộc họp có sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy và liên Tỉnh ủy 3. Chủ trương căn bản của cuộc họp này là tranh thủ thời cơ dùng cú đấm quân sự hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, phá ấp chiến lược đưa dân về làng cũ. Thực hiện chủ trương trên, bộ đội tỉnh phối hợp với bộ đội huyện Đồng Xuân đánh đồn Hòn Chùa giải phóng xã Xuân Quang. Khi nghe đại đội Bảo an địch rút khỏi Gò Thì Thùng đêm 1/11/1963, lực lượng vũ trang Tuy An cùng với du kích địa phương giải phóng xã An Lĩnh, An Nghiệp, An Thọ. Ở Tuy Hòa 1 Đại đội 80 của phân khu Nam đánh vào xã Hòa Mỹ, Đại đội 377 tập kích vào xã Hòa Thịnh, thôn Hội Cư (xã Hòa Tân), quần chúng nổi dậy, địch bỏ xã Hòa Mỹ rút xuống quận Phú Lâm. Khí thế quần chúng lên cao, chỉ một tuần lễ, các xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Thịnh hoàn toàn giải phóng.

 

Cuộc chiến đấu giữa ta với địch tiếp tục giằng co quyết liệt trên chiến trường. Để cứu vãn tình thế thất bại, địch cố sức mở những chiến dịch càn quét. Ngay vào đầu năm 1964, chúng cố giành lại một số cứ điểm bị quân ta quản lý: Hòn Ngang (An Nghiệp), Hòn Đồn (An Định), Hòn Đất (Xuân Sơn), Hòn Quéo (Hòa Hiệp), Hòn Dù (Xuân Phương), Mỹ Lương (Xuân Thọ), Tuy Phòng 7 (Xuân Hải) và các xã: Hòa Xuân, Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh. Chúng sử dụng xe bọc thép M113 kết hợp với bộ binh đánh phá, ta chưa có kinh nghiệm chống trả. Chúng càn quét sâu vào xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ. Trước tình hình đó, ta vận dụng phương châm đánh địch bằng quân sự, bằng binh vận và đấu tranh chính trị để ngăn bước tiến của địch, hạn chế địch đốt phá hoa màu và tài sản của nhân dân.

 

Tháng 5/1964, Tỉnh ủy họp mở rộng xác định: Phương châm đấu tranh chính trị song song với đấu tranh vũ trang có tổ chức lãnh đạo chặt chẽ nhất định sẽ giành được thắng lợi. Trong đấu tranh chính trị, lực lượng phụ nữ có vai trò quan trọng.

 

Đầu tháng 11/1964, Ban Đấu tranh chính trị tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn trong các cuộc đấu tranh giữa quần chúng tay không với địch, giải quyết tốt các hiện tượng tư tưởng lệch lạc như: gờm sợ địch, mất phương hướng đấu tranh… Về hoạt động vũ trang trong năm 1964, lực lượng vũ trang đánh nhau với địch nhiều trận lớn: Kết hợp với đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, binh vận đã trở thành cao trào có tính chất khởi nghĩa vào những tháng cuối năm 1964 đầu 1965. Nhiều cuộc biểu tình của quần chúng trên 5.000 người ở Sông Cầu, Xuân Thọ vào ngày 29/9/1964. Cuộc biểu tình 10.000 người ở 7 xã thuộc huyện Tuy Hòa 1 ngày 5/10/1964 đến quận lỵ Phú Lâm. Ngày 12/11/1964, 11.000 đồng bào xã Xuân Thọ, Xuân Lộc, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh kéo đến đấu tranh trực diện với ngụy quyền huyện Sông Cầu địch bỏ chạy, ta giải phóng hầu hết các xã này, địch chỉ còn co cụm tại thị trấn, An Ninh, An Thạch, An Dân, An Cư, An Định, An Nghiệp, An Hòa thuộc huyện Tuy An, kéo đến quận lỵ Tuy An buộc tên quận trưởng giải quyết yêu sách. Từ ngày 28/7 đến 29/8/1964 ba xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh đã 28 lần quần chúng xuống đường chặn xe bọc thép của địch càn quét.

 

Sức mạnh đồng khởi, năm 1964 quân dân tỉnh ta phá banh hàng loạt ấp chiến lược, nhổ các khu dồn dân: Mùa Cua (xã Xuân thọ), Thịnh Đức (xã Xuân Quang), Phú Cần (xã An Thọ), Hòn Kén (xã Hòa Phong), Núi Miếu (xã Hòa Quang), Sơn Triều (xã Hòa Kiến)…

 

Năm 1963, ta giải phóng được 55 thôn trên 4,5 vạn dân thì năm 1964 vùng giải phóng đồng bằng có 169 thôn và 87 buôn, 16 xã đồng bằng, 17 xã miền núi gồm 14 vạn dân trong tổng số 36 vạn dân.

 

Theo Hội Khoa học lịch sử Phú Yên

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek