Thứ Sáu, 20/09/2024 16:00 CH
Phá ấp chiến lược ở Hòa Đồng
Thứ Sáu, 06/03/2015 10:11 SA

Ảnh chụp từ trên không một ấp chiến lược - Ảnh: Tư liệu

Cuối năm 1962, Hội nghị Huyện ủy Tuy Hòa 1 được tổ chức tại căn cứ miền Tây của huyện. Hội nghị đã nghiêm túc đánh giá phong trào cách mạng các xã trong huyện từ sau Đồng khởi (cuối năm 1960) đến khi kết thúc “chiến dịch Hải Yến” của địch - cuối năm 1962.

 

Hội nghị đã chỉ rõ, thắng lợi của phong trào Đồng khởi của các xã ở huyện Tuy Hòa 1 là to lớn. Nhưng từ tháng 5/1962 đến 12/1962, kể từ khi địch mở “chiến dịch Hải Yến” đến nay, do ta chủ quan, chưa lường hết được những khó khăn phức tạp do địch gây ra, nên hoạt động của ta có nhiều tổn thất; đặc biệt chưa xây dựng, phát triển được cơ sở cách mạng trong các “ấp chiến lược”, chưa có hình thức thích hợp tổ chức cho quần chúng đấu tranh. Các đội công tác các xã bị quốc sách “ấp chiến lược” của địch đánh bật, không có chỗ bám. Tư tưởng một số cán bộ, chiến sĩ không ổn định; quần chúng bị kẻ thù khủng bố, mua chuộc, tư tưởng dao động. Phong trào cách mạng huyện Tuy Hòa 1 đứng trước những khó khăn, địa bàn hoạt động chủ yếu dựa vào rừng núi. Địch ráo riết thực hiện âm mưu “tát cạn nước để bắt cá” nhằm tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của ta. Những khó khăn của xã Hòa Đồng cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương ở huyện Tuy Hòa 1 lúc bấy giờ.

 

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội nghị (tháng 12/1962) Huyện ủy Tuy Hòa 1 chỉ thị cho các chi bộ đảng các xã đưa cán bộ vào nằm trong các “ấp chiến lược”, bí mật gầy dựng cơ sở, phát động căm thù, hướng dẫn quần chúng đấu tranh đòi địch nới lỏng các quy định ra vào ấp, tạo điều kiện cho ta hoạt động.

 

Ở những “ấp chiến lược” mà bộ máy kìm kẹp của địch tương đối yếu thì đồng thời với việc phát động quần chúng, gầy dựng cơ sở, chuẩn bị lực lượng từ bên trong phải dùng lực lượng vũ trang, chủ yếu là các đội vũ trang công tác xã, tiến công từ bên ngoài kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng từ bên trong theo kiểu nội công, ngoại kích, để đánh phá “ấp chiến lược”.

 

Tranh thủ những điều kiện thuận lợi về tình cảm gia đình, quê hương để xây dựng trong hàng ngũ địch những cơ sở nội tuyến, chờ thời cơ nổi dậy làm binh biến, quay súng lại bắn bọn ác ôn đầu sỏ.

 

Hình ảnh ấp chiến lược với hàng rào bằng tre và hào cạn cắm chông bao quanh - Ảnh: Tư liệu

 

Tinh thần của chỉ thị nói trên, đầu năm 1963, được truyền đạt đến các chi bộ và các đội vũ trang công tác của huyện. Tiếp thu, vận dụng, triển khai chỉ thị của Huyện ủy Tuy Hòa 1, Chi bộ xã Hòa Đồng đã cử một số cán bộ, đảng viên bí mật vào nằm trong các “ấp chiến lược” tuyên truyền phát động quần chúng đấu tranh chống kẻ thù. Song song với việc đấu tranh của quần chúng trong các ấp chiến lược, các mũi công tác bên ngoài rải truyền đơn, nổ lựu đạn, áp sát các ấp chiến lược nhằm uy hiếp kẻ thù. Vì thế, đến tháng 3/1963, cơ bản ta vẫn giữ vững được phong trào trong xã. Các đội viên các đội vũ trang công tác khi vào ấp đều mang ra lương thực, thực phẩm, góp phần giải quyết khó khăn cho cán bộ vùng căn cứ. Đồng thời, qua những đợt hoạt động của ta trong các ấp chiến lược, ta có điều kiện gần gũi dân, nắm được tình hình dân chúng, có điều kiện phát triển cơ sở cách mạng trong lòng địch, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân. Từ đó tạo thế lỏng kèm, có điều kiện để ta lãnh đạo quần chúng nổi dậy phá ấp.

 

Vượt qua chặng đường tưởng chừng khó có thể vượt qua được, trước sự đánh phá của địch trong “chiến dịch Hải Yến” để thực hiện âm mưu dồn dân lập ấp của Mỹ - Diệm, quân và dân huyện Tuy Hòa 1, trong đó có xã Hòa Đồng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được thắng lợi bước đầu. Tháng 4/1963, Hội nghị Đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Hòa lần thứ 2 được tổ chức tại Đồng Tàu - Hòa Thịnh đề ra nhiệm vụ củng cố vững chắc vùng giải phóng và vùng căn cứ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phá ấp giành dân, mở rộng vùng giải phóng; ra sức củng cố và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt.

 

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Hòa lần thứ 2, việc phá ấp giành dân ở Hòa Đồng được đẩy lên một bước. Lực lượng ta được huy động phá nhiều ấp chiến lược ở các thôn. Tuy nhiên, phong trào diễn ra còn rời rạc, ban đêm ta phá, ban ngày địch bắt dân rào lại. Việc phá đi, rào lại cứ giằng co giữa ta và địch, suốt trong tháng 4/1963 và 5/1963. Do đó, chi bộ xã quyết tâm đẩy mạnh phong trào phá ấp chiến lược, không phá lắt nhắt như trước đây, mỗi lần phá đều có sự chuẩn bị theo từng đợt, huy động quần chúng nhân dân các ấp cùng nổi dậy, phá đồng loạt, với quy mô lớn, nên địch không thể tổ chức rào lại được.

 

Tuy nhiên, lúc phá ấp, một số bà con bị vướng mìn của địch bị thương. Lúc đầu ta chưa có kinh nghiệm đưa bà con bị thương vào căn cứ để chữa trị. Về sau, khi bà con bị thương, ta tổ chức đấu tranh, buộc địch phải chữa trị hoặc chu cấp tiền thuốc men. Đồng thời, việc phá ấp tiến lên một bước chính quy hơn, là dùng lửa đốt, hoặc đối với những nơi không đốt được thì đưa bộ đội công binh đến rà mìn trước khi phá. Đêm đêm, quần chúng háo hức tập trung phá ấp chiến lược, không khí làng quê trở nên sôi động, náo nhiệt, ánh lửa đốt ấp bùng lên trong đêm tối càng làm cho khí thế của quần chúng nhân dân càng cao.

 

Đến cuối năm 1963, về cơ bản hầu hết các ấp chiến lược trên địa bàn xã Hòa Đồng đã bị ta phá vỡ từng mảng lớn, mà địch không có khả năng rào lại được. Tinh thần của địch lúc này, nhất là lực lượng quân sự địa phương của địch ở xã Hòa Đồng như bảo an, dân vệ… đang rất hoang mang. Quần chúng nhân dân trong xã cũng nhận rõ ấp chiến lược của địch tuy quy mô, nhưng phá nó không phải là quá khó, hoặc không thể phá được. Thực tế đã cho nhân dân trong xã nhận thấy, việc phá ấp chiến lược không khó như họ từng tưởng khi ấp mới xây dựng. Mỗi khi địch bắt bà con rào ấp, bà con đã nói thẳng với chúng một cách hết sức thân tình: “Các chú bắt chúng tôi rào, tối mấy ông cách mạng về phá, mà phá còn nhiều hơn. Thôi đừng làm việc dã tràng xe cát nữa”. Quả thực, bọn ngụy quân, ngụy quyền ở Hòa Đồng đã rất mỏi mệt và chán nản trong việc bảo vệ một cách vô vọng cho sự tồn tại của các “ấp chiến lược” ở đây. Chúng chỉ còn cách cầu viện lực lượng chủ lực của Mỹ - ngụy để mở những trận càn quét lớn mới mong cứu vãn được tình hình.

 

Tuy nhiên lúc này, điều đó đã không diễn ra, vì nội bộ của địch đang có mâu thuẫn gay gắt, chúng không chỉ đối phó với cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng, mà còn phải đối phó với phong trào đấu tranh chính trị của các giáo phái, các tầng lớp nhân dân… đang diễn ra mạnh mẽ ở các đô thị miền Nam.

 

Trong dịp lễ Phật đản năm 1963, Mỹ - Diệm ngăn cấm không cho phật tử treo cờ Phật giáo và tổ chức lễ Phật đản. Phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo nổ ra đầu tiên ở Huế. Mỹ - Diệm đàn áp dã man, làm 9 người chết, 14 người khác bị thương; trong đó có một số nữ sinh trung học bị xích xe tăng giày xéo, cán bể đầu, nát mình. Phẫn nộ trước hành động tàn ác của kẻ thù, nhiều đô thị ở miền Nam, trong đó có Tuy Hòa, nhân dân giương cao khẩu hiệu “Chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm”, tổ chức các cuộc biểu tình, cầu siêu cho những nạn nhân bị Mỹ - Diệm tàn sát. Phong trào đấu tranh kéo dài cả tháng, góp phần đẩy nhanh quá trình rệu rã của ngụy quyền miền Nam.

 

Tại Hòa Đồng, phong trào đấu tranh của đô thị đã có nhiều ảnh hưởng, tác động đến tinh thần, tư tưởng cán bộ, nhân dân trong xã. Thanh niên, học sinh háo hức tìm hiểu về cách mạng, một số được giác ngộ tham gia hoạt động cơ sở bất hợp pháp. Bà con nông dân ở các vùng giáp ranh đấu tranh trở về làng cũ làm ăn. Các đội công tác đứng chân trên địa bàn Hòa Đồng tích cực hoạt động tuyên truyền chống lại chiến dịch chiêu hồi, chiêu hàng của địch, vận động nhân dân xây dựng làng cũ, chống càn quét. Cán bộ bất hợp pháp của xã hoạt động trong lòng địch móc nối, phát triển cơ sở cách mạng trong các ấp chiến lược Vinh Ba, Phú Diễn… trực tiếp lãnh đạo nhân dân các ấp nổi dậy theo phương châm “Hoa nở trong lòng”. Ngoài việc theo dõi và chỉ đạo tốt phong trào đấu tranh trong các ấp chiến lược, Chi bộ xã Hòa Đồng đã lãnh đạo xây dựng được các làng chiến đấu ở Hóc Răm, Hóc Ngô.

 

VIỆT THÀNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết ở Vũng Rô 50 năm trước
Thứ Sáu, 20/02/2015 09:00 SA
Mong được góp sức xây dựng quê hương
Thứ Sáu, 20/02/2015 07:00 SA
La Hai - "miền gái đẹp"
Thứ Năm, 19/02/2015 13:00 CH
Tỉ phú giống cá chẽm
Thứ Tư, 18/02/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek