Nghị quyết 15 ra đời là tiếng kèn xung trận, thúc giục nhân dân cả nước đứng lên chống tập đoàn phản động Mỹ - Diệm bán nước và cướp nước.
Đồng chí Cao Xuân Thiêm (Văn Công) đóng khố “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con các dân tộc ở chiến khu Thồ Lồ (9/1954-1960) |
Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành lệnh ngừng bắn, thế nhưng Mỹ - Diệm lộ rõ ý định quyết định dùng những thủ đoạn tàn khốc nhất, những vụ thảm sát kinh khủng nhất để kìm hãm ý chí dân tộc, xóa nhòa thành quả 9 năm kháng chiến.
Ở Nam Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ cũng như Phú Yên, chúng trả thù dã man những người kháng chiến. Vụ thảm sát hàng trăm người dân vô tội ở Ngân Sơn, Chí Thạnh tháng 9/1954 chỉ là một trong trăm nghìn vụ thảm sát khác.
Những đội công tác đặc biệt “Hắc báo”, những hầm giam người, giết người với nhục hình thời trung cổ của tên bạo chúa Ngô Đình Diệm man rợ không bút nào tả xiết.
Các đợt “tố cộng”, “diệt cộng” nối tiếp nhau, với các hình thức trấn áp, “sám hối”, ly khai Đảng, ly khai chồng tập thể, ép vợ cán bộ lấy bọn tay sai hoặc binh lính ngụy ác ôn… những chiến dịch tuyên truyền, tác động tâm lý chiến đủ mọi luận điệu và thủ đoạn nham hiểm để ly gián từng thôn xóm, buôn làng, từng ấp, từng gia đình.
Tuy nhiên, những thủ đoạn ấy dù tàn bạo, điên cuồng, điêu ngoa xảo quyệt vẫn không khuất phục được người dân miền Nam. Mỹ - Diệm là “tảng đá”, chẳng những nó “ì ra” mà còn muốn bằng sức mạnh đè bẹp tất cả.
Xuất phát từ tình hình trên, Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 ra đời. “Trung ương cho khởi nghĩa giành chính quyền”, tin đó đem khắp cả tỉnh một niềm hân hoan, phấn chấn lòng người chưa từng có.
Ở Phú Yên, lúc Nghị quyết 15 chưa ra đời, đồng bào Ba Na xã Thồ Lồ đã nổi dậy diệt biệt kích Mỹ, thành lập chính quyền tự quản tháng 1/1957, diệt bọn ác ôn đầu sỏ xã Xuân Phước cuối năm 1958. Sau khi Nghị quyết 15 ra đời nhiều nơi nổi dậy diệt ác như ở huyện Sơn Hòa, Tuy Hòa 1… đã làm cho bọn ngụy quân, ngụy quyền cơ sở nơm nớp ngày đêm run sợ.
Nghị quyết 15 là tiếng kèn xung trận, thức tỉnh và thôi thúc mỗi người dân miền Nam đứng dậy! Không phân biệt nam nữ, gái trai, già trẻ, không phân biệt người Kinh, người thượng, không phân biệt đạo, đời. Vì đại nghĩa ngàn người như một, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị nhất tề vùng lên dưới ngọn cờ của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam viết nên trang sử hào hùng của giai đoạn cách mạng miền Nam hợp thành toàn bộ lịch sử dân tộc, quốc gia.
Ngoài những cán bộ được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động, khi Nghị quyết 15 ra đời, đều có cảm nghĩ đối với bản thân là chấm son của cuộc đời và cũng là báo hiệu trước sự sụp đổ của đế quốc Mỹ - Diệm, sớm hay muộn không thể tránh khỏi.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, được chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy, tôi bàn giao công việc tranh thủ về tỉnh nhận công tác mới. Trên đường đi gặp anh Ma Tam (Võ Mông) – Bí thư Ban cán sự miền Tây ở đầu ngọn núi Cờ Tổng.
Võ Mông nhấn mạnh: Tỉnh giao trách nhiệm cho Ban cán sự miền Tây chúng ta quyết giành thắng lợi trong đợt này là: “Phá cho kỳ được ấp chiến lược Phú Giang” mở đầu phong trào Đồng khởi chẳng những đối với miền Tây mà cả toàn tỉnh nữa đấy!
Nếu ấp chiến lược Phú Giang bị xóa sẽ mở ra một vùng dân cư và đất đai rộng lớn, chiếm 1/10 diện tích tự nhiên toàn tỉnh nối liền Phú Mỡ, Đá Mài, Bầu Bèng, Thồ Lồ và với các tỉnh bạn Gia Lai, Bình Định đảm bảo cho hành lang đi lại từ tỉnh ra khu, đảm bảo cho lực lượng ta có địa bàn đứng chân vững chắc.
“Ấp chiến lược Phú Giang”, địa thế cũng giống như khu vực “Mường Thanh” ở Điện Biên Phủ thu hẹp. Xung quanh có núi bao bọc, có dòng sông Cái chảy xuyên qua giữa cánh đồng lòng chảo là tiền đồn phía tây - tây bắc của ngụy quyền Phú Yên.
Ở đây có cả đồng bào Kinh lẫn đồng bào thượng, có một trung đội dân vệ và bộ máy ngụy quyền xã do tên Chi làm xã trưởng rất ngoan cố. Chính bọn chúng đã gây tang tóc cho đồng bào trong vùng, đồng thời là bọn gián điệp chỉ điểm, dẫn bọn lính bảo an quận Đồng Xuân thường xuyên lên đánh phá làng Ma Choi, Ma Dú và vùng Thồ Lồ. Cái gai này cần phải nhổ sớm.
Để tổ chức hợp đồng chiến đấu thắng lợi, ta phải vận dụng những phương châm đấu tranh chính trị, binh vận là chính, lực lượng vũ trang chỉ sử dụng khi cần thiết. Anh Võ Mông chỉ huy chung. Ma Noa, Ma Cử rút ba tổ chức du kích làng Đồng 10 người, Ma Pốp rút trung đội du kích Thồ Lồ và hai chủ làng có uy tín, có quan hệ mật thiết với đồng bào dân tộc Phú Giang để làm công tác điều tra tìm hiểu và vận động dân.
Vũ khí chỉ có 4 khẩu súng lục K.54, ngoài ra trang bị dao, tên, ná, dây, gậy. Chặt 10 cây chuối non bó lá rừng ngụy trang giả làm súng cối, súng phóng lựu đạn nghi binh.
Hôm ấy! Đêm 30/10/1960, đúng như kế hoạch đã định, chúng tôi chia thành ba tổ nắm tay nhau vượt qua sông Cái, một tổ tiến vào trụ sở xã, một tổ bao vây nhà tên Hưng đại diện trưởng ấp, một tổ bao vây nhà tên xã đội trưởng ác ôn, một tổ bố trí phục kích chặn đường đánh bọn dân vệ nếu bọn chúng ngoan cố.
Phát súng lệnh của Võ Mông nổ, tiếp đến phát súng hiệu của tôi, Dư Ái, Ma Noa, Ma Cử dưới bắn chỉ thiên ầm vang một góc núi. Các tổ du kích hành động theo kế hoạch phân công. Trong vòng 20 phút đốt phá xong trụ sở ngụy quyền ấp, bắn chết tên đại diện phó, tên đại diện trưởng mất tinh thần trong cơn hoảng loạn cố vượt qua sông Cái bị nước cuốn, bọn dân vệ thấy trời mưa chủ quan không canh gác nằm ở nhà đến lúc ấy không thể tập trung lực lượng được, tinh thần hoảng loạn đành nộp vũ khí đầu hàng.
Anh Ma Noa tập hợp quần chúng, tuyên bố giải tán chính quyền cũ, kêu gọi nhân dân truy lùng bọn ác ôn buộc chúng ra đầu thú cách mạng sẽ tha tội, thành lập chính quyền tự quản, tổ chức du kích xã, thôn kêu gọi toàn dân trong vùng vũ trang chống giặc bảo vệ thôn làng, nương rẫy, xây dựng cuộc sống mới.
Chiến lợi phẩm thu được sau khi phá ấp trang bị lại cho du kích địa phương.
Trâu, bò địch cướp giật của dân, ta trả lại cho dân.
Ấp Phú Giang được hoàn toàn giải phóng, chúng tôi tiếp tục ở lại tổ chức, xây dựng buôn làng đề phòng địch trở lại lấn chiếm. Chúng tôi gặp những bà mẹ, những người chị, những em bé và những cơ sở cách mạng hợp pháp bám ấp hoạt động trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh, đã để lại cho chúng tôi những cảm xúc không bao giờ phai. Họ chính là lý do để chúng tôi tồn tại, sống và chiến đấu.
Các mẹ, các chị, các em sống trong vùng địch tạm thời kiểm soát, ban ngày giấu cán bộ trong hầm bí mật, ngoài rẫy, ban đêm dẫn đường đi hoạt động. Nhiều lần chạm mặt với bọn dân vệ, liên gia, ấp trưởng, các mẹ tìm mọi cách để cho cán bộ chạy thoát mà bọn chúng vẫn không hay biết gì. Chúng tưởng các mẹ đi thăm bà con trong xóm. Những lúc đói cơm lạt muối được các mẹ, các chị, các em tìm cách đem thức ăn đến chỗ hẹn để tiếp tế. Bưng chén cơm ăn vẫn biết các mẹ và buôn làng chỉ bữa khoai, bữa sắn, bữa đói, bữa no.
Phá ấp chiến lược Phú Giang trong thời gian mười lăm phút. Chuyện xảy ra như một giấc mơ. Người ngoài cuộc nghe tưởng như vô lý “chắc các ông cán bộ miền Tây phịa, khuyếch trương thổi phồng”. Thế nhưng lại rất có lý. Bởi vì lòng dân thuộc về ta, bọn ngụy quyền cơ sở ta nắm, chỉ có vài thằng đại diện xã ác ôn bị diệt. Rắn đã chặt đầu tất nhiên đuôi không cựa quậy được. Bọn dân vệ đại bộ phận là người dân tộc, hễ thấy cách mạng đến là họ bỏ súng. Khi bộ máy kiềm kẹp tan rã, ta phát động quần chúng kịp thời, nhất định quần chúng sẽ nổi dậy theo cách mạng.
Phá ấp chiến lược Phú Giang thắng lợi. Ban cán sự miền Tây họp rút kinh nghiệm, bàn kế hoạch giải phóng toàn bộ miền Tây dứt điểm trong tháng 11/1960. Không thể chần chừ do dự, phải căng địch ra mà đánh khắp nơi. Nếu chần chừ chúng sẽ tập trung quân càn quét, bốc hốt hết dân thì sau này khó hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Tây.
Mặt khác, nếu không giải phóng miền Tây sớm thì cán bộ, bộ đội miền Tây vào, thanh niên đồng bằng lên sẽ không có chỗ đứng chân. Từ nhận thức đó, Ban cán sự Đảng miền Tây phối hợp với lực lượng vũ trang Sơn Hòa mở đợt hoạt động dọc đường số 7, giải phóng vùng Quang Hiển (phần đất của tỉnh Đắk Lắk) giáp ranh với xã Phước Tân, Tân Vinh, Phước Thuận, Trà Kê (khu vực đồng bào Kinh) hỗ trợ cho các đội vũ trang công tác ở địa phương phát động quần chúng nổi dậy đồng loạt giành chính quyền về tay nhân dân.
Cả tỉnh bước vào cuộc đấu tranh mới với khí thế của người chiến thắng. Có ai ngờ tới là năm 1957-1958 cũng ở miền rừng núi miền Tây này, địch xô hàng đại đội tiểu đoàn hòng “làm cỏ miền Tây” nhưng ở đó có hàng chục buôn như: Cây Vùng, Ma Dú, Ma Choi… đã vũ trang toàn dân chống giặc tạo nên cả một khu căn cứ vững chắc. Địch cậy quân đông, vũ khí nhiều mà chúng cũng đành bó tay. Huống gì hôm nay cả miền Nam, cả Tây Nguyên, phong trào cách mạng của ta như gió cuốn. Chúng ta không thể chần chừ, phải giải tán ngay ngụy quyền, ngụy quân cơ sở. Du kích với vũ khí thô sơ đứng dậy, mỗi hốc núi, mỗi bờ suối, mỗi khúc sông trở thành một làng chiến đấu.
Nghe theo lời cách mạng, chỉ trong hai ngày, hai đêm, ngọn lửa phừng phực bốc lên ngút trời.
Các xã: Phú Mỡ, Đá Mài, Bầu Bèng (Phước Tân), Cà Lúi, Suối Trai, Hòn Nhọn chính quyền tự quản đã được thành lập, hình thành vùng căn cứ địa liên hoàn nối liền các huyện đồng bằng với miền núi và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, đảm bảo hành lang chiến lược của Trung ương và của tỉnh từ Nam ra Bắc.
Hơn một nửa diện tích tự nhiên với hơn 10.000 dân thuộc về ta quản lý. Đến tháng 12/1960, địch chỉ còn đóng tại thôn Ngân Điền, Hòa Nguyên, Phong Cao, Vân Hòa, Củng Sơn (phần đất Sơn Hòa).
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chính quyền tự quản thôn xã được sớm hình thành, lực lượng dân quân du kích không ngừng phát triển. Toàn dân dấy lên phong trào chống giặc giữ làng, sản xuất giải quyết đời sống, ủng hộ bộ đội, tiếp tế nuôi quân.
Sự nghiệp giải phóng miền Tây là sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Qua việc giải phóng toàn bộ miền Tây càng thấy rõ vai trò quần chúng quyết định vận mệnh đất nước, quê hương mình. Từ thực tế ấy, theo suy nghĩ của chúng tôi, xây dựng căn cứ địa cách mạng rừng núi là yếu tố cực kỳ quan trọng, nhưng quan trọng bậc nhất là “căn cứ lòng dân”. Suốt 6 năm (1954-1960) giai đoạn đấu tranh thầm lặng cho đến khi tiến hành đấu tranh chínxh trị có lực lượng vũ trang hỗ trợ để giải phóng miền Tây, cao điểm là cuộc đấu tranh để giữ đất, giữ dân mà ta vẫn bảo tồn được thực lực cách mạch, ít tổn thất, đó là bài học, đồng thời cũng là kinh nghiệm mở đầu cho cao trào Đồng khởi toàn tỉnh đạt được nhiều thắng lợi lớn hơn.
CAO XUÂN THIÊM
(Nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ)