Thứ Năm, 02/05/2024 07:44 SA
65 năm dấu ấn thanh niên xung phong Phú Yên:
Bài 1: Thanh niên xung phong Phú Yên giai đoạn 1950 - 1953
Thứ Bảy, 05/11/2016 10:00 SA

LTS: Cùng với lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) cả nước, lực lượng TNXP Phú Yên có những cống hiến vẻ vang trong hai cuộc chiến tranh và trong cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất trang trọng về lực lượng TNXP: “Tôi luôn coi trọng TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ.

 

Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu đôi nét về truyền thống TNXP Phú Yên do TS Cao Văn Thử, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Phú Yên chủ biên, với sự cộng tác của các cựu TNXP qua các thời kỳ và các cộng sự)

 

Nữ Chiến sĩ thi đua toàn quốc Nguyễn Thị Cam - Ảnh tư liệu

Cuối năm 1949 và những tháng đầu năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta ngày càng phát triển mạnh. Trên toàn quốc, lực lượng vũ trang nhân dân mở nhiều chiến dịch quy mô lớn như chiến dịch Sông Thao, chiến dịch Sông Lô (tháng 4/1949), chiến dịch Hòa Bình (tháng 11/1949), chiến dịch Mỹ Tho (tháng 11/1949), chiến dịch Lê Hồng Phong (đầu năm 1950)…

 

Năm 1950, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều chuyển biến quan trọng. Tháng 1/1950, Liên Xô và nhiều nước cộng hòa dân chủ nhân dân đã công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ ta, làm cho thế và lực của ta ngày càng mạnh hơn.

 

Cuộc chiến kháng Pháp ngày càng ác liệt. Nhu cầu sửa cầu đường, làm thủy lợi, vận chuyển súng đạn, lương thực, thuốc men cho bộ đội trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong khi đó việc huy động lực lượng đi dân công hỏa tuyến gặp một số hạn chế nhất định. Trước hết, thời gian dân công phục vụ cho các chiến trường thường chỉ vài chục ngày đến một, hai tháng. Với thời gian ngắn như vậy, các cấp lãnh đạo không thể làm tốt công tác tổ chức, giáo dục chu đáo và không thể đảm đương được nhiệm vụ đột xuất và những nhiệm vụ đòi hỏi thời gian dài.

 

Vấn đề đặt ra đó là một tổ chức tập hợp một lực lượng lớn thanh niên tình nguyện được giáo dục và tổ chức chặt chẽ để phục vụ kháng chiến lâu dài với những nhiệm vụ cụ thể: mở đường, đắp đập thủy lợi, vận chuyển hàng hóa, tải thương, thu chiến lợi phẩm…

 

Tháng 7/1950, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết về vận động Thanh niên đề ra nhiệm vụ:

 

- Động viên Thanh niên xung phong trong các phong trào kháng chiến, hoàn thành công tác chuẩn bị tổng phản công.

 

- Xây dựng tổ chức thanh niên trung kiên, phát triển rộng rãi mặt trận thanh niên.

 

-Đem lại các lợi ích thiết thực cho thanh niên như: học tập văn hóa, nghề nghiệp…

 

-Chăm lo thiếu niên và nhi đồng.

 

Ngày 15/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ Chiến dịch biên giới lấy tên là Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, tỉnh Thái Nguyên gồm 225 cán bộ, đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc làm đội trưởng. Quyết định lịch sử này tạo thuận lợi để lớp lớp thanh niên thể hiện lòng yêu nước, rèn luyện tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, dũng cảm hy sinh cống hiến sáng tạo và hoàn thành xuất nhiệm vụ được giao.

 

Từ Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, Lực lượng TNXP trong cả nước được hình thành, ngày càng phát triển và trưởng thành theo sự lớn mạnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, thanh niên xung phong là lực lượng xung kích ngày đêm sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ quan trọng phục vụ chiến đấu, vận chuyển lương thực, vũ khí, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, tải thương và chăm sóc thương binh… Những chiến công của Lực lượng TNXP trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử trong cả nước mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Ngày 27/4/1950, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 4 được tổ chức. Đại hội đề ra nhiệm vụ toàn Đảng bộ gấp rút hoàn thành chuẩn bị phản công và chuyển mạnh sang tổng phản công. Trong báo cáo của đại hội cũng đánh giá: Gần 5 năm qua, lực lượng dân công đã có những cố gắng vượt bật, chịu đựng sự hy sinh gian khổ, đã đóng góp nhiều công sức cho sự thành công trong công tác vận chuyển hàng hóa và vũ khí lương thực ra chiến trường.

 

Trong số các thành phần trong dân công thì lực lượng thanh niên đóng vai trò quan trọng, là nòng cốt. Đồng thời, báo cáo cũng đề ra nhiệm vụ phải tiếp tục tổng động viên toàn lực phục vụ cho chiến trường.

 

Nhờ có đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo của Liên Khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5, đặc biệt sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Đảng bộ Phú Yên, qua chiến đấu và xây dựng, được rèn luyện trong gian khổ kháng chiến, tinh thần cách mạng của nhân dân, sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang ngày càng dẻo dai, từng bước đánh bại âm mưu của địch và ngày càng trưởng thành.

 

Ngay sau trận lụt lịch sử năm 1949, mặc dù nhân dân ta còn lương thực dự trữ cho một cuộc chiến lâu dài nhưng để đề phòng mùa màng thất thu trong những năm tới, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh lúc này là đồng chí Phạm Ngọc Quế làm Chủ tịch đã đề ra phương án một cách cấp thiết: tích cực lao động sản xuất, trồng hoa màu phụ, tích cực diệt chuột phá hoại mùa màng, triệt để tiết kiệm lương thực, thực phẩm. Huy động tất cả các ban ngành đoàn thể lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt hỗ trợ ứng cứu cho nhân dân tránh bị thiên tai, dịch họa tàn phá nặng, giúp người dân ổn định tình hình, cứu trợ những gia đình lâm vào nạn đói.

 

Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh, quân và dân tỉnh Phú Yên tranh thủ mọi thời gian, tận dụng mọi cơ hội, từng mảnh đất mới được khai hoang trồng hoa màu phụ, rau xanh. Sản xuất để vượt qua nạn đói trở thành chiến dịch phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Quân và dân trên dưới đồng lòng để vượt qua thử thách trước mắt.

 

Tháng 6/1950, chiến dịch biên giới giành thắng lợi, giải phóng vùng biên giới phía Bắc nước ta và mở rộng khu căn cứ Việt Bắc. Ở Phú Yên, đồng bào vùng tự do hăng hái đóng góp lương thực, tiền của, vật tư cho kháng chiến. Thanh niên Phú Yên hăng hái tham gia tòng quân, lực lượng dân quân phát triển sâu rộng. Ở vùng tạm chiếm, phong trào đấu tranh chính trị và quân sự bao vây, cô lập địch cũng diễn ra sôi nổi, quyết liệt, buộc chúng không thể mở rộng vùng chiếm đóng, phải chuyển sang sử dụng lực lượng không quân, hải quân và chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp đánh phá về kinh tế và gieo tâm lý hoang mang sợ hãi trong nhân dân.

 

Ở vùng miền núi Phú Yên, dù bị kẻ thù đánh phá nhưng nhờ quân ta làm tốt công tác thượng du vận, bám dân từng bước xây dựng phong trào du kích chiến tranh nên đảm bảo an toàn các hành lang vận tải của ta từ Phú Yên đi Đắk Lắk.

 

Toàn dân hưởng ứng phòng trào tiết kiệm và cứu đói của Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh phát động. Lực lượng thanh niên xung kích hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm, cung cấp lương thực cho chiến trường. Đồng thời, tổ chức các đoàn cứu đói đưa một phần gạo, áo quần và tiền bạc của Hồ Chí Minh gởi tặng đến ủng hộ đồng bào đang bị đói trong tỉnh. Bên cạnh đó, còn cứu giúp các bệnh nhân, tạo công ăn việc làm cho đồng bào nghèo. Các biện pháp hỗ trợ tích cực của Đảng và chính quyền đã phần nào giúp nhân dân sớm vượt qua nạn đói.

 

Ở vùng rừng núi phía Tây của Tỉnh, hàng ngày địch từ các đồn Cà Lúi, Bà Lá, M’ đrắk, Cheo Reo… bung ra lùng sục, càn quét, lập tề, bắt phu, bắt lính. Lực lượng thanh niên các buôn làng cùng các chiến sĩ đội công tác thượng du vận xây dựng phong trào chiến tranh du kích, phá tề, xây dựng cơ sở quần chúng ở các buôn sát đồn, hình thành thế bao vây địch, bảo đảm an toàn hành lang vận tải của ta.

 

Tháng 4/1952, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh cùng Liên hiệp Công đoàn Tỉnh tổ chức Đại hội Liên hoan Chiến sĩ thi đua lần thứ nhất tại Gò Chai, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân. Đại hội đã bình chọn những thanh niên xuất sắc trong phong trào thi đua trên các lĩnh vực kháng chiến trong đó người phụ nữ được vinh danh trong số 7 người tại Đại hội chính là Nguyễn Thị Cam, nữ thanh niên xung kích đi dân công phục vụ chiến trường bằng mã thồ. Nữ thanh niên Nguyễn Thị Cam một mình dắt 3 con ngựa, chở hơn 200kg hàng luồn qua đồn bót địch. Một năm chị phục vụ chiến trường 300 ngày. Tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952, chị được vinh dự nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.

 

Trong năm 1952-1953, giặc Pháp kết hợp hải quân, không quân và quân biệt kích đổ bộ đánh phá nhiều vùng. Chúng đốt nhà, phá kho lương thực, kho muối, bắt người, lôi kéo người vào vùng tạm chiếm. Ở miền núi phía Tây tỉnh, quân Pháp ở các đồn Hai Đức, Hai Riêng, Cà Lúi, Ma Phu bung ra lùng sục, càn quét, lập tề, bắt lính, bắt phu… Ủy ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh phát động toàn dân cảnh giác, ra sức phòng gian bảo mật.

 

Dân quân và nhân dân tăng cường ngày đêm xây dựng phong trào chiến tranh du kích, xây dựng cơ sở quần chúng, hình thành thế bao vây địch. Đẩy mạnh công tác phòng không không quân nhân dân, chuyển sinh hoạt vào sáng sớm hoặc chiều tối, làm “bồ” báo hiệu, đào hầm núp máy bay. Thành lập quỹ “chống khủng bố” giúp đỡ những gia đình bị địch đánh phá, tổn thất về người và của…

 

Bên cạnh đó, lực lượng thanh niên còn vận động kêu gọi địa chủ, phú nông thực hiện phong trào giảm tô. Cuộc vận động giảm tô triệt để, chia lại công điền cuối năm 1952 đầu năm 1953 đã thu được nhiều kết quả mĩ mãn. Những lời động viên, khích lệ của lực thanh niên tuyên truyền đã giúp người nông dân đoàn kết, phấn khởi tham gia hăng say lao động sản xuất nông nghiệp cũng như giúp đỡ công tác kháng chiến.

 

Trong không khí hào hùng, phấn khởi, toàn dân thi đua đẩy mạnh kháng chiến tiến tới. Ngoài tiền tuyến bộ đội thi đua giết giặc lập công. Ở hậu phương nhân dân thi đua tăng gia sản xuất, bố phòng giữ vững vùng tự do nhằm xây dựng một hậu phương vững mạnh về mọi mặt. Hầu khắp những nơi công cộng, đường phố cả những nơi nông thôn hẻo lánh, đâu đâu cũng có khẩu hiệu “thi đua là yêu nước”, “yêu nước phải thi đua”.

 

Dù cuộc chiến đấu vẫn diễn ra ngày đêm ác liệt nhưng lực lượng thanh niên vẫn quyết tâm thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Dù phải gian lao kháng chiến nhưng một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”, thanh niên bám ruộng đồng thời tích cực tham gia sản xuất, đi đầu trong phong trào vận động giảm tô, giảm tức, thực hiện đóng thuế nông nghiệp.

 

Giữa bom rơi đạn lạc, lớp học bình dân vẫn mở để “diệt giặc dốt”, tiếng ca lạc quan của thế hệ trẻ vẫn vang lên trong những ngày kháng chiến gian khổ. Sự lạc quan, tự tin ấy đã ăn sâu vào thế hệ thanh niên nước ta, trong gian nan vẫn tràn ngập niềm tin chiến thắng.

 

---------------------- 

Bài 2: Chi viện chiến trường Tây Nguyên và Bắc Khánh Hòa

 

TS CAO VĂN THỬ

(Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek