Thứ Tư, 01/05/2024 02:58 SA
Cuộc vận động dân chủ ở phủ Tuy Hòa năm 1936 và 1937
Thứ Sáu, 04/11/2016 08:12 SA

Chấp hành các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Phú Yên do đồng chí Trần Hào làm Bí thư, tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh đấu tranh công khai, vận động thành lập Mặt trận dân chủ, tập hợp được một lực lượng lớn quần chúng vào các tổ chức công khai như Đoàn Thanh niên dân chủ, Hội Đá banh, Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Cày, Hội Cấy, Hội Thợ may, Hội Ái hữu thợ thuyền…

 

Đồng chí Trần Hào, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên năm 1936-1937

Phong trào cách mạng trên địa bàn phủ Tuy Hòa, sau những năm hồi phục, trước những chủ trương thích hợp của Đảng đã phát huy tác dụng nhanh chóng. Quần chúng công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh, viên chức, kể cả tư sản tiến bộ đều nhiệt liệt hoan nghênh, tích cực ủng hộ những người cộng sản. Tại các làng Nho Lâm, Hạnh Lâm, Đại Bình… (Hòa Quang), Long Tường, Phụng Tường… (Hòa Trị), các tổ chức công khai hoạt động khá mạnh, như Liên đoàn xe hơi, Liên đoàn xe ngựa. Hội Đọc sách báo tiến bộ do đồng chí Trần Hào thành lập từ năm 1933 đã phát triển thêm được 12 thành viên nòng cốt. Tài liệu, sách báo của Hội lúc này phong phú hơn về số lượng và chất lượng; thiết thực và thời sự hơn. Ngoài các loại sách báo công khai, Hội còn tổ chức các buổi nghiên cứu, thảo luận các tác phẩm chính trị như: “Nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin”, “Vấn đề dân cày”, “Ngục Kon Tum” và các bài viết của các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt… trên các tờ báo công khai. Hoạt động của Hội là một hình thức hoạt động công khai của Đảng ở phủ Tuy Hòa, có ảnh hưởng tốt đến phong trào cách mạng chung của phủ Tuy Hòa và cả tỉnh Phú Yên.

 

Cùng với những hoạt động công khai, tổ chức đảng ở phủ Tuy Hòa còn tích cực tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống cường hào, địa chủ ở nông thôn, vận động nhân dân tương trợ giúp đỡ khi khó khăn hoạn nạn. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Hào bám sát cơ sở để hoạt động, trực tiếp chỉ đạo Chi bộ A mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển tổ chức cơ sở đảng trên các địa bàn quan trọng của tỉnh ở Khu Đồng Bò, Hòa Trị, Hòa Thắng…; bí mật chuyển hàng trăm quyển sách đến các vùng Hòa Thắng, Hòa Trị, Hòa Định… cho thanh niên đọc để khơi dậy lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng.

 

Tại Hòa Trị, đồng chí Nguyễn Thanh Hương, đảng viên Chi bộ A được Đảng phân công về đây tổ chức, lãnh đạo các hoạt động công khai, nửa công khai, phát triển các hội tương tế, ái hữu… của Hòa Trị. Trên cơ sở đó, thu hút nhiều thanh niên vào quỹ đạo cảm tình của Đảng như: Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Ky, Lê Vàng, Lê Xuất, Lê Cương, Nguyễn Cảng, Phạm Trọng Tuyên, Nguyễn Thức, Nguyễn Tài…

 

Ở Hòa Thắng, người trí thức yêu nước Đào Thế Lữ tổ chức cho nhiều thanh niên của các làng trong xã đọc sách báo tiến bộ của Hội Đọc sách báo tiến bộ, mà anh là thành viên. Thông qua việc truyền bá sách báo tiến bộ, các cơ sở đảng ở phủ Tuy Hòa đã vận động, tổ chức đưa các tổ chức công khai và bán công khai ở Hòa Thắng phát triển theo đường lối của Đảng.

 

Là địa bàn đứng chân của phần lớn đảng viên ở phủ Tuy Hòa, Hòa Quang có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động của các tổ chức công khai và bán công khai của Đảng. Đồng chí Trần Hào cùng với đồng chí Nguyễn Tự Đoan trực tiếp lãnh đạo phong trào. Hoạt động tiêu biểu trong thời kỳ này là Hội Truyền bá chữ quốc ngữ… đã thu hút đông đảo thanh niên các xã Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Trị… tham gia. Chi bộ A tổ chức các lớp học ban đêm, lớp học gia đình để cổ vũ phong trào học chữ quốc ngữ. Ở các lớp học này phần lớn do đồng chí đảng viên có bằng sơ học yếu lược đảm trách. Số người học chữ quốc ngữ ngày càng đông. Ngoài việc dạy chữ quốc ngữ, các thầy giáo còn vận động tuyên truyền xây dựng cơ sở đảng, phát triển các hội tương tế, ái hữu, phát động quần chúng đấu tranh đòi những quyền lợi dân sinh, dân chủ. Trong năm 1936, Hội Ái hữu nông dân phát triển đều khắp các thôn: Nho Lâm, Hạnh Lâm, Đại Bình, Đại Phú, Trường Phú, Thịnh Nghiệp, Long Tường, Phụng Tường, Quy Hậu, Ngọc Sơn, Mậu Lâm, Thanh Lâm… với số lượng hội viên hơn 300 người. Các hoạt động vần công như: lợp nhà, cày, cấy… là hình thức hoạt động công khai của Hội Ái hữu nông dân ở phủ Tuy Hòa, có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực trong việc quyên góp, giúp đỡ tương trợ các gia đình nghèo khổ, neo đơn.

 

Tháng 9/1936, phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp nhân dân ở phủ Tuy Hòa tiếp tục phát triển lên một bước mới thông qua phong trào Đông Dương Đại hội. Được tin Quốc hội Pháp quyết định cử phái đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương, thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, Tỉnh ủy Phú Yên và tổ chức cơ sở đảng ở Tuy Hòa phát động và tổ chức các tầng lớp nhân dân tại địa phương thu thập nguyện vọng tự do, dân chủ gửi tới phái đoàn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Hào, các đồng chí đảng viên Chi bộ A được phân công về các xã Hòa Trị, Hòa Thắng, Hòa Định, Hòa An và đến một số địa bàn của phủ Tuy Hòa để vận động quần chúng thu thập nguyện vọng và ký tên vào bản dân nguyện. Tại Hòa Trị, đồng chí Nguyễn Thanh Hương - do Chi bộ A phân công thu thập chữ ký của dân ở các làng Long Tường, Phụng Tường được hơn 200 chữ ký. Ở Hòa Quang và các xã khác trên địa bàn Phú Hòa phong trào thu thập chữ ký dân nguyện cũng phát triển mạnh mẽ, mỗi xã thu thập được vài trăm chữ ký của dân.

 

Ngày 21/9/1936, có lệnh cấm Đông Dương Đại hội toàn xứ Trung Kỳ. Phong trào quần chúng hoạt động hợp pháp ở phủ Tuy Hòa triển khai chưa đầy một tháng đã bị bóp nghẹt.

 

Trước sự phá hoại của chính quyền thực dân và bọn phản động, Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ đạo Chi bộ A và các cơ sở đảng ở phủ Tuy Hòa chuyển hướng đấu tranh, vẫn theo hình thức dân chủ công khai, nhưng tập trung vào các quyền lợi dân sinh, cụ thể là đấu tranh chống dự án tăng thuế điền (năm 1936, hệ thống thủy nông Đồng Cam hoàn thành và đưa vào sử dụng được vài năm. Chính phủ Nam triều dự định tăng thuế điền). Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Chi bộ A đã lãnh đạo nhân dân phủ Tuy Hòa đấu tranh bằng hình thức ký đơn tập thể gửi Viện Dân biểu Trung Kỳ đòi không được tăng thuế. Ngoài ra, Chi bộ A còn lãnh đạo nhân dân các làng Tân Mỹ, Lương Phước, Quảng Phú, Thạnh Phú… viết đơn tập thể gửi lên Khâm sứ Trung Kỳ kiện chủ Nhà máy đường Đồng Bò trả lại ruộng đất mà y đã mướn với giá rẻ mạt. Kết quả, chủ Nhà máy đường Đồng Bò phải nhượng bộ, trả thêm tiền mướn đất lên gấp hai lần.

 

Cuối năm 1936, Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Hào đứng ra triệu tập Hội nghị thành lập Đoàn Thanh niên tỉnh Phú Yên. Hội nghị được tổ chức tại làng Nho Lâm (Hòa Quang). Tham dự hội nghị có khoảng 30 đại biểu, gồm một số đảng viên của Chi bộ A và thanh niên cảm tình Đảng. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên tỉnh Phú Yên, có 3 đồng chí; đồng chí Phan Văn Dự được bầu làm Bí thư Tỉnh đoàn - đây là đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn đầu tiên của tỉnh Phú Yên.

 

Đầu năm 1937, trong dịp Gô đa, phái viên của Chính phủ Pháp, sang điều tra tình hình Đông Dương và Toàn quyền Brevie sang nhận chức ở Đông Dương, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình lớn diễn ra suốt từ Bắc đến Nam. Đó là cuộc biểu dương lực lượng lớn, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào.

 

Tháng 4/1937, theo chủ trương của Tỉnh ủy, các tổ chức công khai và bán công khai ở phủ Tuy Hòa tích cực vận động nhân dân các xã chuẩn bị đón phái đoàn Gô đa - đại diện Chính phủ Pháp. Các cơ sở nòng cốt của Đảng và lãnh đạo các tổ chức công khai ở các xã Hòa Quang, Hòa Định, Hòa Thắng, Hòa Trị phát động quần chúng, thu thập nguyện vọng ký tên vào “Bản dân nguyện” và tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp, sau đó, tổ chức đoàn biểu tình hơn 2.000 người kéo xuống phủ Tuy Hòa, tập trung trước cửa nhà hàng Băng ga lô kéo dài đến đồn lính khố xanh, chờ đón phái đoàn Gô đa. Chính quyền thực dân hoảng sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở Phú Yên, một mặt chúng răn đe, hăm dọa cấm các viên chức, giáo viên bỏ sở tham dự mít tinh đón phái đoàn Gô đa, mặt khác chúng đưa phái đoàn Gô đa từ Quy Nhơn lên Đà Lạt vào Sài Gòn, rồi ra thẳng Hà Nội, bỏ kế hoạch đi qua các tỉnh Nam Trung Bộ.

 

Ngày 20/7/1937, sau một thời gian vận động, rèn luyện thử thách, kết nạp một số đảng viên mới, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định thành lập Chi bộ Long Phụng Tường, chi bộ thứ hai được thành lập trên địa bàn phủ Tuy Hòa - sau Chi bộ A ở Hòa Quang. Đây là chi bộ đảng đầu tiên của xã Hòa Trị. Trong cuộc họp thành lập chi bộ có sự tham dự của đồng chí Phan Văn Dự - phái viên của Tỉnh ủy và các đồng chí đảng viên trong chi bộ: Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Hữu Đức (Bảy Kỳ)… Đồng chí Nguyễn Thanh Hương được cử làm Bí thư chi bộ.

 

Sau khi thành lập, Chi bộ Long Phụng Tường kết nạp thêm đảng viên mới là đồng chí Nguyễn Thức; tiếp sau đó là đồng chí Lê Xuất; đồng thời chi bộ lãnh đạo, vận động và tập hợp đông đảo nhân dân hai làng Phước Khánh, Quy Hậu (Hòa Trị) chống lại bọn lính tây thương chánh đến bắt người dân nấu rượu, buộc chúng phải lui về.

 

Ngày 1/5/1937, Tỉnh ủy Phú Yên lãnh đạo các chi bộ, cơ sở đảng và các tổ chức công khai ở phủ Tuy Hòa tiến hành tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, nhằm giáo dục ý thức giai cấp và truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng cho đảng viên và quần chúng trung kiên. Thông qua các đoàn thể dân chủ và các tổ chức công khai ở phủ Tuy Hòa, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức trọng thể buổi mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5, tại núi Miếu ở xã Hòa Quang. Tham dự buổi lễ có hơn 500 người, đại diện nhân dân các làng của các xã Hòa Quang, Hòa Định, Hòa Thắng, Hòa Trị… Đồng chí Trần Hào, đại diện Tỉnh ủy và Mặt trận dân chủ diễn thuyết, nêu ý nghĩa, mục đích Ngày Quốc tế lao động, nêu cao tinh thần đấu tranh của nhân dân lao động trên toàn thế giới và vạch trần tội ác, sự bóc lột dã man của bọn thực dân phong kiến ở nước ta và ở địa phương. Những người tham dự mít tinh hô vang những khẩu hiệu đòi cải thiện dân sinh, dân chủ và “nhiệt liệt ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp”. Buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1937) do Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức tại núi Miếu, Hòa Quang để lại những ấn tượng sâu sắc và âm hưởng lan truyền trong quần chúng nhân dân phủ Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên.

 

THÀNH NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek