Thứ Năm, 02/05/2024 20:51 CH
65 năm dấu ấn thanh niên xung phong Phú Yên:
BÀI 7: Phục vụ tổng tấn công mùa xuân 1975
Thứ Ba, 15/11/2016 10:14 SA

Nữ TNXP trong kháng chiến chống Mỹ

Sau 3 năm tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trên vùng đất Phú Yên, quân Mỹ và ngụy bị ta tiêu diệt và loại ra khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên; ta đánh thiệt hại nặng một số đại đội, liên đội lính bảo an địch; vùng căn cứ cách mạng được xây dựng liên hoàn từ huyện Tây Nam đến Sơn Hòa, Miền Tây, vùng giải phóng đồng bằng được mở rộng, tạo thành từng mảng làm chủ liên hoàn ở Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2. Thắng lợi to lớn trong cuộc tiến công chiến lược mùa hè năm 1972 của quân và dân miền Nam, cùng với việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược dùng máy bay B52 thả bom miền Bắc đã buộc Mỹ ngồi vào bàn Hội nghị ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 rút hết quân Mỹ và quân chư hầu về nước, chấm dứt sự dính líu và can thiệp quân sự của Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Ngày 29/3/1975, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ rút các đơn vị cuối cùng về nước. Tại Phú Yên đến ngày 12/2/1973, toàn bộ lính Mỹ và chư hầu đã rút hết.

 

Theo quy định của hiệp định, từ Trung ương đến các tỉnh, thành miền Nam hình thành cơ quan Liên hợp quân sự 4 bên để giám sát việc ngừng bắn và trao trả tù binh. Cơ quan này ở Phú Yên do đồng chí Ông Văn Bưu, Tỉnh đội trưởng phụ trách. Đồng thời theo chủ trương của Khu ủy 5, tỉnh thành lập Ban Đấu tranh thi hành Hiệp định Paris do đồng chí Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để chỉ đạo các công việc còn lại của tỉnh trong điều kiện “vừa có hòa bình vừa có chiến tranh”. Trong ban này còn có các đồng chí: Lê Xưng, Tham mưu trưởng Tỉnh đội; Thanh Lâm, Chủ nhiệm Hậu cần Tỉnh đội; Nguyễn Tường Thuật, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy và một số đồng chí giúp việc khác. Nhiệm vụ đấu tranh quân sự do Tỉnh đội đảm nhận.

 

Nhưng với bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, sau ngày hiệp định có hiệu lực, Mỹ chủ trương hiện đại hóa, tinh nhuệ hóa quân đội ngụy; gấp rút đưa vào miền Nam Việt Nam máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến, pháo hạng nặng và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Mỹ chỉ đạo chính quyền Sài Gòn ra sức bắt lính, phát triển lực lượng địa phương quân, cơ cấu lại lực lượng lính bảo an thành đơn vị cơ động mạnh. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu công khai tuyên bố phá hoại Hiệp định Paris, đưa ra khẩu hiệu 4 không (không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử); tập trung mọi lực lượng, thủ đoạn thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, nhằm xóa thế da báo, xóa bỏ tình trạng hai chính quyền, hai quân đội, ba lực lượng hiện có, biến miền Nam Việt Nam thành lãnh thổ chỉ có một chính quyền tay sai của Mỹ.

 

Mỹ - ngụy đồng loạt mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ”, tung quân lấn chiếm vùng giải phóng, đánh phá các cửa khẩu; bao vây kinh tế vùng căn cứ, vùng giải phóng; rải quân chiếm giữ đường số 7, đường số 6; chốt giữ một số cứ điểm quan trọng ở Ngân Điền, Đồng Cam...

 

Đối với vùng nông thôn đồng bằng đã giải phóng và làm chủ, địch dùng thủ đoạn đánh phá từng bước có trọng điểm. Những nơi địch đủ sức đánh phá thì tập trung quân đánh phá. Những nơi thấy chưa đủ sức thì thực hiện kế hoạch hòa hoãn với ta như ở Hòa Mỹ, Hòa Phong, Hòa Đồng.

 

Đối với vùng căn cứ, giải phóng ở miền núi và ven núi địch đánh phá, ném bom hủy diệt một số nơi, tung lính biệt kích thám báo, thăm dò tình hình.

 

Với những thủ đoạn trên, địch lấn chiếm được một số vùng quan trọng như Xuân Lãnh, đường số 7. Một số vùng lực lượng cách mạng bị địch đánh bật ra, cán bộ không còn bám được dân. Một số cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều cán bộ hy sinh, bị bắt, bị tù đày. Lực lượng phòng vệ dân sự địch ở nông thôn đồng bằng bắt đầu khôi phục.

 

Về phía ta, trước và sau ngày hiệp định có hiệu lực, các lực lượng vũ trang của ta nhiều nơi dũng cảm, kiên cường, không rời trận địa, bám đất, giành dân, đánh trả các cuộc tiến công “tràn ngập lãnh thổ” của địch và giải phóng nhiều xã, nhiều nơi, khôi phục vùng làm chủ, vùng tranh chấp; đồng thời nêu cao thiện chí hòa bình, nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris. Các lực lượng ở tuyến sau tích cực phục vụ chiến đấu và đẩy mạnh sản xuất.

 

Nhưng từ tháng 3/1973, địch tăng cường đánh phá quyết liệt. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND cách mạng lâm thời tỉnh chỉ đạo mở các lớp tập huấn, cử cán bộ xuống địa phương quán triệt tinh thần hiệp định; giúp cán bộ cơ sở và nhân dân thấy rõ thắng lợi to lớn và có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, xảo quyệt của Mỹ - ngụy trong giai đoạn cách mạng mới.

 

Ở vùng địch kiểm soát, chính quyền cách mạng đề ra các biện pháp cụ thể giúp đỡ nhân dân trở lại cuộc sống bình thường; lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi thi hành hiệp định, đòi quyền tự do, dân chủ. Ở vùng ta bị địch nống ra lấn chiếm, nhiệm vụ hàng đầu là chống lấn chiếm, chống bình định, thu hồi quyền làm chủ.

 

Tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam. Tiếp đến, Khu ủy 5 tổ chức hội nghị (tháng 7/1973) thông qua nghị quyết đánh bại kế hoạch lấn chiếm, bình định của địch; giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực cách mạng.

 

Dưới ánh sáng Hội nghị Trung ương lần thứ 21 và Nghị quyết Hội nghị Khu ủy 5, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ V thẳng thắn đánh giá những mặt làm được và chưa làm, đặc biệt là từ ngày ký Hiệp định Paris. Trên cơ sở đó, đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ là: “Ra sức đánh bại lấn chiếm, giành chủ động, thu hồi lại vùng ta, đánh bại kế hoạch bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển lực lượng của ta, nhất là ở cơ sở”.

 

Nghị quyết đại hội nhấn mạnh một số vấn đề mang tính chiến lược như: chuyển phong trào vùng địch lên một bước mới, chú trọng công tác binh vận, công tác mặt trận và công tác chính quyền, xây dựng 3 thứ quân, xây dựng căn cứ địa hoàn chỉnh, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, nỗ lực giành thắng lợi từng bước, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn.

 

Thực hiện nghị quyết của đại hội, từ cuối năm 1973 đầu năm 1974, phong trào phản công, tiến công, chống càn quét lấn chiếm diễn ra mạnh mẽ. Đêm 16 rạng ngày 17/7/1974, ta mở màn chiến dịch hè - thu đồng loạt nổ súng tấn công 25 mục tiêu, trọng điểm là huyện Đồng Xuân và các xã phía nam Sông Cầu, phía bắc Tuy An, khôi phục vùng làm chủ, mở rộng vùng tranh chấp. Nhiều vùng địch lấn chiếm bị ta đánh bật ra, đưa trạng thái chiến trường các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An lên gần như trước ngày hiệp định có hiệu lực (28/1/1973). Bộ máy kèm kẹp của địch nhiều nơi tan rã, mất tác dụng.

 

Tại thị xã, thị trấn vùng địch kiểm soát, nhân dân nổi dậy đấu tranh chống tham nhũng, đòi hòa giải, hòa hợp dân tộc, đòi thi hành Hiệp định Paris.

 

Cùng với việc chỉ đạo các ban, ngành và lực lượng phá vỡ âm mưu giành dân, tái chiếm vùng giải phóng, Tỉnh ủy, UBND cách mạng lâm thời tỉnh giao cho các ban, ngành chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975.

 

Đầu năm 1973, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được điện của Trung ương về xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy và UBND cách mạng lâm thời tỉnh cử hai tổ đi tìm cây gỗ mun gửi ra Trung ương xây dựng lăng Bác. Lãnh đạo tỉnh phân công đồng chí Huỳnh Phước Thẩm, Trưởng Ban Sản xuất tỉnh và đồng chí Tiêu Văn Nghề, cán bộ trung cấp lâm nghiệp từ miền Bắc vào cùng lực lượng TNXP Phú Yên chia làm 2 tổ tìm gỗ mun với sự giúp đỡ của bà con dân tộc, tổ của đồng chí Tiêu Văn Nghề tìm được cây gỗ mun rất lớn ở buôn Suối Trầu (xã Sơn Hòa).

 

Ngày 6/4/1974, Tỉnh ủy Phú Yên làm lễ hạ cây gỗ mun, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân bổ nhát rìu đầu tiên. Lực lượng TNXP Phú Yên hạ cây gỗ mun, xẻ ra theo quy cách và tổ chức vận chuyển từ Phú Yên lên đường Hồ Chí Minh ở Tây Nguyên để bàn giao cho Khu 5 vận chuyển ra Bắc.

 

Tháng 6/1973, thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND cách mạng lâm thời tỉnh quyết định thành lập Ban Tiếp nhận chi viện (gọi tắt là Ban Chi viện) do đồng chí Lê Bích Hải, Trưởng Ban Tài chính làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Kim Khôi, Chánh Văn phòng UBND cách mạng lâm thời tỉnh làm Bí thư Đảng ủy cơ sở Ban Chi viện, đồng chí Nguyễn Thinh (Bốn Xuân) làm Trưởng Tiểu ban Chi viện tiền phương, đồng chí Đinh Chí Cà làm Trưởng Tiểu ban Vận tải. UBND cách mạng lâm thời tỉnh trưng tập 20 cán bộ Dân Chính Đảng, 120 TNXP của Ban Hành lang vận chuyển, một tiểu đội công an làm công tác bảo vệ, một tổ điện đài vô tuyến điện do ông Trần Đăng Khoa phụ trách và 2 cán bộ y tế (dược sĩ Vũ Đăng Ninh và y sĩ Lai). Nhiệm vụ của ban là lo việc mở đường, xây dựng kho tàng, vận chuyển hàng hóa từ Ea Xúp, Rừng Xanh (Đắk Lắk) về căn cứ Hòn Lúp; làm cầu vượt sông Ba để tiếp nhận hàng viện trợ của Trung ương. Để bảo đảm công tác giao thông vận tải phục vụ giải phóng Phú Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Phạm Hồng Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách.

 

Sau ba tháng thi công với sự đóng góp hàng vạn ngày công của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã Sông Hinh, Ea Trol, Ea Bá (huyện Tây Nam), Suối Trai, Cà Lúi (huyện Miền Tây) con đường từ Hòn Lúp đi Đắk Lắk dài gần 200km đã hoàn thành. Đây là một nhiệm vụ hết sức vinh dự của lực lượng TNXP trực tiếp lúc này, nhận viện trợ của Khu 5 chi viện cho tỉnh đóng tại kho Y-ea Bút Đắk Lắk. Lực lượng tham gia gồm có đồng chí Đinh Chí Cà, Trưởng Tiểu ban Vận tải và 80 đồng chí lực lượng TNXP cùng trực tiếp nhận viện trợ 80 chiếc xe đạp thồ và cử 8 đồng chí trong đội vận tải có sức khỏe đi học lái xe tại trường lái xe của Ban Giao vận khu; như: Kiều Công Kính, Sa, Gương, Lẹ... Toàn bộ lực lượng của Tiểu ban Cầu đường được điều động ra tuyến trước, mở đường phục vụ chiến đấu; chỉ để lại 3 đồng chí trông coi cơ quan và sản xuất.

 

Lực lượng vận tải được phân công bám các cửa khẩu để đưa lương thực, vật tư về căn cứ. Tổ rèn cũng được tạo mọi điều kiện rèn dụng cụ để mở đường. Trạm xá của TNXP đóng tại Tân Lương được bổ sung thuốc men, y cụ, giường bệnh và nhân viên cứu thương, kịp thời điều trị cho cán bộ CNV trong ngành.

 

Ngày 5/4/1974, Tiểu ban Cầu đường cùng đồng bào dân tộc huyện Miền Tây và Sơn Hòa đã mở đường, củng cố, nâng cấp đoạn từ Hòn Lúp đến bờ phía bắc sông Ba. Sau đó đơn vị chuyển sang mở đường phía bờ nam sông Ba lên giáp Đắk Lắk. Đồng chí Hồ Văn Hòa - Ủy viên Ban Giao vận, được phân công cùng 5 đồng chí khác tổ chức khảo sát thiết kế làm cầu và mở đường qua sông Ba đến Đắk Lắk.

 

Trên tuyến đường dài gần 100 cây số từ Hòn Lúp đến Đắk Lắk, các kho, trạm, trại được xây dựng dọc đường đi để chứa hàng và làm nơi nghỉ ngơi cho cán bộ, công nhân, dân công, TNXP. Khi hàng hóa vũ khí đến bờ phía nam sông Ba được chuyển qua đò, tiếp tục vận chuyển về kho trung tâm đóng ở Hòn Lúp. Bến đò sông Ba do cụ Sáu Lia phụ trách, có 5 chiếc thuyền lớn ngày đêm thay nhau chuyên chở.

 

Từ giữa năm 1974, trên chiến trường miền Nam quân giải phóng đã giành nhiều thắng lợi lớn, khả năng đánh thắng hoàn toàn quân ngụy đang trở thành hiện thực. Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết nêu quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nghị quyết đã nêu: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước”. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết tâm của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Phú Yên đã động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, khắc phục mọi khó khăn tập trung cao độ, nhằm góp phần với toàn miền tiến tới hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

 

Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho ngành Giao vận huy động lực lượng TNXP mở các tuyến đường phục vụ hành quân và nối thông vùng căn cứ xuống đồng bằng.

 

Đường huyện Miền Tây, Sơn Hòa được mở rộng; xe cộ chạy thông suốt tuyến từ Hòn Lúp lên Phước Tân, Ma Dú, Ma Choi... Từ Ma Choi thông đường xuống Cây Vừng, Phú Giang và Kỳ Lộ lên Tổng Binh (nay là Sơn Hội); đường tỉnh lộ 6 từ Tuy An - Đồng Xuân lên Tân Lương được tu sửa để ô tô đi lại. Ngoài ra, lực lượng giao thông, TNXP và dân công các xã Hà Đang, Thồ Lồ, Phú Mỡ, Đá Mài, Xuân Quang khẩn trương nâng cấp, mở rộng các con đường tiến quân khác như đường từ Vân Hòa xuống Lỗ Vàng, từ Lỗ Rong đến đường số 7 vượt qua sông Ba đến Suối Phẩn, xã Hòa Mỹ; đường từ Vân Hòa xuống An Thọ, Hòa Đa giáp quốc lộ 1; đường từ Trung Trinh xuống xã An Xuân, An Nghiệp đến cầu Cây Cam thuộc tỉnh lộ 6; đường từ Vân Hòa xuống Phú Cốc, Phú Điền, Phú Vang; đường từ Sơn Định xuống suối Mây, dốc Nần giáp xã Xuân Phước.

 

Thường vụ Tỉnh ủy quyết định ngành Giao vận mà lực lượng chủ công là TNXP phải mở đường làm cầu (hoặc ngầm) vượt sông Ba để đưa một số xe tải và hàng hóa về căn cứ Hòn Lúp.

 

Để đảm bảo công tác cho giao thông vận tải phục vụ tốt cho chiến dịch, Thường vụ Tỉnh ủy phân công các đồng chí Phạm Hồng Quang - Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Ma Noa - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Miền Tây, cùng với đồng chí Châu Công Vọng - Phó ban, phụ trách Ban Giao vận, chỉ đạo hoạt động của ngành. Đồng chí Đinh Chí Cà được điều động về phụ trách lực lượng TNXP. Đồng chí Lê Thị Tuyết Nga được điều động về làm đội phó đội cầu đường.

 

Lúc này lực lượng cầu đường, chủ yếu là TNXP đang tập trung sức làm đoạn đường từ phía bắc đường 7 ra Tân Vinh (Cà Lúi). Nặng nhất của đoạn này là đào và đánh mìn hạ độ dốc buôn Ma Lức. Một bộ phận khác của lực lượng cầu đường tập trung làm ở dốc Buôn Ken. Đoạn đường từ Buôn Ken xuống bờ nam sông Ba do đồng chí Ma Xanh - Huyện ủy viên huyện Tây Nam, phụ trách huy động dân công đồng bào các dân tộc ở các xã Ea Bia, Ea Bá, Ea Trol... phóng tuyến mở đường. Đoạn đường này đi dọc theo đường 21 Bis và đường quân Pháp mở trong cuộc càn Át-lăng (1954) nhưng khó khăn nhất là đưa ô tô qua sông Ba.

 

Ban Giao vận đã tổ chức cuộc họp gồm cán bộ chủ chốt trong ngành mà nòng cốt là lực lượng TNXP bàn biện pháp mở đường đưa xe qua sông Ba. Đồng chí Hồ Văn Hòa - Trưởng tiểu ban cầu đường cùng một số cán bộ được phân công làm cầu (hoặc ngầm) đưa xe về căn cứ Hòn Lúp. Tất cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành Giao vận và TNXP cũng được phân công theo dõi, chỉ đạo đưa xe vượt sông Ba.

 

Phương án ban đầu là làm một chiếc phà bằng tre. Ngành Giao vận đã phân công cán bộ xuống vùng địch ở TX Tuy Hòa qua cơ sở giao thông bất hợp pháp mua 80 kg sắt phi 6 và một chiếc máy nổ. Tiểu ban cầu đường phối hợp với huyện Miền Tây tổ chức cho đồng bào chặt tre làm phà.

 

Do tình hình thực tế, đầu mùa hè, nước sông Ba ngày càng rút dần, khô cạn và diễn biến trên chiến trường Tây Nguyên ngày càng sôi động, nên các đồng chí phụ trách quyết định thay đổi phương án làm phà, mà chuyển sang dùng tre đan mê làm ngầm. Trong các cuộc họp triển khai việc làm ngầm có sự tham dự của đồng chí Ma Nhân - Phó Bí thư, đồng chí Ma Nhao - Ủy viên Ban Thường vụ và đồng chí Ma Cao - Huyện ủy viên Huyện ủy Miền Tây. Tại Tây Nam, Huyện ủy cũng phân công đồng chí Ma Xanh huy động dân công chặt tre, nứa...

 

Phú Yên là một tỉnh có ranh giới phía tây giáp với Đắk Lắk, bởi vậy các biến động về quân sự và chính trị ở nam Tây Nguyên và Đắk Lắk có tác động trực tiếp và rất mạnh đến chiến trường Phú Yên. Trận đánh mở ra của quân chủ lực ta tại Buôn Ma Thuộc ngày 10/3/1975 giành thắng lợi, làm rung chuyển quân địch.

 

Ngày 12/3, Quân khu 5 có công điện là: “Phú Yên tranh thủ thời cơ chung trên chiến trường để giải phóng toàn bộ nông thôn đồng bằng ép sát thị xã”. Ngành Giao vận và lực lượng TNXP Phú Yên đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch giải phóng quê hương. Tỉnh ủy, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên thành lập Sở Chỉ huy cơ bản và Sở Chỉ huy tiền phương để trực tiếp chỉ đạo giải phóng Phú Yên. Lãnh đạo tỉnh huy động các đơn vị nòng cốt của ngành Giao vận tỉnh và lực lượng TNXP tăng cường cho các đơn vị bộ đội của tỉnh để giải phóng Phú Yên.

 

Đồng chí Lê Thị Tuyết Nga được Ban Giao vận giao nhiệm vụ phụ trách đơn vị tăng cường cho Tiểu đoàn pháo 189 của tỉnh và Tiểu đoàn 13 bộ binh phục vụ trận đánh Cầu Cháy (xã Hòa Mỹ) và chặn địch ở đường số 5 (nay là quốc lộ 29), tiếp nhận chiến lợi phẩm địch bỏ lại ngổn ngang trên đường số 5 đưa về Sở Chỉ huy tiền phương ở núi Hương (xã Hòa Mỹ).

 

Các đồng chí Đinh Chí Là, Nguyễn Đức Thi phụ trách đơn vị TNXP tăng cường cho tiểu đoàn 96 và bộ đội chủ lực sư đoàn 320 truy kích trên đường số 7.

 

TNXP Phú Yên đưa lực lượng tổ chức thông đường Sơn Long xuống Hòa Đa và từ Sơn Định xuống phía nam cầu La Hai, giáp con đường số 6.

 

Ngày 14/3, địch rút bỏ Tây Nguyên co cụm về đồng bằng. Ngày 15/3/1975, Khu ủy điện cho Phú Yên tập trung toàn bộ lực lượng quân - dân - chính - đảng tiến công giải phóng thị xã. Ngành Giao vận Phú Yên giao nhiệm vụ cho lực lượng TNXP khẩn trương chuyển toàn bộ tài sản, xe cộ và cả bệnh viện của ngành về tuyến trước, chuẩn bị tiếp quản thị xã.

 

Ngày 17/3, bộ phận đi đầu của lực lượng địch từ Tây Nguyên rút xuống theo đường số 7 đến Củng Sơn. Chúng tưởng rằng con đường số 7 lâu nay bỏ, không dùng đến, do đó sẽ lợi dụng được yếu tố bất ngờ, bảo đảm an toàn cho cuộc rút lui. Thật ra con đường này đã bị các lực lượng của ta khống chế từ năm 1972. Lực lượng TNXP Phú Yên đã mở thông nhiều con đường nối liền với đường số 7 để tiến quân và vận chuyển vũ khí, như đường số 7 đi Tân Vinh - Hòn Lúp, đường số 7 đi Lỗ Rong - Vân Hòa.

 

Các bệnh xá, trạm xá, trại thương binh chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men, giường bệnh, y bác sĩ để tiếp nhận thương binh từ các chiến trường chuyển về. Bệnh xá Trúc Bạch từ Phước Tân chuyển xuống thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định. Bệnh xá Trung tuyến 108 từ xã Cà Lúi chuyển xuống thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng. Tỉnh thành lập các bệnh xá dã chiến ở Đồng Tranh, Cẩm Tú (xã Hòa Kiến) phục vụ chiến trường. Bệnh xá Quân y đóng ở Xuân Quang có trách nhiệm chữa trị thương binh ở cánh bắc tỉnh chuyển về.

 

Điện đài, cơ yếu bám sát Sở chỉ huy tiền phương, giữ vững liên lạc giữa tỉnh với Khu ủy và Quân khu 5. Cán bộ giao liên bảo đảm hướng dẫn dân công hỏa tuyến, đưa đón thương binh về tuyến sau, áp giải tù binh về nơi tập trung.

 

Ban Giao bưu cùng Ban Giao thông khảo sát, điều tra mực nước sông Ba để hình thành con đường đưa đón cán bộ, bộ đội, dân công qua lại sông Ba đoạn từ Tuy Hòa 1 qua Tuy Hòa 2.

 

Cán bộ tài chính, lương thực, thương nghiệp vận động nhân dân ủng hộ 30 triệu đồng, 500 tấn lương thực và hàng trăm tấn hàng hóa, thực phẩm.

 

Các mũi công tác rút được 1.700 nam nữ thanh niên bổ sung lực lượng vũ trang và các ban, ngành của tỉnh, huyện.

 

Các bộ phận văn hóa, thông tin, văn phòng, binh vận gấp rút in truyền đơn, bản tin, khẩu hiệu, lời kêu gọi phục vụ các hoạt động quân sự.

 

Trong lúc công việc chuẩn bị giải phóng Phú Yên đang tiến hành khẩn trương, thì ngày 15/10/1973, vùng căn cứ, vùng giải phóng bị lũ lụt gây thiệt hại nặng, mùa màng hư hại, nhà cửa bị sập; gia súc, gia cầm bị chết, bị nước cuốn trôi. Nhằm giúp nhân dân vùng bị lụt vượt qua khó khăn, UBND cách mạng lâm thời tỉnh xuất 20 tấn gạo, 4 tấn muối, 12.000m vải, chi 2,6 triệu đồng tiền mặt giúp dân; xuất 1 triệu đồng mua thuốc chữa bệnh. Đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận giải phóng và các đoàn thể phát động đợt sản xuất và thực hành tiết kiệm khắp 3 vùng. Kết quả đã trồng được 17 triệu gốc sắn, gieo sạ 800ha ruộng lúa nước, 12 tấn giống lúa rẫy, trỉa 150ha đậu các loại, trồng 360ha khoai lang, nuôi 1.000 con bò và 1.950 con heo. Huy động 12.000 công tu sửa đập Đồng Cam và các hệ thống kênh mương khác, bảo đảm nước tưới cho gần 20.000ha ở huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2 và 1.500ha ở cánh đồng Tuy An, Đồng Xuân và Sông Cầu.

 

Lực lượng TNXP Phú Yên xung kích đi đầu trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt vùng giải phóng và sản xuất tự túc.

 

Từ ngày 17-24/3, địch từ Tây Nguyên rút chạy xuống đồng bằng Tuy Hòa, các đơn vị vũ trang của ta chặn đánh, bắt sống và tiêu diệt hàng ngàn tên ở Củng Sơn, Thạnh Hội, đường 5, đường 7... Ngành Giao vận Phú Yên cùng lực lượng TNXP tham gia chiến đấu, bắt sống hàng trăm tên tù binh, giáo dục chọn lựa 15 lính ngụy người Phú Yên biết lái xe đưa về căn cứ Hòn Lúp, chờ khi ta thu xe chiến lợi phẩm sẽ sử dụng.

 

Ngày 22/3/1975, hai chiếc ô tô chở đầy hàng hóa của Trung ương tiếp tế cho Phú Yên từ Đắk Lắk theo con đường của lực lượng cầu đường và dân công Phú Yên mới mở xuống phía nam bờ sông Ba. Nhưng do tình hình chiến sự diễn ra ác liệt trên đường 7, quân địch tháo chạy từ Tây Nguyên xuống còn đầy đủ phương tiện và xe cơ giới đang nằm dọc theo đường 7 - xã Suối Trai, chờ rút chạy cho nên suốt từ ngày 22-26/3/1975, ngành Giao vận không thể đưa xe qua sông được.

 

Đến hết ngày 26/3/1975, sau khi ta giải phóng Củng Sơn (24/3/1975), tàn quân của địch ở dọc đường 7 và xã Suối Trai một số đã rút chạy, số khác vứt súng thoát thân vào rừng. Lúc này ta mới có điều kiện đưa xe qua sông.

 

Tiểu ban cầu đường cùng lực lượng TNXP huy động hàng trăm đồng bào các xã Suối Trai, Krông Pa, Ea Bá chặt tre, nứa đan mê mỗi tấm dài 2,5m, rộng 1m để làm ngầm cho xe qua sông. 14 giờ ngày 28/3/1975, đã đưa một chiếc xe qua sông an toàn. Một chiếc xe khác qua giữa sông, do đồng bào và cán bộ quá phấn khởi vì đã đưa được một chiếc qua sông rồi, nên sơ ý để mê tre nhỏm lên bị nước chảy mạnh xoáy lệch bánh xe. Chiếc xe bị ngập nước tắt máy. Mọi người phải một mặt dùng đòn xeo bẩy đầu xe, mặt khác cùng nhau đẩy, khiêng, lót mê tre, kê đầu xe cao lên. Cuối cùng xe đã nổ máy vượt qua sông an toàn, về đến Hòn Lúp (Sơn Long).

 

Đưa hai ô tô qua sông trong điều kiện chiến sự đang diễn ra sôi động vào những ngày mùa xuân 1975 lịch sử là một chiến công hết sức vẻ vang của lực lượng TNXP Phú Yên. Cùng với chiến công ấy, lực lượng TNXP Phú Yên ngày đêm trên các trục hành lang về đồng bằng hàng trăm người, ngựa, xe thồ chuyển hàng trăm tấn vũ khí ra chiến trường, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các đơn vị vũ trang và đưa thương bệnh binh từ mặt trận về tuyến sau để chữa trị. Những chiến công của lực lượng TNXP Phú Yên tuy không oanh liệt, sôi động như chiến thắng của các đơn vị vũ trang trực tiếp nổ súng tấn công địch, nhưng không kém phần gian khổ ác liệt. TNXP đã phục vụ bộ đội trực tiếp chiến đấu làm trận địa, hầm kèo, ụ súng. Lực lượng TNXP cùng Đại đội Vận tải 23 thực hiện giao thông hai chiều, đưa đạn ra trận địa và đón thương binh vào tuyến sau. Mỗi đoạn đường đi qua đã thấm đầy mồ hôi và xương máu của các chiến sĩ cầu đường, TNXP, lực lượng dân công...

 

Sở chỉ huy tiền phương tỉnh Phú Yên đã huy động 300 TNXP phối hợp cùng lực lượng vũ trang, dân quân du kích và thanh niên xung kích các huyện Sơn Hòa, Miền Tây, Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2 và lực lượng vũ trang tỉnh truy lùng bắt sống tàn quân địch từ Tây Nguyên chạy xuống đường 5, thu dọn binh khí kỹ thuật địch vứt trên đường, làm thông đường cho quân chủ lực tiến xuống cùng với các lực lượng Phú Yên giải phóng TX Tuy Hòa. Những chiến công ấy đã góp phần cùng với quân và dân cả tỉnh tiến lên giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà.

 

10 giờ sáng 1/4/1975 toàn tỉnh Phú Yên được hoàn toàn giải phóng.

 

Theo điện của Quân khu, ngành Giao vận được huy động toàn bộ, tổ chức các trạm tiếp đón quân chủ lực trên tuyến đường quốc lộ 1. Tổ chức hai trạm liên lạc ở Cù Mông (quốc lộ 1), Mục Thịch (đường 6) và thành lập 3 trạm nghỉ chân khác. Trạm 1 ở xã Xuân Thọ tập trung 70 tấn gạo, trạm 2 ở An Hòa, An Chấn có 80 tấn gạo, trạm 3 ở Hòa Vinh có 110 tấn gạo. Cán bộ y tế của trạm xá ngành, trực tiếp tham gia cứu thương, phục vụ cuộc hành quân của bộ đội. 

 

TS CAO VĂN THỬ

Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek