Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối, mỗi người lính quân dân Việt Nam chúng ta có thể tự hào rằng mình đã góp một phần nhỏ làm nên thắng lợi lớn đó.
Riêng cán bộ chiến sĩ “Đoàn tàu Không số” làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật chi viện cho cách mạng miền Nam bằng con đường biển trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nay đã về với đời thường, nhưng mỗi khi đến ngày 23/10 hàng năm lại nghĩ về Đảng, Bác Hồ, về những đồng đội, người còn người mất, về con đường biển tàu chúng ta đi, về những bến bãi con tàu ta cập bến để càng thấy rõ hơn sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Bác Hồ, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Quân chủng Hải quân để Đoàn tàu Không số làm nên những kỳ tích phi thường.
Trong 14 năm (từ năm 1961-1975), Đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu, vận chuyển trên 150.000 tấn hàng, hơn 80.000 lượt người vượt hàng vạn hải lý xuyên biển Đông, chống chọi với hơn 20 cơn bão lớn, chiến đấu với hơn 30 lần tàu chiến, 1.200 lần chiếc máy bay, khắc phục trên 4.000 quả thủy lôi, bắn rơi 5 máy bay, bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu thuyền của địch.
Thử làm một phép tính: với khối lượng đó nếu dùng người gùi thồ, mỗi người chỉ mang được 20kg, với cung đường vào Khu 5 thì mất 3 tháng và nếu đến Phước Long Nam Bộ thì mất 6 tháng… Như vậy, không biết cần đến bao nhiêu người và bao nhiêu tháng thì số hàng đó mới tới được chiến trường! Còn tỉ lệ tổn thất chỉ 7% (93% hàng tới đích).
Ngoài số hàng vận chuyển là vũ khí, đường Hồ Chí Minh trên biển còn vận chuyển một số hàng “đặc biệt” như ngoại tệ, máy móc y tế quý hiếm, hóa chất đặc biệt… và đặc biệt hơn là đã đưa đón an toàn tuyệt đối hàng chục cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các chuyên gia đầu ngành tăng cường cho chiến trường, kịp thời chỉ đạo cuộc chiến đấu ở miền Nam.
Vũ khí, trang bị khí tài quân sự vào chiến trường đã phát huy tác dụng, làm thay đổi cán cân lực lượng ta và địch, giành thắng lợi trong các chiến dịch lớn như Bình Giã (Bà Rịa), An Lão (Bình Định), Ba Gia (Quảng Ngãi), Đồng Xoài (Bình Phước), và các trận Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước… đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” và góp phần để quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo độc đáo trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi để giải phóng miền Nam không còn con đường nào khác là kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực quần chúng được sự hỗ trợ của quân sự để giành chính quyền về tay nhân dân.
Xét về mặt khoa học quân sự, cuộc chiến tranh càng quy mô hiện đại, trình độ hiệp đồng tác chiến càng cao, tính chất ác liệt càng tăng thì công tác vận tải quân sự đóng vai trò quan trọng nhằm bảo đảm giành thắng lợi cuối cùng. Mà trong vận tải nói chung và vận tải quân sự nói riêng bao giờ cũng tính tới yếu tố: cung đường, thời gian, tỉ lệ hao hụt và số lượng hàng hóa tới đích… thì vận tải bằng đường biển là ưu thế, chưa nói tới nước ta có bờ biển dài suốt từ Bắc chí Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ta đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức vận tải từ miền Trung vào Nam Bộ, từ Thái Lan về Nam Bộ… Ta đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp. Nó độc đáo sáng tạo còn bởi thế giới chưa có tiền lệ.
Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự là minh chứng sống động về tầm quan trọng của chiến lược biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xu hướng hiện nay của tất cả các quốc gia đang bước vào cuộc chạy đua vươn ra biển, nghiên cứu thăm dò khai thác nguồn lợi từ biển để làm giàu cho quốc gia mình thì bài học, những kinh nghiệm chỉ đạo trong vận chuyển vũ khí chi viện cách mạng miền Nam bằng đường biển nếu biết vận dụng tốt sẽ lập lại những kỳ tích mà Đường Hồ Chí Minh trên biển để lại.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường của khát vọng, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bằng quyết tâm sắt đá, cho dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn để cứu nước, phải rạch biển Đông để cứu lấy sơn hà, chúng ta sẵn sàng chấp nhận. Cùng với hàng trăm nghìn liệt sĩ, hàng vạn thương binh trong cả nước, có 120 liệt sĩ và 82 thương binh trong 14 năm làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường bằng đường biển của Đoàn tàu Không số. Cán bộ thủy thủ khi nhận nhiệm vụ xuống tàu ra khơi họ biết rằng phải đối mặt với 2 cái chết: một là bão tố ở biển khơi sẽ nhấn chìm con tàu, bởi những năm tháng ấy công tác thông tin dự báo thời tiết không được như bây giờ. Hơn nữa với vận tốc của tàu 10 hải lý/giờ thì đâu có tốc độ dự bị để vượt ra khỏi tâm bão! Cái chết thứ 2 là gặp tàu chiến của địch, đánh nhau… và chết. Nhưng nào có một ai thoái thác trách nhiệm!
Có thuyền trưởng khi vào gần bờ bị địch phát hiện, địch dùng 7-10 tàu vây bắt. Giữa làn bom đạn mịt mù, tàu bị thương nhiều chỗ do trúng đạn pháo địch, họ đã bình tĩnh chỉ huy tàu cơ động tránh đạn địch, đưa liệt sĩ và thương binh vào bờ trước, còn mình sau khi điểm hỏa bộc phá phá tàu, bơi vào bờ sau và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hy sinh trong tư thế hiên ngang, bất khuất.
Có chính trị viên tàu sau một thời gian chiến đấu đánh trả địch, biết không còn giữ được tàu, sau khi cho anh em bơi vào bờ còn mình ở lại để phá hủy tàu đã gởi lời nhắn “xin các đồng chí về báo cáo với Đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”, rồi thân thể tan vào biển cả…
Đồng chí Trần Suyền - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ủy viên thường trực Liên Tỉnh ủy 3, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (đầu tiên từ trái sang), Bến trưởng Vũng Rô; cùng đồng chí Nguyễn Duy Luân - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ (thứ 2 từ trái sang) và Anh hùng Hồ Đắc Thạnh (thứ 5 từ trái sang) thăm lại bến Vũng Rô - Ảnh: CTV |
Trong 14 năm làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển (1961-1975), Đoàn tàu Không số đã lập được những chiến công, những thành tích đặc biệt xuất sắc. Đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng: 14 tập thể và 20 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng các thế hệ cán bộ chiến sĩ tàu 41 có 8 anh hùng; 12 Huân chương Quân công các hạng tặng cho Đoàn 125 và các tập thể thuộc Đoàn 125; 1 Huân chương Quân công hạng nhì; 4 Huân chương Quân công giải phóng các hạng; 53 tập thể và 221 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại; 120 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và ba; 11 tập thể và 41 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và ba.
Đánh giá về Đường Hồ Chí Minh trên biển, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: “Năm tháng qua đi, nhưng chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của những con tàu Không số, của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
HỒ ĐẮC THẠNH
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số (ký hiệu 41) anh hùng