Thứ Tư, 22/05/2024 04:09 SA
Đường Hồ Chí Minh trên biển 55 năm nhìn lại
Bài 3: Vận chuyển vũ khí bằng tàu gỗ 2 đáy
Thứ Sáu, 21/10/2016 14:00 CH

Hàng đầu từ phải qua: Đồng chí Hoàng Trà (Chính ủy Quân chủng Hải quân), đồng chí Tư Mau (Phan Văn Nhữ), đồng chí Nguyễn Bá Phít (Tư lệnh Hải quân), Kim Sang (Trưởng phòng Quân báo Quân chủng Hải quân) - Ảnh: CTV

Đoàn trưởng Tư Mau tiến hành công tác tổ chức, mua sắm phương tiện, chuẩn bị giấy tờ hợp pháp để bí mật vượt biển ra Bắc.

 

Ngày 11/3/1971, một chiếc thuyền đánh cá được lắp máy Nhật 33 mã lực với biển đăng ký 3308 KG do đồng chí Tư Mau làm tài công cùng 6 ngư phủ rời cảng Rạch Giá hành trình ra Bắc. Qua 20 ngày với biết bao gian khổ đến trưa 30/3/1971 thuyền cập bến Đồ Sơn, Hải Phòng.

 

Ngày 9/4/1971, đại diện Bộ Tổng tham mưu, Cục Tác chiến, Tư lệnh và Chính ủy Hải quân trực tiếp báo cáo với Thường trực Quân ủy Trung ương về việc tổ chức vận chuyển theo “phương thức 2” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì. Sau khi nghe các cơ quan báo cáo, Đại tướng kết luận: “Quân ủy Trung ương đồng ý cho Quân khu 9 sử dụng phương thức vận chuyển “công khai” hợp pháp theo đường biển. Bộ Quốc phòng cấp mọi kinh phí cho công tác này”.

 

Thực hiện chỉ thị của trên, Đoàn 125 cử một số đồng chí bổ sung cho đội thuyền của đồng chí Tư Mau.

Ngày 28/4/1971, chiếc thuyền đánh cá do đồng chí Bảy Cứng làm thuyền trưởng, đồng chí Tư Mau làm chính trị viên, bí thư chi bộ xuất phát lên đường làm nhiệm vụ. Đi được 2/3 cung đường thì có lệnh quay lại do sự cố có người của Đoàn phản bội. Đến ngày 27/6/1971, thuyền tiếp tục lên đường về Nam và ngày 7/7/1971 thuyền cập bến Rạch Giá an toàn.

 

Ngày 27/1/1971, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập Đoàn S950. Đoàn được cấp kinh phí mua bổ sung thêm 1 thuyền đánh cá mang biển số 3465 KG công suất 45 mã lực.

 

Đề nghị của Quân khu 9 được Quân ủy Trung ương chấp thuận. Ngày 2/12/1971 hai thuyền đánh cá hợp pháp được chuẩn bị chu đáo lên đường ra Bắc. Thuyền 3308 KG do đồng chí Tư Mau làm thuyền trưởng. Thuyền 3465 KG do Bảy Cứng làm thuyền trưởng xuất phát tại cảng Rạch Giá và ngày 7/12/1971 hai thuyền đã đến điểm hẹn theo kế hoạch hiệp đồng giữa Bộ Tư lệnh Hải Quân và Quân khu 9.

 

Sau mấy ngày nghỉ ngơi và sửa chữa thuyền, ngày 19/12/1971 cả hai thuyền chở 13,3 tấn vũ khí trở về Khu 9. Đêm 25/12/1971 cả hai thuyền về bến an toàn.

 

Thành công của các chuyến đi hợp pháp này khẳng định về một phương thức mới vượt qua được sự phong tỏa kiểm soát gắt gao của địch. Con đường vận chuyển chi viện trên biển tiếp tục được nối lại.

 

Ngày 25/12/1972, Đoàn S950 tổ chức cho hai thuyền thực hiện chuyến công tác thứ 2. Vẫn là thuyền 3380 KG và 3465 KG mà điểm đón lần này là tại một khu vực của vịnh Hạ Long vào ngày 6/3/1972. Được tàu của Đoàn 125 Hải quân làm bến nổi xuống hàng và hoàn tất mọi công tác chuẩn bị với lượng hàng 13,5 tấn, đêm 18/4/1972 hai thuyền đã cập bến Đồng Cùng, Cà Mau an toàn.

 

Công việc phát triển tốt. Đoàn S950 mua thêm 1 chiếc thuyền mang biển số 3056 KG và đưa vào hoạt động. Thuyền mang biển số 3056 KG do đồng chí Tư Mau làm thuyền trưởng rời bến Rạch Giá ngày 2/6/1972 và đến đảo Hải Nam ngày 7/6/1972. Thuyền 3308 KG và 3465 KG rời Rạch Giá ngày 8/6/1972 nhưng do máy móc trục trặc nên 3465 phải ở lại. Ngày 13/6/1972 thuyền 3308 KG đã đến điểm hẹn. Thời gian này Hải quân bổ sung cho Đoàn thêm 2 thuyền nữa. Cả 4 thuyền nhận hàng xong tổ chức thành 2 đội hành trình về Nam. Đội 1 gồm 10 người đi trên thuyền 3308 KG và 1 thuyền mới mang biển số giả 3465 KG chở 13,5 tấn hàng về đến bến Đông Cùng, Cà Mau ngày 13/7/1972. Một đội gồm 11 người đi trên tàu 3056 KG và thuyền mới mang số giả 2769 KG chở 25 tấn hàng về đến bến Đông Cùng ngày 26/7/1972.

 

Để giữ bí mật, Quân khu 9 quyết định cử đồng chí Tư Mau đóng vai một nhà tư sản nhỏ, chủ tàu đánh cá biển về mở công ty ở Sài Gòn và đổi tên Đoàn S950 thành Đoàn 371. Đồng chí Tư Mau trong vai một nhà tư sản mua ngôi nhà 27/20 đường Âu Dương Lân, phường Rạch Ông, quận 8, Sài Gòn rồi thành lập Công ty Việt Long chuyên chở hàng thuê đi miền Trung và mua bán thuyền biển, máy cũ. Công ty mướn thợ đóng 2 tàu ở Biên Hòa trọng tải 120 tấn, 500 mã lực có gắn máy lạnh.

 

Bằng phương thức hoạt động hợp pháp với danh nghĩa tàu đánh cá và chở thuê hàng của Công ty Việt Long, từ năm 1972-1973 các tàu của Đoàn đã thực hiện được 31 chuyến công tác, chở được 520 tấn vũ khí, thuốc men từ miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ. Đặc biệt, có 2 thuyền chở cán bộ cao cấp từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc bảo đảm an toàn tuyệt đối.

 

Đó là ngày 9/7/1973, đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường trực Trung ương Cục miền Nam ra Bắc báo cáo tình hình với Bộ Chính trị rồi trở lại miền Nam, được ngụy trang dưới cái tên Sáu Dân là một thương gia của Công ty Hà Long ở miền Nam đi trên thuyền đánh cá SG 159-TTĐC do Thôi Văn vào Nam làm thuyền trưởng. Khi thuyền đến Cam Ranh thì bị rò nước phải ghé Cà Ná để sửa chữa với các loại giấy tờ hợp lệ, nên sau khi sửa xong thuyền tiếp tục hành trình về bến Vàm Hố, Cà Mau an toàn.

 

Cuối tháng 11/1973, Đoàn 371 được giao nhiệm vụ chở đồng chí Lê Đức Anh (Sáu Nam), Tư lệnh Quân khu 9, từ Nam Bộ ra miền Bắc công tác. Thuyền SG 159-TTĐC chở đồng chí Sáu Nam đóng vai người phụ bếp (tổng khậu) do đồng chí Tư Mau trực tiếp chỉ huy. Thuyền SG 158-TTĐC làm nhiệm vụ hộ tống do đồng chí Nguyễn Sơn làm thuyền trưởng. Ngày 26/11 hai thuyền rời bến Vàm Hố, Cà Mau, trên đường đi, thuyền SG 159-TTĐC bị sự cố nước tràn vào nhiều. Để bảo đảm an toàn, đồng chí Tư Mau đề nghị đồng chí Sáu Nam chuyển sang thuyền SG 158-TTĐC của đồng chí Nguyễn Sơn còn mình ở lại thuyền SG 159-TTĐC vừa chạy vừa bơm nước ra ngoài. Khi đến ngoài khơi Trà Vinh thì thuyền bị nước vào nhiều không thể khắc phục được. Tư Mau sang thuyền SG 159-TTĐC, còn thuyền kia chìm dần xuống biển. Số người quá đông trên một thuyền nên Tư Mau quyết định ghé vào Long Hải để đưa bớt người lên bờ và tranh thủ sửa chữa thuyền nhưng không được, đành phải đưa thuyền về Vũng Tàu sửa chữa đến ngày 1/12 tiếp tục lên đường, đến ngày 8/12/1973 tới Hậu Thủy (đảo Hải Nam) được tàu của Hải quân đón về Hà Nội.

 

Ngày 13/12/1973 hai thuyền SG 67-TTĐC và 3056 KG cũng từ miền Nam ra cập bến Vạn Hoa.

 

Sau sự cố tên Nguyễn Văn Rớt phản bội, địch bắt được một số đồng chí của ta, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Đoàn 371 tạm dừng hoạt động. Số anh em đang ở miền Bắc tổ chức cho một số đi đường bộ về Nam báo cáo tình hình và xây dựng cơ sở mới. Riêng đồng chí Tư Mau được bí mật phẫu thuật cải dạng ở Bệnh viện Quân đội 108 để bảo đảm an toàn khi quay trở lại Quân khu 9 tiếp tục làm nhiệm vụ, đồng thời đổi phiên hiệu Đoàn 371 thành Đoàn G 473.

 

Sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 27/1/1975, con thuyền 842 MT do đồng chí Tư Mau chỉ huy rời bến Gành Hào (Bạc Liêu) vượt biển ra Bắc và ngày 3/2 cập cảng Vạn Hoa an toàn. Con đường vận chuyển trên biển lại tiếp tục nối thông, vượt xa thời gian mà kẻ địch cho rằng Việt Cộng muốn làm lại công việc vận chuyển đường biển phải mất từ 3-5 năm sau”.

 

Ngày 25/2/1975, thuyền SG 168-TTĐC được mang biển số mới 1270 BL chở 17 tấn hàng rời bến Vạn Hoa và ngày 3/3/1975 cập bến Vàm Hố an toàn. Tiếp theo ngày 9/3/1975 hai thuyền 305 KG và SG 67-TTĐC chở 35 tấn hàng rời bến Vạn Hoa và cập bến Vàm Hố ngày 20/3/1975 an toàn.

 

Tin thắng lợi của cuộc tấn công nổi dậy Xuân 1975 càng cổ vũ cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn SG 473 tăng tốc vượt biển. Thuyền 1270 BL vừa về cập bến lại lên đường.

 

Ngày 11/4/1975 cùng lúc 3 thuyền 1270 BL, 842 MT và SG 158-TTĐC chở 50 tấn hàng rời Vạn Hoa và cập bến Vàm Hố ngày 19/4/1975. Thuyền này đi miền Bắc nhận hàng thì thuyền khác cập bến giao hàng. Cứ thế cho đến khi 3 thuyền 1270 BL, 842 MT và SG 158-TTĐC trên đường hành trình ra Bắc khi đến Nha Trang được tin cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã vào đến Sài Gòn, chỉ huy Đoàn quyết định 3 thuyền không ra miền Bắc nữa mà quay về làm nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến đấu.

 

Bằng phương thức hoạt động công khai hợp pháp với sự hiệp đồng chặt chẽ hỗ trợ tích cực của Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125, trong 4 năm (từ tháng 4/1971-4/1975) đã thực hiện 37 lượt tàu thuyền vận chuyển được 622 tấn vũ khí, thuốc men từ miền Bắc vào Quân khu 9, cung cấp kịp thời cho chiến trường Tây Nam Bộ.

 

Bài 4: Đối phương nói gì về con đường huyền thoại trên biển?

 

 

 

HỒ ĐẮC THẠNH

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số (ký hiệu 41) anh hùng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek