Thứ Năm, 02/05/2024 19:03 CH
65 năm dấu ấn thanh niên xung phong Phú Yên
Bài 6: Lực lượng thanh niên xung phong trong những năm 1968-1973
Thứ Bảy, 12/11/2016 11:06 SA

Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ngày 27/3/1968, Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao cay đắng thừa nhận: “Chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay của nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc”.

 

Liệt sĩ Nguyễn Minh Phê (Lan) Tiểu đoàn phó TNXP Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ

Mỹ thừa nhận không thể giành thắng lợi ở Việt Nam bằng quân sự, buộc phải thay đổi chiến lược mới. Ngày 30/3/1968, Tổng thống Mỹ cử đại tướng Oát-mi-len đến Sài Gòn phổ biến chủ trương mới của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Mỹ quyết định từ bỏ chiến lược “tìm diệt và bình định” thay thế bằng chiến lược “quét và giữ”. Chuyển từ thế công sang phòng ngự, tổ chức các đợt hành quân lớn càn quét, sau đó lùi về giữ các vị trí chiến lược quan trọng, giữ cho quân Mỹ không bị thiệt hại nặng, giữ cho quân ngụy không bị sụp đổ… là giữ để tìm lối thoát danh dự trong cuộc chiến. Mỹ chủ trương dùng quân ngụy thay thế dần cho quân Mỹ, thực hiện chiến lược mới “Việt Nam hóa chiến tranh”.

 

Năm 1968, quân Mỹ có mặt tại Việt Nam 60 vạn quân cộng với 6 vạn quân chư hầu (Nam Triều Tiên, Úc, Niu-di-lân, Thái Lan, Phi-lip-pin...).

 

Mỹ - ngụy ráo riết thực hiện chính sách bình định nông thôn, tăng cường bắt lính để tăng quân số ngụy quân thay thế cho quân Mỹ. Rút dần bộ binh Mỹ về nước, thực hiện công thức “hỏa lực Mỹ hỗ trợ cho quân Mỹ”, Mỹ từng bước chuyển giao vũ khí, phương tiện chiến tranh, căn cứ quân sự cho quân ngụy để rút dần quân, chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu cho quân ngụy.

 

Tại chiến trường Phú Yên, Mỹ - ngụy điều động Lữ đoàn dù 173 Mỹ và Trung đoàn 47 (Sư đoàn 22 bộ binh ngụy) chi viện cho chiến trường Tây Nguyên. Địch rút bỏ một số cứ điểm như Núi Hùng, Chóp Vung... tăng cường phòng thủ TX Tuy Hòa và các thị trấn, tập trung bình định các vùng nông thôn đông dân, ra sức giành dân với cách mạng.

 

Về phía ta, sau ba đợt tấn công Tết Mậu Thân và mùa xuân 1968 tuy đạt một số thắng lợi nhưng cũng chịu nhiều tổn thất. Lực lượng vũ trang và bán vũ trang chưa kịp bổ sung. Súng đạn, quân trang, thuốc men, lương thực đều hao hụt. Đời sống cán bộ chiến sĩ vùng giải phóng rất khó khăn. Địch ra sức bịt kín các cửa khẩu để chặn nguồn tiếp tế cho cách mạng.

 

Trước tình hình trên, từ ngày 6-11/6/1968, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng tại suối Mò O để triển khai Nghị quyết hội nghị Khu ủy 5 (lần thứ 7), hạ quyết tâm mở chiến dịch hè thu để giữ vững vùng giải phóng, khắc phục mọi khó khăn để giữ vững thế tiến công.

 

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang Phú Yên bám sát chiến trường trọng điểm, ba lần tiến công vào sân bay Đông Tác, kho dầu Vũng rô, 4 lần tiến công Trung đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên, 2 lần tiến công Trung đoàn 47 ngụy, 2 lần tiến công vào thị trấn Phú Lâm...

 

Các tổ du kích mật hoạt động hợp pháp trong vùng địch tạm kiểm soát tổ chức diệt nhiều tên ác ôn đầu sỏ. Tổ du kích mật xã An Thạch phục kích diệt gọn một tiểu đội Nam Triều Tiên giữa ban ngày trên đường số 1. Ở huyện Tuy Hòa 1, 3 du kích mật đánh thiệt hại một trung đội lính bảo an, diệt một thiếu tá Mỹ và đại úy quận trưởng Hiếu Xương. Tháng 9/1968, du kích mật cải trang diệt ác giữa ban ngày ở nội thị Tuy Hòa.

 

Đi đôi với đấu tranh quân sự, lực lượng ta tiến hành mạnh mẽ đấu tranh chính trị. Quần chúng thôn Mỹ Hòa, Mỹ Thành (xã Hòa thắng, huyện Tuy Hòa 2) trực diện đấu tranh đòi bọn chỉ huy Trung đoàn 47 ngụy bồi thường nhân mạng bắn giết thường dân vô tội trong đợt càn quét do địch gây ra tháng 5/1968, buộc địch phải thừa nhận tội lỗi, chấp nhận bồi thường 11 triệu đồng. Ngày 20/8/1968, hơn 1.000 chị em phụ nữ xã Hòa Đồng biểu tình chặn 4 xe M113, ngăn cản bọn lính Nam Triều Tiên tàn phá ruộng đồng.

 

Ngày 29/9/1968, anh em đạp xích lô ở TX Tuy Hòa đấu tranh với bọn lính Mỹ quỵt tiền công. Ngày 15/8/1968, hơn 1.000 đồng bào xã An Lĩnh đấu tranh buộc bọn lính Nam Triều Tiên bồi thường 42 triệu đồng cho 13 gia đình bị chúng đốt phá, cướp bóc và hủy hoại tài sản. Đầu tháng 8/1968, 350 đồng bào thôn Phú Xuân (xã Xuân Phước) đấu tranh với bọn chỉ huy căn cứ biệt kích Đồng Tre vì đã ép buộc đồng bào phải đánh mõ khi có lực lượng cách mạng về làng.

 

Qua các phong trào đấu tranh chính trị, ta xây dựng phát triển 198 cơ sở mới, tuyên truyền giác ngộ và vận động 240 thanh niên thoát ly lên căn cứ, bổ sung cho lực lượng vũ trang tỉnh, huyện. Ta xây dựng nhiều đội vũ trang mới như Đội quyết thắng TX Tuy Hòa, Đội quyết thắng huyện Tuy Hòa 1, Đội công binh huyện Tuy Hòa 2, Đội súng cối nữ. Lực lượng du kích mật hoạt động bí mật hợp pháp trong lòng địch có 35 tổ với 89 đồng chí, 3 tổ quyết tử có 9 đồng chí. Qua phong trào đấu tranh, các tổ chức Đảng kết nạp 120 đảng viên trẻ, xây dựng nhiều chi bộ vững mạnh.

 

Đồng chí Trần Minh Công - Đội trưởng đội TNXP cánh Nam Phú Yên (1965-1972)

Từ ngày 5-11/12/1968, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 3 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khai mạc tại rừng Mò O, xã Sơn Hòa với sự tham dự của 58 đại biểu chính thức thay mặt cho trên 1.000 đảng viên toàn tỉnh. Đồng chí Công Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Khu 5 về dự và chỉ đạo đại hội bầu Ban chấp hành mới gồm 17 đồng chí Tỉnh ủy viên chính thức, 5 đồng chí thường vụ. Đồng chí Trần Suyền tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; hai đồng chí Công Minh (Bốn Giồ) và Cao Xuân Thiêm (Văn Công) được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

 

Tại đại hội này, đồng chí Phạm Hồng Quang, Trưởng Ban Giao vận Phú Yên đã trúng cử vào Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ, trực tiếp chỉ đạo lực lượng thanh niên xung phong trong toàn tỉnh.

 

Thời điểm này, lực lượng TNXP tỉnh hình thành một tiểu đoàn gồm 3 đại đội. Đồng chí Năm Đất (Trần Thanh Hương - quê huyện Sông Cầu) làm Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Hiệp, đồng chí Kiên, đồng chí Lan là Tiểu đoàn trưởng. Bộ máy giúp việc có đồng chí Bảy Tuệ (tài vụ), đồng chí Nam (quản lý), đồng chí Hoài (y sĩ) và 3 đồng chí văn phòng tiểu đoàn bộ: đồng chí Đức, đồng chí Bình (con nuôi Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền), đồng chí Cán.

 

Tiểu đoàn TNXP Phú Yên trực thuộc Khu đoàn Khu 5. Sau đợt tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 được giao về cho tỉnh trực tiếp quản lý. Năm 1968, quân số toàn tiểu đoàn chỉ còn hơn một đại đội. Mãi đến cuối năm 1969, lực lượng ta mới rút được thanh niên để bổ sung quân số cho Tiểu đoàn TNXP. 3 đại đội của Tiểu đoàn TNXP gồm có: Đại đội 1 (Sông Cầu - Đồng Xuân) do đồng chí Nguyễn Văn Hoàng (quê Xuân Sơn) làm Đại đội trưởng, đồng chí Nở (Xuân Cảnh - Sông Cầu) làm Đại đội phó, đồng chí Lê Thái Bình làm chính trị viên. Đại đội 1 gồm có 2 trung đội Sông Cầu và Đồng Xuân. Trung đội Sông Cầu phối hợp với Trung đoàn Ngô Quyền (Trung đoàn 10 bộ đội chủ lực Phân khu nam - Liên Khu 5) vận chuyển 100 tấn gạo nuôi quân trong năm 1968. Trung đội Đồng Xuân nhận vũ khí ở Trạm Ông Toa (Gia Lai) cách Phú Yên 2 trạm và giao cho Tiểu đoàn Bộ binh 85 (Tỉnh đội Phú Yên), nhận muối ở các cánh đồng muối Lệ Uyên, Trung Trinh, Tuyết Diêm (Sông Cầu) giao cho tổng kho của Tỉnh đội.

 

Đại đội 2 Tuy An do đồng chí Ngọc làm Đại đội trưởng, đồng chí Mai Văn Minh (An Ninh) và đồng chí Xem (An Định) làm đại đội phó. Đại đội TNXP Tuy An vận chuyển thực phẩm từ các cửa khẩu giao cho tổng kho của tỉnh để tỉnh cấp cho Trung đoàn Ngô Quyền.

 

Đại đội 3 (huyện Tuy Hòa 1 và huyện Tuy Hòa 2) do đồng chí Nguyễn Công Đào làm Đại đội trưởng, đồng chí Mõ, đồng chí Bông làm Đại đội phó. Đại đội 3 ngoài việc vận chuyển lương thực, còn được cử đi Khu 5 vận chuyển hai chuyến tiền để giao cho Tiểu ban Ngân tín tỉnh.

 

Trong 3 đợt tổng tấn công vào TX Tuy Hòa và các thị trấn, cũng như trong chiến dịch hè thu, Tiểu đoàn TNXP Phú Yên bám sát bộ đội để phục vụ tiếp tế và vận chuyển thương binh. Lực lượng vận chuyển thương binh do đồng chí Kế (Quảng Ngãi), đồng chí Cảo (miền Bắc) điều hành. Lực lượng TNXP đưa thương binh vào trạm sơ cứu ở Hòa Quang, Hòa Kiến, sau đó chuyển về bệnh viện Y12, Y14. Mỗi thương binh có 4 thanh niên xung phong phục vụ, gồm 2 người khiêng, hai người mang vác ba lô của chính mình và của đồng đội.

 

Đội viên TNXP tuổi đời rất trẻ (từ 16-20 tuổi), đa số là nữ. Nhiệm vụ chủ yếu là khẩn trương chuyển gạo muối từ các huyện về nhập kho của Ban Kinh tài và Mậu dịch tỉnh và chuyển cấp cho các đơn vị vũ trang, đồng thời tập trung chuyển vũ khí Trung ương viện trợ từ Gia Lai chuyển về. Trung đội huyện Sông Cầu được phân công phối hợp với đơn vị Ngô Quyền chuyển hai kho gạo gần 100 tấn từ các vùng giáp ranh của huyện Tuy An về giao cho Trung đoàn Ngô Quyền đóng tại Trại Cháy, xã Sơn Xuân. Trung đội hành quân đi chuyển gạo toàn ban đêm. Lúc đầu các đội viên TNXP không biết cõng (gùi) hàng, chỉ vác từ 30-35kg. Hàng cần cho kháng chiến thì khối lượng lớn nhưng mỗi chuyến vác như vậy thì ít quá. Các đội viên TNXP tập cõng hàng trên lưng, lúc đầu chỉ cõng được 35-40kg, sau cứ tăng dần lên đến 50-60kg. Có chị cõng đến 90kg trở lên (chị Hiệp ở Hòa Tân, chị Sa ở Hòa Trị...).

 

Cuộc chiến tranh cũng bắt đầu diễn biến vô cùng ác liệt. Cả tiểu đoàn bắt đầu phân tán lực lượng đi phục vụ khắp nơi. Một nhóm TNXP được phân công đi chuyển thuốc tây Trung ương viện trợ lại K7 Khu 5 (Quảng Nam), đoàn đi khoảng 13 người và một người ở Ban Y tế tỉnh cử đi để nhận thuốc. Đường từ Phú Yên đến K7 vô cùng gian khổ, hiểm nguy. Đầu tiên là phải vượt qua động Tranh 4 tiếng (thuộc xã Phước Tân). Đường này là đường huyết mạch nối liền Phú Yên - Gia Lai, địch biết được đã cho máy bay tuần tra, bắn phá suốt ngày đêm. Các đội viên TNXP đi qua đoạn đường này là gian nan thử thách, nếu trời có trăng, đi vào ban đêm, những lúc không có trăng phải vượt qua lúc trưa tròn bóng, vừa đi, vừa chạy mới qua hết đoạn tranh trước lúc máy bay địch hoạt động trở lại. Cả đoạn đường toàn là tranh cằn cõi, không có một bóng cây, thỉnh thoảng có một hố sâu do bom đạn của Mỹ tạo nên và nhiều suối sâu, nước từ núi chảy ra mát lạnh. Các đội TNXP đi giữa nắng như lửa đốt rồi lội xuống suối lạnh. Suốt đoạn đường nắng cháy không một phút nghỉ ngơi.

 

Đoạn đường thứ 2 là đường 19 nối liền từ Bình Định - Pleiku Gia Lai, đường này địch ủi trống 2 bên đường 2km, địch đóng đồn dày 300m một đồn. Địch tuần tra canh gác suốt ngày đêm. Các đội viên TNXP Phú Yên qua đường phải đi từng người một, lúc 1-2 giờ sáng (có bộ đội bảo vệ 2 bên đường) mỗi lần đi qua đường mạng sống được tính từng phút, từng giây, qua khỏi đường rồi mới tin mình còn sống. Tiếp tục đi tới K7 còn rất xa, còn nhiều thử thách khác. Nếu ai đã từng hoạt động kháng chiến ở các tỉnh Trung Trung Bộ thì đều thuộc câu ca dao: “Ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương, đèo cao mang nặng là chiến trường Khu 5”.

 

Nữ TNXP thời chống Mỹ

 

- Ruồi vàng cắn hút máu xong để lại nọc độc, sinh ghẻ ngứa rất lâu lành.

 

- Muỗi bạc cánh trắng, truyền sốt rét triền miên.

 

- Vắt có 2 loại, vắt đất nhiều vô kể, chúng cắn hút máu như đỉa, nhưng không đáng sợ. Còn loại vắt có màu xanh óng ánh như kim cương, thường ở trên lá cây ven đường. Khi có hơi người chúng búng, đu lên rồi chui vào người để cắn no máu rồi lăn, để lại vết thương chảy máu cả ngày.

 

- Còn dốc thì cao vời vợi, có 1 hòn núi leo lên từ sáng sớm đến trưa vẫn chưa tới đỉnh, cả lên và xuống hết 1 ngày (Trạm ông Hương, đường ông Dũng). Qua khỏi núi này tới sông Thò Lò chảy xuống Quảng Ngãi, chỉ có sức người mới cõng hàng leo qua được núi này, ngoài ra không có một phương tiện gì đưa được hàng qua núi. Dọc đường đi các đội viên TNXP Phú Yên thường lên cơn sốt rét nhưng cũng cố cõng hàng bám theo đoàn, ai cũng gùi cõng hàng nặng từ 50-60kg trở lên, không thể sang sẻ cho nhau được. Trên đường cứ đi 5 ngày được dừng chân 1 ngày để nhận lương thực. Các đội viên TNXP Phú Yên không có thời gian nghỉ ngơi, tắm giặt, quần áo cũng không đủ để thay đổi, trên đường đi mỗi lần lội qua sông - suối thì tranh thủ ngồi xuống nước vừa tắm, vừa giặt, rồi mặc cả quần áo ướt gùi hàng đi tiếp. Những lúc trời mưa dầm, quần áo ướt đẫm cả ngày, tối thay ra, sáng mặc đồ ướt trở lại, tiếp tục hành quân. Chu kỳ hàng tháng chị em khổ sở vô cùng. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu được, nên có câu thơ rằng: “Trường Sơn sáng nắng, chiều mưa, ai chưa đến đó thì chưa hiểu người”.

 

K7 cách sông Tranh chảy xuống Trà My, Quảng Nam 2 ngày. Mỗi chuyến chuyển thuốc tây về tới Phú Yên là 3 tháng, mỗi năm chỉ đi một chuyến. Nhiều anh chị em chỉ đi 1 chuyến, không dám xung phong đi chuyến thứ 2. Riêng đội viên Trương Thị Mai đi chuyển thuốc tây ở K7 ba chuyến và đi chuyển tiền mặt ở K5 hai chuyến. K5 tại miền tây Quảng Ngãi (nơi có 3 con sông chảy dồn về 1 mối, tạo thành con sông lớn. Đó là sông Ba hiền hòa chảy đến tận cửa biển Phú Yên).

 

Thời gian còn lại lực lượng TNXP Phú Yên tập trung chuyển vũ khí từ trạm ông Toa Gia Lai về giao cho Tỉnh đội và các đơn vị vũ trang. Có lúc vũ khí Trung ương viện trợ chưa kịp, lực lượng TNXP chuyển bom, pháo lép cho công binh để sản xuất lựu đạn, thủ pháo... và chuyển gạo, muối từ các cửa khẩu về căn cứ (cửa khẩu là nơi địch tạm chiếm ban ngày để kiểm soát nhân dân, tối chúng rút về đồn). Buổi tối, lực lượng ta xuống vận động dân gom góp cho chúng ta, nhưng rất hạn chế. Gạo, muối chuyển về đều giao cho kinh tài và mậu dịch tỉnh để điều tiết cho cả chiến trường. Lực lượng TNXP cũng chỉ nhận được số lượng ít (ngày 2-3 lạng). Có lúc cõng gạo trên lưng nhưng phải ăn sắn nhiễm chất độc hóa học hoặc sắn cõng một ít cơm. Còn gạo chủ yếu là nhường cho thương binh - bệnh binh. Những lúc địch chặn hết các cửa khẩu, không mua được gạo, cả TNXP, bộ đội đều ăn sắn thay cơm độn thêm rau tàu bay, mít non, trái sung, củ chuối, củ nần, khoai khai, môn ngứa, môn dóc...

 

TNXP Phú Yên từ khi thành lập cho đến sau chiến dịch tổng tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tổn thất, hy sinh rất nhiều, quân số còn không đủ tiểu đoàn. Quân khu giao lực lượng TNXP lại cho ban hành lang vận chuyển (gọi tắt Ban Giao vận) tỉnh quản lý. Biên chế lúc bấy giờ chỉ còn 2 đội (tương đương 2 đại đội). Một đội là cánh bắc, đồng chí Nguyễn Công Đào (nay là Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh) làm đội trưởng, các đồng chí Nguyễn Thị Thanh Mơ, Nguyễn Văn Luyến, Bùi Hiệp, Trương Thị Mai làm đội phó, đồng chí Sơn làm chính trị viên đóng quân ở sông Hà Đang giáp biên giới Gia Lai. Đội cánh nam do đồng chí Trần Minh Công làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thị Duyên Hồng, Phan Vĩnh Cửu làm đội phó, đồng chí Lê Thị Tuyết Nga làm Đội trưởng đội công bộ, đồng chí Nguyễn Đức Thi làm đội phó công bộ… đóng quân tại Suối Ché, Tân Lương, Phong Cao, Hòn Túp, quân số lúc đó lên đến 300 người. Thời gian này, đội cánh bắc thường xuyên chuyển vũ khí ở Gia Lai, đội cánh nam chuyển gạo, muối ở các cửa khẩu. Khi có chiến dịch lớn thì phối hợp phục vụ. Đến đầu 1970, đồng chí Trương Thị Mai và đồng chí Nguyễn Thị Duyên Hồng được lãnh đạo Ban Giao vận cử đi dự Đại hội thi đua lần thứ I tại Suối Ché. Sau khi nghe đại biểu TNXP báo cáo và song ca bài hát “Tải đạn ra chiến trường”, đồng chí Phạm Hồng Quang - Trưởng Ban Giao vận tỉnh, sáng tác một bài thơ, tựa đề là “Tặng các em gái TNXP” ngày 20/3/1970. Xin trích một đoạn:

 

Đèo dốc cao vời vợi

Vẫn xem tựa đất bằng

Yêu quê hương đất nước

Ngàn cân nặng oán hờn

Ôi em gái TNXP

Đẹp lắm tên em

Như chiến công anh giải phóng

Tiền tuyến gọi tên em

 

Hàng trên vai lao nhanh ra phía trước

Lửa thép tấn công, báo xác thù ngã gục

Có tên em trong tiếng súng vang rền

Rực sáng tên em trong biển lửa thiêu đồn

Ôi em gái TNXP

Tổ quốc gọi tên em

Trên mọi nẻo đường em có mặt

Bắp hạt, sắn khô, đường xa, dốc ngược

Miệng hát cười, chân lội suối, băng sông

Ôi em gái TNXP

Hát nữa đi em bài ca tải đạn

Mỗi chuyến em đi, mang về niềm rực sáng

Hàng trên vai em là hạt giống chiến công

Sẽ nảy mầm trong tiếng thét xung phong.

 

Trong bài thơ đồng chí Phạm Hồng Quang nói là “Bắp hạt, sắn khô” là thời gian chuyển vũ khí ở Gia Lai, không có gạo, chỉ còn một ít muối đem đổi cho đồng bào dân tộc lấy sắn khô và bắp hạt. Sắn khô thì hầm cả đêm để sáng có cái ăn. Còn bắp hạt rang giòn cho vào ruột nghé, trưa nghỉ chân nhai bắp rang, uống nước thay cơm. Đời sống TNXP rất cực khổ nhưng luôn lạc quan yêu đời. Lúc nghỉ ngơi các chị em thường hát bài ca “Tải đạn ra chiến trường” để động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

 

Từ năm 1970, lực lượng tăng nhanh, Ban Giao vận sáp nhập đội TNXP cánh bắc tỉnh về đội TNXP cánh nam tỉnh thành Tổng đội TNXP Phú Yên.

 

Tổng đội TNXP Phú Yên chia thành nhiều đội nhỏ. Đội cõng bộ do đồng chí Lê Thị Tuyết Nga làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Đức Thi làm đội phó. Đội cõng bộ được Tổng đội phân công phối hợp cùng lực lượng các địa phương (các mũi công tác) xuống tận làng, xã nhận lương thực, thực phẩm, huy động trong dân về nhập kho A vùng căn cứ cách mạng. Địa bàn hoạt động của đội cõng bộ giai đoạn này chủ yếu ở các xã đồng bằng huyện Tuy Hòa 2 như: Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Trị; xã An Chấn, An Mỹ, vùng 8, vùng 9, xã An Định (huyện Tuy Hòa); xã Xuân Sơn (Đồng Xuân) và huyện Sông Cầu (chủ yếu là vận chuyển mắm, muối, cá khô) từ kho A, lương thực, thực phẩm được vận chuyển bằng sức người (cõng bộ) lên kho B ở Trùng Bà Viên, Phong Cao, Hòn Lúp (huyện Sơn Hòa). Ngoài ra, đội cõng bộ còn được phân công đi Gia Lai, Đắk Lắk vận chuyển về Phú Yên hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men…

 

Đội mã tải có 6 con ngựa do đồng chí Đào Kim Phụng làm đội trưởng, đồng chí Mai Văn Hưng làm đội phó và các đồng chí đội viên Huỳnh Trọng Trị, đồng chí Tuyết Trinh. Đội mã tải đóng tại Cao Phong, Hòn Lúp (Sơn Hòa) vận chuyển từ dốc Hòn Chuông, xã An Thọ, đốc Lỗ Chài, xã Hòa Quang, đường số 7 về đến Tân Lương, Suối Ché. Đội thuyền tải phụ trách vận chuyển đường sông trên sông Cái từ Ngân Sơn lên Kỳ Lộ do đồng chí Mai Ngọc Cấn và đồng chí Lê Văn Minh cùng một số đồng chí khác.

 

Đội thồ do đồng chí Hồ Thị Hồng Cửu phụ trách và đồng chí Lương Công Đảm cùng một số đồng chí khác có nhiệm vụ vận chuyển hàng từ Phong Cao, Hòn Lúp đến Suối Ché, Tân Lương.

 

Lực lượng TNXP Phú Yên có đơn vị sản xuất để tăng gia sản xuất cho đơn vị đóng tại Hòn Thuận (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) do đồng chí Nguyễn Văn Thống phụ trách.

 

Sau Hiệp định Paris được ký kết (1973), thực hiện chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy, TNXP đảm nhiệm thêm nhiệm vụ mở rộng các tuyến đường liên thông từ Phú Yên lên Gia Lai, lên Đắk Lắk B3 giáp biên giới Campuchia - đường mòn Hồ Chí Minh và các tuyến đường từ căn cứ xuống đồng bằng để chuyển hàng Trung ương viện trợ bằng cơ giới và tiến quân nhanh của các đơn vị vũ trang cơ động, phục vụ giải phóng tỉnh Phú Yên và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

 

Nhiệm vụ chính trị của TNXP Phú Yên trong những năm 1969-1970 là làm dân công ngắn hạn ở đồng bằng làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, khiêng cõng thương bệnh binh về hậu cứ; động viên thanh niên tham gia lực lượng thanh niên xung phong và bổ sung cho tiểu ban vận tải. Trong công tác huy động dân công, chủ yếu là huy động đồng bào các dân tộc huyện Miền Tây. Lực lượng dân công này phối hợp với thanh niên xung phong và lực lượng vận tải 559, dùng xe đạp, gùi cõng vận chuyển súng đạn từ Ma Choi xuống Suối Rễ, Tân Lương.

 

Tiểu ban hành lang có 1 tổ 3 người. Nhiệm vụ chủ yếu của tiểu ban là phụ trách việc xoi đường, phát dọn những tuyến đường cần thiết để vận tải vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường.

 

Ban Giao vận cũng tiếp nhận một tổ rèn có 4 người do ông Ba Trựu phụ trách, nhằm rèn cuốc, rựa... để sản xuất tự cấp tự túc và phát cây, làm đường. Lò rèn được xây dựng ở Buôn Gộp, sau đó dời về Tân Lương, rồi Suối Trầu. Từ 1969-1972 tổ rèn của Ban hành lang phải tự túc lương thực, đào bom Mỹ lép, cưa ra lấy thép làm rựa, rìu, cuốc chim...

 

Trên địa bàn Phú Yên, đầu năm 1969 đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chúng liên tục thực hiện kế hoạch “quét và giữ”, đánh phá vùng căn cứ, vùng giáp ranh, tạo thành một hành lang trắng, dân chỉ còn ở chung quanh quận lỵ, ban ngày về làm ăn, tối lại vào vùng địch ngủ, ta chỉ còn một số ít dân ở vùng căn cứ. Tuy vậy ở vùng căn cứ, vùng giáp ranh địch vẫn càn quét liên tục, chốt chặn các trục giao thông hành lang ngăn cách vùng này với vùng kia, cấp trên không chi viện được cho cấp dưới. Trong năm 1969, có 6 đoàn cán bộ của tỉnh theo đường hành lang về Sông Cầu đều bị địch phục kích trên đoạn Trà Ô - Long Thạch và Xuân Lãnh. Chúng còn phục kích ở các cửa khẩu vùng giáp ranh: An Định, An Lĩnh gây cho ta một số thiệt hại. Ở Hòa Tân đội công tác về làng trong năm có hàng chục lần bị phục kích.

 

Qua hơn một năm đương đầu với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” quân và dân trong tỉnh đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách rất ác liệt. Song lực lượng thanh niên xung phong đã tổ chức hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, huy động ngựa thồ và ghe thuyền của dân ở Xuân Quang 1 để vận chuyển vũ khí, lương thực trên tuyến đường sông từ La Hai về thác Cây Cau. Số ghe thuyền có 12 chiếc, ngựa có 10 con.

 

Ban Giao vận còn mở lớp đào tạo lực lượng thanh niên xung phong, thành lập một tổ may mặc để may vá cho lực lượng thanh niên xung phong; thành lập trạm xá ngành để điều trị những bệnh thông thường như: sốt rét, cảm cúm... Đến tháng 10/1972 ngoài số cán bộ đã có, Ban còn bổ sung một số đồng chí như đồng chí Bảy Tân, đồng chí Trương Đình Công, Trần Bá Châu... Đồng chí Châu Công Vọng được phân công làm Phó ban phụ trách Ban Giao vận, thay cho đồng chí Hồng Quang đã về làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Lực lượng vận tải của Ban có một đội nam nữ TNXP chuyên gùi cõng lương thực, vũ khí Tiểu ban vận tải đóng tại khu vực Gò Rộng.

 

Đến cuối năm 1972, Tiểu ban cầu đường có hơn 50 đồng chí. Đồng chí Bảy Tân làm Trưởng tiểu ban, đồng chí Ngọc và Bảy Liễu làm Phó tiểu ban. Tiểu ban cung ứng vật tư có 15 đồng chí TNXP do đồng chí Chiêm phụ trách, chuyên lo bám các cửa khẩu để mua lương thực và hàng nhu yếu phẩm phục vụ cho các cơ quan. Năm 1972, Huyện ủy Tuy Hòa 1 quyết định thành lập đơn vị TNXP của huyện do đồng chí Hữu phụ trách để phục vụ cho các phong trào của huyện.

 

Trong năm 1972, Ban Giao vận đã tổ chức sửa chữa và đóng góp thêm nhiều tàu thuyền để kịp thời đưa bộ đội hành quân và vận chuyển các đoàn công tác qua lại trên các con sông Bàn Thạch, Sông Ba, Sông Cái - La Hai do lực lượng TNXP phụ trách. Sau Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), Tỉnh ủy và UBND cách mạng đã tổ chức đẩy mạnh các mặt hoạt động. Ở vùng căn cứ phong trào căn bản được ổn định. Tiểu ban cầu đường cùng với đồng bào huyện Miền Tây đã hoàn thành việc củng cố và mở rộng tuyến đường từ Hòn Lúp - Sơn Long lên Tân Lương vào giáp đường số 7. Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể tại Tân Vinh. Đồng chí Cao Kỳ Trí (Ba Diệu) - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Dư Ái - Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND cách mạng tỉnh, đến dự cắt băng khánh thành và phát biểu trước đông đảo đồng bào Miền Tây và lực lượng TNXP trực thuộc TNXP làm công nhân cầu đường thuộc Ban Giao vận.

Năm 1973, Tỉnh ủy Phú Yên đẩy mạnh công tác địch vận, kêu gọi binh sĩ, quân đội Sài Gòn quay súng về với cách mạng. Có 5 binh sĩ Sài Gòn quê ở miền Tây Nam Bộ bị địch o ép bắt lính đưa ra chiến trường Phú Yên, được cách mạng Phú Yên kêu gọi, cảm hóa, bỏ hàng ngũ địch về với nhân dân, trở thành đội viên TNXP Phú Yên. Đó là các đồng chí Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Văn Lực, Ngô Minh Tứ, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Tây (hiện nay đang sinh sống ở Thủ Đức và các tỉnh miền Tây Nam Bộ).

Đội cầu đường được tăng cường các cán bộ kỹ sư cầu đường từ miền Bắc điều về như đồng chí Nguyễn Ngọc làm đội phó, đồng chí Bùi Nhật Lệ (sau giải phóng công tác ở Bộ Giao thông vận tải), đồng chí Nguyễn Đạo (hy sinh năm 1974). Đội cầu đường mở các tuyến đường từ trại Gia Lương, dốc Hòn Chuông (xã An Thọ, huyện Tuy An) về Tân Lương, Suối Ché (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa); làm đường từ dốc Lỗ Chài (xã Hòa Quang) đi Hòa Định giáp với tỉnh lộ 7 (nay là Quốc lộ 25) về cầu sắt Suối Phèn; làm đường từ Kỳ Lộ vượt trảng tranh 4 tiếng nối thông với Gia Lai; làm đường từ Suối Ché vượt qua Buôn Ma Lúa, vượt đường 7, Sông Ba nối với tỉnh Đắk Lắk.

 

Đơn vị sản xuất của đội cầu đường do đồng chí Nguyễn Văn Bánh phụ trách đóng tại vùng 8, xã An Lĩnh (huyện Tuy An). Đơn vị Tiểu ban nhân lực của Ban Giao vận do đồng chí Nguyễn Văn Nhân, đồng chí Năm Hinh, đồng chí Trường Giang phụ trách có nhiệm vụ đi xuống cơ sở từng xã để vận động TNXP phân bổ cho hai đơn vị cầu đường, các bộ phận khác của lực lượng TNXP và các tiểu ban của Ban Giao vận tỉnh.

 

Ban Giao vận tỉnh cũng tổ chức đơn vị sản xuất đóng tại vùng 8, xã An Lĩnh (Tuy An) do đồng chí Tám Ri và đồng chí Đỗ Hờn phụ trách. Đơn vị cung cấp hàng hóa, lương thực cho văn phòng Ban Giao vận do đồng chí Hồ Xuân Thâu phụ trách. Trạm xã của Ban Giao vận tỉnh đóng ở ven sông Trà Bương, Suối Ché do đồng chí Hồ Xuân Thâu phụ trách có nhiệm vụ điều trị bệnh binh, thương binh cho ngành.

 

Trong năm 1973, Ban Giao vận Phú Yên đã xây dựng mở rộng hơn 200km đường ô tô ở vùng căn cứ. Đây là đường mà trong những năm 1968, 1969 đã sử dụng để tiếp nhận sự chi viện của Trung ương. Nhà cửa của cơ quan, lực lượng TNXP được xây dựng lại nơi bằng phẳng, phong trào thể dục thể thao, văn nghệ bắt đầu hình thành và phát triển.

 

Cuối năm 1973, Ban Giao vận tổ chức cho toàn thể cán bộ, CNV, lực lượng TNXP của ngành học tập Nghị quyết hội nghị lần thứ 21 của BCH Trung ương Đảng. Tư tưởng cán bộ công nhân viên của ngành được xác định theo quan điểm cách mạng của Đảng là: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình huống nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công...”.

 

Lúc này, Ban Giao vận Phú Yên được tăng cường một số cán bộ. Đồng chí Hồ Văn Hòa - kỹ sư cầu đường được Khu ủy 5 điều động về Ban và được phân công làm Đội trưởng đội cầu đường, thay cho đồng chí Bảy Tây trở lại Tỉnh đội. Đội cầu đường cũng được bổ sung đồng chí Ngô Văn Liễu, tăng số lượng lên hơn 70 người, hầu hết là lực lượng TNXP. Đồng chí Lê Đức Biền - nguyên Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa được điều về làm Đội trưởng Đội vận tải. Trong Đại hội Đảng bộ ngành, đồng chí Châu Công Vọng - Phó Ban Giao vận, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy khối chính quyền được bầu làm Bí thư Đảng ủy ngành.

 

Trong năm 1973, lãnh đạo Ban Giao vận và Đảng ủy ngành đã chỉ đạo TNXP sản xuất tự túc lương thực từ 3-6 tháng. Mỗi đơn vị trực thuộc Ban đều được vay một khoản kinh phí của Ban Kinh tài tỉnh để mua sắm sức kéo, công cụ sản xuất. Lực lượng TNXP đã trồng hơn 20 vạn gốc sắn mì và nuôi hơn 1000 con gà, 17 con bò, hơn 20 con heo. Nhờ vậy, đời sống lực lượng TNXP được cải thiện rõ rệt; tổ may mặc cũng kịp thời may vá quần áo trang bị cho anh em. Tình hình tổ chức, bộ máy, hoạt động của lực lượng TNXP Phú Yên khá ổn định, là lực lượng chủ lực báo công trong Hội nghị Giao vận Khu 5 vào cuối năm 1973 tại Sơn Long - Sơn Hòa.

 

Bài 7: Phục vụ tổng tiến công Mùa xuân 1975

 

TS CAO VĂN THỬ

Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek