Sau ngày giải phóng miền Nam, để đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới, ngày 29/9/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa III) ra Nghị quyết 245-NQ/TW về việc bỏ cấp khu, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Ngày 20/10/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Thực hiện nghị quyết của Đảng, ngày 29/10/1975, UBND cách mạng Khu Trung Trung bộ (Khu 5) ban hành Quyết định 155/QĐ về việc hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh từ ngày 3/11/1975.
Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Khánh, trong phiên họp đầu tiên tháng 11/1975, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Khánh đặt vấn đề phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu. UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Khánh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi, thâm canh, tăng vụ, khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, kết hợp với dân cư ở thành thị, tăng cường chỉ đạo các vùng trọng điểm lúa.
Cùng với phong trào khai hoang phục hóa được triển khai sôi động trong toàn tỉnh, những năm đầu sau giải phóng tỉnh Phú Yên và sau ngày 3/11/1975 là tỉnh Phú Khánh đã hình thành nhiều điểm kinh tế mới ở Sơn Thành, Chí Thán, Nhiễu Giang, Sơn Nguyên, Lỗ Rong (Hòa Hội), Cẩm Tú (Hòa Kiến), Đa Lộc...
Cơ quan Tỉnh đoàn chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn thành lập các đơn vị thanh niên xung phong làm nhiệm vụ khai hoang vỡ hóa, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho các điểm kinh tế mới.
Thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 1976-1980, UBND tỉnh Phú Khánh xác định: “Khai hoang, mở rộng diện tích canh tác là vấn đề mấu chốt nhất, quyết định nhất để phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế”.
Tháng 12/1975, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã đề ra khẩu hiệu “Thanh niên hăng hái tiến lên hàng đầu, ra sức cống hiến nhiều nhất, học tập và rèn luyện tốt nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN giàu mạnh” đồng thời phát động trong đoàn viên, thanh niên thi đua thực hiện 4 phong trào hành động cách mạng: phong trào tình nguyện xây dựng Tổ quốc; phong trào quyết thắng trong lực lượng vũ trang; phong trào học tập trong các tầng lớp thanh niên; phong trào rèn luyện thân thể và thực hiện nếp sống mới.
Nhằm biến nghị quyết của Trung ương Đoàn thành phong trào hành động cách mạng, thanh niên tỉnh Phú Yên bước vào năm 1976, năm thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ I, với một khí thế cách mạng mới. Trong năm 1976, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy đưa người dân sống tạm cư ở các đô thị về quê hương và đi xây dựng các vùng kinh tế mới, Đoàn thanh niên tỉnh đã huy động hàng ngàn thanh niên thành lập các tổng đội thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới. Nhiệm vụ của Tổng đội Thanh niên xung phong là động viên nam, nữ thanh niên trong tỉnh tình nguyện xung phong vào mặt trận xây dựng kinh tế, góp phần thiết thực vào nhiệm vụ bố trí lại lực lượng lao động, phân bố lại dân cư, tạo việc làm, nhằm phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân; thông qua lao động sản xuất, học tập và rèn luyện, chăm lo đời sống trong lực lượng thanh niên xung phong để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, xây dựng lớp thanh niên mới XHCN; góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng lực lượng hậu bị cho quân đội, sẵn sàng phục vụ chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 2/1976, Tổng đội Thanh niên xung phong huyện Tuy Hòa được thành lập (bao gồm TP Tuy Hòa, các huyện Đông Hòa, Tây Hòa và Phú Hòa ngày nay) đã tập hợp hơn 1.000 thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Lỗ Rong. Thanh niên huyện Xuân An (gồm các huyện Tuy An, Đồng Xuân và TX Sông Cầu ngày nay) thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong với gần ngàn người đến xây dựng điểm kinh tế mới Bình Nông. Việc hình thành các tổng đội thanh niên xung phong trong toàn tỉnh đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lực lượng thanh niên quyết tâm xây dựng cuộc sống mới bằng chính sức lao động sáng tạo và lòng quả cảm của thế hệ trẻ thanh niên sẵn sàng từ bỏ lối sống cũ, chỉ lo hưởng thụ, ích kỷ, mang nặng tàn dư của chế độ thực dân kiểu mới.
Bằng sức lực của tuổi trẻ, mặc dù chỉ lao động bằng công cụ thô sơ, lực lượng thanh niên xung của tỉnh đã tiến hành khai hoang hàng ngàn hecta đồi núi, cải tạo đất để trồng các loại cây nông nghiệp và công nghiệp ngắn ngày. Những nông trường sắn, ngô trải một màu xang ngút mắt thay cho màu xanh của rừng bị chiến tranh tàn phá, thể hiện sức mạnh của tuổi trẻ Phú Yên, biến sỏi đá thành khoai sắn. Thành quả này góp phần quan trọng vào việc xóa đói, khắc phục tình hình thiếu lương thực trong những năm đầu sau giải phóng.
Vừa tổ chức, vừa xây dựng lực lượng, thanh niên xung phong xây dựng kinh tế tỉnh Phú Yên đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong đời sống kinh tế - xã hội góp phần đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất, xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng nông trường. Đồng thời, thanh niên xung phong cũng là trường học để cải tạo, xây dựng và rèn luyện lớp trẻ của tỉnh trở thành con người mới XHCN, phù hợp với yêu cầu cải tạo XHCN và xây dựng CNXH trên toàn tỉnh.
Đến cuối năm 1976 trên địa bàn tỉnh Phú Yên có đến 1.700 thanh niên, đoàn viên tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong và được tổ chức phiên chế thành các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Họ đã ngày đêm quên mình lao động trên các nông trường ở Lỗ Rong, Bình Nông, Sơn Thành, Chí Thản xây dựng nên những cánh đồng phủ đầy màu xanh của ngô, sắn, mía. Trong quá trình lao động, tiến công vào đói nghèo, lạc hậu, thanh niên xung phong không chùn bước trước khó khăn của rừng núi như bệnh tật, sốt rét, nhiều thanh niên đã ngã xuống, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho những mùa màng bội thu.
Nhiều thanh niên xung phong trong tỉnh ở các đô thị thời kỳ này chưa quen cuộc sống tập thể, thậm chí chưa có khái niệm gì về công tác vỡ hoang. Dụng cụ lao động thiếu thốn. Đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều thanh niên lần đầu tiên xa gia đình, xa cuộc sống hưởng thụ ở đô thị. Những khó khăn này dần dần được khắc phục thông qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Cùng với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, các trung đoàn, tiểu đoàn cho đến đại đội thanh niên xung phong vừa phải nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, vừa quan tâm chăm lo sản xuất tự túc, đảm bảo đứng chân lâu dài. Các đơn vị đều dành cho 5% số quân vào nhiệm vụ sản xuất tự túc, cải thiện đời sống cho người lao động. Các đơn vị vừa làm tốt công tác khai hoang, vừa dành thời gian trồng rau xanh, nuôi gà, nuôi lợn để có lương thực phục vụ hàng ngày. Nhìn những luống rau, vạt cà mọc xanh tốt cùng đàn gà, đàn lợn béo tròn tại các điểm khai hoang, mỗi đoàn viên thanh niên xung phong trào dâng cảm xúc về tương lai của vùng đất mà mình đang khai phá sẽ sớm trở thành tụ điểm nhân dân sinh sống. Các nông trường được khai hoang phần lớn xa khu vực dân cư nên mọi sinh hoạt, các đội viên đều phải tự làm lấy. Một số thanh niên ở đô thị chưa biết lao động phải học tập kinh nghiệm của thanh niên nông thôn. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tiểu đoàn, đại đội thanh niên xung phong đã nâng cao năng suất trong việc chặt cây, đào gốc, đào mương dẫn nước từ suối vào ruộng. Bên cạnh vỡ hoang, thanh niên xung phong còn đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá để đắp đường, nối thông nông trường với hệ thống đường lộ.
Cũng như nhiều Tổng đội Thanh niên xung phong trong cả nước, thanh niên xung phong tỉnh Phú Yên thuộc đơn vị huyện Tuy Hòa khai hoang tại Lỗ Rong, Sơn Thành đã đẩy mạnh công tác thi đua, tạo khí thế lao động sôi nổi, quên mình để hoàn thành nhanh gọn nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo của các tổng đội đã từng bước đi vào ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết hợp giữa lao động thủ công với sử dụng cơ giới, góp phần tăng năng suất. Tuy phương thức lao động là tập thể, song ban lãnh đạo tổng đội đã có những hình thức giao khoán đến từng đại đội, đội viên về nhiệm vụ phát quang, đào gốc cây, san bằng đất đá. Nhờ vậy, các đại đội thi đua trong lao động, nhiều sáng kiến được áp dụng để tăng năng suất.
Thanh niên xung phong trên nông trường Bình Nông thuộc đơn vị Tổng đội xung phong huyện Xuân An đã khắc phục thời tiết nắng nóng ban ngày, tranh thủ cả ánh trăng, lao động ngày đêm vỡ hoang, san cào đất đá tạo mặt bằng cho hàng chục hec-ta đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày.
Ở các huyện miền núi Tây Sơn, Đồng Xuân, lực lượng thanh niên xung phong các xã đã tích cực vận động đồng bào các dân tộc thiểu số định canh định cư, góp phần ổn định và xây dựng đời sống mới, đẩy mạnh phong trào trồng cây phủ xanh đồi trọc, đẩy mạnh nghề rừng, khai thác lâm thổ sản bán cho Nhà nước. Điểm nổi bật của thanh niên xung phong miền núi là tham gia làm thủy lợi, đắp đập ngăn suối, lấy nước cày cấy, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như làm đất, sử dụng giống mới, dùng phân bón… Thanh niên xung phong miền núi Phú Yên đã góp hàng vạn ngày công tu sửa các trục đường giao thông, phát dọn đường liên thôn, liên xã tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.
Bước sang năm 1977, lực lượng thanh niên xung phong trên địa bàn Phú Yên được tăng cường bổ sung thêm 3.300 người. Một số điểm khai hoang vỡ hóa mới ở Nam Bình, Sơn Nguyên, Đa Lộc, Nhiễu Giang do lực lượng thanh niên xung phong đảm nhận. Cũng trong năm này, đơn vị thanh niên xung phong mang tên Đại đội Sơn Tây gồm 103 người do Tỉnh đoàn chủ trương thành lập. Các thanh niên xung phong được huy động từ thanh niên xung kích TX Tuy Hòa, Đồng Xuân (thị trấn La Hai và xã Xuân Phước), Tuy An (xã An Thạch, thị trấn Chí Thạnh). Đồng chí Thanh Ba (biệt danh Ba sao vàng) được cử làm Đại đội trưởng Thanh niên xung phong Sơn Tây, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn (Thường vụ Huyện đoàn Tuy An) và đồng chí Nguyễn Đình Chiến được cử làm Đại đội phó. Nhiệm vụ của Đại đội Thanh niên xung phong Sơn Tây là tổ chức khai hoang vùng đất đỏ bazan Sơn Thành, tổ chức đào gốc cây, cày ải, gieo trồng sắn, đậu đỏ, bắp, xây lắp lán trại phục vụ cho công nhân từ nông trường Sông Con (Bình Trị Thiên) đưa vào để hình thành nên nông trường Sơn Thành hiện nay.
Do tập trung lượng lớn thanh niên nên khâu tổ chức, chỉ đạo gặp phải nhiều khó khăn. Đa số thanh niên xung phong là thanh niên trưởng thành trong chế độ cũ, sống ở các đô thị chưa quen lao động chân tay. Khi gia nhập vào lực lượng thanh niên xung phong, lao động sản xuất ở các điểm kinh tế mới, trên rừng núi âm u, khí hậu khắc nghiệt, đời sống sinh hoạt khó khăn, nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tư tưởng. Tuy gặp nhiều khó khăn phức tạp bước đầu, nhưng được sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn, công tác ổn định tư tưởng, xây dựng nơi ăn chốn ở từng bước khắc phục những thiếu thốn, dao động. Kết quả tại các điểm khai hoang trong năm 1976, lực lượng thanh niên xung phong toàn tỉnh đã mở rộng hơn 3.000ha đất nông nghiệp, tạo điều kiện đưa hơn 3 vạn dân lên vùng kinh tế mới làm ăn ổn định cuộc sống.
Với tinh thần “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” “ngăn sông tấn nước lên đồng để cho cây lúa trổ bông”, lực lượng thanh niên xung phong Phú Yên đã tham gia tích cực vào công tác đào mương làm thủy lợi, đã đóng góp hàng triệu ngày công đưa dòng nước mát đến các cánh đồng. Ngày 26/3/1978, hơn 300 thanh niên xung phong huyện Xuân An làm lễ xuất quân tại xã An Chấn để đào mương dẫn thủy từ thôn Phú Vang kết nối hệ thống thủy nông Đồng Cam đưa nước về tưới cho cánh đồng phía nam của huyện. Với các công cụ thô sơ như xẻng, cuốc, xà beng, qua hơn 1 tháng thi công, lực lượng thanh niên xung phong đã đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, khai dẫn chiều dài tuyến kênh mương hơn 3km. Công việc đào mương làm thủy lợi yêu cầu phải ứng dụng trình độ khoa học kỹ thuật, do đó trong quá trình đào đắp các đại đội thanh niên xung phong được các cán bộ kỹ sư của huyện hướng dẫn, theo dõi đo độ dốc đáy mương, tả ly bờ mương. Hễ chỗ nào chưa đạt thì nạo vét lại, cứ thế từng đoạn một cho hết toàn tuyến. Để động viên tinh thần lao động vượt qua khó khăn, lãnh đạo thanh niên xung phong đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ trên công trường. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, đêm đến, sân khấu ca nhạc được dựng lên để toàn Tổng đội thanh niên xung phong ca hát. Những bài ca cách mạng ca ngợi quê hương giải phóng đã vang lên biểu hiện khí thế hào hùng của tuổi trẻ thanh niên xung phong sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.
Sau khi hoàn thành tuyến kênh thủy lợi tưới tiêu cho cánh đồng Phú Vang, lực lượng thanh niên xung phong huyện Xuân An tiếp tục chuyển quân ra đào đắp kênh mương thôn Phước Lý, xã An Chấn. Hệ thống kênh mương này cũng được hoàn thành qua 2 tháng lao động. Tổng cộng trong thời gian 4 tháng, thanh niên xung phong huyện Xuân An đào được 7km kênh mương thủy lợi nối từ trạm bơm Phú Vang đến thôn Tân An, xã An Hòa. Phát huy thành quả làm kênh mương thủy lợi của thanh niên xung phong huyện Xuân An, phong trào đào kênh thủy lợi được thanh niên xung phong cả tỉnh tích cực tham gia. Thanh niên xung phong huyện Tây Sơn bỏ ra hàng ngàn ngày công đào đắp hệ thống kênh mương Chí Thán và Tịnh Sơn, biến vùng đất trước đây sản xuất 1 vụ thành cánh đồng tươi tốt trên 2 vụ lúa/năm.
Trong năm 1978, thanh niên xung phong huyện Xuân An tham gia vào việc mở cửa biển, đưa nguồn nước trong đầm Ô Loan bị ô nhiễm nặng bởi hàng trăm tấn rác thải thoát ra cửa biển Tân Quí, xã An Hải. Đây là công việc phức tạp không chỉ đòi hỏi tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải có tri thức về dòng chảy của sông, lưu lượng thủy triều biến động hàng ngày. Sau khi đo đạc đoạn sông bị bồi lấp cạn dòng dài trên 3km từ lạch Tân Quí đến cuối thôn Phú Lễ, xã An Ninh Đông, tổng đội TNXP chia làm nhiều đại đội tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy. Đoạn giáp cửa biển Tân Quí được tổng đội quyết định xẻ cát tạo một cửa biển mới với chiều dài 40m. Công việc xẻ cát tạo dòng chảy mới tuy không khó nhọc nhưng đòi hỏi phải tính toán kỹ, sao cho khi thi công xong là mùa mưa đến, nước lũ về, lợi dụng dòng nước để kết hợp với lao động phá bờ từ hai phía. Hỗ trợ cho công việc đào đắp lúc này chỉ có một chiếc máy ủi cỡ nhỏ, còn tất cả đều làm bằng tay. Sau 10 ngày tập trung sức lao động, cửa biển được khai thông, hàng trăm tấn rác thải bẩn được cuốn trôi ra biển, trả lại cảnh quan sạch sẽ cho đầm Ô Loan.
Ngày 21/3/1978, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Khánh quyết định giao cho Tỉnh đoàn Phú Khánh thành lập công trường khai hoang thanh niên 26/3 đóng quân ở đông Sông Hinh (khu vực lòng hồ thủy điện Sông Hinh) với quân số từ 1.200-2.000 người do đồng chí Nguyễn Xuân Thời làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phạm Công Tuấn và Hoàng Quốc Oai làm chỉ huy phó, chuyên khai hoang và sản xuất bắp, mè, đậu các loại, sắn, thuốc lá. Công trường thanh niên khai hoang 26/3 có 6 đại đội sản xuất (mỗi đại đội ít nhất 120 người). Đại đội Quyết Tiến (Diên Khánh) do đồng chí Đỗ Hữu Minh Vinh làm đại đội trưởng. Đại đội Kiên Cường (Cam Ranh) do đồng chí Đinh Văn Thành làm đại đội trưởng. Đại đội Xung Kích (Khánh Ninh, Ninh Hòa, Vạn Ninh) do đồng chí Hận làm đại đội trưởng. Đại đội Quyết Thắng (TP Nha Trang) do đồng chí Nguyễn Đoan Mỹ làm đại đội trưởng. Đại đội Trung Dũng (Xuân An, Đồng Xuân, Tuy An) do đồng chí Trần Thơ Ấu và sau đó là các đồng chí Trình Viết Luân, Bùi Thị Nở làm đại đội trưởng. Đại đội Trung Kiên (huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa) do đồng chí Nguyễn Thanh Phúc làm đại đội trưởng. Đại đội Thép (gồm 130 đội viên, đây là đại đội xây dựng cơ sở vật chất như nhà chỉ huy, hội trường, trạm xá, lán trại, chuồng trại... của Công trường 26/3) do đồng chí Trần Cơ làm đại đội trưởng. Lãnh đạo Công trường 26/3 có chi bộ đảng và BCH Đoàn cơ sở. Bên cạnh nhiệm vụ khai hoang, lực lượng thanh niên xung phong Công trường 26/3 còn chăn nuôi trên 500 con bò thương phẩm và sinh sản. Đến tháng 9/1979, Công trường 26/3 nhận quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Khánh tiếp nhận 220 tù nhân từ A30 chuyển giao, quản lý giáo dục, lao động trong thời hạn 18 tháng, sau đó cho về địa phương hòa nhập cộng đồng. Sau 3 năm tiến hành khai hoang vỡ hóa, tạo dựng những cơ sở vật chất ban đầu cho vùng đất mới Sông Hinh, đến ngày 30/3/1980, toàn bộ công trường đã hoàn thành nhiệm vụ, bàn giao lại cho đơn vị mới chuẩn bị tiếp nhận dự án Thủy điện Sông Hinh.
-----------------------
Bài 9: Phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam
TS CAO VĂN THỬ
Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Phú Yên