Thứ Sáu, 19/04/2024 04:19 SA
65 năm dấu ấn thanh niên xung phong Phú Yên:
BÀI 4: Những năm tháng khó khăn của cách mạng miền Nam
Thứ Ba, 08/11/2016 10:02 SA

Thanh niên xung kích các dân tộc Phú Yên tham dự hội nghị thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên tại Phước Tân (huyện Sơn Hòa)

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, vừa tiếp quản tỉnh Phú Yên, Mỹ - Diệm tiến hành cuộc trả thù tàn khốc những người cộng sản và quần chúng yêu nước.

 

Ngày 1/9/1954, quân ngụy triển khai đóng quân ở đèo Cù Mông và ga Phước Lãnh để khống chế con đường liên lạc của Tỉnh ủy Phú Yên với vùng tập kết 300 ngày tỉnh Bình Định.

 

Ngày 5/9/1954, Bộ Chỉ huy Trung Việt của quân ngụy ra lệnh cho các đơn vị tiếp quản tỉnh Phú Yên: “Đàn áp các cuộc biểu tình, tiến hành bắt cán bộ cộng sản, đồng thời chuẩn bị Bắc tiến”.

 

Ngày 5/9/1954, tiểu đoàn lính ngụy mang tên Lê Hữu Từ (một linh mục phản động khét tiếng ở Bùi Chu - Phát Diệm di cư vào Nam) do Võ Duy Đệ chỉ huy đã gây ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh làm chết 64 người, bị thương 76 người. Đây là một trong ba vụ thảm sát man rợ ở miền Nam gây chấn động cả nước và quốc tế (vụ thảm sát chợ Dược Vĩnh Trinh (Quảng Nam), Ngân Sơn - Chí Thạnh (Phú Yên), Mỏ Cày (Bến Tre). Tỉnh trưởng ngụy quyền Lương Duy Ủy ra lệnh thuộc hạ lùng sục bắt bớ và bắn hạ thủ tiêu nhiều cán bộ đảng viên được phân công ở lại hoạt động.

 

Ngày 21/9/1954, địch sát hại đồng chí Lê Văn Thành - nguyên Tỉnh đoàn trưởng thanh niên (Bí thư Tỉnh đoàn) trong kháng chiến chống Pháp. Ngày 26/9/1954, địch sát hại đồng chí Đỗ Như Dạy tại quê nhà Hòa Xuân (đồng chí Đỗ Như Dạy vừa được truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Ngày 28/9/1954, địch bắt giam 19 cán bộ ở hai thôn Long Tường, Phụng Tường (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). Ngày 21/9/1954, địch bắt 21 cán bộ xã An Ninh... Khắp nơi trong tỉnh bao trùm không khí tang tóc.

 

Ngoài vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh, chỉ trong tháng 9/1954, địch truy bắt và thủ tiêu 190 cán bộ, tra tấn làm tàn phế 505 người, bắt đi thủ tiêu 589 người...

 

Không chỉ vây bắt, thủ tiêu những người cộng sản, địch còn lén lút thủ tiêu hàng trăm quần chúng yêu nước. Các nhà lao Ngọc Lãng, Khu Chiến thật sự là địa ngục trần gian.

 

Trước thảm cảnh bị địch khủng bố trắng, ngày 29/9/1954, Tỉnh ủy Phú Yên triệu tập hội nghị bí mật tại xã An Lĩnh (huyện Tuy An) để đối phó với địch, chuyển hướng nhận thức tư tưởng và hoạt động theo phương châm “Bí mật, thận trọng, khéo che giấu, khéo hoạt động”.

 

Tỉnh ủy chủ trương xây dựng căn cứ ở Sơn Hòa, phân công đồng chí Cao Xuân Thiêm (Văn Công) tổ chức xây dựng mật khu Thồ Lồ và đường dây liên lạc giữa Tỉnh ủy Phú Yên và Liên Khu ủy 5, nhận chỉ đạo trực tiếp từ Liên Khu ủy 5, qua đại diện Tỉnh ủy Phú Yên đóng ở Lộc Lễ - Diêu Trì, tỉnh Bình Định. Đồng chí Cao Xuân Thiêm đã tổ chức một đội TNXP người dân tộc Ba Na để xây dựng mật khu Thồ Lồ làm nơi đứng chân của Tỉnh ủy Phú Yên trong những ngày khó khăn gian khổ nhất của cách mạng miền Nam và liên lạc với bộ phận lãnh đạo của Tỉnh ủy Phú Yên đóng ở Bình Định.

 

Là Đội trưởng Đội 250 chuyên trách công tác Thượng du vận trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Cao Xuân Thiêm khẩn trương huy động lực lượng xây dựng một đội thanh niên xung kích tổ chức đường dây liên lạc giữa các huyện trong tỉnh Phú Yên và giữa Phú Yên với Vân Canh (Bình Định), chọn địa điểm để tích trữ lương thực, vũ khí từ khu vực tập kết Bình Định chuyển vào Phú Yên chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới.

 

Tình hình Phú Yên lúc này rất căng thẳng, phức tạp bởi sự khủng bố đẫm máu của kẻ thù. Cán bộ lãnh đạo từ tỉnh xuống huyện có nhiều đồng chí sa vào tay giặc. Một số tìm cách ra vùng tập kết 300 ngày tỉnh Bình Định để tập kết ra Bắc. Cán bộ được phân công ở lại chỉ có vài đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy và một số cán bộ văn phòng trụ lại ở buôn Ma Tý (xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa). Ở các huyện cũng chỉ có vài đồng chí. Đồng chí Đỗ Hòa Thái, Bí thư Huyện ủy Sông Cầu, ẩn vào rừng sâu tránh sự ruồng bố của địch đến nỗi mới ngoài 30 mà mái đầu bạc trắng, được anh em đặc biệt danh mới là “Bạch mao nam”.

 

Đội Thanh niên xung kích do đồng chí Cao Xuân Thiêm làm Đội trưởng đã tìm cách soi rừng đưa bộ phận Tỉnh ủy từ vùng địch kiểm soát ra vùng tập kết tỉnh Bình Định để nghe đại diện Khu ủy 5 truyền đạt nghị quyết về phương hướng đấu tranh trong tình hình mới.

 

Lúc này, cán bộ được phân công ở lại bám trụ với chiến trường Phú Yên không quá 50 đồng chí. Để tiện việc chỉ đạo thông suốt từ tỉnh xuống cơ sở và liên lạc từ tỉnh với Khu ủy V, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định thành lập bộ phận giao thông liên lạc do đồng chí Cao Xuân Thiêm phụ trách.

 

Ngoài lực lượng Đội 250, Tỉnh ủy rút nhiều thanh niên xung kích ở các thôn, xã tăng cường cho lực lượng giao liên. Tỉnh có tổng trạm giao liên, mỗi huyện có trạm giao liên hoặc tổ giao liên. Từ tổng trạm đến các trạm huyện đi một ngày đường. Trạm Ma Dú - Ma Choi nối liền với đường dây Liên khu V cả đi và về mỗi chuyến mất 4 ngày. Mỗi tháng, đồng chí Cao Xuân Thiêm cùng lực lượng thanh niên xung kích tổ chức 3 chuyến liên lạc giữa tỉnh và Khu ủy 5.

 

Trạm giao liên là “điểm hẹn”, nói là trạm nhưng thực tế không hề có nhà, lán trại, tất cả dựa vào rừng sâu, núi cao với tấm ni lông che mưa nắng. Mỗi thanh niên giao liên xung kích chỉ có cái gùi trên vai chứa những vật dụng thiết yếu nhất để sống và hoạt động.

 

Bên cạnh lực lượng giao liên xung kích “bất hợp pháp” của Tỉnh ủy bí mật, cách mạng còn xây dựng lực lượng giao liên xung kích hoạt động bí mật, hợp pháp trong vùng địch kiểm soát. Để tránh sự dòm ngó của địch, lực lượng giao liên xung kích bí mật, hợp pháp được tuyển lựa từ những phụ nữ trẻ trung kiên. Mạng lưới này do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các bí thư huyện ủy trực tiếp xây dựng, hoạt động đơn tuyến trong vùng địch kiểm soát. Cả hai lực lượng giao liên xung kích (bất hợp pháp và hợp pháp) thực hiện việc soi đường, bám đường, giữ vững đường dây liên lạc từ cơ quan Tỉnh ủy đóng tại khu rừng buôn Ma Nốc phía tây thôn Kỳ Lộ đến tất cả các huyện trong tỉnh. Đặc biệt, để liên lạc với Tuy Hòa 1, lực lượng giao liên xung kích phải vượt qua con đường 7 (nay là quốc lộ 25), vượt qua sông Ba, Sông Hinh, băng qua rừng buôn Đắc, Hòn Nhọn và cả một hệ thống đồn bót, ấp chiến lược Tuy Bình, buôn Hai Riêng dày đặc bọn biệt kích tham báo. Từ cơ quan Tỉnh ủy, lực lượng giao liên xung kích vượt núi cao, rừng thẳm, sông sâu để ra trạm đầu mối đường dây tỉnh nối với đường dây Khu ủy 5. Nhiều cung đường hầu như chưa có dấu chân người lui tới.

 

Từ Tổng trạm của tỉnh, lực lượng giao liên xung kích soi đường đặt trạm dọc theo vùng núi phía tây Phú Yên nối với các trạm Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai và các huyện. Từ cơ quan Tỉnh ủy đóng ở Đá Mài - miền Tây, lực lượng giao liên xung kích mở đường đi các huyện, xây dựng các trạm dọc cung đường từ Đá Mài qua đường 7, vượt sông Ba, vào buôn Thung (xã Sông Hinh) xuống Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ Tây) nơi đóng căn cứ Huyện ủy Tuy Hòa 1. Đường đi Tuy An từ Đá Mài xuống Suối Cối nối với An Xuân - căn cứ của Huyện ủy Tuy An. Đường đi Sông Cầu từ Suối Cối về buôn Cây Đu - Đá Chẹt đến Tầm Tường nối với Xuân Thọ.

 

Từ cuối năm 1955, Tỉnh Phú Yên huy động thanh niên xung kích phục vụ giao thông liên lạc (giao liên) ở các trạm trong toàn tỉnh, bao gồm:

 

Tổng trạm (còn gọi là trạm trung tâm) đóng ở buôn Ma Nốc (phía tây Kỳ Lộ), sau đó dời đến Phước Tân. Tổng trạm có các đồng chí Sơn Bình (quê xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu), Nguyễn Sa (quê xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa); Nguyễn Hà, Nguyễn Lô (quê xã An Xuân, huyện Tuy An), Đoàn Văn Minh (quê xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân).

 

Trạm giao liên Ma Dú đặt ở núi La Hiên có các đồng chí Dương (quê Quảng Ngãi), Toại (quê ở xã Xuân Quang), Ma Voi (quê ở buôn Ma Dú). Trạm giao liên Ma Choi (Thồ Lồ) có các đồng chí Ma Tôi (quê ở buôn Cây Vừng, xã Phú Mỡ), đồng chí Minh (quê ở xã Xuân Quang). Đồng chí Cao Xuân Thiêm, Bí thư Chi bộ Đảng vùng Thồ Lồ trực tiếp phụ trách hai trạm Ma Dú, Ma Choi. Trạm giao liên Cà Te đóng ở xã Canh Tết các huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định là trạm cuối cùng ở phía bắc tỉnh nối liên lạc với tỉnh Bình Định và Khu 5 có các đồng chí Ma Cử, Bảy Bét. Trạm giao liên Sông Cầu đặt ở Tầm Tường, Đa Lộc có đồng chí Bảy. Trạm giao liên Đồng Xuân đặt ở Suối Cối (Xuân Phước) có các đồng chí Năm Hinh, Ba Ché. Trạm giao liên Cà Lúi đặt ở buôn Ma Đao (huyện Sơn Hòa) có các đồng chí Ma Oai, Ma Thy, Ma Thìn. Trạm giao liên Ma Giá đặt ở Hòn Ó (xã Suối Trai) có các đồng chí Ma Bào, Ma Túc. Trạm giao liên buôn Thung đặt ở buôn Thung là trạm nối liền huyện Tuy Hòa 1 với huyện Sơn Hòa để liên lạc với tỉnh có các đồng chí Ma Bô (Hóa), Ma Hiu. Trạm giao liên Tuy Hòa 1 đặt ở vùng Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ). Đây là trạm địa đầu miền Tây huyện Tuy Hòa 1 nối với các trạm khác nối liền miền Tây với miền Đông huyện Tuy Hòa, như các trạm giao liên Suối Lạnh, Hóc Hoành, Bãi Xép. Toàn bộ các trạm giao liên huyện Tuy Hòa 1 có các đồng chí Năm Đẹt, Ba Dướng, Bảy Nộ, Sáu Thẹo, Bảy Đùng.

 

Trạm giao liên Tuy An đặt tại vùng giáp ranh hai xã An Lĩnh - An Xuân do đồng chí Nguyễn Lô phụ trách. Ngoài các trạm ở vùng căn cứ, Tỉnh ủy còn tổ chức lực lượng thanh niên xung kích tổ chức các đường dây giao liên hợp pháp, nửa hợp pháp trong vùng địch kiểm soát như trạm đồng chí Trần Thị Hai (ở Long Hà, Xuân Long, Đồng Xuân), trạm đồng chí Nguyễn Thị Mẹo (chị Phó Phát) ở Xuân Lộc (Sông Cầu), trạm đồng chí Võ Thị Kim Đính (TX Tuy Hòa), trạm Xuân Sơn do đồng chí Thừa (vợ đồng chí Lê) phụ trách, trạm Tuy Hòa đóng ở Hòa Kiến do đồng chí Trần Thị Húc, Đinh Thị Nhĩ phụ trách.

 

Ở Đồng Xuân và Tuy Hòa, lãnh đạo tỉnh và huyện xây dựng khá nhiều thanh niên xung kích làm nhiệm vụ giao thông liên lạc hợp pháp và nửa hợp pháp, như các đồng chí Nguyễn Chung, Nguyễn Thị Vương, Phan Thị Khế, Phan Thị Nhạn, Mạnh Thế Lịch, Diệp Bảo Gấm, Thái Thọ Dưỡng, Năm Thiều, Võ Thị Kim Đính, Võ Thị Hồng Giác, cô Mẹo.

 

Thanh niên xung kích phụ trách đường dây giao liên hợp pháp và nửa hợp pháp hoạt động rất hiệu quả. Đơn cử, chị Năm Thiệu đi Sông Cầu giao thư cho chị chín Thạch Khê (cơ sở của đồng chí Bảo - giao liên huyện Sông Cầu), chị Hồng Thái Cúc chuyển thư đến chị Mẹo (La Hai), chị Võ Thị Hồng Niệm (Đồng Xuân) chuyển thư đến chị Võ Thị Hồng Giác (TX Tuy Hòa), chị Phan Thị Khế chuyển thư đến chị Phan Thị Nhạn và các anh Mạnh Thế Lịch, Diệp Bảo Gấm, anh Thái Thọ Dương chuyển thư đến các chị Hồng Thái Cúc, Võ Thị Kim Đính, Võ Thị Hồng Giác. Các chị Võ Thị Kim Đính và Võ Thị Hồng Giác chuyển tin tức vào nhà lao TX Tuy Hòa cho các đồng chí đảng viên trung kiên đang bị địch giam cầm. Các đồng chí Nguyễn Chung và Võ Cao Thức nắm tin tức các nơi tổng hợp chuyển lên căn cứ Tỉnh ủy.

 

Trong thời gian này, đồng chí Trần Suyền (Sáu Râu) và đồng chí Lương Công Huề (Năm Già) giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Duy Luân bắt mối liên lạc xây dựng cơ sở cách mạng là những thanh niên xung kích ở đồng bằng nhưng nhiệt huyết lên vùng rừng núi Sơn Hòa để bắt liên lạc với cách mạng. Đó là vợ chồng anh Nguyễn Chú, Nguyễn Thị Hường và chị Chế Thị Cúc (trong kháng chiến chống Pháp là học sinh Trường trung học kháng chiến Lương Văn Chánh, cán bộ thanh niên phụ trách thiếu niên xã Hòa Thắng). Đồng chí Nguyễn Duy Luân giao nhiệm vụ cho vợ chồng anh Nguyễn Chú làm cơ sở mua bán tiếp tế cho cách mạng. Riêng đồng chí Chế Thị Cúc được giao nhiệm vụ làm giao liên, đồng thời xây dựng một số cơ sở ở đồng bằng Tuy Hòa.

 

Kẻ thù ngày đêm truy nã những người kháng chiến cũ và quần chúng yêu nước, gây cho cách mạng nhiều tổn thất. Ngày 29/12/1955, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Đài bị địch truy bắt tại thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh cùng đồng chí Võ Mậu - Huyện ủy viên Đồng Xuân. Địch dùng mọi cực hình tra tấn đồng chí Lê Đài nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người đảng viên Cộng sản. Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo lực lượng giao liên xung kích tìm mọi cách giải thoát đồng chí Lê Đài. Do sơ hở và mất cảnh giác trong việc móc nối thông tin liên lạc, cơ sở thanh niên xung kích gồm các đồng chí Võ Thị Kim Đính, Lê Khánh Nam (Lê Văn Thống) đến đón đồng chí Lê Đài đêm 21/1/1956 bị bại lộ và sa vào tay giặc. Địch dùng mọi thủ đoạn thâm độc, dàn dựng nhiều âm mưu để bôi nhọ đồng chí Lê Đài nhằm hạ uy thế những người cộng sản trong lòng quần chúng, lừa bịp quần chúng cách mạng và phân hóa trong nội bộ Đảng. Tàng thư của Đảng lưu hồ sơ của địch có nêu báo cáo của Ty Công an ngụy quyền Phú Yên gởi Nha cảnh sát ngụy Trung Việt có đoạn ghi: “Khai thác tên Lê Đài, ty tôi nhận thấy y luôn tráo trở, thái độ rất ngoan cố. Không chịu khai xuất cơ sở nội tuyến. Nên ty tôi phải xây dựng tên Đặng Văn Cảnh - một can nhân nhẹ tội, đến nằm chung với Lê Đài. Dần dần Lê Đài tin tên Cảnh, viết thư bí mật liên lạc với TX Tuy Hòa và nhờ giải thoát. Chúng tôi bố trí cho Nguyễn Hoàng Linh đóng giả Lê Đài vượt ngục lúc 0 giờ 45 ngày 21/1/1956 như thư hẹn của Lê Đài để cơ sở ở Tuy Hòa do Võ Thị Kim Đính dẫn đầu đưa đón Lê Đài bị sa lưới”.

 

Đồng chí Lê Đài trút hơi thở cuối cùng trong nhà tù Mỹ ngụy ngày 26/11/1956. Những thanh niên xung kích ở TX Tuy Hòa tham gia giải thoát Lê Đài đều bị địch bắt giam, tra tấn dã man và chịu cảnh tù đày nhiều năm.

 

Trước tình hình kẻ địch khủng bố dã man và trả thù hèn hạ những đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước, Đảng vẫn cắm rễ sâu trong phong trào quần chúng để xây dựng lại tổ chức Đảng và phong trào cách mạng. Các tổ chức Đảng rất quan tâm đến đội ngũ thanh niên yêu nước hướng về cách mạng, xây dựng họ trở thành cơ sở cách mạng, đóng vai trò xung kích trong các phong trào.

 

Từ vùng tập kết 300 ngày ở tỉnh Bình Định, Tỉnh ủy chỉ đạo hai thanh niên xung kích Nguyễn Kỳ Tây, Phạm Ngọc Giác dùng ghe đưa hai đồng chí Trần Quang Hiệu và Võ Phi Phụng về Bãi Xép bằng ghe. Các đồng chí đảng viên có mặt tại căn cứ miền đông huyện Tuy Hòa ở vùng Bãi Xép - Đá Bia - Đèo Cả như Võ Phi Phụng, Công Minh, Trần Quang Hiệu, Nguyễn Kiết, Đinh Hiệt đã tổ chức lực lượng thanh niên xung kích xây dựng căn cứ miền Đông và tổ chức xây dựng cơ sở những thanh niên xung kích để bắt liên lạc với bộ phận lãnh đạo phía tây của huyện ở Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Sơn Thành để thống nhất sự lãnh đạo của huyện.

 

Huyện ủy Tuy Hòa chủ trương xây dựng cơ sở cách mạng là những thanh niên xung kích ở xã Hòa Xuân, hình thành đường dây liên lạc hợp pháp của huyện, cả đường bộ và đường thủy (dùng phương tiện ghe trên sông Bàn Thạch) để liên lạc với các xã phía tây huyện, nối liên lạc với các đồng chí lãnh đạo huyện ở phía tây, nối căn cứ miền đông và phía tây huyện Tuy Hòa.

 

Đồng chí Trần Quang Hiệu đã xây dựng được nhiều thanh niên yêu nước ở Hòa Xuân như Huỳnh Thị Thắt, Lê Phước, Trần Khen, Nguyễn Cước... xung kích đi đầu trong các hoạt động tiếp tế lương thực và bảo vệ căn cứ bí mật của Huyện ủy ở khu vực núi Đá Bia.

 

Từ thôn Phước Giang, Lạc Long (nay là xã Hòa Tâm), đồng chí Trần Quang Hiệu xây dựng đồng chí Đinh Như Ký (thôn Phước Lương, xã Hòa Xuân Tây) và chị Nguyễn Thị Đay làm lực lượng xung kích nuôi giấu cán bộ huyện cắm rễ trong lòng dân. Từ cơ sở này, đồng chí Trần Quang Hiệu xây dựng một số cơ sở khác như đồng chí Trần Thanh, Trần Kiểm (thôn Phước Lương, xã Hòa Xuân Tây), đồng chí Lưu Bình (thôn Nam Bình, xã Hòa Xuân Tây). Lực lượng thanh niên xung kích đã trở thành cơ sở liên lạc, báo tin, nuôi dấu cán bộ, đưa đón cán bộ Huyện ủy Tuy Hòa hoạt động. Từ các cơ sở ở xã Hòa Xuân, đồng chí Trần Quang Hiệu dựa vào sự giúp đỡ của các thanh niên xung kích, dùng ghe ngược dòng Bàn Thạch về bám trụ ở thôn Xuân Thạnh (xã Hòa Tân) móc nối xây dựng hai cơ sở mới là các thanh niên xung kích Nguyễn Nhật, Võ Thanh Vân và bám hai cơ sở mới móc nối xây dựng anh Nguyễn Liễm ở thôn Xuân Mỹ, xã Hòa Mỹ. Vợ chồng đồng chí Nguyễn Liễm và Huỳnh Thị Mơ quê gốc ở xã Hòa Xuân (quê hương đồng chí Trần Quang Hiệu) nên có quen thân với đồng chí Hiệu, phấn khởi nhận nhiệm vụ, xung kích đi đầu trong công tác nuôi giấu cán bộ và đảm nhiệm công việc, dùng nhà của mình làm địa điểm liên lạc giữa căn cứ miền Đông và bộ phận lãnh đạo huyện Tuy Hòa ở phía tây huyện. Đồng chí Trần Quang Hiệu còn tuyên truyền giác ngộ một cơ sở đặc biệt chuyên phục vụ đi lại bằng đường bộ do đồng chí Trình Công Ái ở thôn Phước Giang, xã Hòa Xuân phụ trách. Anh Trình Công Ái xung kích trong công tác giao liên, nhiều lần dùng xe đạp đưa đồng chí Trần Quang Hiệu từ cơ sở miền Đông (Đá Bia - Bãi Xép) lên Hòa Tân gặp cơ sở Võ Thanh Vân. Cơ sở Hòa Tân đưa đồng chí Trần Quang Hiệu lên Hòa Mỹ móc nối liên lạc với vợ chồng đồng chí Nguyễn Liễm. Qua cơ sở đồng chí Nguyễn Liễm, đồng chí Trần Quang Hiệu xây dựng các cơ sở mới ở Hòa Mỹ như đồng chí Huỳnh Phước Thẩm (Ba Chiến), Nguyễn Bích làm nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ. Các cơ sở cách mạng được xây dựng đều là những thanh niên xung kích, hăng hái nhận nhiệm vụ của cách mạng. Dựa vào các cơ sở ở Hòa Mỹ, đồng chí Trần Quang Hiệu bắt liên lạc với bộ phận lãnh đạo ở phía tây huyện Tuy Hòa như Nguyễn Kiết, Trương Bá Lánh, Nguyễn Duy Luân.

 

Nhờ lực lượng thanh niên xung kích là các cơ sở cách mạng vừa được xây dựng, Huyện ủy Tuy Hòa 1 xây dựng thông suốt mạng lưới giao thông liên lạc từ căn cứ miền Đông (Đá Bia - Bãi Xép) lên căn cứ miền Tây ở Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ), thống nhất sự lãnh đạo của Huyện ủy Tuy Hòa 1.

 

Ngoài đường dây bí mật, trong thời gian này Huyện ủy Tuy Hòa 1 vẫn duy trì đường dây hợp pháp nối liền giữa các xã với Huyện ủy bằng một số hộp thư kín do chị Lan ở Hòa Vinh phụ trách.

 

Năm 1956, Tỉnh ủy Phú Yên phân công đồng chí Võ Xuân Vinh và Công Minh về phụ trách Tuy Hòa 2 (các xã phía bắc sông Đà Rằng) và TX Tuy Hòa. Hai đồng chí đã kiên trì bám trụ xây dựng cơ sở, lựa chọn những thanh niên cốt cán làm nhiệm vụ xung kích như rải truyền đơn, hoạt động đơn tuyến để phát triển đảng viên, xây dựng các chi bộ Đảng bí mật hoạt động hợp pháp trong vùng địch kiểm soát.

 

Đồng chí Công Minh liên lạc với gia đình ở thôn Long Tường, xã Hòa Trị và được cơ sở bố trí ẩn nấp trong một đám mía ở xóm Cây Sộp thôn Mỹ Lãnh, xã Hòa Quang, bắt liên lạc với một số đảng viên cũ, thanh niên yêu nước tiến bộ để xây dựng lại và phát triển phong trào cách mạng ở Tuy Hòa 2. Tại Hòa Quang, đồng chí Công Minh bắt liên lạc với các đảng viên trung kiên trong kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Tự Đoan, Bùi Thúc, Nguyễn May, Bùi Núi, Nguyễn Thị Chí, Nguyễn Thị Quý, Võ Xuân, Lê Xuất, Võ Đức Châu để tuyên truyền giác ngộ xây dựng cơ sở cách mạng như các đồng chí Trần Nhung, Dương Co, Thái Nho, Phạm Thích, Nguyễn Tuyên, Kiều Mỹ Tho, Nguyễn Thìn, Nguyễn Chuyển.

 

Trong năm 1956, địch vây bắt và sát hại dã man đồng chí Nguyễn Thìn và Nguyễn Chuyển rồi tung tin hai đồng chí này tẩu thoát theo việt cộng.

 

Tổ chức Đảng đã lãnh đạo lực lượng thanh niên xung kích làm nòng cốt phát động hàng ngàn đồng bào kéo nhau ra Gò Nổng khai quật thi hài hai đồng chí Thìn và Chuyển bị địch sát hại và tổ chức đấu tranh trực diện với ngụy quyền. Tỉnh trưởng ngụy quyền Phú Yên Lê Ngọc Triển phải đích thân về Hòa Quang điều tra sự việc và trước chứng cứ rành rành, phải cúi đầu nhận tội. Qua phong trào, đồng chí Công Minh đã giao nhiệm vụ thử thách các thanh niên xung kích giác ngộ lý tưởng cách mạng, kết nạp vào Đảng và thành lập chi bộ bí mật hợp pháp xã Hòa Quang gồm các đồng chí Công Canh, Nguyễn May, Bùi Thúc, Lê Văn Bình. Chi bộ Đảng nhanh chóng xây dựng cơ sở cách mạng, nhận nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tổ chức đấu tranh chính trị đòi ngụy quyền thực hiện dân sinh, dân chủ, đòi tự do đi lại làm ăn. Các gia đình chị Võ Thị Truyền, Nguyễn Thị Chí và các anh Nguyễn May, Nguyễn Châu, Nguyễn Tòng, Lê Văn Bình... là những cơ sở cách mạng trung kiên, là chỗ dựa vững chắc của Huyện ủy Tuy Hòa 2 bám trụ hoạt động ở đồng bằng Tuy Hòa.

 

Tại Hòa Định, đồng chí Nguyễn Duy Luân (Chín Cao) trên đường bắt liên lạc với đồng chí Công Minh (Bốn Giồ) đã liên lạc được với hai cơ sở xây dựng trước đó là Nguyễn Chú (Ba Chú) và Chế Thị Cúc bám trụ ở thôn Thạnh Nghiệp (xã Hòa Định) và tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong lực lượng thanh niên xung kích như Phạm Cửu, Đào Thường, Bùi Phu, Nguyễn Thị Hạo, Trần Thị Những, Phạm Sỹ, Lê Thị Thự, Lê Lũy... kết nạp các đồng chí này vào Đảng. Với lực lượng đảng viên này, Huyện ủy Tuy Hòa 2 xây dựng được hai chi bộ Đảng bí mật hợp pháp là Chi bộ Định Thành do đồng chí Đào Thường làm Bí thư và Chi bộ Định Thắng do đồng chí Lê Lũy làm Bí thư. Từ Hòa Định, móc nối với cơ sở cách mạng xã Hòa Quang, đồng chí Nguyễn Duy Luân dựa vào lực lượng giao liên xung kích hợp pháp bắt liên lạc với đồng chí Công Minh, thống nhất chủ trương bám chặt các xã đồng bằng, tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng ở Hòa Trị, Hòa Kiến (nay là Hòa Kiến, Bình Kiến, phường 9).

 

Tại xã Hòa Trị, đồng chí Công Minh móc nối xây dựng một số cơ sở cách mạng là thanh niên xung kích như Đặng Ngọc Anh, Hà Thị Vận, Nguyễn Xuân Thịnh, Võ Hồng Chính, Lê Hưng, Hà Thị Lý, Lê Cường, Nguyễn Bá Phước, Nguyễn Nhân, Nguyễn Cảnh. Đồng chí Công Minh chỉ đạo các đồng chí thanh niên xung kích xã Hòa Trị chuẩn bị ghe xuôi theo bầu Đăng, sông Bơ đến nhà lao Ngọc Lãng để giải thoát đồng chí Lê Đài - Bí thư Tỉnh ủy, bị địch giam giữ ở đó. Rất tiếc, do ta bị lộ nên việc giải thoát không thành. Địch chuyển đồng chí Lê Đài về giam ở Ty cảnh sát.

 

Tại Hòa Kiến (cái nôi cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa), kẻ địch chọn là địa bàn thực hiện mẫu quốc sách tố cộng. Đoàn tố cộng cấp tỉnh, cấp quận trực tiếp về Hòa Kiến làm điểm. Địch bắt tất cả cán bộ đảng viên cũ giam giữ, chia đảng viên thành bốn dạng A, a, B, C, đưa ra dân “đấu tố” từng người một về “tội yêu nước” trong kháng chiến chống Pháp.

 

Địch kết án tử hình vắng mặt các đồng chí Huỳnh Nựu (Bí thư Tỉnh ủy trước Cách mạng Tháng Tám, quê ở thôn Liên Trì), Lương Đường (Phước Hậu), Bùi Vấn (Tường Quang)...

 

Đồng chí Công Minh bắt liên lạc với các đồng chí Trần Phước (thôn Thọ Bình), Trần Thị Xuyến, Bùi Mãnh, Đỗ Trọng Cầu (thôn Tường Quang, Minh Đức). Ở phía đông, đồng chí Võ Phi Phụng, Trương Bá Lánh xây dựng các cơ sở Phạm Điền, Trần Mịnh, Nguyễn Thị Hưởng (thôn Phước Hậu), Võ Bá Duy (thôn Liên Trì)...

 

Khi đồng chí Võ Phi Phụng, Nguyễn Thế Vịnh (Trưởng ty Công an trong kháng chiến chống Pháp) bị bắt, đồng chí Công Minh trực tiếp chỉ đạo xây dựng cơ sở cách mạng trong toàn xã Hòa Kiến, đặc biệt chú trọng lực lượng thanh niên xung kích giác ngộ lý tưởng cách mạng, địch ít chú ý. Trong năm 1956, các đồng chí Công Minh, Võ Xuân Vinh đã tiến hành giao nhiệm vụ thử thách và qua thành tích hoạt động, các đồng chí thanh niên xung kích ở Hòa Kiến được kết nạp vào Đảng gồm các đồng chí Nguyễn Đảnh, Nguyễn Xuân Thái, Lê Thành, Nguyễn Xuân, Nguyễn Láng (thôn Phước Hậu), Phan Văn Nguyên, Nguyễn Đình Đức, Phạm Đức Yên (Liên Trì), Hồ Mạch, Bùi Duy Mạnh, Trần Nựu (Ninh Tịnh), Đỗ Trọng Phụng (Tường Quang), Trần Mân (Minh Đức)... Lực lượng thanh niên xung kích này đã tổ chức in và rải truyền đơn dọc quốc lộ 1 và dọc đường xe lửa từ Liên Trì vào sân bay Tuy Hòa (sân bay Chóp Chài) nhân dịp ngụy quyền đón Ngô Đình Diệm đi “kinh lý” Phú Yên. Truyền đơn tố các tội ác của Mỹ - Diệm, đòi cải thiện dân sinh, dân chủ và đòi thi hành Hiệp định Geneve. Lực lượng thanh niên xung kích là đảng viên trẻ hoạt động bí mật hợp pháp trong vùng địch kiểm soát đã đảm nhiệm vai trò giao liên bí mật hợp pháp giữa các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy đứng chân trên địa bàn (đồng chí Công Minh, Võ Xuân Vinh...) và các cơ sở cách mạng ở huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa (các phường nội thị). Qua lực lượng giao liên xung kích bí mật hợp pháp, các đồng chí Công Minh, Võ Xuân Vinh tiếp tục giao nhiệm vụ và kết nạp vào Đảng các đảng viên trẻ Trương Soạn (thôn Phú Vang), Đỗ Tấn Hữu (thôn Thượng Phú), Trần Văn Minh (thôn Minh Đức), Huỳnh Lê (thôn Ngọc Phong), Bùi Phùng (thôn Thọ Vức)...

 

Để chống chiến dịch tố cộng đợt I của địch mà Hòa Kiến được địch chọn thực hiện thí điểm, các giao liên xung kích bí mật hợp pháp đã truyền đạt phương thức đấu tranh của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Tuy Hòa 2 cho các đảng viên cũ và quần chúng yêu nước bị địch đưa ra quần chúng tổ chức đấu tố. Trong những buổi “tố cộng” do địch tổ chức, lúc nào cũng có những đảng viên và quần chúng trung kiên như ông Nguyễn Nhiều, Nguyễn Kho (thôn Phước Hậu), Đỗ Trọng Cảnh (Ngọc Phong) đã hiên ngang đấu lý với địch: “Tôi nghĩ Đảng Cộng sản không có tội gì? Đuổi Nhật, đánh Tây giành độc lập cho Tổ quốc đâu phải là tội lỗi”, “Sống với Việt Minh thì phải làm việc cho Việt Minh, trường hợp các ông cũng vậy, họ đâu có hãm hiếp, trộm cướp, động chạm đến ai đâu mà kể tội”. Địch hậm hực ghép tội những người này là “lưu manh chính trị”. Ông Trần Thiện (Trúc Sơn) ở thôn Tường Quang có thơ phản đối rằng: “Lưu manh chính trị nghĩa là gì, ai đặt nó ra nghĩ cũng kỳ”.

 

Chiến dịch tố cộng lần 2 (đợt 1) năm 1956, địch chọn xã Hòa Trị và Hòa Quang làm thí điểm. Lúc này địch đã thành lập các đảng phái và tổ chức phản động như: Việt Nam phục quốc, Phong trào cách mạng quốc gia, Đảng Cần lao Nhân vị, Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ liên đới, Hiệp hội nông dân. Trước khi “tố cộng” địch bắt nhân dân đeo khẩu hiệu trước ngực “Tố cộng là an dân, dung cộng là phản quốc”, đồng thời truy bắt cán bộ, đảng viên, đánh đập tàn bạo để uy hiếp, gây tâm lý sợ hãi trong quần chúng. Địch bắt dân tố cáo cán bộ, đảng viên, buộc dân phải ly khai với người thân đi tập kết nhằm tách dân ra khỏi phong trào cách mạng. Tại Hòa Quang, trong buổi “tố cộng” thí điểm, địch tổ chức “tố” khoảng 50 người, trong đó có các đảng viên trung kiên đang đóng vai trò xung kích gìn giữ và phát triển phong trào cách mạng như Nguyễn Tự Đoan, Bùi Thác, Nguyễn May, Bùi Núi, Nguyễn Thị Chí, Võ Xuân, Lê Xuất... Tại Hòa Trị, địch bắt phần lớn đảng viên của Chi bộ xã Hòa Trị (thời chống Pháp) gồm 250 người tham gia “tố cộng” thí điểm. Địch hèn hạ thủ tiêu 7 đồng chí: Cao Minh Châu, Dương Tỷ, Nguyễn Nhàn, Lê Hồng Xuân, Nguyễn Cường, Lê Hảo, Lê Tài tại Gò Rừng (Quy Hậu) và Phước Khánh.

 

Nhiều đảng viên trẻ là thanh niên xung kích trong các phong trào bị địch bắt đày đi Côn Đảo như Nguyễn Xuân Thịnh, Công Canh, Nguyễn Sinh Phò, Nguyễn Công, Nguyễn Liệu, Lê Chình, Phạm Đức, Trần Anh Tôn...

 

Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Tuy Hòa 2, lực lượng thanh niên xung kích là cơ sở cách mạng đã đi đầu trong phong trào chống âm mưu tố cộng, diệt cộng của địch, vận động nhân dân, người thân trong gia đình không tham gia tố cộng, viện lý do bệnh tật, đau yếu. Nếu địch o ép bắt buộc phải đi thì không tham gia tố, không hô khẩu hiệu, không xé cờ Đảng, gây ồn ào mất trật tự hoặc tập trung tố những tên đầu hàng phản bội làm tay sai cho giặc.

 

Tại Hòa Quang, tổ chức Đảng đã lãnh đạo lực lượng thanh niên xung kích đấu tranh trực diện với ngụy quyền đòi công lý khi địch hèn hạ thủ tiêu (chôn sống) đồng chí Nguyễn Chuyển. Lực lượng thanh niên xung kích đã hỗ trợ bà Hà Thị Đàm (vợ đồng chí Nguyễn Chuyển) đấu tranh trực diện với Tỉnh trưởng ngụy quyền Lê Ngọc Triển. Trước các chứng cứ giết người man rợ, Tỉnh trưởng ngụy quyền Lê Ngọc Triển đuối lý buộc phải chỉ đạo Chánh án Tòa án ngụy quyền Trần Đình Sung mở phiên tòa công khai xét xử tại Gò Nổng (Hòa Quang) tống giam bọn tay sai khát máu để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng. Cuộc đấu tranh này gây chấn động dư luận ở Phú Yên, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh mẽ, góp phần chặn bàn tay tội ác của địch sát hại những người yêu nước.

 

Tại Tuy An, địch gây ra vụ thảm sát man rợ ở Ngân Sơn - Chí Thạnh và truy bắt thủ tiêu nhiều đảng viên trung kiên được phân công ở lại làm lực lượng xung kích đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Geneve. Địch đã thủ tiêu các đồng chí Trần Quỳnh, Nguyễn Khắc Minh, Cao Phi Thừa tại hồ Đá Đen, thôn Long Thủy. Địch tra tấn đến chết đồng chí Phạm Nghĩa (nguyên Chủ tịch huyện Tuy An), tra tấn đến tàn phế đồng chí Phạm Thung, Đinh Văn Nghinh. Trước sự khủng bố dã man của địch, lực lượng thanh niên xung kích Tuy An đã có nhiều hành động rất táo bạo, dũng cảm. Đêm 11/6/1955, lực lượng thanh niên xung kích thôn Tiên Châu (An Ninh) bí mật treo cờ đỏ sao vàng tại gò Ông Tú để phản đối ngụy quyền bắt lính. Thanh niên xung kích xã An Chấn, An Mỹ tự động tổ chức đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử.

 

Các thanh niên xung kích xã An Thạch không bắt được liên lạc với cấp trên đã mạnh dạn sáng tạo thành lập chi bộ tự động (tự quản) gồm 12 đồng chí để gìn giữ lực lượng, lãnh đạo phong trào của quần chúng do đồng chí Hồ Tạo làm Bí thư và các đồng chí Võ Phong, Trần Thị Triều, Tần Cầu, Hồ Thân Lam, Hồ Quế, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Phùng, Phùng Bửu, Bùi Thứ, Nguyễn Phách, Đỗ Trọng Lưu. Chi bộ tự động xã An Thạch đã tìm mọi cách bắt liên lạc với cấp trên, móc nối gặp gỡ đồng chí Hà Phùng (Dư Huy) và đồng chí Đặng Cược được Tỉnh ủy cử về Xuân Sơn (Đồng Xuân) chỉ đạo khôi phục phong trào.

 

Nhận chỉ thị của Đảng, Chi bộ An Thạch xung kích đi đầu thực hiện các nhiệm vụ chống chính sách tố cộng, diệt cộng của địch, chống lại sự kìm kẹp áp bức của địch, bằng các hình thức thơ, ca, hò, vè và bằng thư từ, hình ảnh các đồng chí tập kết ở miền Bắc gửi về cho người thân. Các thanh niên xung kích của Chi bộ An Thạch đã rải truyền đơn, dán truyền đơn ở chỗ đông người, chứng tỏ sự hiện diện của lực lượng cách mạng, củng cố niềm tin của quần chúng. Các đảng viên Chi bộ An Thạch đã móc nối xây dựng phát triển Đảng ở các xã An Ninh, An Cư, An Dân, An Định... Đồng chí Hồ Tạo đã vận động nhiều thanh niên ưu tú xã An Thạch theo Đảng làm cách mạng như Vũ Việt Hùng (thôn Ngân Sơn) và thành lập Chi đoàn xã An Thạch gồm 5 đoàn viên thanh niên xung kích.

 

Tỉnh ủy phân công đồng chí Huỳnh Ngọc Thăng (Chín Đến) và Nguyễn Văn Lý về xây dựng phong trào ở xã An Lĩnh, tuyên truyền giác ngộ nhiều thanh niên ưu tú như Bùi Tấn Sỹ, Bùi Thị Hồng, Nguyễn Nhưng, Bùi Thị Sanh, Bùi Quý... làm cơ sở cách mạng.

 

Tại Đồng Xuân, địa bàn Tỉnh ủy Phú Yên đứng chân trong những ngày khó khăn nhất, lực lượng thanh niên xung kích đã sáng tác thơ, ca, hò, vè giữ vững ý chí đấu tranh:

 

Đồng bào Xuân Phước, Xuân Quang

Hy sinh thì chịu, đầu hàng thì không

 

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc phá trò hề “trưng cầu dân ý” của Mỹ-Diệm, Huyện ủy Đồng Xuân mở hội nghị nòng cốt tại Xuân Sơn, tổ chức lực lượng thanh niên xung kích rải truyền đơn trong toàn huyện, vạch trần bộ mặt bán nước của Ngô Đình Diệm, vạch trần chiêu bài “đả thực - bài phong - diệt cộng” của Mỹ - Diệm, kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Geneve, chống khủng bố trả thù, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

 

Lực lượng thanh niên xung kích Đồng Xuân đã tuyên truyền sâu rộng bài thơ của Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Nguyễn Hồng Châu (Năm Phổ) đăng trên tờ báo Đoàn Kết ở chiến khu (tiền thân của Báo Phú Yên hôm nay):

 

Từ Đồng Xuân đến Tuy Hòa

Truyền đơn chống Diệm tung ra đầy đường

Quyết đòi hội nghị hiệp thương

Cùng nhau đứng dậy ngoan cường đấu tranh

Xé phiếu đỏ, bỏ phiếu xanh

Mặt mo tín Diệm tan tành như tương.

 

Ở vùng Thồ Lồ - Phú Mỡ, đồng chí Cao Xuân Thiêm (Văn Công) với các bí danh Ma Xí, Ma Xoong, Ma Pốp đã tuyên truyền giác ngộ nhiều thanh niên dân tộc Ba Na thành lập chính quyền tự quản, xây dựng dân quân du kích, thành lập một trung đội du kích làm nhiệm vụ xung kích gìn giữ buôn làng. Lực lượng thanh niên xung kích do đồng chí Cao Xuân Thiêm và Ma Tôi lãnh đạo đã diệt hai tên gián điệp của Mỹ - Diệm mò lên thám thính vùng Thồ Lồ.

 

Ngày 15/11/1958, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền cử một tổ vũ trang về xã Xuân Phước phối hợp với lực lượng thanh niên xung kích địa phương tổ chức diệt tên Nguyễn Cường (Thống Cường) - đại diện (xã trưởng) xã Xuân Phước. Vụ diệt ác này có tiếng vang lớn trong toàn tỉnh, cổ vũ tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng; tác động đến tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền ác ôn, làm cho chúng hoang mang, lo sợ.

 

Tại Sông Cầu, đồng chí Đỗ Hòa Thái (Hai Tín), Nguyễn Bảo dựa vào lực lượng giao liên xung kích Trạm 59 (xã Xuân Lộc) bám trụ dài ngày trong hang đá nên mái đầu bạc trắng (có biệt danh là Bạch Mao Nam) để chỉ đạo phong trào, đấu tranh gìn giữ lực lượng, xây dựng cơ sở cách mạng, đấu tranh với quốc sách tố cộng, diệt cộng của địch.

 

Những năm 1958-1959, Tỉnh ủy rút một số thanh niên xung kích ưu tú ra căn cứ, bổ sung cho các cơ quan tỉnh và chuẩn bị thành lập các đơn vị vũ trang quân giải phóng.

 

Cuối tháng 10/1959, đoàn cán bộ tập kết đầu tiên của tỉnh về đến Phú Yên (đồng chí Nguyễn Hữu Ái, Huỳnh Lưu, Huỳnh Là, Biện Lý Quơn, Trần Quang Cảnh, Nguyễn Lầu...). Tháng 12/1959, Tỉnh ủy Phú Yên mở hội nghị tại Bầu Bèn (Đồng Xuân) phổ biến Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Hàng loạt thanh niên xung kích xung phong thoát ly ra căn cứ, gia nhập quân giải phóng và các cơ quan Dân Chính Đảng.

 

Bài 5: Sự ra đời của lực lượng thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ

 

TS CAO VĂN THỬ

(Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek