Thứ Năm, 02/05/2024 16:48 CH
65 năm dấu ấn thanh niên xung phong Phú Yên:
BÀI 3: Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu
Thứ Hai, 07/11/2016 10:20 SA

Ngày 7/2/1950, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đoàn Thanh niên cứu quốc khai mạc trọng thể tại chiến khu Việt Bắc. Đại hội quyết định những nhiệm vụ trọng yếu của thanh niên ở tiền tuyến và ở hậu phương, nhằm xung kích thực hiện nhiệm vụ vẻ vang “kháng chiến kiến quốc”.

 

Đại tá Đàm Trọng - cựu học sinh Lương Văn Chánh năm học 1952-1953 (trường Phước Bình gia nhập quân đội cuối năm 1953)

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Liên khu 5, ngày 27/4/2950, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 4 trong kháng chiến chống thực dân Pháp đề ra nhiệm vụ toàn tỉnh gấp rút hoàn thành chuẩn bị phản công và chuyển mạnh sang tổng phản công.

 

Với phương châm “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tỉnh Phú Yên tổng động viên toàn lực để bảo vệ vững chắc vùng tự do Liên khu 5, vừa phục vụ phong trào tỉnh bạn Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai còn bị địch tạm chiếm.

 

Nhiệm vụ quan trọng nhất của thanh niên Phú Yên là vừa tòng quân gia nhập các đơn vị vũ trang vừa đi phục vụ chiến trường Tây Nguyên và Bắc Khánh Hòa.

 

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh tổ chức Đoàn được củng cố và đề ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh phong trào luyện tập quân sự, xung phong gia nhập quân đội, đánh giặc lập công. Tỉnh ủy Phú Yên phát động ba đợt vận động thanh niên nhập ngũ, tuyển được 1.300 tân binh, đáp ứng yêu cầu bổ sung cho các trung đoàn chủ lực đứng chân trên địa bàn Phú Yên và Liên khu 5.

 

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn phản công. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Phú Yên, học sinh Trường trung học Lương Văn Chánh với lòng yêu nước nồng nàn và lòng căm thù giặc sâu sắc đã nô nức gia nhập quân đội với phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Trong năm học 1949-1950, mấy trăm học sinh Lương Văn Chánh đội ngũ chỉnh tề đi trong mưa gió tập trung lên tỉnh xin được tòng quân. Phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” gây tiếng vang lớn và để lại ấn tượng sâu sắc trong nhân dân. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên hoan nghênh tinh thần sẵn sàng ra trận của học sinh Trường trung học Lương Văn Chánh. Sau khi tuyển chọn và cân nhắc nhiều mặt, Ban Tuyển quân tỉnh chỉ tuyển chọn một trung đội 40 người vào các đơn vị Vệ quốc quân. Đại bộ phận học sinh còn lại được Ban Tuyển quân động viên trở về tiếp tục học tập để xây dựng Tổ quốc và tham gia các đợt tuyển quân tiếp theo.

 

Trong những năm 1950-1954, hệ thống Trường trung học Lương Văn Chánh Phú Yên đều sôi nổi tham gia phong trào tòng quân giết giặc, “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, lôi cuốn đông đảo học sinh tham gia. Phong trào còn lan rộng ra đến các tầng lớp thanh niên trong tỉnh. Lúc này cả tỉnh lan truyền bài vè vận động thanh niên vào Vệ quốc đoàn:

 

Nay tình thế nước nhà nguy biến

Anh ơi đừng quyến luyến vợ con

Làm trai trẻ nợ nước non

Xung phong vào Vệ quốc đoàn mùa đông.

 

Hoặc bài vè động viên các anh lên đường nhập ngũ của chị em phụ nữ:

 

Hỡi anh đi đường cái quan

Dừng chân ghé lại em than vài lời

Mau ra nhập ngũ anh ơi

Công việc đã có chị tôi ở nhà

Chị tôi đi chợ đường xa

Mua thanh kiếm bén làm quà tặng anh.

 

Năm học 1949-1950, Trường trung học kháng chiến Lương Văn Chánh ở Tuy An có các học sinh gia nhập Vệ quốc quân: Võ Đặng (SN 1933), quê quán xã Hòa Bình, sau này là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Thiết bị điện tử SIGELCO; Lê Tỷ Hòa (SN 1933), quê quán xã Hòa Trị, Đại đội phó bộ đội chủ lực Liên trung đoàn 80-83, Phan Văn Kỉnh (SN 1935), quê quán xã Bình Kiến, chiến sĩ Đại đội 377, bộ đội Phú Yên, sau này là đại tá, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự; Đặng Ca (SN 1931), quê quán xã Bình Kiến, sau này là đại úy quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Võ Đình Diệm (SN 1930), quê quán xã Hòa Bình, là Trung đội phó quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Quốc Lộc (SN 1936), quê quán thôn Phước Hậu, xã Bình Kiến (nay là khu phố Phước Hậu, phường 9) sau này là PGS-TS, Phó Hiệu trưởng - Bí thư Đảng ủy Đại học Tổng hợp Huế; Lương Công Tài (sinh năm 1932), quê quán phường 3, TP Tuy Hòa. Sau này là đại tá, Bí thư Đảng ủy Z751, Học viện Chính trị cao cấp; Ngô Công Chí (sinh năm 1930), quê quán xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), trung đội trưởng, thương binh loại 1. Nguyễn Kỳ Nam (SN 1935), quê thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), thượng úy Quân đội nhân dân Việt Nam, cơ yếu; Trần Nựu (Trần Quyền), SN 1937, quê quán thôn Ninh Tịnh, xã Bình Kiến (nay là khu phố Ninh Tịnh, phường 9). Đồng chí Trần Nựu là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, là Đại đội Phó trinh sát Tổng đội Phú Yên.

 

Trong năm học 1950 -1951, Trường trung học Lương Văn Chánh ở Lò Tre (thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa), bị hai máy bay khu trục ném bom phía sau lớp 5A, 5B, bắn súng máy xuống lớp 5C, 5D. Nhà trường phải tổ chức cách học thời chiến vào ban đêm và sáng sớm gần đến ngày bế giảng, nhà trường tổ chức kêu gọi học sinh nhập ngũ. Toàn bộ học sinh nhà trường hăng hái đăng ký tòng quân nhưng Ban Tuyển quân Tỉnh đội Phú Yên chỉ tuyển chọn được 20 tân binh. Trong năm học này, trường có các học sinh tham gia nhập ngũ: Lê Thành Hổ (SN 1933), quê quán Vĩnh Trung (TP Nha Trang), là y tá quân đội, thương binh hạng 4/4; Mai Hoa (SN 1936), quê quán xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, sau này là trung tá quân đội nhân dân Việt Nam. Nguyễn Văn Kháng (SN 1933), quê quán xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), sau này là đại tá, bác sĩ, Chủ nhiệm Quân y Bệnh viện Quân đội. Nguyễn Văn Môn (SN 1934), quê quán xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), sau này là thiếu tá quân đội nhân dân Việt Nam. Huỳnh Kim Phong (SN 1933), quê quán phường Vĩnh Thạnh (TP Nha Trang), là đại đội trưởng công binh; Mai Tấn Trung (SN 1934), quê quán xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), sau này là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam…

 

Năm học 1950-1951, Trường trung học Lương Văn Chánh ở huyện Tuy An (chợ Sen, xã An Định) có các học sinh tòng quân gia nhập Vệ quốc quân: Lê Văn An (SN 1932), quê quán phường Phú Lâm, trung úy quân y, chính trị viên đại đội, sau chuyển ngành về làm cán bộ giảng dạy ở Trường đại học Sư phạm. Huỳnh Tấn Long (SN 1933), quê quán Phước Thịnh, Hòa Bình 2 (nay là thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) sau này là thượng tá, Trưởng khoa học xã hội Học viện Biên phòng. Bùi Xuân Mỹ (SN 1934), quê quán làng An Thổ, xã An Dân, sau này là thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam, kỹ sư thông tin ra đa điện tử.

 

Phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” ở các trường trung học Lương Văn Chánh sôi động ở tất cả các năm học sau đó.

 

Năm học 1952-1953, Trường trung học Lương Văn Chánh huyện Tuy Hòa 1 đóng ở Cảnh Phước (xã Hòa Tân) và sau đó chuyển về Phước Bình (xã Hòa Thành) có nhiều học sinh xung phong vào Vệ quốc quân như: Nguyên Xuân Bẩm (SN 1936), quê quán Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1. Sau này là đại tá, Cục phó Thanh Tra Quân khu 2; Lê Hiên Điền (SN 1932), quê quán thôn Phú Phong, xã Hòa Đồng, là thương binh hạng 4/4. Lê Tấn Nguyên (SN 1931), quê quán xã Hòa Xuân Đông, là bộ đội Trung đoàn 84; Đàm Trọng (SN 1935), quê quán thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa). Sau này là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Hiệu trưởng Trường sĩ quan Đặc Công. Nguyễn Thận (huyện Đông Hòa), sau này chuyển ngành về ngành Giáo dục, Hiệu trưởng Trường PTTH Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa)… Trường trung học Lương Văn Chánh huyện Đồng Xuân (ở Gò Duối, Trần Sơn, Hòa Cát) có nhiều học sinh xung phong gia nhập Vệ quốc quân, trong đó có liệt sĩ Đinh Mai (SN 1934) là thiếu úy Phòng Chính trị Tỉnh đội Bình Thuận.

 

Trong giai đoạn 1950-1954, học sinh Trường Lương Văn Chánh “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” hăng hái gia nhập Vệ quốc quân trực tiếp ra trận đối mặt với quân thù, có 5 liệt sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là các liệt sĩ Lê Tỷ Hòa, (quên quán xã Hòa Trị, Phú Hòa), là Đại đội phó chủ lực Trung đoàn 108 hy sinh ở chiến trường tỉnh Bình Định năm 1954. Liệt sĩ Lê Khảm (quê quán Phú Diễn, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) hy sinh ở chiến trường Tuy Hòa trong cuộc chiến đánh bại chiến dịch Át-lăng của Pháp năm 1954 hòng chiếm vùng tự do Phú Yên. Liệt sĩ Trương Lợi Đình (quê quán xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa), Tiểu đội phó Tiểu đoàn 375 chủ lực Quân khu 5, hy sinh ở chiến trường Tuy Hòa năm 1954. Liệt sĩ Trương Nở (quê quán xã An Dân, huyện Tuy An) hy sinh ở chiến trường An Dân, Tuy An năm 1954. Liệt sĩ Nguyễn Đình Khôi, Trung đội phó Liên trung đoàn 80-83 chủ lực Liên khu 5 hy sinh trong trận công đồn Măng Đan (Kon Tum, bắc Tây Nguyên) đầu năm 1954.

 

Sau năm 1954, các chiến sĩ Vệ quốc quân sau đó hầu hết trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và có rất nhiều thanh niên học sinh tham gia phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” tiếp tục hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Phong trào “Xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu” không chỉ là xung phong gia nhập phục vụ chiến đấu để bảo vệ vùng tự do Phú Yên và chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và Bắc Khánh Hòa.

 

Bên cạnh việc tham gia Vệ quốc quân, học sinh các trường trung học Lương Văn Chánh còn tích cực tham gia khôi phục hệ thống thủy nông Đồng Cam bị giặc Pháp phá hoại, tham gia bố phòng, tham gia các đợt dân công hỏa tuyến chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và Bắc Khánh Hòa.

 

Theo báo cáo của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, trong quý I/1952, có 50 thanh niên dân công hy sinh vì đau bệnh trên đường phục vụ, trong đó có sự hy sinh cao cả của các học sinh Lương Văn Chánh. Ngày 1/8/1951, giặc Pháp phục kích đoàn dân công hỏa tuyến Phú Yên phục vụ chiến trường Đắk Lắk giết hại 32 người, bị thương 15 người, địch bắt 221 người.

 

Năm 1950, Phú Yên huy động 467.000 ngàn ngày công vận tải tiếp tế cho chiến trường Khánh Hòa, Đắk Lắk. Năm 1951, tỉnh Phú Yên huy động 5 vạn lượt người với 650.000 ngày công phục vụ hỏa tuyến.

 

Chiến dịch xuân hè 1953, Phú Yên huy động 12.000 dân công hỏa tuyến với 220 ngàn ngày công để đánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp tiến công vùng tự do Phú Yên đầu năm 1954, Tỉnh ủy Phú Yên phát động phong trào lớn trong tuổi trẻ tiếp tục phát huy khí thế “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” trong các trường kháng chiến Lương Văn Chánh, kêu gọi thanh niên học sinh xung phong tòng quân, gia nhập lực lượng dân quân du kích; thành lập các đội công tác thanh niên sẵn sàng phục vụ tiền tuyến. Xây dựng lực lượng thanh niên làm nòng cốt trong phong trào xây dựng làng chiến đấu, tham gia bố phòng, xóm làng, trường học… bảo vệ vùng tự do. Đẩy mạnh công tác huấn luyện quân sự trong thanh niên học sinh sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Chiến dịch hè 1954, toàn tỉnh Phú Yên huy động 9.824 người, trong đó có nhiều thanh niên học sinh tham gia gùi, thồ, vận chuyển bằng xe đạp, sức ngựa (936 con ngựa), đưa trên 40 tấn gạo, muối phục vụ chiến trường Tây Nguyên.

 

Những thanh niên học sinh cùng một số thầy giáo các trường trung học Lương Văn Chánh thấm nhuần chân lý “Trung với nước, hiếu với dân”, mang trong mình dòng máu kiên trung bất khuất “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, đã hăng hái “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” xả thân vì đại nghĩa, giải phóng dân tộc. Phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” là một trong những nét son truyền thống sáng ngời của tuổi trẻ Phú Yên một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

 

--------------------------- 

Bài 4: Những năm tháng khó khăn của cách mạng miền Nam

 

TS CAO VĂN THỬ

Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek