Thứ Ba, 26/11/2024 15:22 CH
65 năm dấu ấn thanh niên xung phong Phú Yên
Bài 5: Sự ra đời của lực lượng Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ
Thứ Sáu, 11/11/2016 10:00 SA

Đồng chí Đoàn Xuân Hương (Năm Đất), Chính trị viên Tổng đội TNXP Phú Yên (1965-1966)

Ai cũng hiểu rõ, đi thanh niên xung phong là phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận mọi gian khổ trước mắt. Nhưng tinh thần cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước luôn cháy trong tâm khảm của người thanh niên Việt Nam. Lực lượng thanh niên xung phong là nơi tập hợp, đoàn kết tầng lớp thanh niên trong xã hội vào đội hình phục vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Họ là những thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo… không một tầng lớp thanh niên nào thiếu mặt trong đội hình thanh niên xung phong.

 

Gia nhập lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước trở thành tình cảm, thành nỗi khát khao của nhiều đoàn viên thanh niên. Các bậc cha mẹ ý thức được “Nước mất thì nhà tan” đã cổ vũ, động viên con em mình lên đường làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

 

Trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ liên tiếp thất bại nặng nề chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố điên cuồng lao sâu vào cuộc chiến tranh với quy mô chưa từng có, ồ ạt quân viễn chinh nhảy vào vòng chiến, tiến hành “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc.

 

Với nhiều thủ đoạn, chúng liên tiếp tấn công ác liệt vào hệ thống giao thông và phương tiện vận tải. Giao thông vận tải trở thành mặt trận nóng bỏng. Ngày 30/4/1965, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị “phải ra sức phấn đấu, đảm bảo giao thông liên tục trong bất kỳ tình huống nào, phải tích cực khôi phục cầu đường… bị phá hoại, đồng thời khẩn trương chuẩn bị: vật tư, kỹ thuật, lao động… để kịp thời đối phó với mọi hành động phá hoại của địch có thể xảy ra ngày càng gay gắt hơn”.

 

Từ cuối năm 1965, Mỹ đưa quân chư hầu Nam Triều Tiên và lính viễn chinh Mỹ vào Phú Yên nhằm đánh bại chủ lực của ta, giành thế chủ động trên chiến trường, củng cố ngụy quyền tay sai.

 

Trong thời gian này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Hội đồng chi viện tiền phương tỉnh Phú Yên với nhiệm vụ huy động dân công, động viên nhân tài, cật lực mở đường, vận chuyển lương thực vũ khí… phục vụ cho chiến trường.

 

Sáng 20/3/1965, tại Suối Cái, vùng 4 xã An Xuân huyện Tuy An, Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị công bố việc thành lập Hội đồng chi viện tiền phương (về sau gọi là Hội đồng chi viện tiền tuyến). Chủ trì hội nghị là đồng chí Lương Công Huề, Bí thư Tỉnh ủy. Hội đồng đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập và phân công công tác cho các đồng chí trong Hội đồng chi viện tiền phương.

 

Hội đồng chi viện tiền phương do đồng chí Cao Xuân Thiêm (Văn Công) trực tiếp phụ trách làm chức năng quản lý mọi mặt hoạt động ở vùng giải phóng, thực tế là chính quyền cách mạng cấp tỉnh trực tiếp điều hành các công việc quản lý ở vùng giải phóng. 

 

Hội nghị thống nhất chọn Rộc Hiểm - Vân Hòa - Sơn Long làm nơi đóng quân. Trong Hội đồng chi viện tiền phương có tiểu ban thanh niên. Tiểu ban này được chia thành hai bộ phận: một bộ phận phụ trách phối hợp với mặt trận chính, một bộ phận khác được phân công thọc sâu xuống đồng bằng, khi ta giải phóng làm chủ đến đâu thì vận động đưa thanh niên về vùng căn cứ. Đồng chí Châu Công Vọng phụ trách đại đội dân công hỏa tuyến, tiếp cận mặt trận để tiếp tế, đưa thương binh, tử sĩ về bằng đường rừng để bộ đội hành quân không lộ bí mật. Đồng thời bố trí ghe thuyền ở các bến sông, suối phục vụ công tác chuyển quân.

 

Cuối năm 1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác phục vụ tiền tuyến của Hội đồng chi viện tiền phương tại Rộc Hiểm - Vân Hòa. Hội nghị đánh giá cao một số thắng lợi và những bài học kinh nghiệm trong quá trình hoạt động của Hội đồng chi viện tiền phương. Trong hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cân nhắc việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong trực thuộc Hội đồng chi viện tiền phương để phục vụ tốt công tác chiến đấu và xây dựng căn cứ.

 

Ngày 20/2/1966, Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo thành lập Tổng đội thanh niên xung phong tập trung tại vùng 8, xã An Lĩnh, huyện Tuy An do Hội đồng chi viện tiền phương tỉnh Phú Yên phụ trách gồm 4 đại đội: Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2) với tổng số thanh niên gần 400 người, mỗi đại đội 100 người. Lực lượng thanh niên chủ yếu là nữ từ 15 tuổi trở lên.

 

Ban Chỉ huy của Tổng đội thanh niên xung phong bao gồm:

 

- Đồng chí Thanh (quân khu cử về) giữ chức Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong.

 

- Đồng chí Đoàn Xuân Hương (Năm Đất), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Sông Cầu, giữ chức Chính trị viên của tổng đội.

 

- Đồng chí Nguyễn Minh Phê (Lan) và đồng chí Bùi Hiệp làm Tổng đội phó.

 

- Đồng chí Minh làm trợ lý chính trị

 

- Đồng chí Tuệ làm trợ lý hậu cần

 

- Đồng chí Kháng làm trợ lý quân sự.

 

- Đồng chí Nguyễn Công Đào và đồng chí Phan Ngọc Bằng làm liên lạc của Tổng đội Thanh niên xung phong Phú Yên.

 

Nhiệm vụ chính của Tổng đội Thanh niên xung phong Phú Yên là vận chuyển vũ khí, thuốc men, trang thiết bị từ Khu ủy 5 và các tổng kho của Khu 5 ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk về Phú Yên; vận chuyển thương binh ở các trạm xá trung tuyến về hậu cứ; vận chuyển lương thực từ các cửa khẩu và huy động trong dân về tổng kho của tỉnh để cung cấp cho các lực lượng quân, dân, chính, Đảng xây dựng doanh trại ở vùng căn cứ… Cuộc chiến ngày càng quyết liệt, quân đội Mỹ và Nam Triều Tiên đổ bộ bằng trực thăng đánh vào các hậu cứ như Bình Nông, Đa Lộc, Tầm Tường, Đá Mũi, Đá Giăng…

 

Từ ngày 26/2-3/3/1966, chúng lại đổ bộ bằng trực thăng xuống các xã An Lĩnh, An Nghiệp, An Xuân, huyện Tuy An. Trong thời gian này, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị bàn kế hoạch thực hiện chủ trương của Khu ủy 5, thực hiện phương châm 4 chống “chống càn, chống dồn dân, chống đói, chống đầu hàng”… Với tinh thần chia lửa cho chiến trường Tuy Hòa và những nơi bị địch càn quét, lực lượng thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hiểm nguy, động viên nhau nhường cơm xẻ áo, dành lương thực, tiền bạc ủng hộ cách mạng, tổ chức động viên, vận chuyển hàng trăm tấn lương thực phục vụ cho chiến trường.

 

Lực lượng thanh niên xung phong những ngày đầu mới thành lập vô cùng gian nan và đầy thử thách. Năm 1967, đồng chí Trương Thị Mai cùng với một số đồng chí khác được sự phân công ra căn cứ Khu ủy 5 nhận thuốc tây ở Quế Sơn, miền Tây Quảng Nam. Cùng đi với đoàn có 2 đồng chí ở Ban y tế tỉnh, có đồng chí Nguyễn Công Đào nhận nhiệm vụ nhận tiền mang về cho Tiểu ban Ngân tín (trực thuộc Ban Tài mậu tỉnh). Đường ra Khu ủy 5 vô cùng hiểm trở với bao gian nan khó khăn suốt 3 tháng ròng rã, ngày vượt suối băng rừng, đêm nghỉ dưới những tán cây rừng. Ngày qua ngày, nhưng có lẽ khó khăn nhất là ở đoạn đường 19 bởi địch bố phòng dày đặc, tuần tiễu suốt ngày đêm. Trên lưng mỗi người là lương thực nhưng dọc đường phải hái thêm rau rừng, mót sắn ở những nương cũ để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ai đã từng đi qua chiến trường Khu ủy 5 (Nam - Ngãi - Bình - Phú) ngày ấy đều thuộc câu ca dao kháng chiến:

 

Ruồi vàng, muối bạc, vắt kim cương

Đèo cao, mang nặng là chiến trường khu năm

 

Ruồi vàng ở rừng núi cao cắn vào người chỉ một nốt đen nhưng lại bị ghẻ lở rất khó lành. Muỗi bạc cánh trắng đốt thì bị bệnh sốt rét. Vắt kim cương là thứ vắt xanh ẩn mình trên lá cây ven đường, loại vắt này búng vào người là cắn no máu làm máu chảy cả ngày. Loại vắt kim cương này nguy hiểm hơn rất nhiều so với vắt dưới mặt đất có màu đen. Vượt đường 19 là một thử thách đối với đoàn công tác nhưng cuối cùng với ý chí sắt đá của người lính, họ đã vượt qua tất cả. Đến nơi nhận hàng, mỗi người phải mang trên lưng 50kg thuốc cộng thêm 10kg  tư trang không phân biệt nam nữ và Đoàn công tác đã vượt qua gần 400km về đến nơi an toàn.

 

Những lần tỉnh cần mở hành lang (Hòa Thịnh - Dốc Mõ) để chi viện cho chiến trường Khánh Hòa trong chiến dịch Thuận Mẫn, các đoàn dân công huyện, xã được huy động từ Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Phong, Hòa Bình… đến Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Thắng… ở sát vùng địch cũng có mặt kịp thời để vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm. Đàn ông từ 25-50 tuổi, đàn bà từ 20-40 tuổi đều mang hoặc cõng, gánh 30-40kg, ngựa chở 100-200kg. Hết đợt này đến đợt khác, tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Bao gian nan, ngày đi đêm nghỉ trong những cánh rừng heo hút nhưng họ vẫn bền chí bền gan vì sự nghiệp lớn. Những cánh rừng già Ma Lố, Ma Đrắk ngập chìm trong sương mù giá lạnh, đợi sương tan họ lại tiếp tục lên đường. Suốt hơn hai tháng, vượt qua cái nắng, cái gió khắc nghiệt của tiết trời tháng 4, cây cỏ khô cằn, khe suối cạn, tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời nhưng chân của những người lính thanh niên xung phong vững vàng tiến về phía trước với ý chí sắt son vững chãi để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó đúng như câu thơ:

 

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

 

Tinh thần ấy, quyết tâm ấy của những người lính thanh niên xung phong đã theo họ trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ. Họ sẵn sàng vì nhiệm vụ mà quên đi thân mình. Có những con người đã hy sinh một cách anh dũng để cho đoàn công tác được về tới nơi an toàn tiếp tế cho tiền tuyến. Lực lượng thanh niên xung phong là những con người hy sinh thầm lặng, họ không giáp mặt đánh nhau với địch trên chiến trường đẫm máu nhưng những gì họ đã trải qua cũng cam go như những người lính trên mặt trận.

 

Chiến tranh, chiến tranh!!! Đó chính là nơi phá hủy mọi thứ. Nhưng người dân Việt Nam ta chưa bao giờ bị khuất phục.

 

Với khẩu hiệu “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, lực lượng thanh niên xung phong đã cùng quân và dân cả tỉnh quyết bám lưng địch mà đánh.                

 

Trận Gò Thì Thùng, bộ đội ta đã chiến đấu liên tục gần 1 tuần lễ, thiệt hại không nhỏ, sức khỏe chỉ huy và chiến sĩ bị giảm sút do lương thực và đạn dược chưa được bổ sung kịp thời nhưng những mục tiêu chủ yếu của chiến dịch đánh điểm, diệt viện đường không của Mỹ đã thực hiện thắng lợi. Ta đã đánh bại Sư đoàn không vận của Mỹ tới ứng cứu sư đoàn dù 101 Mỹ. Vì vậy, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh rút khỏi địa đạo Gò Thì Thùng về nơi quy định an toàn trong đêm 24/6/1966.  

 

Sau chiến thắng Gò Thì Thùng, quân ta tuy giành một số thắng lợi nhưng địch vẫn dồn được gần hết dân vùng giải phóng vào các ấp chiến lược. Các cửa khẩu bị địch khống chế không còn hoạt động như trước nữa. Địch thường xuyên gài mìn, phục kích trên các con đường hành lang mà ta thường xuyên đi lại. Chúng cho máy bay rải bom B52 từ bìa rừng xã Hòa Thịnh lên đến Hà Roi. Tình hình lúc này cực kỳ khó khăn, mạng lưới giao thông vận tải phục vụ cho chiến trường trong tỉnh bị cắt từng đoạn. Hệ thống trạm, kho tàng dự trữ của Hội đồng chi viện tiền phương và Ban giao bưu tỉnh bị địch phát hiện đốt phá. Các điểm sản xuất của cán bộ giao thông, lực lượng thanh niên xung phong và các tiểu ban khác trong Hội đồng chi viện tiền phương cũng bị địch dùng máy bay rải chất độc hóa học hủy diệt.

 

Từ chiến trường, lực lượng thanh niên xung phong tải thương binh, bệnh binh để cứu chữa kịp thời. Dù gian khổ, ác liệt, khó khăn chồng chất nhưng lực lượng thanh niên xung phong vẫn hoàn thành sứ mệnh của mình một cách nhanh nhất có thể.

 

Năm 1966 là năm quân và dân Phú Yên trực tiếp chiến đấu với quân viễn chinh Mỹ, quân chư hầu Nam Triều Tiên. Thực tế qua một năm chiến đấu, quân và dân Phú Yên đã thực hiện quyết tâm đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược bằng nhiều cách đánh phong phú, sáng tạo của chiến tranh nhân dân. 

 

TS CAO VĂN THỬ

Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek