Thực hiện chủ trương của Liên khu ủy 5 và Tỉnh ủy trong năm 1950, nhiệm vụ chính của lực lượng thanh niên tỉnh Phú Yên lúc này vừa tòng quân gia nhập các đơn vị vũ trang và đặc biệt là tham gia dân công vận tải phục vụ cho chiến trường. Ở những địa phương khác, lực lượng dân công vận tải được gọi là lực lượng TNXP. Đây chính là lực lượng nòng cốt (tuổi đời từ 18-30) tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm, hàng hóa… phục vụ cho chiến trường cũng như chi viện cho chiến trường bạn. Dân công khỏe mạnh thì phục vụ chiến trường, còn dân công sức khỏe yếu thì phục vụ cho hậu phương.
Tháng 3/1952, Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ 5 tỉnh Phú Yên họp tại thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, huyện Tuy Hòa. Đại hội đã biểu dương tinh thần Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã có những đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất và huy động sức người, sức của phục vụ chiến trường, chi viện cho chiến trường Bắc Khánh Hòa và Tây Nguyên.
Công tác dân công phục vụ cho chiến trường với bao gian khổ phải chịu đói, khát, lấy rau rừng ăn thay cơm nhưng tinh thần chiến đấu của TNXP vẫn không bao giờ lùi bước.
Hình ảnh người TNXP băng rừng vượt suối tải gạo, muối, vũ khí ra chiến trường. Nhiệm vụ vận tải phục vụ chiến trường vùng sau lưng địch: Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp. Hàng hóa từ Phú Yên chuyển vào Hòn Hèo (Khánh Hòa) vào Bắc Khánh Hòa chủ yếu bằng ghe xuồng nhỏ, sức chở 500kg đến 1 tấn chạy sát bờ biển. Hàng hóa chuyển từ vùng Đelaya, nam đường 21 (đối với Đắk Lắk) và Hóc Chim, Đá Bàn… dân công phải gánh và ngựa thì chở đường rừng. Lực lượng thanh niên đi dân công vận tải đã chịu nhiều tổn thất với nhiều hy sinh mất mát. Riêng 3 tháng đầu năm 1951, dân công hy sinh vì ốm là 50 người chưa kể số đau và chết khi về nhà; bị địch phục kích bắt nguyên một đoàn dân công tiếp vận vùng sau lưng địch ở Đắk Lắk ngày 1/8/1951 là 221 người.
Trong năm 1950, theo báo cáo chưa đầy đủ của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ thì lực lượng TNXP tham gia ngày công vận tải tiếp tế là 467.000 ngày. Trong năm 1951 huy động 50.000 người với 650.000 ngày công. Trong chiến dịch hè 1953 huy động 12.200 người với 220.000 ngày công, 55 thuyền, 71 xe bò, 600 ngựa. Chiến dịch hè 1954 huy động 9.824 người, 939 ngựa vận chuyển 140 tấn gạo, muối lên Tây Nguyên.
Huy động lực lượng thanh niên để bảo đảm công tác vận tải đường bộ, đường thủy và dân công phục vụ chiến trường là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong những năm kháng chiến chống Pháp. Muốn đưa gạo, muối từ đồng bằng lên chiến trường Tây Nguyên phải huy động thuyền có trọng tải 2-3 tấn tập trung tại Tiên Châu (huyện Tuy An). Trong đêm, thuyền đi từ cửa biển Đà Diễn, ngược sông Đà Rằng, gần sáng đến Đồng Cam. Sợ địch phát hiện, ban ngày đưa gạo muối lên bờ cất giấu, dân công khiêng thuyền đưa qua đập Đồng Cam rồi nhấn chìm thuyền dưới nước đến tối mới vớt lên. Sau đó, tiếp tục cuộc hành trình chở gạo muối đến các kho dọc sông Ba. Từ đó, ngựa thồ hoặc dân công gánh vào vùng sau lưng địch. Có thể nói, không có sự hy sinh thầm lặng của những người làm công tác dân công vận chuyển thì có lẽ cuộc chiến vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và gian nan hơn nữa.
Với tinh thần không quản ngại khó nhọc, gian lao, lực lượng thanh niên ngày đêm tải gạo, vận chuyển vũ khí bằng chính sức lực của mình để chi viện cho các tỉnh bạn. Qua đó, tất cả chúng ta đều cảm nhận được tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân Phú Yên với các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai.
Tại Đắk Tô, Tân Cảnh (tỉnh Gia Lai), ngày 20/4/1953, Tổng đội TNXP 204 của Khu V ra đời, tập hợp thanh niên liên tỉnh Nam-Ngãi-Bình-Phú làm nhiệm vụ phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên. Đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của lực lượng TNXP tỉnh Phú Yên nói riêng và các tỉnh đồng bằng Khu 5 nói chung trong kháng chiến chống Pháp. Nhiệm vụ của TNXP thời kỳ này là tải đạn, vận chuyển lương thực, vận chuyển thương binh phục vụ bộ đội chủ lực chiến đấu đánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp. Trong những năm 1953-1954, 6 liệt sĩ TNXP Phú Yên đã ngã xuống trên chiến trường Tây Nguyên, hiện đang nằm ở nghĩa trang Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai. Trong số những TNXP Phú Yên tham gia phục vụ chiến trường Tây Nguyên nổi lên những tấm gương vượt khó, không ngại gian khổ, ngày đêm trên các cung đường gánh gạo, vận chuyển đạn dược, vũ khí cho bộ đội như Hoàng Hữu Mai, Trần Kim Hiền, Nguyễn Thọ, Lê Tài, Lê Đức Đông, Phạm Kỳ Châu, Nguyễn Hai, Đặng Ngưu, Nguyễn Châu, Nguyễn Thị Dừng... Với đôi vai và đôi chân trần, TNXP Phú Yên không sợ hy sinh, nguy hiểm, dấn thân theo các chiến dịch của bộ đội chủ lực. Họ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của tiền tuyến.
Lực lượng thanh niên Phú Yên không chỉ làm tốt vai trò của mình tại địa phương mà còn ra sức và sẵn sàng hy sinh tính mạng để vượt suối trèo đèo mang lương thực, vũ khí chi viện cho các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa trong cuộc chiến vẫn còn nhiều cam go, ác liệt. Chính vì thế, trong nhân dân đã truyền nhau câu ca dao:
“Sông Ba chảy xuống Đà Rằng
Ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”
Hay câu ca dao khác cũng ca ngợi tình cảm đẹp đẽ ấy:
“Phú Yên tình nghĩa nặng dày
Khánh Hòa nhớ mãi biết ngày nào quên”
Tất cả tinh thần ấy có được bởi ý chí và lòng căm thù giặc sâu sắc đã giúp lực lượng thanh niên Phú Yên vược qua mọi khó khăn để từng bước trưởng thành trong tổ chức cũng như mọi hoạt động của mình, giúp cuộc chiến chống Pháp giành thắng lợi vẻ vang.
Thời kỳ đầy khó khăn và thử thách của quân và dân Phú Yên chính là giai đoạn từ năm 1950-1953, trước thế trận đang đi dần vào hồi kết, thực dân Pháp ngày càng thua đau trên chiến trường Việt Nam. Chính vì thế, nhận được sự viện trợ của Mỹ, chúng càng điên cuồng bắn phá vào vùng tự do một cách dã man. Cộng với thiên tai, lũ lụt, người dân Phú Yên rơi vào nạn đói tưởng chừng không thể khắc phục được. Nhưng nhờ sự chỉ đạo tỉnh táo, sáng suốt của Đảng bộ Phú Yên đã củng cố được lòng tin của nhân dân. Dựa vào nhân dân để tiếp tục giữ vững vùng tự do, tiếp tục sản xuất lúa gạo, hoa màu không chỉ phục vụ tại địa phương mà còn chi viện cho chiến trường Tây Nguyên và Khánh Hòa.
Có thể nói, thành công trong việc khắc phục những khó khăn có sự đóng góp rất to lớn của lực lượng thanh niên. Họ chính là những con người thầm lặng, làm những công việc thầm lặng để cống hiến cho cuộc chiến giành thắng lợi vẻ vang. Họ luôn sát cánh kề vai, luôn có mặt trên các tuyến đường cam go nhất, sẵn sàng giáp mặt quân thù với tinh thần quên mình phục vụ, bất chấp gian khổ để phục vụ cho chiến trường.
Hình ảnh của lực lượng thanh niên trên đường đi công tác vận chuyển hàng hóa ra chiến trường ngày đêm không nghỉ, nêu cao tinh thần quả cảm, vẫn tươi cười trước mọi gian lao thử thách chi viện cho chiến trường bạn. Có những ngày chịu đói, khát rồi đêm mưa tầm tã, những ngày rét len lỏi trong rừng bị muỗi, vắt… nhưng họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nụ cười ấy như tiếp thêm sức mạnh to lớn cho đồng đội, đồng chí trong trận chiến vẫn nắm chắc tay súng chiến đấu.
Những đóng góp của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống Pháp trên các chiến trường phía nam, phía tây Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk là một thực tế đã chứng minh: khi cuộc chiến ngày càng ác liệt, nhu cầu của chiến trường ngày càng lớn về mọi mặt thì công tác vận chuyển, tiếp tế hàng hóa hết sức quan trọng, càng có tính chất quyết định cho thắng lợi, hòa bình được lập lại.
TNXP là người đi đầu trong phong trào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế. Họ mở đường, đắp đập làm thủy lợi để cứu lúa giúp nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than vì hạn hán, mất mùa, vì bom rơi của giặc Pháp luôn tung hoành khắp các đập thủy lợi lớn nhằm ngăn dòng nước về ruộng. Hàng trăm thanh niên tình nguyện gia nhập vào TNXP để góp sức mình vận chuyển nhu yếu phẩm từ lương thực đến thuốc men… ra chiến trường. Những công việc cứu thương đưa các chiến sĩ từ chiến trường về hậu phương cứu chữa kịp thời, họ đã băng rừng vượt suối về đến trạm xá thật nhanh để kịp cứu thương binh. Đã có bao nhiêu máu và nước mắt, bao nhiêu sự hy sinh khôn xiết đã làm nên hình tượng người TNXP sẵn sàng làm tất cả để chiến tranh chấm dứt, đưa hòa bình lập lại trên quê hương mình.
---------------------
Bài 3: Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu
TS CAO VĂN THỬ
(Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Phú Yên)