Thứ Ba, 21/05/2024 17:13 CH
Đường Hồ Chí Minh trên biển 55 năm nhìn lại
Bài 4: Đối phương nói gì về con đường huyền thoại trên biển?
Thứ Bảy, 22/10/2016 15:00 CH

Chính ủy Đoàn 125 Hải quân Võ Huy Phúc (thứ 4 từ phải sang) cùng Anh hùng Hồ Đắc Thạnh (thứ 3 từ phải sang) và Thuyền phó tàu 41 Dương Văn Lộc (thứ 5 từ phải sang - Anh hùng Lực lượng vũ trang hy sinh ngày 28/11/1966 tại bãi biển Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) - Ảnh: PV

Sau sự kiện Vũng Rô (tháng 2/1965) Mỹ - ngụy tiến hành một loạt chủ trương biện pháp nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam trên biển Đông, cùng với việc dùng máy bay đánh phá miền Bắc, dùng thủy lôi phong tỏa các cửa sông, cửa biển nhằm bịt kín con đường ra vào các cảng của ta.

 

Mỹ lập ra kế hoạch “Market time”, tổ chức các lực lượng đặc nhiệm 115, 116, 117, tăng cường lập một số trạm ra đa ven biển và đưa máy bay tuần biển P3B cùng với một mạng lưới điệp viên trên các con tàu buôn nước ngoài ra vào các cảng miền Bắc để tìm dấu vết ngay từ nơi xuất phát.

 

Trên một bài viết đăng trên tạp chí Hải quân ngụy, Phó đô đốc Nguyễn Hữu Chí viết: “Với một mạng lưới phòng thủ dày đặc trên vùng biển Nam Việt Nam thì dù một con muỗi cũng không vào lọt”.

 

Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí với mật danh “Phương Đông 1” cập bến Vàm Lũng ngày 19/10/1962. Tiếp đến là “Phương Đông 2”, 3 và 4 cũng vào bến Cà Mau.

 

Ngày 17/3/1963, chiếc tàu sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí vào bến Trà Vinh đêm 24/3.

 

Với hệ thống giám sát tuần tra ngăn chặn dày đặc như vậy nhưng đối phương vẫn không sao ngăn chặn được. Phó đô đốc Hải quân Sài Gòn lại nói “Chiến hạm của Mỹ nhập cuộc rất đông xem như vây kín duyên hải Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng Cộng sản Bắc Việt có chịu chùn bước xâm nhập”.

 

Tàu Không số chẳng những xuất hiện liên tục trên biển Đông mà còn vào các bến trống trải ở lại ban ngày để tối hôm sau bốc hàng như tàu 41 ở Vũng Rô 3 chuyến.

 

Tàu 401 vào bến Lộ Diêu - Hoài Nhơn, Bình Định mắc cạn, tàu 41 vào bến Phước Hải, Bà Rịa cũng bị mắc cạn gần đồn Phước Hải nằm phơi lưng cả ngày mà đối phương chẳng hề hay biết!

 

Cho đến khi tàu 143 bị lộ vào tháng 2/1965 ở Vũng Rô thì đại tá Mỹ R.Sohresdley viết trên tờ Naval Intitute Press: “Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng lớn chiến cụ bị phát hiện chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của Việt cộng ở những vùng ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là Việt cộng còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”.

 

Tàu 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đột kích vào Hòn Hèo, Khánh Hòa bị địch phát hiện bao vây định bắt sống nhưng cán bộ chiến sĩ tàu 235 đã dũng cảm chiến đấu, sau khi bắn bị thương nhiều tàu Mỹ - ngụy, đã tổ chức đưa thương binh, liệt sĩ vào bờ, còn lại thuyền trưởng Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã dùng bộc phá phá tàu rồi bơi vào bờ, dùng hố bom làm công sự chiến đấu đến viên đạn cuối cùng vào tháng 3/1968. Đài Tự do của chính quyền tường thuật: “Các phi tuần, trực thăng, khu trục võ trang được gọi đến bắn phá. Lực lượng tăng viện đến thì cuộc lục soát bắt đầu. Một toán từ phía bắc xuống, một toán từ dọc đồi phía nam tiến lên khu vực Tân Định, một lực lượng khác gồm 4 tàu dàn hàng ngang tiến vào vịnh, HQ12, HQ617 tiếp tục bắn phá yểm trợ vào sườn núi, nhưng vì chỗ này có nhiều đá ngầm và san hô nên 4 tàu này đều bị cạn, các chiến sĩ đành phải xuống nước vào để hợp lực với lực lượng trên bờ”.

 

Còn tạp chí “Lướt sóng” của Hải quân Sài Gòn viết: “Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam Cộng hòa có phi cơ yểm trợ đụng độ với 1 tiểu đoàn Việt cộng (thực chất có 20 thủy thủ) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập tiếp tế cho mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy không để lại dấu vết”.

 

Tìm, cố truy tìm nhưng tìm mãi vẫn chưa ra manh mối “Mỹ và chính quyền Sài Gòn cảm thấy lượng vũ khí rất lớn mà Việt cộng đang sử dụng được vận chuyển bằng đường biển. Nhưng việc triệt hạ con đường đó là vô cùng khó khăn đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn” và “Thời điểm Việt cộng tấn công quyết liệt, chúng ta (Mỹ - ngụy) chỉ có thể ngăn chặn và đánh trả ở một số nơi nhất định. Bên cạnh đó việc vận chuyển vũ khí và các trang bị khác bằng đường biển hoạt động rất mạnh”.

 

Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát dặn dò Anh hùng Hồ Đắc Thạnh trước khi lên đường vào bến Vũng Rô tháng 11/1964 - Ảnh: PV

 

Sau một thời gian đọ sức với quân dân ta, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ có nguy cơ phá sản. Bộ trưởng Quốc phóng Mỹ Macnamara phải thốt lên rằng: “Mỹ đã thất bại quân sự ở Việt Nam”. còn tướng Oét-mô-len, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam thì cho rằng: “Nếu tình hình phát triển theo chiều hướng này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không trụ được trong vòng 6 tháng”. “Một tâm trạng chán nản vì chiến tranh và một sự tuyệt vọng đang bao trùm khắp Việt Nam đặc biệt là vùng thành thị” vì “Việt cộng chiếm được nhiều quá đến nỗi một lần nữa chúng ta (Mỹ - ngụy) lại đứng trước nguy cơ nước này bị cắt làm đôi bởi một mũi dùi của Việt cộng thọc ra đến tận biển”.

 

Vũ khí tàu Không số đưa vào các bến miền Tây Nam Bộ khá nhiều bao gồm cả tiểu liên AK, súng chống tăng B41, ĐKZ75, cối 81, cối 120 tạo điều kiện thuận lợi cho quân giải phóng bắn rơi máy bay, đánh chìm tàu chiến và các loại xe cơ giới, phá hủy nhiều đồn bốt khiến đối phương khiếp sợ. Ngày 15/9/1963, viên Tỉnh trưởng An Xuyên Nguyễn Thành Hoàng đã có báo cáo: “Vũ khí Việt cộng vượt ra ngoài các ước tính của chúng ta, Việt cộng đã dùng cối 81, súng 12,7mm, ĐKZ75 những thứ mà Quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của chúng rất dồi dào, điều mà trước đây chúng ta chưa bao giờ làm được”.

 

Cuối năm 1968, Tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, tranh thủ thời cơ hiếm có này, Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho Đoàn 125 tập trung lực lượng tàu vận chuyển gián tiếp qua Quân khu 4 vào các cửa Hội, Sông Gianh và sau này là Cửa Việt với tên gọi VT5 tạo chân hàng cho Đoàn 559 chuyển tới các chiến trường xăng dầu và các loại vật chất khác từ Hải Phòng vào Nam Khu 4.

 

Tuy thế, đoàn vẫn dành một số tàu vận chuyển trực tiếp vào chiến trường miền Nam. Con đường vận chuyển vũ khí chi viện miền Nam bằng đường biển đã làm cho các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ phải lao tâm khổ tứ tìm cách đối phó ngăn chặn nhưng đều bất lực. Trên cuốn sách “Một số quan điểm chiến lược để bảo vệ duyên hải Việt Nam Cộng hòa” - Phó đô đốc Hải quân Sài Gòn Nguyễn Hữu Chí viết: “Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển… Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta (Mỹ - ngụy) giá trị của Hải quân Bắc Việt đã nói lên trước dư luận quốc tế” và “Nhà nước Bắc Việt nếu sử dụng tàu tiếp vận theo đường lối đó xét rằng không những có phần tin tưởng ở cấp cán bộ chuyên nghiệp của họ, mà điều họ tin tưởng mạnh mẽ hơn, chính là tỉ lệ nguy hiểm chấp nhận được thấp hơn tỉ lệ thành công thâm nhập. Có thế họ mới duy trì kế hoạch đưa súng đạn vào bằng đường biển.

 

Bài cuối: Mãi mãi đi vào lịch sử

 

HỒ ĐẮC THẠNH

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trưởng tàu Không số (ký hiệu 41) anh hùng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek