Thứ Năm, 28/11/2024 21:36 CH
Còn mãi với thời gian (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 20/03/2014 08:58 SA

Đầu năm 1967, tôi đang điều trị vết thương tại trạm xá huyện Đồng Xuân thì nhận được thư của Ban miền Nam thuộc Ban Bí thư TW Đoàn cùng với thư gia đình từ Hà Nội gửi vào. Biết tin người thân, bạn bè đều bình yên, mạnh khỏe là một niềm vui, nhưng kèm theo đó là một nỗi buồn kinh khủng khi TW Đoàn báo tin anh Nguyễn Tuấn Giao đã hy sinh tại chiến trường gần Sài Gòn - Chợ Lớn. Thế là đồng chí trưởng đoàn cán bộ thanh vận TW của chúng tôi sẽ mãi không bao giờ có thể thực hiện được điều ước hẹn gần 3 năm trước đây! Không khí, nhịp thở của chiến tranh làm cho người trong cuộc phải gác lại mọi chuyện để nhường chỗ cho những công việc cấp bách hơn. Đúng vào lúc này, tôi được giao nhiệm vụ kiêm phụ trách Ban Tuyên huấn Huyện ủy. Đến cuối năm 1967, do tình hình chuyển biến, Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân đã đề nghị lên Ban Chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên ra quyết định điều động, bổ nhiệm tôi làm chính trị viên Huyện đội kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng Huyện đội Đồng Xuân, chức vụ Bí thư Huyện đoàn được giao lại cho đồng chí Nguyễn Tài, và sau đó là đồng chí Đỗ Vĩnh Tân. Môi trường lãnh đạo, chỉ huy lực lượng quân sự không cho phép tôi làm việc thường xuyên với Đoàn Thanh niên. Tuy nhiên, tôi vẫn theo dõi, biết được anh chị em bên Huyện đoàn hoạt động rất tốt, duy trì được phong trào, tiếp tục đưa thêm hàng trăm nam nữ thanh, thiếu niên ra vùng giải phóng, liên tục mở nhiều lớp học, tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội trên cả 3 vùng chiến lược. Huyện đoàn đã động viên, tổ chức đưa từng tốp thanh niên về tỉnh bổ sung cho Ban Giao vận, trở thành lực lượng “Thanh niên xung phong”, và cho các ngành tuyên huấn, giáo dục, giao bưu…Một số anh chị em xung phong vào bộ đội tăng cường cho các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa… Tôi nghĩ mình không còn trực tiếp công tác Đoàn, nhưng được sống, chiến đấu cùng thế hệ trẻ trong lực lượng vũ trang, bán vũ trang cũng là một niềm hạnh phúc. Thời gian rồi sẽ qua đi, nhưng ký ức trong tôi không bao giờ phai mờ về những tập thể, những cá nhân có phẩm chất anh hùng. Những sự kiện tiêu biểu, đẹp đẽ của một thời kỳ mà sự sống chết như trở bàn tay. Trách nhiệm bắt buộc tôi phải nhớ, và ghi lại phần nào về những con người đáng yêu mến ấy!

 

Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân và cả năm 1968, cấp trên giao nhiệm vụ diệt địch, thu vũ khí thành một chỉ tiêu cụ thể, nhưng quy luật hoạt động của địch thường ban đêm trốn vào đồn, bốt để ban ngày dựa vào quân số, vũ khí, sự yểm trợ của phi pháo lùng sục, khủng bố, hiếp đáp nhân dân. Lực lượng ta thì cả quân số, vũ khí đều yếu hơn địch nên rất khó thực hiện mệnh lệnh chiến đấu. Trong tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ Đại đội ĐK9 và Trung đội Trinh sát đặc công đề xuất 1 phương án tác chiến vừa độc đáo vừa thông minh và vô cùng táo bạo: Ban đêm vào làm công tác dân vận để “nằm” lại trong nhà dân, chờ ban ngày chúng đến sẽ bất ngờ xuất kích tiêu diệt. Muốn làm được phải biết tin dân, khôn khéo và sẵn sàng chấp nhận tổn thất hy sinh nếu tình huống bất trắc xảy ra. Anh em chấp nhận ngay và hành động lập công giành chiến thắng vang dội, điều quan trọng hơn là nó nhanh chóng trở thành một phương thức tác chiến phổ biến, làm cho địch vừa bị tiêu diệt, vừa bạt vía kinh hồn. Rõ ràng hành động dũng cảm, tự tin, dám xả thân, chấp nhận hy sinh của tuổi trẻ không có gì so sánh được.

 

Cuộc chiến đấu lâu dài, ác liệt, cán bộ chiến sĩ là nam thanh niên hy sinh nhiều, song cũng liên tục được điều động bổ sung cho bộ đội chủ lực. Tại huyện Đồng Xuân hình thành tiểu đội nữ trinh sát - thông tin, hầu hết là những cô gái 17-18 tuổi, như cô Đang, cô Thân, cô Hồng…và tiểu đội nữ pháo binh của cô Tám (Có biệt danh là Tám Bến Tre) công tác, chiến đấu không thua kém nam giới, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong số đó có chị em đã hy sinh, nhưng những hình ảnh ấy mãi mãi không bao giờ mất. Ở huyện Đồng Xuân có người du kích Phan Năm, dùng súng trường CKC bắn rơi 2 máy bay trinh sát IL 19 của địch và nữ du kích Nguyễn Thị Dòn bắn rơi trực thăng địch khi chúng đổ bộ, càn quét, đốt phá quê hương mình. Lúc được tặng thưởng huân chương, có nhà báo hỏi kinh nghiệm, bí quyết nào giúp bắn rơi máy bay địch, người du kích Phan Năm nói: Chẳng có bí quyết nào cả, chỉ chờ “Con cào cào” (IL 19) nó đâm thẳng vào mình để “xãng” (phóng rốc két) thì bóp cò. Còn cô Dòn “Chờ cho trực thăng sà sát mặt đất, nhìn rõ cái mặt thằng Mỹ mới bắn thì không thể nào trật được”...

 

Câu chuyện về “Thép đã tôi thế đấy” được bỏ bìa và xén hết phần giấy trắng (Để nhẹ khi đi đường) sau đó được một người bạn ở Trung ương Đoàn gửi vào quyển “Sống như Anh” cùng với một ít sách báo tài liệu khác, cả 2 cuốn sách này được anh chị em có dịp về họp Huyện đoàn cùng nghe đọc tập thể hoặc mượn riêng để đọc. Điều tôi cảm phục là họ đọc say sưa, có người đọc đi đọc lại nhiều lần mỗi khi có thì giờ rảnh rỗi. Quyển sách theo tôi từ Huyện đoàn, sang Ban Tuyên huấn và về Huyện đội, tôi luôn sẵn sàng cho mượn và khuyến khích mọi người đọc nhưng bao giờ cũng thu lại đúng ngày để bảo quản nó như một phương tiện sử dụng làm công tác chính trị của Đảng, của Đoàn và của lực lượng vũ trang. Tôi chắc rằng việc đọc 2 quyển sách nói trên có ảnh hưởng và liên quan đến hành động dũng cảm trong chiến đấu hy sinh của hàng chục cán bộ chiến sĩ. Đó rõ ràng là một biểu hiện đẹp, một ấn tượng sâu sắc của bản thân mình với thế hệ trẻ.

 

Sau này về tỉnh, 2 quyển sách đã nhàu nát nhưng trở thành vật kỷ niệm quý, rất tiếc sau này sách đã bị thất lạc cùng với tư trang trong một trận càn quét mà bọn địch đã lùng sục vào cơ quan khối dân vận, Mặt trận tỉnh tại vùng căn cứ Bắc Sơn Hòa. Cần nói thêm đôi điều đáng nhớ nữa về những ngày công tác trong lực lượng vũ trang: Việc tôi được cử làm Chính trị viên Huyện Đội Đồng Xuân là bất ngờ và rất khó khăn khi phải chấp hành. Thực tâm, sự lo lắng của tôi không phải sợ ác liệt, gian khổ, hy sinh, mà do công việc hoàn toàn mới mẻ, liệu rồi đây mình có hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, của quân đội giao phó? Nghĩ là vậy nhưng ý thức tổ chức “Quân lệnh như sơn” thúc đẩy tôi bắt tay ngay vào việc, xác định quyết tâm vừa làm, vừa học với lòng đầy tự tin vào bản thân và tin vào đội ngũ cán bộ, chiến sĩ như đã từng tin, dựa vào thế hệ trẻ. Quả nhiên, khi xáp vào việc, cùng đội ngũ cán bộ tham mưu bàn bạc, quyết định những kế hoạch chiến dịch, những chủ trương, biện pháp tổ chức xây dựng lực lượng, công tác chính trị, tư tưởng, đảm bảo hậu cần, nuôi quân, phương án tác chiến…Và kề vai sát cánh với anh chị em trong từng trận chiến đấu, khiến tôi từ bỡ ngỡ đến quen thuộc và dần dần bị cuốn hút vào cách sống, nền nếp sinh hoạt, tình đồng chí, đồng đội của lực lượng vũ trang.

 

Chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 và diễn biến chiến trường cả năm sau đó nổi lên 2 đặc điểm: Quân dân ta giành thắng lợi lớn, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari, nhưng ta cũng chịu tổn thất nặng nề, dẫn đến nhiều khó khăn. Trong tình hình chung đó, Huyện đội Đồng Xuân đạt nhiều thành tích cả trong chiến đấu và xây dựng lực lượng, được tỉnh công nhận là lá cờ đầu của phong trào nhân dân du kích chiến tranh… Những tưởng cuộc đời mình từ đây mãi mãi gắn bó với quân đội khi được thông báo và hướng dẫn làm lý lịch để Ban Chỉ huy Tỉnh đội nhận xét báo báo về Bộ Tư lệnh Quân khu V… Nhưng chính vào thời điểm này, thời điểm cuối năm 1968, vừa tròn 1 năm làm chính trị viên Huyện đội, tôi nhận được quyết định của Tỉnh ủy Phú Yên điều động về tỉnh nhận công tác mới. Tôi hơi phân vân nhưng không thể không chấp hành.

 

Suy tư

 

Ngoảnh lại và nhẩm tính thời gian công tác ở huyện đã 4 năm, thời gian ấy chưa dài nhưng cũng không phải là quá ngắn, bỗng thấy lòng trĩu nặng những suy tư để rút ra đôi điều tâm niệm rất riêng cho bản thân mình: Ở huyện, công tác, chiến đấu trên địa bàn hẹp, không gian đối tượng tiếp xúc có hạn, tính chất gian khổ ác liệt dù sao cũng không bằng chiến trường trọng điểm. Giá như quân khu chính thức điều động, bổ nhiệm trở thành 1 quân nhân, 1 sĩ quan thực thụ về công tác tại Tỉnh Đội, thậm chí cả về quân khu, thì công việc và nếp sinh hoạt khỏi bị đảo lộn… Nhưng giờ đây Tỉnh ủy đã có quyết định điều động về tỉnh nhận công tác mới thì điều đó cũng hợp lý, phải chấp hành mà không nên trình bày thêm bất cứ lý do gì. Tôi tự động viên mình, dù chưa hình dung công tác được Đảng bố trí, phân công trong thời gian tới, nhưng chắc chắn điều kiện, cơ hội cống hiến để trưởng thành sẽ thuận lợi hơn, nhưng khó khăn, gian khổ, thử thách cũng nhất định sẽ vô cùng lớn, vô cùng khắc nghiệt.

 

Theo thói quen của một cán bộ chính trị, tôi liên hệ, phân tích, đánh giá tất cả những gì đã trải qua trong 4 năm ở huyện. 4 năm thật có ý nghĩa, thật đáng tự hào vì mình đã hoàn thành tốt tất cả công việc được Đảng, quân đội và nhân dân giao phó, qua đó đã tích lũy được những kinh nghiệm bổ ích. Còn một điều tâm niệm nữa mà bình thường ít khi dám nghĩ tới, đó là mình may mắn vẫn còn sống, dù đã 2 lần bị thương và không ít lần vượt qua những tình huống “Thập tử nhất sinh”.

 

Nghĩ đến đây, lòng tôi cảm thấy thương nhớ vợ con vô cùng, bởi đã gần 5 năm xa cách. Cổ họng bỗng đắng ngắt và trái tim như ứ nghẹn…

 

Vào thời gian này, anh Hoàng Sơn (Thường gọi là anh Hai Sơn) cùng được Tỉnh ủy điều động về tỉnh nhận công tác mới. Sau vài ngày họp bàn giao xong công việc, chúng tôi đi thăm vài đơn vị huyện ở gần, dự liên hoan chia tay với một số đồng chí trong Huyện ủy rồi khoác ba lô lên đường.

 

Nói một chút về anh Hoàng Sơn: Anh tên thật là Nguyễn Điệu, quê La Hai, xuất thân trong một gia đình trung lưu, tiến bộ, được học hành chu đáo và tham gia cách mạng từ rất sớm. Anh tập kết ra Bắc rồi trở về Nam năm 1959 trong đoàn cán bộ đầu tiên. Là một người lãnh đạo rất hiền từ, cương nghị, có khả năng tập hợp đoàn kết cán bộ trong những lúc khó khăn. Tỉnh ủy đã điều động anh từ Bí thư Huyện ủy Sông Cầu về làm Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân, thay anh Tám Phùng (Nguyễn Tư Thông) hy sinh đầu năm 1968.

 

Đường từ huyện Đồng Xuân lên tỉnh không xa, chỉ mất vài ba ngày qua 2 trạm giao liên là về đến cơ quan Tỉnh ủy. Tuy vậy, khi đi qua các thôn Triêm Đức, Phú Sơn, Bầu Me, Tham Ngãi, Kỳ Lộ… gặp gỡ trò chuyện với bà con quen biết, đến lúc vượt qua dốc đứng, đến “Eo gió” thì trời đã về chiều, cả hai anh em quyết định nghỉ đêm mà không đi tiếp về trạm giao liên. Cơm nước xong, chúng tôi mắc võng trong một khóm rừng thưa có nhiều tảng đá tạo thành hầm trú ẩn tự nhiên, đề phòng pháo cạc nhanh của địch bắn vu vơ từ căn cứ biệt kích Đồng Tre. Một bầu không khí êm dịu thanh bình đưa chúng tôi vào câu chuyện “Luận bàn thời cuộc” mà gần cả năm trời công tác, sinh hoạt trong Huyện ủy chưa bao giờ có dịp nói với nhau. Từ chuyện tình cảm gia đình, chuyện khi về đến tỉnh sẽ nhận công tác ở đâu, chuyện cuộc chiến còn ác liệt và kéo dài đến bao giờ mới kết thúc, chuyện sống chết và cả những dự định cho ngày thắng lợi…

 

Đêm càng về khuya càng trở nên tĩnh mịch, cảm giác bình yên trước cảnh đất trời thơ mộng thật đáng yêu, rừng Eo gió xào xạc như lay động 2 tâm hồn đầy ắp những trăn trở về cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng. Xa xa, tiếng con chim “Bắt cô trói cột” nghe như bạn đồng hành cùng theo vào giấc ngủ… Quả thật, đã lâu lắm chúng tôi mới có dịp trò chuyện thoải mái và ngủ một giấc ngon lành mà không có sự lo lắng nào về trách nhiệm, bởi công việc và thử thách mới còn đang ở phía trước.

 

(Còn nữa)

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Còn mãi với thời gian
Thứ Ba, 18/03/2014 10:07 SA
Náo nức lên đường
Chủ Nhật, 16/02/2014 14:20 CH
Những đôi chân vạn dặm
Thứ Sáu, 14/02/2014 09:46 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek