Người lính của Tiểu đoàn 375, những người con trên quê hương Liên khu 5 được điều động về Phú Yên bổ sung xây dựng lực lượng, chung nhau chiến hào đánh bại cuộc hành quân Át-lăng của giặc Pháp. Những đôi chân của người lính tiểu đoàn đi suốt trong chiến tranh, xây dựng trong hòa bình, khắp mọi miền Tổ quốc.
Đồng chí Phạm Dưng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 375 - Ảnh: T.PHƯƠNG
Điểm xuất phát của những người lính chân trần, chí thép là từ chiến trường Bắc Tây Nguyên có 2 đại đội được tách ra từ Tiểu đoàn 40 độc lập, được lệnh hành quân cấp tốc qua Quảng Ngãi, Bình Định để đứng chân trên địa bàn Phú Yên thành lập Tiểu đoàn 375 (ngày 25/2/1954). Qua 5 tháng chiến đấu, Tiểu đoàn 375 liên tục lập chiến công vang dội. Tên tuổi của Tiểu đoàn 375 gắn liền với nhiều địa danh lịch sử như La Hai, Phong Niên, An Nghiệp, An Lĩnh, đèo Quán Cau, Bàn Nham, Bàn Thạch, Núi Hùng, Tường Quang, TX Tuy Hòa… Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, những người lính tiểu đoàn tiếp bước quân hành về vùng tập kết 300 ngày ở Bình Định làm nhiệm vụ biên phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh đến ngày 15/5/1955 xuống tàu tập kết ra miền Bắc. Họ hành quân không nghỉ từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc. Đất nước tạm thời chia 2 miền, quân dân cả nước mong đợi ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước (7/1956) nhưng đối phương không thi hành hiệp định. Trên đất Thanh Hóa, đơn vị đẫm mình trong rét buốt hàng tháng trời của mùa đông năm 1955 cùng với nhân dân địa phương đắp đê, xây dựng, khôi phục nền kinh tế do hậu quả chiến tranh để lại, kết hợp tập luyện quân sự, xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại. Chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng trắng trợn phá hoại hiệp định với dã tâm chia cắt đất nước lâu dài. Chúng đã tuyên truyền xuyên tạc lôi kéo giáo dân, cầm đầu là một số phần tử phản động gây bạo loạn ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Đầu tháng 7/1957, đơn vị được lệnh hành quân cấp tốc về Quỳnh Lưu, góp phần ổn định tình hình rồi cùng các đơn vị khác hành quân về đứng chân ở địa bàn các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương (Nghệ An). Ngoài việc thực hiện tốt chức năng quân đội, công tác và tập luyện quân sự sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn bắt tay xây dựng doanh trại, chủ yếu tự túc nguyên vật liệu. Trong vòng 6 tháng, những ngọn đồi của các địa phương mà tiểu đoàn đóng quân được khoác lên mình tấm áo mới. Các khu doanh trại mọc lên với nhiều ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Mùa đông năm đó, toàn tiểu đoàn ra sức tập luyện quân sự, sử dụng thông thạo các loại vũ khí hiện đại để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Tất cả mọi người đều chung ý nguyện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những đôi chân của người lính Tiểu đoàn 375 còn vượt ra ngoài biên cương Tổ quốc sang giúp đỡ nước bạn Lào khi quân đội Hoàng Gia lấn chiếm vùng Pa Thét Lào kiểm soát (năm 1962).
Phong trào cách mạng đấu tranh giải phóng miền Nam ngày càng dâng cao, nhất là khi Mặt trận Dân tộc giải phóng ra đời (năm 1960), đòi hỏi sự chi viện nhân tài vật lực của miền Bắc, nhiều anh em trong tiểu đoàn tình nguyện vượt Trường Sơn về chiến đấu và công tác tại quê hương Phú Yên. Tiêu biểu như đồng chí Hồ Đắc Thạnh được đào tạo về binh chủng Hải quân làm Thuyền trưởng tàu Không số, nhiều lần cưỡi sóng, vượt qua lưới lửa bủa vây của kẻ thù, vận chuyển vũ khí lương thực chi viện cho chiến trường Phú Yên, Liên khu 5 được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều đồng chí ở lại Quân khu 4 nằm trong đội hình Sư đoàn 324 tham gia các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ đến ngày toàn thắng thống nhất đất nước. Những đôi chân người lính tiểu đoàn tiếp tục cùng với nhân dân cả nước góp sức xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới ấm no hạnh phúc.
Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn 375 sắp tới cần khắc họa chân dung người lính bằng những đôi chân vạn dặm, góp phần làm nên những kỳ tích vẻ vang của lực lượng vũ trang Phú Yên. Chúng ta không bao giờ quên công lao của cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng; không quên công lao của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng vì tuổi cao sức yếu đã qua đời và đồng chí Chính trị viên Phó tiểu đoàn Nguyễn Lầu đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
TRẦN DOÃN PHU