Thứ Sáu, 20/09/2024 21:29 CH
Còn mãi với thời gian (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 21/03/2014 08:25 SA

TIẾP TỤC CUỘC ĐỒNG HÀNH CÙNG TUỔI TRẺ PHÚ YÊN

 

TỪ BAN TUYÊN HUẤN VÀ TRƯỜNG ĐẢNG TỈNH

 

Đến cơ quan Tỉnh ủy, người chúng tôi gặp đầu tiên là anh Bảy Tính (Bùi Tân), Chánh Văn phòng. Sau khi tay bắt mặt mừng, thăm hỏi sức khỏe, anh Bảy nói: Đồng chí vệ binh sẽ dẫn anh Hai (tức Hai Sơn) sang cơ quan Ban Tổ chức nghỉ ngơi, còn chú Thuật nghỉ chờ tại đây để chiều nay gặp anh Sáu (tức anh Sáu Râu-Trần Suyền).

 

Tôi muốn dò hỏi xem mình sẽ nhận công tác ở đâu nhưng anh Bảy không nói gì, tâm trạng nôn nóng buộc tôi phải suy đoán. Lúc còn ở huyện, tôi được biết sau khi đồng chí Nguyễn Ngọc Trảng, Phạm Công Tuấn, Bí thư và Phó bí thư Tỉnh Đoàn bị địch bắt, chị Lạc được điều động về phụ trách Tỉnh Đoàn cũng hy sinh, cơ quan Tỉnh Đoàn phần đông bị thất tán, hiện chỉ còn vài cán bộ nhưng không hoạt động, không có người đi phía trước…Tình hình như vậy, có thể mình sẽ về Tỉnh Đoàn. Tự nghĩ điều này vừa có lý, vừa phù hợp nguyện vọng, khả năng, lại rất đúng ngành nghề nên tôi cảm thấy yên tâm. Thế nhưng khi gặp anh Sáu- Bí thư Tỉnh ủy, thì sau vài lời thăm hỏi, tôi được nghe 3 câu ngắn củn: Một, phê bình ý thức tổ chức kỷ luật về việc chần chừ muốn quân khu rút để ở lại quân đội khi Tỉnh ủy đã có quyết định điều động về tỉnh. Hai, trước mắt sang Ban Tuyên huấn gặp Bảy Xuân nhận công tác. Ba, lúc nào đi nhớ gặp anh Bảy Tính.

 

Tuy có đôi ba lần gặp, nhưng tiếng tăm “Ông Sáu Râu” thì nghe quá nhiều, bởi vậy tôi chỉ hứa sẽ thực hiện và chào ra về. Anh Bảy Tính tiễn chân, đưa cho tôi mấy trăm đồng “của Thường vụ cho” và dường như đoán trước được tôi chưa bằng lòng sự phân công nên nói nhỏ: Cứ cố gắng làm tốt, có gì sẽ đề xuất sau.

 

Ban Tuyên huấn lúc này đóng tại xã An Lĩnh, tôi về đến nơi gặp ngay anh Tám Phùng (Nguyễn Phùng) vốn là người đã quen thân. Anh Tám dẫn đi giới thiệu với anh chị em cơ quan, trong đó có mấy người cùng quê Đồng Xuân, như chị Nhạn, cậu Nguyễn Hữu Tụ… Khi gặp anh Lương Quý Thức, người trước đó chỉ biết nhau qua những bài thơ cùng được đăng lên báo Phú Yên giải phóng. Anh Quý nói với tôi, sao không sửa giúp mấy bài thơ của anh Tư Rề, để lủng củng quá nên báo tỉnh khó đăng. (Thơ anh Tư Rề đăng trên tờ Bản tin của Đồng Xuân do tôi biên tập gửi để đăng báo Phú Yên giải phóng), rồi nhắc lại 2 câu thơ:

 

“…Trực thăng rơi, rơi cả pháo đèo

Pháo rơi xuống đất lại còng queo…”

 

Tôi nói lại: Làm sao sửa được ý thơ của tác giả, và mấy câu thơ ấy là “thơ Bút Tre” của Đồng Xuân xứng đáng được đăng báo tỉnh, có sao đâu!

 

Mấy ngày sau đó là những bữa cơm sung (Cơm nấu toàn quả sung thay gạo) rồi lánh càn, bám rừng, chui gộp đá tránh phi pháo do bọn Mỹ đổ quân càn quét khu vực hòn Rùa chỉ cách cơ quan vài km. Sau khi địch rút, tôi mới gặp được anh Bảy Xuân (Cao Văn Hoạch) Phó ban Tuyên huấn tỉnh. Anh nói ngay: Ý các anh Thường vụ phân công anh cùng anh Ba Ưa (Đặng Kiếm Ba) lo công việc trường Đảng, ngay bây giờ phải chuẩn bị mở lớp huấn luyện cán bộ chi ủy, vì đã triệu tập rồi. Thế là tôi cùng anh Ba, anh Chín Thức và một số anh chị em của trường (Phong, An, cháu Mai) lại lục tục xoong, nồi, hành quân ngược lên vùng căn cứ Suối Ché, vừa làm lán trại, vừa lo lương thực thực phẩm, chuẩn bị các mặt để đón tiếp học viên kịp ngày khai giảng. Học viên có mặt đầy đủ, đúng thời gian quy định. Lớp học chính thức bắt đầu.

 

Giảng dạy chính trị không phải là sở trường, nhưng với vốn liếng học được từ miền Bắc và kinh nghiệm công tác chính trị, lại được anh Ba Ưa giúp, nên tôi lên bục giảng không mấy khó khăn. Điểm quan trọng và thích thú nhất tại lớp học, tôi gặp hầu hết anh chị em cán bộ trẻ là học viên từ các huyện, thị xã về học, trong đó nhiều đồng chí là Bí thư chi bộ, xã đội trưởng, Bí thư chi đoàn, cán bộ an ninh xã để tìm hiểu, nắm được tình hình, nhất là âm mưu thủ đoạn của địch đối với thanh niên. Khi ở huyện Đồng Xuân, tôi có thể hiểu đến thôn xóm, thuộc tên từng con suối, quả đồi… Nhưng nay về tỉnh, bắt buộc tôi phải làm quen với nhiều thứ, trong đó cần biết rõ số xã, thôn, buôn trên từng địa bàn, địa danh, trục đường, hành lang, sông suối, cửa khẩu và cả họ, tên một số cán bộ lãnh đạo ở một số huyện, ban ngành mà trước đó tôi chưa hề quen biết.

 

Sau 2 tháng lớp học kết thúc, “bộ khung” trường Đảng vừa tăng gia sản xuất, vừa chuẩn bị chờ đủ điều kiện sẽ báo cáo về Ban Tuyên huấn và Thường vụ chiêu sinh mở lớp mới, nói chung thì công việc không có gì gấp gáp, khẩn trương, nhưng ban lãnh đạo trường phải suy nghĩ chuẩn bị nội dung, tài liệu, giáo trình…

 

Ý nghĩ trở lại công tác thanh niên trong tôi vẫn nung nấu. Tôi nhớ câu nói “Trước mắt về Ban Tuyên huấn…” của anh Sáu, và lời mách bảo của anh Bảy Tính “Cố gắng làm tốt công việc, có gì sẽ đề xuất sau”, nên quyết định viết thư trình bày một số tình hình, lý do và đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy cho được chuyển về công tác tại Tỉnh Đoàn với lời hứa đầy quyết tâm. Thời gian này, các anh Chín Méo (Nguyễn Ngọc Trác), Hai Tín đều ủng hộ tôi về công tác thanh niên. Chỉ mấy ngày sau, tôi được anh Bốn (Tức anh Công Minh) Phó bí thư Tỉnh ủy trực tiếp cho biết: Thường vụ đã nhận được thư và đang nghiên cứu. Giao trách nhiệm cho tôi dự thảo một bản chỉ thị ngắn về công tác thanh vận trong tình hình mới.

 

Từ những thông tin và tư liệu có được, tôi thảo bản chỉ thị quan trọng này gửi đến văn phòng nhờ anh Bảy Tính trình ngay với anh Sáu và Thường vụ. Chỉ thị gồm 4 điểm chính:

 

Thứ nhất, địch đang thực hiện nhiều âm mưu thủ đoạn chiến tranh tâm lý, chính sách mị dân lôi kéo thanh niên để thực hiện mục đích cuối cùng là bắt lính và ngăn chặn không để thanh niên, học sinh, sinh viên ngả về cách mạng. Tổ chức Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, Hội Liên hiệp TN giải phóng miền Nam Việt Nam của tỉnh phát triển chậm, chưa đều, lại thiếu phương thức hoạt động là phải khắc phục mặt yếu kém về tổ chức, đẩy mạnh hoạt động làm thất bại âm mưu của địch, giành lại thanh thiếu niên cả về tư tưởng cũng như từng đối tượng, con người cụ thể.

 

Thứ hai, khẩn trương triển khai 3 nhiệm vụ cấp bách trước mắt là vừa đẩy mạnh hoạt động, vừa xây dựng củng cố tổ chức, vừa chăm lo đào tạo cán bộ. Cả 3 nhiệm vụ tiến hành đồng thời nhưng linh hoạt, đan xen, nhiệm vụ nào có điều kiện làm tốt thì tập trung để hỗ trợ thúc đẩy nhiệm vụ khác trong phạm vi toàn tỉnh, trọng điểm là vùng đồng bằng, giáp ranh, thị xã, thị trấn, trường học.

 

Thứ ba, xác định trách nhiệm tổ chức, giáo dục, động viên phong trào thanh niên làm cách mạng là của toàn Đảng bộ, cụ thể tại từng địa phương cơ sở phải có cấp ủy viên hoặc đảng viên trẻ nhiệt tình, gương mẫu phụ trách thanh niên. Đảng không thể khoán trắng cho tổ chức Đoàn vốn đang còn rất yếu kém.

 

Thứ tư, điều động, tăng cường cán bộ, chấn chỉnh cơ quan Tỉnh Đoàn và Huyện, Thị đoàn. Trước hết phải xây dựng lại cơ quan này, đặt biệt là cơ quan Tỉnh Đoàn phải cần tập trung củng cố vững mạnh, đưa cán bộ liên tục bám trụ công tác phía trước, đồng thời phải tạo ra một bộ mặt mới để đoàn kết tập hợp thanh niên. Bản chỉ thị được Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, ban hành đồng thời với quyết định điều động tăng cường cán bộ cơ quan Tỉnh Đoàn. Các Huyện ủy, Thị ủy cũng tiến hành những chủ trương biện pháp tương tự.

 

Từ đây sức sống mới của tuổi trẻ Phú Yên một lần nữa được khơi dậy, truyền thống cách mạng tiếp tục phát huy, phong trào dần dần khôi phục, phát triển cả chiều rộng, chiều sâu, mà điểm bắt đầu từ cơ quan Tỉnh Đoàn.

 

CUỘC HỘI TỤ LỰC LƯỢNG TRẺ, MỞ ĐẦU PHONG TRÀO “5 XUNG PHONG” CỦA THANH NIÊN PHÚ YÊN

 

Khoảng giữa mùa hè năm 1969, sau khi Tỉnh ủy ra chỉ thị tăng cường công tác thanh vận trong tình hình mới, một số cán bộ cốt cán đầu tiên được điều động về cơ quan Tỉnh Đoàn, thay thế các đồng chí cũ sẽ chuyển công tác. Chúng tôi gồm:

 

- Nguyễn Tường Thuật, Phó bí thư Ban Thanh vận, phụ trách chung.

 

- Nguyễn Văn Phú, Ủy viên Ban Thanh vận, Thường vụ Tỉnh Đoàn.

 

- Lê Thị Nguyệt Thu, Ủy viên Ban Thanh vận, Thường vụ Tỉnh Đoàn.

 

- Vũ Thanh Khương, Chánh Văn phòng Tỉnh Đoàn…

 

Cùng thời gian này, TW Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam và Thường vụ Khu Đoàn khu 5 phát động phong trào “5 xung phong” song song với phong trào “3 sẵn sàng” ở miền Bắc.

 

Chỉ vài ngày tạm ổn định và trao đổi nội dung công việc, Ban Thanh vận quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ Đoàn toàn tỉnh nhằm quán triệt, triển khai chỉ thị của Tỉnh ủy và phong trào “5 xung phong”. Điều thú vị bất ngờ là bất chấp khó khăn, thiếu thốn, hầu hết các đồng chí cán bộ được triệu tập đều có mặt với tinh thần hết sức phấn khởi, tin tưởng.

 

Hội nghị nghe báo cáo, sôi nổi bàn bạc, thảo luận thể hiện sự nhất trí cao và có rất nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm cụ thể hóa một cách sinh động việc xây dựng tổ chức, phát động giữ vững phong trào.

 

Hội nghị này làm nổi bật 4 khả năng của cán bộ Đoàn.

 

Thứ nhất, khả năng nắm đường lối, phương pháp công tác thanh vận và sáng tạo trong tổ chức thực hiện.

 

Thứ hai, trong hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng không ai kêu ca phàn nàn mà tự mình tham gia khắc phục bằng tổ chức từng bộ phận, giải quyết đời sống như săn bắn, đi hái rau rừng, măng tre, tìm hái mít, đào sắn (mít trước kia do người dân trồng, sau này địch tàn phá xóm làng nên còn lại rải rác trong rừng, và sắn trồng còn sót lại nhiều năm cũng biến thành rừng) tạo nguồn lương thực thực phẩm. Việc chế biến giao cho các cán bộ phụ nữ. Các cô vừa biết cách huy động hết “Tiềm lực dự trữ” như lương khô, mắm ruốc, mì chính, kết hợp với sự khéo tay, đã biến một cuộc sinh hoạt lớn của Tỉnh Đoàn từ cảnh thiếu thốn, khổ cực, khô khan trở thành “Tươm tất, đầy đủ” khiến mỗi thành viên hội nghị và các đoàn thể bạn rất thích thú.

 

Thứ ba, xây dựng lại cơ quan. Dù ở rừng núi nhưng cuộc chiến đấu lâu dài đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị không được sống tạm bợ. Nhiệm vụ xây dựng ở mỗi cơ quan phải do những cán bộ, nhân viên cơ quan ấy tự lo. Nhưng trước cảnh bề bộn của cơ quan Tỉnh Đoàn, tập thể hội nghị đề xuất và bắt tay hành động ngay việc cất lại nhà ở nhà ăn, phòng trọ, nhà vệ sinh, sân bóng chuyền, đào hầm trú ẩn… chỉ sau 3 ngày lao động có tổ chức, phân công cụ thể, rành mạch, bộ mặt một cơ quan Tỉnh Đoàn mới đã hình thành, biểu thị quyết tâm và khí thế mới của thế hệ trẻ.

 

Thứ tư, khả năng văn hóa văn nghệ, tự tổ chức mọi hoạt động nhất là phong trào ca hát, làm thơ, kể chuyện rất vui, rất ấn tượng đã thu hút cả những cán bộ vốn chưa từng tham gia cũng phải vào cuộc khá sôi nổi. Chính ở mục này xuất hiện “ ca sĩ” Hoàng Kim Hảo hát liên khúc hết sức nhiệt tình, mạnh dạn, dù chưa thật hay nhưng ai cũng nhiệt liệt hoan nghênh.

 

Hội nghị kết thúc, ban lãnh đạo Tỉnh Đoàn phân công triển khai về địa phương, cơ sở với quyết tâm rất cao. Cũng tại hội nghị này, bằng kinh nghiệm bản thân, tôi phát hiện những nhân tố mới, đó là một số cán bộ đầy nhiệt tình, tài hoa và tâm huyết của phong trào thanh niên mà thời gian sau này trở thành cốt cán, tiêu biểu trong Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn cũng như một số cán bộ Đoàn trong tỉnh, kể cả cán bộ Đoàn trong quân đội, trong lực lượng công an vũ trang.

 

Cái cốt lõi trong chỉ thị Tỉnh ủy là giành lại thế hệ trẻ, không được để kẻ thù bắt thanh niên đi lính mà số liệu tổng hợp được trong khoảng thời gian này chúng ta bắt được gần 4.000 người, đồng thời cũng không để địch ngăn cản họ đi theo cách mạng hoặc ít nhất cũng là người không chống lại cách mạng. Còn phong trào “5 xung phong” có nội dung: Tòng quân gia nhập quân giải phóng thi đua giết giặc lập công; đi thanh niên xung phong, đi dân công phục vụ tiền tuyến; đấu tranh chống địch đôn quân bắt lính; đấu tranh chính trị, binh địch vận và thi đua tăng gia sản xuất xây dựng vùng căn cứ cách mạng. Tỉnh Đoàn nhấn mạnh các nội dung, đồng thời lưu ý không nên hiểu, vận dụng một cách máy móc, mà phải từ thực tế, mỗi cán bộ Đoàn trực tiếp bám trụ địa bàn phải rất linh hoạt, chú ý phát hiện, nhân các điển hình xuất sắc trong công tác, chiến đấu của thanh niên toàn tỉnh.

 

(Còn nữa)

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Còn mãi với thời gian
Thứ Ba, 18/03/2014 10:07 SA
Náo nức lên đường
Chủ Nhật, 16/02/2014 14:20 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek