Chủ Nhật, 05/05/2024 21:43 CH
Quân giới Phú Yên:
Sản xuất vũ khí đánh địch trong chiến dịch Át - lăng
Thứ Sáu, 14/03/2014 14:00 CH

Quân giới Phú Yên ra đời vào tháng 10/1945. Vượt qua mọi hy sinh gian khổ, ngành Quân giới vừa xây dựng, trưởng thành từ hai bàn tay trắng nhưng đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất vũ khí, đạn… cung cấp cho chiến trường Phú Yên, Tây Nguyên, các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Trong chiến dịch Xuân hè 1954, ngành Quân giới Phú Yên đã góp phần lớn cùng với quân dân tỉnh Phú Yên đánh bại cuộc hành quân Át - lăng của giặc Pháp.

vu-khi1130414.jpg

Chiến sĩ quân giới cưa vỏ bom lấy thép sản xuất vũ khí - Ảnh: Tư liệu

Để đáp ứng nhu cầu vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang đủ sức ngăn cản bước tiến quân thù, ngày 10/10/1945, Công binh xưởng Cao Thắng, đứa con đầu lòng của ngành Quân giới Phú Yên chính thức ra đời tại Sông Cầu do đồng chí Đỗ Trực chỉ huy. Khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến chống Pháp lan rộng (19/12/1946), yêu cầu về vũ khí súng đạn trở nên cấp thiết nên một số cơ sở công binh khác ra đời như Công binh xưởng 83 của Trung đoàn 83 ở Hòa Mỹ (Tuy Hòa), Công binh xưởng Dân quân ở xã Xuân Sơn (Đồng Xuân). Như vậy, đến năm 1946, Phú Yên có 3 công binh xưởng được thành lập; trong đó, Công binh xưởng Cao Thắng mang tính quy mô hơn.

Qua nhiều lần di chuyển vị trí, từ Sông Cầu về Tuy Hòa lên Củng Sơn, Công binh xưởng Cao Thắng đứng chân ở Triêm Đức (Đồng Xuân). Tại đây, đơn vị bắt tay vào sản xuất, cùng với các công binh ở xưởng khác khắc phục mọi khó khăn để tồn tại và phát triển. Tất cả cán bộ, chiến sĩ xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của người lính quân giới phải vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước hết là khó khăn vì thiếu nguyên vật liệu, nghiêm trọng nhất là sắt, gang, đồng. Để khắc phục khó khăn này, xưởng đã tổ chức những đội công nhân tháo dỡ nhiều đoạn đường ray xe lửa, thu góp phế liệu từ máy móc hư, cũ. Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh phát động Tuần lễ đồng được nhân dân hưởng ứng rầm rộ. Nhiều người đã đem nồi đồng, mâm thau đồng, kể cả bộ tam, ngũ sư thờ cúng tổ tiên để ủng hộ cho công binh xưởng. Nhờ vậy, bước đầu ngành Quân giới Phú Yên khắc phục phần nào sự thiếu thốn nguyên liệu sản xuất vũ khí.

Ngoài việc sửa chữa vũ khí cho bộ binh, Công binh xưởng Cao Thắng còn tự nghiên cứu sản xuất lô súng Sten theo kiểu Nhật, cung cấp 50 khẩu cho các đơn vị sử dụng trong chiến đấu có hiệu quả. Anh chị em trong xưởng mò mẫm vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Có những kinh nghiệm được đổi bằng chính mạng sống của họ như trong việc tìm tòi nghiên cứu chế tạo các loại thuốc nổ để sản xuất lựu đạn, thủ pháo, bộc phá, mìn, địa lôi, thủy lôi… Có ngày Xưởng Cao Thắng sản xuất được hàng trăm quả lựu đạn cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích sử dụng, nhất là mìn trái đào nặng 10kg, mỗi ngày sản xuất có đến 20 đến 30 quả. Năm 1947, Trung đoàn 83 cho nổ quả mìn trái đào tại cuối dốc phía bắc đèo Cả làm chết và bị thương 34 tên lính lê dương. Ngoài ra, các chiến sĩ ngành Quân giới còn sưu tầm các loại thép Inox sản xuất bộ đồ mổ gửi ra chiến trường để phẫu thuật cấp cứu thương binh.

Cuối năm 1953, Quân giới Phú Yên chủ động đối phó với chiến dịch Át - lăng. Phú Yên là mục tiêu đầu tiên của chiến dịch này. Ngành Quân giới dốc sức sản xuất nhiều vũ khí và sửa chữa vũ khí hư hỏng kịp thời đáp ứng nhu cầu cho các chiến trường, các công binh xưởng sát nhập thành công binh xưởng mới lấy tên là QB470. Ngày 20/1/1954, giặc Pháp tấn công TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa). Ngày 16/2/1954, toàn bộ đơn vị QB470 được lệnh di chuyển từ Triêm Đức lên Phú Vang (Đồng Xuân) và khẩn trương bắt tay ngay vào sản xuất với tinh thần “tất cả cho chiến thắng, góp sức đánh bại cuộc hành quân Át - lăng”. Ngày 21/3/1954, một bộ phận gồm 30 cán bộ và công nhân viên do đồng chí Hà Nhật phụ trách đã sản xuất và sửa chữa nhiều vũ khí; một số công nhân kỹ thuật được cử ra chiến trường sửa chữa hệ thống điện đài cho các đơn vị chiến đấu. Ngành Quân giới Phú Yên đã đáp ứng yêu cầu đánh địch trong chiến dịch Át - lăng là kìm chân giặc Pháp trên đất Phú Yên bằng những vũ khí tự chế tạo ra như súng trường, tiểu liên, bộc phá, thủ pháo, lựu đạn, mìn đánh xe đến những vũ khí thông thường nhưng cần thiết cho chiến tranh du kích như chông thò, cạm bẫy, đạp lôi, mìn mũi…

Cùng với quân dân tỉnh Phú Yên, những chiến sĩ quân giới phấn khởi tột cùng khi nghe tin quân ta thắng trận. Trong đó, có cán bộ, chiến sĩ của ngành Quân giới đã không tiếc sức lực, trí tuệ kể cả sự hy sinh mất mát, đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng - đánh bại cuộc hành quân lớn của địch, xứng đáng với lời khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ngành Quân giới Phú Yên có thể tự hào với những chiến công của mình. Tôi gọi là chiến công bởi vì những cố gắng lao động, sáng tạo của anh chị em Quân giới Phú Yên đã góp phần vào thắng lợi chung…”

TRẦN DOÃN PHU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Náo nức lên đường
Chủ Nhật, 16/02/2014 14:20 CH
Những đôi chân vạn dặm
Thứ Sáu, 14/02/2014 09:46 SA
Ngựa xứ nẫu
Thứ Ba, 04/02/2014 19:00 CH
Địa đạo Gò Thì Thùng
Thứ Ba, 04/02/2014 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek