Trong ngày đại hội khai mạc, tuy giữa núi rừng âm u, với hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, nhưng 97 đại biểu (trong đó có 11 đại biểu nữ) là 97 trái tim đầy nhiệt huyết và khối óc đầy sáng tạo đã chủ động cùng nhau tự tìm kiếm tất cả những gì có được để trang trí, tạo nên một hội trường vừa rực rỡ vừa trang nghiêm, khiến tất cả những người có mặt cùng cảnh vật nơi đây tưng bừng chào đón ngày hội lớn của tuổi trẻ. Trong cái khoảnh khắc lịch sử này chiến tranh đã bị đẩy xa về phía quân thù.
Với khẩu hiệu: “Tuổi trẻ Phú Yên mưu trí, dũng cảm và quyết thắng”, đại hội khai mạc trọng thể. Tất cả đại biểu cùng hát vang bài “Khúc quân hành hùng tráng của cách mạng miền Nam”: “Giải phóng Miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước…”.
3 ngày đại hội họp là 3 ngày thảo luận sôi nổi những vấn đề đặt ra. Bầu không khí phấn khởi, hồ hởi thẳng thắn, đoàn kết và dân chủ đã làm cho đại hội vừa đạt được sự nhất trí cao với các văn kiện dự thảo được trình bày trước đại hội, vừa nâng cao thêm nhận thức, hiểu biết cho mỗi đại biểu - Vốn phần lớn là cán bộ, đoàn viên đang công tác ở cơ sở.
Đồng chí Trần Suyền (tên lúc ấy là anh Sáu Thể) Bí thư Tỉnh ủy đã dự suốt thời gian đại hội, theo dõi quá trình thảo luận và luôn đưa ra nhiều ý kiến gợi mở về công tác dân vận đối với thanh niên. Chính anh Sáu, sau khi nghe báo cáo điển hình, đã quyết định đưa đại biểu nhỏ tuổi, xuất sắc là em Đỗ Căn (lúc ấy 14 tuổi) ra miền Bắc học tập.
Đại hội làm việc rất tập trung, khẩn trương nhưng không hề căng thẳng. Nội quy đại hội chỉ cho phép đại biểu được ra khỏi rừng khi mặt trời chen núi để hạn chế tầm nhìn của máy bay địch. Chỉ với ngần ấy không gian nhưng cũng đủ cho các đoàn đại biểu tiếp xúc, vui chơi, từng nhóm tỏa ra các đồi sim lộng gió của dãy cao nguyên Hòn Lúp - Vân Hòa nhìn về hướng thị xã, ước mơ đến một ngày quê hương được giải phóng. Có không ít cán bộ Đoàn khi mới vào đại hội chưa hề quen biết, đã nhanh chóng trở thành những đôi bạn gắn bó, thân thiết cho đến hôm nay.
Hồi ấy chưa có từ “Giao lưu” chưa phổ biến, chỉ có tình yêu vô tư, chân thành của tuổi trẻ. Từ nhiều địa bàn, nhiều chiến trường về Đại hội Đoàn, và từ Đại hội Đoàn, họ đã làm quen, kết thân, ghi cho nhau dòng lưu bút, tặng nhau những vật kỷ niệm đơn sơ như chiếc lược, tấm vải dù, hộp dầu xoa hoặc trao cho nhau nhánh hoa mua, hoa sim màu tím chứa chan niềm tin, hy vọng ngày gặp lại trong chiến thắng.
Có thể nói: Sự hồ hởi, phấn khởi về dự Đại hội Đoàn; nghiêm túc trong thảo luận, học tập; phát triển tình bạn, tình đồng chí đẹp đẽ trong thời gian ngắn ngủi; và chia tay trong lưu luyến với lòng đầy quyết tâm biến nghị quyết thành hành động cụ thể là đặc điểm nổi bật của Đại hội Đoàn toàn tỉnh Phú Yên năm 1970.
Sức sống mãnh liệt của đại hội còn thể hiện sinh động ở chỗ sau đó phong trào thanh thiếu niên phát triển tương đối sâu rộng trên cả 3 vùng chiến lược của tỉnh. Ở đồng bằng đô thị, thanh niên, học sinh liên tục đấu tranh chống bắt lính, chống quân sự hóa học đường. Du kích B phát triển và liên tục đánh địch, một bộ phận đông đảo thanh niên học sinh thoát ly ra vùng giải phóng gia nhập lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong hoặc đưa ra miền Bắc để học tập, đào tạo. Ở vùng giải phóng, vùng căn cứ, phong trào tăng gia sản xuất, đi dân công phục vụ tiền tuyến, mở đường đưa bộ đội chủ lực về chiến trường Phú Yên…, tạo nên những thành tích xuất sắc, đánh dấu một bước lớn mạnh của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên Phú Yên trong giai đoạn này, đồng thời là kinh nghiệm quý báu đóng góp cho phong trào thanh niên toàn Khu V. Tại Đại hội Đoàn toàn khu sau đó, đoàn đại biểu Phú Yên bị kẹt tại đường 19 không ra kịp, song đồng chí Bí thư Tỉnh Đoàn đã được bầu vào Ban Chấp hành Khu đoàn và Thường vụ Khu ủy Khu V đã trao tặng cho thanh niên Phú Yên phần thưởng cao quý: Lá cờ thêu 8 chữ vàng: “TRÍ DŨNG SONG TOÀN, ĐI ĐẦU THẮNG MỸ”.
Sau 30 năm hồi tưởng lại hoạt động của thế hệ trẻ Phú Yên trong một không gian và thời gian ngắn từ một Đại hội Đoàn với sức sống mãnh liệt cho thấy tiềm năng, trí tuệ và phẩm chất cách mạng của tuổi trẻ Phú Yên là rất to lớn, tuổi trẻ là niềm tự hào của các thế hệ người Phú Yên. Sự thật chân lý này nhắc nhở chúng ta - Những lớp người đi trước, và thế hệ thanh niên ngày nay phải luôn biết giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp trong công cuộc đổi mới đất nước, biết sống, phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng cách mạng; cố gắng học tập để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa,vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
NHẬN CÔNG TÁC MỚI TẠI VĂN PHÒNG TỈNH ỦY
Thời gian sau Đại hội Đoàn toàn tỉnh là những ngày vô cùng bận rộn. Trên chiến trường toàn miền Nam, quân dân ta mở nhiều chiến dịch quy mô lớn, kẻ địch vừa bị thất bại nặng nề, vừa điên cuồng đối phó bằng những âm mưu, thủ đoạn mới cực kỳ tàn bạo, xảo quyệt… Chúng bày ra nhiều trò chiến tranh tâm lý, mở chiến dịch “Phượng hoàng” mà thực chất là tung thám báo, gián điệp, rình rập, ly gián nội bộ nhân dân, bôi đen cơ sở cách mạng, đàn áp, khủng bố những người yêu nước. Về quân sự, địch phản kích, càn quét đánh phá vùng căn cứ, vùng giải phóng, phong tỏa vùng giáp ranh, cửa khẩu, gây cho ta nhiều khó khăn. Nhiệm vụ của Đoàn là vừa chủ động tổ chức những hoạt động độc lập, vừa cử cán bộ tham gia các đoàn công tác của tỉnh, của huyện xuống sát vùng giáp ranh để thâm nhập vào dân, nắm lại cơ sở và quần chúng cách mạng.
Phân công triển khai công việc xong, tôi nhận được điện của Ban Thường vụ Khu đoàn V cử đồng chí Ngô Xuân Thảo, ủy viên Ban Chấp hành Khu đoàn vào Phú Yên truyền đạt Nghị quyết Đại hội và nắm thêm tình hình.
Tiếp anh Thảo tại cơ quan Tỉnh Đoàn để nghe truyền đạt kết quả Đại hội Đoàn toàn Khu V mà do bị kẹt tại đường 19 tôi không ra dự được. Nghe truyền đạt xong, chúng tôi cùng trao đổi những kinh nghiệm được Khu đoàn tổng kết của các tỉnh trong toàn khu. Về tình hình Phú Yên, tôi lần lượt trình bày những nét chính về âm mưu, thủ đoạn của địch, quá trình khôi phục, củng cố tổ chức từ sau xuân Mậu Thân 1968, diễn biến phong trào thanh niên trên cả 3 vùng chiến lược, công tác đào tạo cán bộ, một số phương thức hoạt động cụ thể và những kết quả thu được…
Theo ý kiến đề xuất của anh Thảo, tôi cử cán bộ cùng đi với anh xuống một vài địa bàn và giới thiệu đại diện Khu đoàn V trực tiếp gặp một số cán bộ, tổ chức và cở sở quần chúng thanh niên.
Khi anh Thảo về đến cơ quan an toàn, tôi được thường vụ Tỉnh ủy phân công đi công tác Sông Cầu với nội dung công việc và thời gian tương đối dài vì dưới đó phong trào chung và phong trào thanh niên đang còn yếu. Anh Thảo nói với tôi trước lúc chia tay: Thường vụ Khu đoàn nhận, nghiên cứu báo cáo của Tỉnh Đoàn Phú Yên thấy có nhiều mặt tích cực, nên đã đề nghị và Thường vụ Khu ủy V đã trao tặng phong trào thanh niên Phú Yên lá cờ thêu 8 chữ vàng “TRÍ DŨNG SONG TOÀN, ĐI ĐẦU THẮNG MỸ”. Thời gian ngắn, tôi vào đây cùng các anh, kiểm tra tiếp xúc với cơ sở, thấy rõ hoạt động của tổ chức và phong trào khá đều, có nơi nhiều màu sắc độc đáo, nên việc khen thưởng là rất xứng đáng. Hoạt động thực tiễn của thanh niên Phú Yên là kinh nghiệm rất tốt để các tỉnh, thành Đoàn trong toàn Khu V nghiên cứu, vận dụng.
Đặc tính của tuổi trẻ là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nói chuyện tình yêu. Anh Thảo nói vui với tôi: “Phú Yên có nhiều điểm đáng mê quá. Mê cơ quan Tỉnh Đoàn đã đành, tôi còn quan sát, nhận xét đội ngũ cán bộ nữ của “khối ông” có nhiều cô vừa giỏi, vừa xinh xắn, rất dễ thương!”. Tôi nghĩ bụng, với một cán bộ đang độ sung mãn cả thể chất, tinh thần lại chưa có gia đình như anh Thảo, thì chuyện “để ý” các người đẹp Phú Yên thì phải rồi. Tôi hỏi lại: “Vậy ông “chấm” cô nào để tôi làm mai”. Thảo chỉ MTr, MTh, MT, P.P và cả LBC… nói bạn nào cũng dễ thương cả, nhưng phải “xáp” mới biết các em có chịu mình hay không, chứ “Đứng núi này trông núi nọ” thì làm sao nói được. Tiếc rằng hoàn cảnh chiến tranh đã không tạo cơ hội nên duyên, Tỉnh Đoàn Phú Yên cũng lỡ dịp đón một chàng trai Bình Định về làm rể xứ mình!
Cơ quan Huyện ủy Sông Cầu đóng tại núi gộp phía sau “Gò Ông Gạo” cuối làng Bình Nông, tiếp giáp với dãy rừng già, hành lang an toàn đi lên huyện Đồng Xuân và về tỉnh. Cái khó là mọi hoạt động phải hướng ra phía trước, tức là hướng ra phía thị trấn Sông Cầu mà ở đó bọn địch đang ngày đêm kìm kẹp nhân dân. Tôi đến nơi thì anh Trần Bá Thất - Bí thư Huyện ủy và Võ Ngọc Cánh - Phó Bí thư đều đi công tác phía Nam và Bắc huyện. Tại cơ quan chỉ còn đồng chí Nguyễn Đình Thông, Chánh Văn phòng Huyện ủy. Từ cơ quan Huyện ủy đến thị trấn ước tính theo đường chim bay chỉ khoảng 6-7 km, mà anh chị em ở đây chỉ ăn sắn với rau sột (Một loại rau sam mọc trên đá) chấm với nước muối pha mì chính, đủ hiểu tình hình khó khăn đến mức nào. Anh Thông cho biết: Khi nào anh Tư Cánh về thì có gạo, mắm ruốc, cá khô, còn bình thường chỉ có sắn.
Trong khi chờ các đồng chí thường vụ Huyện ủy, anh Thông báo cáo cho tôi nghe khá nhiều tình hình, dường như là dốc cả bầu tâm sự. Khoảng 9 giờ tối, tôi bỗng nghe có tiếng “khịt, khịt” dưới gộp đá, bấm đèn pin soi thì thấy mấy con hón (Một loài nhím nhưng nhỏ hơn) đang ăn vỏ sắn. Tôi lấy dây cao su buộc đèn pin đội đầu và mượn khẩu súng cabin thì anh Thông tỏ ra thiếu tin tưởng và cho tôi biết nếu có tiếng nổ lớn hoặc ánh sáng, dễ bị địch phát hiện bắn pháo, nhưng tôi có kinh nghiệm súng cabin bắn “tà âm” vào gộp đá không gây tiếng nổ lớn, cũng không phát ra ánh sáng. Thế là với 5 phát đạn đã lôi ra từ gộp lên 4 chú hón gần chục ký thịt… Cũng khuya hôm đó, cả anh Thất, anh Cánh đều về mang theo một số lương thực, thực phẩm. Hội nghị thường vụ Huyện ủy được mấy bữa cơm ngon lành.
Tiếp đó, vào một đêm trời tối như mực, anh em đội công tác đưa tôi đi gặp cơ sở tại thôn Long Phước, thị trấn Sông Cầu, luồn lách qua những chỗ nghi địch canh gác phục kích đến được phía sau vườn nhà của cơ sở thì chị ta không chịu gặp. Sau anh em nói người muốn gặp là cán bộ trên tỉnh về, mới được chị chấp nhận. Chỉ vài phút e dè, cảnh giác, chị nhỏ nhẹ kể cho tôi nghe tình hình một cách mạch lạc, rõ ràng về tâm trạng người dân trong thị trấn, vì sao số quần chúng lâu nay có cảm tình với cách mạng bỗng dưng sợ sệt không dám tiếp xúc, bọn ác ôn dựa vào lính bảo an, biệt kích hăm dọa nhân dân trong thôn và những thôn lân cận có bao nhiêu thanh niên đi lính… Thỉnh thoảng chị cũng hỏi thăm tình hình chung, liệu chừng nào có được hòa bình và chính sách của Mặt trận có gì thay đổi đối với lực lượng thứ ba đang đấu tranh cho hòa bình, trung lập… Biết chị đang là cơ sở cốt cán, đảng viên sống hợp pháp, tôi chỉ hỏi thăm tình hình chung và sức khỏe, tuyệt nhiên không hỏi chuyện gia cảnh vì thấy rõ khi nói chuyện chị ý tứ né tránh không muốn nói về gia đình và bản thân mình.
Dù không nhìn rõ mặt nhưng qua giọng nói truyền cảm cùng với tình hình chị cung cấp, tôi đoán chị là một phụ nữ đoan trang, lịch sự, có trình độ và hiểu biết khá nhiều về thời cuộc. Chị nhận lời tôi sẽ tiếp xúc thêm một số đối tượng ở thị trấn Sông Cầu và cả trong thị xã khi có điều kiện. Gần đến giờ chia tay, chị bảo tôi nán lại mấy phút để vào nhà, khi ra chị đưa cho tôi một bao nặng trĩu nói “Gởi cho anh và anh em trên đó chút quà nhỏ”.
(Còn nữa)
NGUYỄN TƯỜNG THUẬT