Thứ Năm, 28/11/2024 21:45 CH
Còn mãi với thời gian
Thứ Ba, 18/03/2014 10:07 SA

LTS: Hồi ký Còn mãi với thời gian của tác giả Nguyễn Tường Thuật (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ) phản ánh sinh động dòng chảy lịch sử hào hùng của tỉnh Phú Yên trong 2 cuộc chiến tranh mà tác giả là một trong những chứng nhân lịch sử. Nhân dịp kỷ niệm 83 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu chương “Đồng hành cùng tuổi trẻ Phú Yên” cùng bạn đọc.

TIẾNG GỌI QUÊ HƯƠNG

TRỞ VỀ

1140318.jpg

Đồng chí Nguyễn Tường Thuật

Cuối năm 1954, tôi tập kết ra miền Bắc trong biên chế lực lượng thanh niên xung phong Trung ương cùng các anh Nguyễn Thăng (Thái Long), Phạm Đình Thái, Lê Thiết, Nguyễn Tiến Đạt, Đặng Sáu…và hàng ngàn cán bộ, đội viên khác thuộc các tỉnh Liên khu V.

Đặt chân lên đất Bắc, chúng tôi được phân công về Tổng đội công trình thuộc Tổng cục Bưu điện, phục vụ tại các công trường xây dựng đường dây điện thoại từ Hà Nội đi khắp các tỉnh, sau đó tôi được cử đi học một khóa 6 tháng tại trường Công an Trung ương. Do ham học hỏi, tích cực, nhiệt tình công tác và có đôi chút năng khiếu nào đó mà tôi liên tục được bầu làm Phó bí thư, rồi Bí thư Đoàn các công trường. Đến năm 1959 trở thành cán bộ Đoàn chuyên trách và làm Bí thư Đoàn Nhà máy gỗ Cầu Đuống - Một trong những nhà máy có đông nam nữ thanh niên công nhân, luôn tổ chức những phong trào lao động, sáng tạo và hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của Đoàn khá sôi nổi ở thủ đô Hà Nội.

Khoảng giữa năm 1964, chủ trương của Đảng, Chính phủ mở ra cho phần đông cán bộ trẻ quê miền Nam cơ hội lựa chọn: Đi học trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương để sang Liên Xô hoặc các nước xã hội chủ nghĩa khác học đại học, hoặc trở về miền Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Tôi quyết định lựa chọn cơ hội thứ hai: Đi B

Những ngày tập trung về TW Đoàn nghiên cứu đường lối chính sách thanh vận; nghiên cứu chiến lược, phương pháp cách mạng miền Nam; rèn luyện thể lực, đoàn cán bộ thanh vận TW gồm 20 anh chị em do anh Nguyễn Tuấn Giao, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đoàn khóa III làm trưởng đoàn, thực sự đã sống trong một bầu không khí đặc biệt với cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Buồn vì sắp xa thủ đô, xa gia đình, xa những người thân yêu nhất, còn vui vì mỗi người đều háo hức muốn vào ngay với các tỉnh, thành phố miền Nam, ở đó phong trào đấu tranh chống địch khủng bố, bắt lính, quân sự hóa học đường, phong trào thoát ly ra vùng căn cứ của các tầng lớp thanh niên học sinh, sinh viên đang sục sôi khí thế cách mạng, cần sự tiếp sức của cán bộ Đoàn. Chúng tôi hẹn nhau khi nào đến nơi sẽ tìm cách liên lạc, trao đổi kinh nghiệm. Và sau ngày toàn thắng, nếu còn sống thì gặp lại nhau ở Đại hội Đoàn toàn quốc tại thủ đô Hà Nội. Một lời hẹn ước đầy lãng mạn!

Sau 3 ngày được phép về thăm gia đình, cơ quan…, đoàn cán bộ thanh vận TW rời trường Đoàn, tập trung tại một địa điểm bí mật cùng với hàng trăm cán bộ các ngành, các địa phương khác được TW Đảng điều động đi B, tiếp tục tập luyện nâng cao thể lực, như mang nặng, leo núi… Tại đây, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo khác của TW đến thăm hỏi, động viên, dặn dò trước khi lên đường. 

 

Ròng rã 3 tháng băng rừng leo dốc, thử thách sự chịu đựng của cơ bắp, tinh thần ý chí cách mạng trước khó khăn, gian khổ, thiếu thốn ốm đau ở Trường Sơn, rồi qua đất bạn Lào, vượt qua 2 cuộc càn quét phong tỏa của địch tại các trục đường chiến lược, đến cuối năm 1964, đoàn cán bộ Phú Yên đã có mặt đầy đủ trên mảnh đất quê hương với niềm vui khó tả. Chúng tôi sung sướng xúc động được đồng chí Hai Tín thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy đến thăm, nói chuyện tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh; tình hình chiến sự; công bố quyết định phân công, dặn dò từng người trước khi về nhận công tác tại các ngành, các huyện. Đồng chí Nguyễn Tường (Hỗ), Lưu Hải Nam (Hoài Đức) và tôi được phân công về huyện Đồng Xuân. Bản thân tôi cảm thấy rất vui khi được đồng chí Tư Rề (Châu Phước Khanh - Bí thư Huyện ủy, bố trí nhận công tác tại cơ quan Huyện Đoàn theo đúng nguyện vọng, và 3 tháng sau đó, chính thức thay đồng chí Trần Văn Thu làm Bí thư Huyện Đoàn Đồng Xuân (Đồng chí Trần Văn Thu, Bí thư huyện Đoàn được Huyện ủy điều động về thị trấn La Hai).

Từ đây, tôi thực sự có dịp đem hiểu biết, tình cảm của mình hòa nhập vào cuộc sống, chiến đấu với thế hệ trẻ huyện nhà, đồng thời đối mặt với hàng loạt âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Mỹ - ngụy trên vấn đề ai nắm được thanh niên, người ấy chắc chắn giành thắng lợi.

ĐỐI MẶT

Để bắt tay ngay vào việc, tôi chủ động tiếp xúc, tìm hiểu, bước đầu nắm một số tình hình: Từ cuối năm 1964, trước sức tấn công, nổi dậy của quân dân toàn tỉnh, địch co cụm về thị xã, thị trấn, chi khu, căn cứ huấn luyện biệt kích và các thôn xã phụ cận. Vùng giải phóng được mở rộng, người dân hưởng chút không khí thanh bình, hăng hái tăng gia sản xuất, xây dựng lại cuộc sống, quyết tâm bảo vệ thành quả đã giành được. Chiến tranh đặc biệt và chính sách “Ấp chiến lược” của Mỹ - ngụy bị phá sản, tưởng chừng ngày thắng lợi hoàn toàn sắp đến gần. Nhưng chính vào lúc này kẻ thù ngoan cố đang toan tính gây những tội ác mới đối với nhân dân ta, vì chúng chưa cam chịu thất bại.

Thời gian sau đó, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân đội cùng với vũ khí tối tân đổ bộ vào miền Nam, phát động cuộc Chiến tranh cục bộ, dùng không quân ném bom gây ra cuộc Chiến tranh phá hoại miền Bắc. Khói lửa chiến tranh ngút trời, địch dùng máy bay rải chất độc hóa học làm trụi lá cây, chất độc màu da cam, bom tấn, bom napan, bom bi, đại bác bắn phá ác liệt cùng với những cuộc càn quét liên miên nhằm thực hiện chính sách “Tam quang”: Giết sạch, đốt sạch, phá sạch, gây ra biết bao đau thương tang tóc đối với người dân vô tội, nhưng thâm độc hơn là thủ đoạn dồn dân, lập vành đai trắng, dụ dỗ chiêu hồi, đôn quân, bắt lính, lung lạc tinh thần, ly gián những người yêu nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cách mạng… việc làm của địch thật sự đã gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất.

Chính lúc này, yêu cầu của cách mạng là phải kịp thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của địch, chỉ ra bản chất xâm lược, thế bị cô lập, suy yếu nhất định dẫn đến thất bại khó tránh khỏi của chúng; làm rõ thế lực cách mạng đang phát triển và thắng lợi của quân dân ta là điều tất yếu. Nhiệm vụ giành dân, giành lại thế hệ trẻ, tạo cho họ nhận thức rõ bản chất kẻ thù, xác định sự lựa chọn con đường phải đi trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Huyện ủy Đồng Xuân giao trách nhiệm nặng nề này cho toàn Đảng bộ, trước hết là Ban Tuyên huấn huyện ủy do đồng chí Lưu Hải Nam phụ trách cùng với Ban Thường vụ Huyện Đoàn và các xã phối hợp triển khai cả 3 vùng, hướng tập trung chủ yếu vào vùng địch đang tạm thời kiểm soát. Bằng nhiều hình thức, kể cả vũ trang tuyên truyền ngay trong vùng địch, “mời” từng người, từng nhóm ra vùng giáp ranh để tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ của thanh niên. Công việc tuy gặp khó khăn nhưng đạt kết quả rõ rệt. Địch không những không bắt được thanh niên đi lính, mà xã nào cũng có từ 5, 7 đến cả chục thanh niên tự nguyện thoát ly gia đình, tham gia công tác cách mạng hoặc tòng quân vào lực lượng vũ trang giải phóng. Mùa đông năm 1965, Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Đồng Xuân mở chiến dịch giải phóng hoàn toàn xã Xuân Sơn, toàn huyện có trên 300 thanh niên thoát ly gia đình tham gia du kích xã, bộ đội huyện, trong đó một số được tăng cường cho tỉnh.

Thấm thoát đã 35 năm, khó có thể nhớ hết tên các đồng chí cán bộ, đoàn viên của Huyện Đoàn, của Ban Tuyên huấn huyện và Huyện Đội, xã đội đã tham gia hoạt động tại một thời điểm sôi động, đầy ý nghĩa. Chắc chắn rất đông cán bộ, đoàn viên và thanh niên ưu tú đã anh dũng hy sinh trên đường công tác, chiến đấu, số còn lại, nhiều đồng chí đã tiến bộ, trưởng thành… Điều có thể khẳng định như một chân lý rằng: Khi đối mặt với thử thách dù khắc nghiệt đến đâu, thì phần đông thế hệ trẻ đều có khả năng giác ngộ lý tưởng cách mạng, họ sẵn sàng chấp nhận đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ và Đoàn đã vạch ra. Một khi thanh niên được tiếp cận, nhìn rõ ánh sáng chính nghĩa, thì kẻ địch, dù trăm phương, nghìn kế cũng khó lòng giành giật, lôi kéo họ ra ngoài quỹ đạo của quy luật phát triển. Nghiệm ra câu nói của Lý Tự Trọng “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” là hoàn toàn đúng với mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam.

Mở đầu mấy trang viết này có nói đến Nguyễn Tường và Lưu Hải Nam. 2 anh vừa là đồng chí vừa là đồng hương với tôi. Chúng tôi quen và thân nhau như ruột thịt ngay từ lúc mới gặp nhau, chuẩn bị vượt Trường Sơn trở về quê hương. Khi về đến huyện cùng tham gia Huyện ủy, riêng Nguyễn Tường được bầu vào Thường vụ, làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng huyện. Cả 2 anh đều rất nhiệt tình giúp tôi làm công tác thanh niên và đều sớm hy sinh, để lại trong lòng tôi cùng nhiều đồng chí, bạn bè thân thiết sự yêu mến và tiếc thương vô hạn! (Còn nữa)

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Náo nức lên đường
Chủ Nhật, 16/02/2014 14:20 CH
Những đôi chân vạn dặm
Thứ Sáu, 14/02/2014 09:46 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek