Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Phú Yên là vựa lúa của vùng Nam Trung Bộ. Quân dân Phú Yên không những sản xuất lương thực đủ ăn mà còn có nhiệm vụ nặng nề là đóng góp lương thực cho các chiến trường bạn như Đắk Lắk, Khánh Hòa… góp phần đánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp.
Đập Tam Giang (Tuy An) tưới nước cho cả ngàn hecta lúa và hoa màu, góp phần đánh bại cuộc hành quân Át-lăng - Ảnh: H.THU
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, năm 1953, Đảng ủy Liên khu 5, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã huy động mọi lực lượng ra sức khắc phục hậu quả địch họa thiên tai, nhất là trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn lương thực dồi dào, đáp ứng tốt yêu cầu Chiến dịch xuân hè năm 1954. Thời gian này, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Phú Yên đã triển khai nghị quyết của Đảng bộ tỉnh phối hợp với các đoàn thể nhất là Hội Nông dân, phát động các tầng lớp nhân dân, bộ đội, công nhân viên nỗ lực tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống đói. Ngoài hệ thống Thủy nông Đồng Cam cung cấp nước nuôi cây lúa cho cánh đồng Tuy Hòa có hơn 15.000ha, còn có đập Tam Giang (Tuy An) là hệ thống thủy nông thứ 2 tưới nước trên 1.000ha. Khi bị địch đánh phá các công trình thủy lợi, ngoài việc sửa chữa nhanh đảm bảo nước tưới kịp thời, nhân dân trong tỉnh còn ra sức làm thủy lợi như đắp đập, đào kênh dẫn nước, đào ao vét giếng, dùng gầu guồng cần vọt ngày đêm tát nước để có nước dẫn về đồng ruộng cứu lúa, cứu hoa màu. Nhờ thế, năng suất lúa trên các cánh đồng lớn của tỉnh đều cao. Nhân dân từ miền núi đến ven biển nỗ lực trồng thêm rau màu, làm thêm vụ lúa tứ quý, còn gọi là lúa đen chịu hạn, gieo 3 tháng là gặt được, năng suất từ 700kg đến 800kg/ha. Ngoài ra, nông dân các huyện trong tỉnh có sáng kiến tăng diện tích và thâm canh vụ lúa tháng Chạp, đạt năng suất từ 2 đến 2,4 tấn/ha. Từ năm 1951, Đảng, Nhà nước ban hành chính sách thuế nông nghiệp, chính sách giảm tô, giảm tức, chia lại công điền đem lại lợi ích cho nông dân. Người dân phấn khởi, hăng hái tham gia đóng góp cho công cuộc kháng chiến như tòng quân, đi dân công hỏa tuyến, tham gia thanh niên xung phong… Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh tổ chức hội nghị học tập để cán bộ, các ngành, các cấp quán triệt ý nghĩa mục đích chính sách thuế nông nghiệp, thành lập ban thuế nông nghiệp xã, lập bộ thuế nông nghiệp. Cán bộ lãnh đạo các ngành từ tỉnh đến huyện về tận các xã, thôn tuyên truyền giải thích chính sách thuế nông nghiệp. Năm 1953, thực hiện công tác thuế nông nghiệp, thầy và trò Trường Lương Văn Chánh được bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán thuế nông nghiệp rồi tỏa về các xã trong tỉnh đo lại ruộng đất, lập bộ thuế để giúp các địa phương nhanh chóng thu thuế nông nghiệp được gần 10.000 tấn lúa. Xã An Ninh (Tuy An) thu thuế nông nghiệp đứng đầu tỉnh với hơn 100 tấn. Phú Yên đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, phát triển lương thực đủ ăn, cung cấp cho chiến trường Khánh Hòa, Tây Nguyên với hàng ngàn tấn. Để lúa gạo Phú Yên và các nguồn thực phẩm tiếp tế kịp thời cho các chiến trường, tỉnh đã huy động sức người vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy. Cụ thể trong Chiến dịch xuân hè 1954, Phú Yên đã huy động gần 10.000 người hầu hết là nam nữ thanh niên, dân quân, dân công; 936 ngựa thồ để vận chuyển 140 tấn gạo, muối cho các chiến trường Tây Nguyên, Khánh Hòa. Lúa, gạo, muối của Phú Yên đã đáp ứng yêu cầu từ các chiến trường, góp phần đánh bại cuộc hành quân Át-lăng của giặc Pháp.
Cảm kích trước tinh thần đoàn kết chiến đấu sắt son giữa hậu phương và tiền tuyến lúc bấy giờ, nhân dân truyền nhau câu ca dao:
Sông Ba chảy xuống Đà Rằng
Ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên
Phú Yên tình nghĩa nặng dày
Khánh Hòa nhớ mãi biết ngày nào quên.
TRẦN DOÃN PHU