Thứ Năm, 28/11/2024 23:48 CH
Thanh niên Phú Yên trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước:
Đi đầu các phong trào đấu tranh cách mạng
Thứ Sáu, 14/03/2014 08:15 SA

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tổ chức Đoàn Thanh niên Phú Yên được củng cố và xây dựng vững mạnh làm nền tảng cho các phong trào đấu tranh cách mạng. Do vậy, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuổi trẻ Phú Yên tiếp bước truyền thống của cha ông tổ chức nhiều phong trào đấu tranh bảo vệ đất nước, bảo vệ cách mạng.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20/7/1954), đế quốc Mỹ nhảy vào tiếp quản miền Nam, Việt Nam. Bọn Mỹ đã lộ rõ bản chất hiếu chiến, phản động khi chúng trắng trợn phản đối Hiệp định Giơ-ne-vơ. Địch đã cấu kết với các lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, xuyên tạc trắng trợn thắng lợi của cuộc kháng chiến nhằm ly gián niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Ở Phú Yên, Mỹ - Diệm thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình, tiến hành bắt bớ cán bộ, đảng viên Cộng sản, gây nên bao cảnh chết chóc thương tâm cho người dân. Mỹ - Diệm cho xây dựng nhiều nhà tù, trại giam khắp nơi trong tỉnh…Trước tình hình đó, lực lượng thanh niên Phú Yên đóng vai trò nòng cốt trong phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; làm liên lạc cho cách mạng cũng như nuôi dưỡng bảo vệ cách mạng. Bước vào cuộc chiến đấu mới, thanh niên Phú Yên cùng với quân và dân trong tỉnh chuyển hướng từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị; từ đấu tranh công khai sang đấu tranh bí mật dưới các hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp. Nhiều thanh niên bị địch bắt, giam cầm tra tấn rất dã man nhưng vẫn bảo vệ khí tiết của người thanh niên cách mạng trong chốn lao tù, điển hình như Lê Quyết Chiến, Bùi Thị Thanh Vân và nhiều thanh niên yêu nước khác…

Tuy địch khủng bố tàn bạo nhưng không thể dập tắt được phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt thời gian này, khoảng vào năm 1956, nhân dân mà chủ yếu là lực lượng thanh niên đã đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước, đồng thời đưa một số thanh niên là con em gia đình cách mạng tập kết ra Bắc học tập để làm nòng cốt cho cách mạng sau này. Cơ sở Đảng từng bước phục hồi, nhân dân một lòng hướng theo Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng. Lực lượng thanh niên đã cho rải truyền đơn, treo khẩu hiệu rất nhiều nơi trong tỉnh. Địch thấy vậy, ngoài việc bắt bớ, giam cầm, chúng đã tìm mọi cách mua chuộc dụ dỗ thanh niên hòng làm tê liệt ý chí đấu tranh nhưng chúng đã thất bại. Phong trào ở đồng bằng bị đánh phá thì phong trào hoạt động của thanh niên ở miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn được giữ vững. Cán bộ phong trào người dân tộc thiểu số cũng như người Kinh được phân công bám sát quần chúng, bám sát phong trào, gắn bó với già làng, tổ chức hoạt động bất hợp pháp. Các tổ chức thanh niên thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng nên được quần chúng tin tưởng chở che. Thanh niên người dân tộc thiểu số sử dụng các tập quán đào hầm, mang cung săn thú rừng bảo vệ nương rẫy để ngăn địch đi lùng, hoặc dùng các loại vũ khí thô sơ để chống địch, bảo vệ cán bộ cách mạng.

Khoảng giữa năm 1956, Mỹ - Diệm tổ chức đánh phá miền núi ác liệt. Chúng thực hiện chính sách dồn dân để dễ bề cai trị và dễ tiêu diệt lực lượng cách mạng. Thời điểm này, ta đã triệu tập cuộc họp chống dồn dân, đồng thời cử 18 người chủ yếu là thanh niên cùng với già làng đi đấu tranh đòi được tự do lập buôn làng buộc địch phải nhượng bộ.

Cũng trong năm 1956, Mỹ - Diệm tổ chức bầu cử Quốc hội và gặp phải sự phản ứng quyết liệt của nhân dân. Phong trào đấu tranh chống bầu cử Quốc hội được phát triển rầm rộ bằng nhiều hình thức như không tham gia bầu cử; in, viết truyền đơn vạch mặt Ngô Đình Diệm là tên bán nước hại dân. Nếu buộc phải đi bỏ phiếu thì bỏ phiếu trắng, quệt lọ nghẹ lên phiếu hoặc làm rách phiếu…

Ngô Đình Diệm hết sức thâm độc khi đề ra chủ trương “Tố cộng, diệt cộng”. Chúng chọn những xã có phong trào chống Pháp mạnh làm nơi tố cộng điển hình như Hòa Trị, Hòa Kiến, Hòa Hiệp, An Thạch, An Ninh, Xuân Phương, Xuân Lộc. Nội dung tố cộng là xuyên tạc một số chủ trương chính sách của Đảng trong 9 năm chống thực dân Pháp, tố xong chúng bắt xé cờ Đảng, hô khẩu hiệu chống Đảng… Trước chính sách tố cộng của địch, các tổ chức Đoàn Thanh niên đã kịp thời vận động thanh niên lẩn tránh, không tham gia tố cộng, không làm việc cho địch, ngược lại thanh niên đã tuyên truyền để xây dựng cơ sở hoạt động cách mạng, chuyển thư từ của người đi tập kết về cho gia đình họ hoặc tố những tên đầu hàng phản bội làm tay sai cho giặc. Trong phong trào này có nhiều đồng chí đã bị giặc bắt tù đày và hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ như Nguyễn Thanh Hương (xã Hòa Trị, Phú Hòa), Lê Chơi (xã An Mỹ, Tuy An), Lê Văn Thành (TX Tuy Hòa), Trần Bá Tư (xã Xuân Quang, Đồng Xuân)…

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng thanh niên Phú Yên nổi lên nhiều phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi. Truyền thống đó đã được tuổi trẻ Phú Yên kế thừa, phát huy một cách toàn diện trong suốt những năm dài của cuộc trường chinh chống Mỹ, cùng với quân dân trong tỉnh đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào để giải phóng tỉnh Phú Yên, thống nhất đất nước.

------------------------

* Trong bài có sử dụng một số tư liệu lịch sử trong cuốn: Lịch sử Đoàn và phong trào Thanh thiếu niên Phú Yên (1930-1975).

HÀ ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những đôi chân vạn dặm
Thứ Sáu, 14/02/2014 09:46 SA
Ngựa xứ nẫu
Thứ Ba, 04/02/2014 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek