Thứ Tư, 02/10/2024 23:33 CH
Làng người cao tuổi
Thứ Tư, 25/06/2008 13:27 CH

Thôn Long Nguyên (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) có 22 hộ, 30 nhân khẩu. Đặc biệt, cư dân của thôn này đều là những người cao tuổi, người trẻ nhất làng thì tuổi cũng đã ngót... 50!

 

Long-Nguyen-080625.jpg

Đường vào thôn Long Nguyên – Ảnh: H.NAM

 

LÀNG MÌNH, MÌNH Ở

 

Chủ tịch UBND xã Xuân Long Phạm Minh Hạnh cho biết: Thôn Long Nguyên nằm xa trung tâm xã và là nơi khó khăn nhất về giao thông đi lại. Để vào được thôn này, chúng tôi phải lội qua hai khúc sông và đi 3 cây số đường rừng.

 

Theo thống kê của UBND xã Xuân Long, từ năm 2003 trở về trước, lúc cây mía lên ngôi, thôn Long Nguyên có đến 200 hộ dân sinh sống. Cụ Nguyễn Thị Giảng, nay 82 tuổi, kể: “Những năm cây mía có giá, lúc đó hai bên đường nhà mọc lên san sát. Không chỉ có người trong thôn mà người xứ khác đến khai hoang trồng mía theo mùa vụ gần cả trăm người. Bây giờ lớp trẻ đi hết rồi, nhà chỉ còn nằm một dãy bên đường, nhà nọ cách nhà kia đám đất rộng, có khi tối lửa tắt đèn gọi hàng xóm khó nghe được”. Còn bà Lê Thị Hường, 61 tuổi, nói thêm vào: “Ở đây ban đêm có bao nhiêu ngọn đèn là có bao nhiêu cụ già sinh sống. Các cụ sống ở đây ai cũng có con cháu, nhưng ban ngày chúng đi làm rẫy, còn ban đêm đều về dưới thôn Long Bình vì con cái đang ăn học ở đó. Một tháng, thỉnh thoảng chúng ở lại một hai đêm. Đó là mùa vụ còn, chứ khi hết mùa thu hoạch sắn, mía thì có khi 4-5 ngày, mấy em, mấy cháu mới đến một lần”. Vào mùa thu hoạch sắn mía, ngày nào cũng vậy, từ 6-8 giờ sáng, những tiếng xe máy từ cầu Trà Ô (xã Xuân Lãnh) chạy vào thôn. Những người này có tuổi đời từ 20 trở lên, tất cả đều lập gia đình. Họ là con cháu các cụ già trong thôn, ban ngày họ đi làm công việc thu hoạch sắn mía, trồng đậu bắp… Từ 17 giờ trở đi, họ “xuống núi”, những tiếng xe máy bắt đầu lăn bánh chạy ra khỏi làng... Lúc này, cư dân trẻ nhất làng là bà Bùi Thị Hồng, 50 tuổi; còn lại là những cụ tuổi từ 60 đến ngoài 80.

 

Vào sâu trong thôn Long Nguyên, chúng tôi gặp khu rừng Lỗ Vàng bạt ngàn, theo các anh ở xã Xuân Long là rộng đến 200 ha. Khu rừng này độ dốc thấp, đất màu mỡ, từng là vùng “đất vàng” của dân trồng mía. Nhưng từ sau năm 2003, khi thu nhập từ cây mía bấp bênh, người ở xứ khác về quê cũ tìm nghề mới làm ăn; người trẻ tuổi ở Long Nguyên cũng lần lượt rời làng vì nơi đây xa trường, xa chợ, không điện, đi lại khó khăn...

 

Vì sao những người lớn tuổi không muốn “xuống núi” mà vẫn chọn cuộc sống nơi núi rừng heo hút này? Cụ Phạm Huỳnh, 83 tuổi, cho biết: “Lớp người chúng tôi sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này. Thời chiến tranh giặc giã, bom đạn ác liệt, khó khăn gấp cả trăm lần giờ mà tụi tôi còn bám trụ được. Giờ thì đất nước yên bình, nhà cửa đàng hoàng rồi. Làng mình mình ở, làm ăn sinh sống, chứ đi đâu nữa?”.

 

cu-Quynh-080625.jpg

Cụ Huỳnh, 83 tuổi, trong căn nhà của mình – Ảnh: H.NAM

 

THUYẾT PHỤC, NHƯNG DÂN KHÔNG ĐI

 

Cách đây 5 năm, thôn Long Nguyên được UBND huyện Đồng Xuân xây dựng nhà văn hóa và hệ thống pin năng lượng mặt trời. Thế nhưng, không hiểu sao pin năng lượng mặt trời không cho điện, nên nhà văn hóa lúc nào cũng khóa chặt. Cụ Huỳnh, cụ Hường ao ước xem được vở cải lương, hát bội trên ti vi, nhưng ước mơ ấy không thực hiện được. Pin năng lượng mặt trời hư hỏng, chiếc ti vi đắp chiếu nằm đó, thế là tối đến nhà ai nấy ngủ.

 

Mùa mưa lũ, hai nhánh của con sông Cô chặn tuyến đường huyết mạch vào thôn, nước chảy xiết đến nỗi hiếm có phương tiện nào qua lại được. Thôn Long Nguyên nằm biệt lập giữa núi rừng. Mùa lũ năm 2007, trời mưa liên tục, phải chờ cả tháng trời các cụ già mới lại ăn được món cá tươi do con cháu mua từ chợ thị trấn La Hai gởi lên. Còn những ngày bị nước lũ cô lập, thức ăn chỉ là mắm mít ủ sẵn và rau rừng.

 

Chủ tịch UBND xã Xuân Long Phạm Minh Hạnh nói: Biết đời sống các cụ ở thôn Long Nguyên khó khăn, dù chính quyền, Mặt trận đã vận động xây tặng 100% hộ dân nơi đây nhà đại đoàn kết, chúng tôi cũng không an tâm. Từ lâu, xã đã dành quỹ đất thổ cư ở thôn Long Bình, trung tâm của xã, để chuyển bà con trong thôn này đến sinh sống. Đoàn thể và chính quyền địa phương nhiều lần động viên, nhưng các cụ không chịu đi vì cho rằng đó là mảnh đất chôn nhau cắt rốn..

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 7)
Thứ Tư, 25/06/2008 08:15 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 6)
Thứ Ba, 24/06/2008 14:10 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 5)
Thứ Hai, 23/06/2008 07:40 SA
Tác nghiệp ở Trường Sa
Chủ Nhật, 22/06/2008 14:00 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 4)
Thứ Sáu, 20/06/2008 13:43 CH
Cảm nhận Trường Sa (Kỳ 3)
Thứ Năm, 19/06/2008 14:03 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek