Hễ có heo chết, dân thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) - nơi vừa phát hiện một ổ dịch heo tai xanh - tự chở đi vứt xác ở bãi rác. Riêng gia đình có heo chết hàng loạt vì bệnh tai xanh thì chôn heo kín cả vườn nhà!
Xác heo chết vứt bừa bãi tại khu vực vườn đào, gần bãi rác của thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) - Ảnh: A.NGỌC |
Như Báo Phú Yên đã thông tin, ngày 21/9, sau khi phát hiện ổ dịch heo tai xanh ở thôn Giai Sơn, sáng 24/9 ngành Thú y Phú Yên phối hợp cùng các cơ quan chức năng huyện Tuy An tiến hành tiêu hủy đàn heo 65 con của hộ ông Võ Đình Sang theo đúng quy trình.
VỨT XÁC HEO CHẾT BỪA BÃI
Tuy nhiên, theo người dân, từ tháng 7 đến nay, trên địa bàn thôn Giai Sơn có hơn 10 hộ nuôi heo, mỗi hộ có 10-20 con mắc bệnh chết. Hầu hết xác heo chết chưa qua tiêu hủy và các hộ nuôi cho biết là đã vứt tự do ra môi trường bên ngoài vì không có ai cung cấp thuốc cũng như hướng dẫn cách tiêu độc sát trùng và đào hố chôn như thế nào.
Hôm qua, chúng tôi đến thôn Giai Sơn và nhận thấy ở khu vực vườn đào gần bãi rác của thôn có rất nhiều bao đựng xác heo chết vứt bừa bãi, bốc mùi hôi thối. Ông N.V.V ở thôn này cho biết: “Cách đây chừng 2 tháng, đàn heo 25 con của nhà tôi mắc bệnh và chết sạch. Gia đình đem vứt xác heo chết ngoài động dương và khu vực vườn đào gần bãi rác cách nhà khoảng 1km. Tôi nghĩ việc vứt heo chết ra bãi rác là đã đảm bảo an toàn vệ sinh…”.
CHÔN XÁC HEO BỊ BỆNH TAI XANH KÍN VƯỜN NHÀ!
Còn gia đình ông Võ Đình Sang, nơi được xác định là có ổ dịch heo tai xanh, cho biết: “Ngày 7/9, sau khi báo cáo tình hình đàn heo của tôi bị bệnh cho cơ quan thú y huyện Tuy An, ngày 8/9 cán bộ thú y tỉnh, huyện và xã đến nhà tiến hành mổ khám 2 con heo để chẩn đoán bệnh. Sau khi mổ xong, cán bộ thú y hướng dẫn cho gia đình tiêu độc sát trùng và đào hố chôn ngay phía sau cách chuồng heo khoảng 2m. Những ngày sau đó, khi có heo chết, gia đình cũng chôn cạnh hố chôn cũ được chỉ trước đó. Đến khi không còn đất trống để chôn thì tôi mang xác heo ra vườn đào chôn”.
Bà Thành (vợ ông Sang) chỉ hố chôn heo trong vườn nhà, gần chuồng nuôi heo - Ảnh: T.HƯƠNG |
Chưa đủ điều kiện công bố dịch tai xanh Trước thông tin đã xác định đàn heo ở một hộ nuôi tại thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) mắc bệnh heo tai xanh, trao đổi với Báo Phú Yên, bà Đỗ Thị Đậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên, cho biết chưa đủ điều kiện để công bố dịch tại thôn này. Dẫn văn bản hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, bà Đậu nói rằng đây là ổ dịch xảy ra một hộ chăn nuôi, do đó chưa đủ điều kiện để Chi cục Thú y tham mưu cho UBND tỉnh công bố dịch tai xanh tại thôn Giai Sơn. Cũng theo bà Đậu, hiện tại ngành Thú y Phú Yên tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh trong khu vực và thực hiện tiêu độc 2 lần/ngày tại ổ dịch nhà ông Võ Đình Sang để bao vây, khống chế dập tắt ổ dịch trong thời gian sớm nhất, tránh lây lan. HOÀI
Theo quan sát của chúng tôi, nơi chăn nuôi của gia đình ông Sang nằm ngay trong khu dân cư, có nhiều hộ dân sinh sống và nhiều hộ chăn nuôi heo khác. Ông Sang cho biết đã chôn khoảng 30 con heo lớn nhỏ trong khu đất trống của gia đình rộng khoảng 35m2. Ông Sang nói: “Từ đó đến nay chưa có ai hướng dẫn tôi phải đào lên đem chôn nơi khác hoặc dùng thêm loại hóa chất nào để xử lý hố chôn này”.
Theo ông Phạm Xuân Phước, cán bộ thú y xã An Mỹ, trước thời điểm tiêu hủy (24/9), vì chưa thành lập đội tiêu hủy nên khi có heo chết gia đình ông Sang tự tiêu độc, sát trùng và chôn lấp theo hướng dẫn trước đó của ngành thú y. Nhưng theo lời bà Đoàn Thị Thành, vợ ông Sang: “Khi cán bộ thú y đến tiêu hủy 65 con heo còn lại của gia đình, tôi có báo cáo về số lượng heo chết đã chôn sau nhà, cán bộ trong đoàn tiêu hủy bảo số lượng nhỏ không đáng kể, chỉ cần tiêu độc khử trùng là đủ. Hiện nay gia đình tôi rất lo, không biết chôn mấy chục con heo chết trong vườn nhà có ảnh hưởng gì không. Gia đình tôi rất mong các cơ quan chức năng giúp đỡ”.
Theo công văn số 561, ngày 16/4/2008 của Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT hướng dẫn về chôn lấp heo chết nhằm ngăn chặn sự phát tán của mầm bệnh, khống chế dịch nhanh chóng, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường: Có thể chôn lấp tại nơi xảy ra dịch, đây là lựa chọn ưu tiên vì hạn chế sự lây lan mầm bệnh, phù hợp với các quy định trong phòng chống dịch bệnh, dập dịch đồng thời dễ dàng áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên chỉ thích hợp với khối lượng tiêu hủy không quá lớn, trại chăn nuôi xa khu dân cư, có đất rộng. Khoảng cách từ hố chôn đến giếng nước, chuồng trại, nhà ở của công nhân: khối lượng chôn lấp nhỏ hơn 5 tấn/hố, cần khoảng cách tối thiểu hơn 50m…
Xác heo chết vứt bừa bãi ngoài môi trường rất dễ lây lan, phát tán mầm bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Việc cán bộ thú y hướng dẫn gia đình ông Sang chôn heo chết trong khuôn viên nhà là trái với quy định, từ đó ông Sang tiếp tục chôn lấp đến nay với số lượng lớn nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng xử lý các hố chôn này.
ANH NGỌC – TUYẾT HƯƠNG